Thoát án tử thần!

Ngày đăng: 09:48 06/10/2023 Lượt xem: 576
                                                                                   
THOÁT LƯỠI HÁI TỬ THẦN.
 
          Xe chúng tôi dừng lai ở lối rẽ nhà chị Nguyễn Thị Ty, CCB trung đoàn đường ống 671 thì đã có bốn năm người đang đứng chờ. Khi đại tá Mai Trọng Phước bước xuống, Một phụ nữ trạc sáu mươi chạy tới, ôm lấy ông, nghẹn ngào:
- Thủ trưởng ơi, bao năm rồi, không có cơ hội để gặp thủ trưởng. Nay thấy thủ trưởng còn khỏe thế này, em mừng lắm.
          Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 592, Trung đoàn đường ống đầu tiên của bộ đội xăng dầu 559. Sau này, ông là Cục trưởng Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần. Nay đã ở tuổi chín mươi. Bất ngờ vì cuộc gặp mặt này, ông cũng không nén được xúc động:
-  Mùi đấy ư?Thôi, nín đi nào. Thấy cô khỏe mạnh thế này, tôi vui lắm. Nhớ ngày chia tay để cô trở về quê, tôi ái ngại quá: Mắt mờ, sức khỏe suy kiệt.
Chúng tôi được đón vào nhà để ăn bữa tối. Nguyễn Thị Ty là ủy viên Ban Chấp hành Hội truyền thống đường ống xăng dầu Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa. Căn nhà của chị luôn là một điểm dừng chân trong những lần chúng tôi vào làm công tác nghĩa tình đồng đội ở miền Trung. Cả hai anh chi đều là lính Trường Sơn. Một bức tranh về con đường Trường Sơn uốn lượn giữa những ngọn núi châp chùng chiếm toàn bộ diện tích bức tường chính ở phòng khách, khiến cho đồng đội cũ ngắm nó, không thể không nhớ  về những ngày hào hùng đẹp đẽ thời tuổi trẻ.
Riêng tôi, gặp lại Mùi cũng là một bất ngờ.
Ngót bốn mươi năm rồi, Nguyễn Thị Mùi ngày ấy là một cô gái trẻ xinh đẹp, dũng cảm và xông xáo của Trung đoàn đường ống 532. Ba năm liền sau nhập ngũ, Mùi là chiến sỹ thi đua. Đến mùa mưa năm thứ tư thì lên cơn sốt rét ác tính. Khi đồng đội cáng lên bệnh xá Trung đoàn thì Mùi đã mê man, hầm hập sôt. Đến chiều thì lên cơn co giật. Hai hôm sau, mọi sự cố gắng của các y bác sỹ đã hoàn toàn vô vọng. Sự ra đi của người con gái nổi tiếng của Trung đoàn khiến bao người xót xa. Tôi đi cùng Trung đoàn trưởng Nguyễn Công Sỏi và một số cán bộ cơ quan đến bệnh xá nhìn mặt cô lần cuối. Mùi đã được đặt vào áo quan lót bằng chiếc võng làm vải liệm. Cô nằm đó, yên lành như đang ngủ, gương mặt xinh đẹp đã ngả màu xanh tái. Chúng tôi đứng quanh chiếc quan tài, nói những lời tiễn biệt trước khi liệm. Bỗng Trung đoàn trưởng Nguyễn Công Sỏi thảng thốt:
  • Có cái gì đó lạ lắm, tôi cảm thấy cô ấy chưa chết!
Không lý giải được “Cái gì lạ lắm ấy” cụ thể là gì, nhưng cả bác sỹ bệnh xá cũng đồng tình với linh cảm đó. Trung đoàn trưởng ra lệnh: Hãy làm tất cả để cứu cô ấy. Nối rồi, ông lâý từ trong túi áo một mẩu sâm Triều Tiên, cậy răng và bỏ mẩu sâm ấy vào miệng cô gái.
Mùi đã được đưa ra khỏi áo quan, và dần dần tỉnh lại. Những ngày sau đó, lại tiếp tục là cuộc giành dật cô khỏi tay tử thần. Hầu hết số máu khô của bệnh xá được truyền cho Mùi, cùng tất cả những biện pháp có thể làm với một bệnh xá dã chiến trên Trường Sơn. Mùi đã được cứu sống, nhưng mắt bị mờ và sức khỏe thì hoàn toàn suy kiệt. Mùi được đưa ra hậu phương.
Gặp lại những đồng đội cũ, Mùi xúc động kể lại quãng đời sau đó của mình:
 
          Từ Trường Sơn ra, em được đua về một Đoàn an dưỡng. Sau khi bình phục, em trở về nhà. Gọi là bình phục vậy thôi, nhưng sức khỏe em còn yếu lắm. Phải vật lộn với bệnh tật và cuộc sống nghèo khó, nhưng em luôn tâm niệm: Bao nhiêu gian khổ ác liệt ở Trường Sơn vượt qua được thì bây giờ phải phấn đấu để sống cho ra sống, để không phụ công ơn, ân nghĩa của thủ trưởng và đồng đội. Khoảng một năm sau hòa bình, Thủ trưởng Sỏi tìm đến nhà em. Em nhận ngay ra thủ trưởng khi nhìn thấy lờ mờ cái dáng cao gầy  của một người đang bước qua cổng. Cảm động quá, em chạy ra ôm lấy thủ trưởng khóc ròng:
-    Thủ trưởng ơi. Bao năm rồi, qua bao lửa đạn, qua bao nhiêu đơn vị với hàng ngàn chiến sỹ, sao thủ trưởng vẫn nhớ và tìm đến em ở nơi miền quê hẻo lánh này?
Thủ trưởng Sỏi  gỡ tay em và ôn tồn:
-    Vì em là một người rất đặc biệt. Ba năm liền là Chiến sỹ thi đua, nêu gương sáng cho đơn vị. Khi ngã bệnh, tử thần đã đến tận nơi mà không cướp em đi đươc. Ngày ấy, chuyển em ra tuyến sau, tôi vô cùng ái ngại. Mắt mờ, sức yếu, rồi không biết sau này ra sao. Tôi tâm niệm nếu hòa bình trở về, nhất định phải tìm lại em xem em sống thế nào.
Em mừng mừng tủi tủi kể lại cho thủ trưởng cuộc sống của mình từ khi rời khỏi Trung đoàn. Thủ trưởng xót xa:
  • Vậy bây giờ em được hưởng chính sách gì rồi?
  • Em đang làm thủ tục, nhưng khó khăn quá. Mắt em mờ, sức yếu nên chưa thể ra Hà Nội được.
Thủ trưởng Sỏi đặt vào tay em những giấy tờ mà thủ trưởng đã chuẩn bị từ hồi ở Trung đoàn, và một ít tiền:
-   Em hãy mang các giấy tờ này ra Hà Nội làm các thủ tục cần thiết. Tôi đang công tác tận Tây Nguyên. Nếu khó khăn gì, hãy liên hệ với các anh cán bộ đường ống cũ, nhất là anh Mai Trọng Phước, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 592, nay là Cục trưởng Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần.
Với giấy tờ mà thủ trưởng Sỏi đã chuẩn bị, em ra Hà Nội tìm đến thủ trưởng Phước. Em ở nhà thủ trưởng Phước suốt thời gian làm thủ tục để giải quyết chính sách. Gia đình Thủ trưởng không chỉ cho em ăn, ngủ, mà đích thân thủ trưởng  và các đồng đội cũ giúp đỡ em làm thủ tục ở các cơ quan. Em được hưởng chính sách bênh binh mất sức 81%, tiêu chuẩn có người phục vụ. Ngày em rời Hà Nội, vợ chồng thủ trưởng còn cho em quần áo và tiền đi đường. Kể đến đây, Mùi xúc động nắm tay Đại tá Mai Trọng Phước- Đó là kỉ niệm đầy ân nghĩa trong cuộc đời em, vì thủ trưởng là người chỉ huy cấp cao lắm, lại không phải là thủ trưởng trực tiếp của đơn vị em- Người cựu binh già xúc động- Đó là trách nhiệm của đồng đội thôi, có gì lớn đâu. Rồi sau đó cuộc sống của cô thế nào?
Mùi kể tiếp: Từ ngày được hưởng chính sách, cuộc sống và sức khỏe của em khá dần lên. Rồi em cũng được một người đem lòng yêu thương. Với một người phụ nữ đã đi qua biết bao mất mát, gian nan, thì tình cảm của người ấy như như một cơn mưa mát lành tưới lên cây đời em đang khô khát. Tiếc thay, vì nhiều lý do bất khả kháng nên hai đứa không thể tiến tới hôn nhân. Hai đứa chia tay, nhưng trong em đã có được cái mầm cốt nhục của anh ấy. Em không trách anh, mà cảm ơn anh, vì nhờ anh em được làm mẹ, và đoạn đời khó khăn phía trước, em sẽ có một đứa con để mà chăm sóc, để mà nương tựa. Đứa con trai sinh ra mang họ mẹ. Em dồn hết tình cảm tâm sức nuôi nó nên người. Đến tuổi thanh niên, nó nhập ngũ. Em muốn nó phục vụ lâu dài trong quân đội theo con đường của mẹ  nên khi nó săp hết nghĩa vụ quân sự, Em viết một lá thư lên Bộ trưởng Phùng Quang Thanh xin cho nó được ở lại quân đội. Nó nói: “Mẹ ơi, nếu đất nước có chiến tranh, con sẵn sàng vào lính. Nhưng nay đất nước hòa bình, sức khỏe mẹ thế này, nỡ nào con để mẹ ở nhà một mình”. Nó ở nhà chăm sóc mẹ, nhưng lại không muốn dựa vào phụ cấp của người chăm sóc bệnh binh nên quyết chí tìm việc làm- Nói rồi, Mùi chỉ vào người thanh niên lưc lưỡng khoảng hai mươi tuổi đứng bên mình- Nó đấy, tên là Nguyễn Văn Phượng, sức vóc vậy mà cứ quyết ở  nhà để báo hiếu cho mẹ. Biết hoàn cảnh của em, anh Hoàng Xuân Nở, CCB cùng Trung đoàn 532, hiện là Giám đốc Công ty Hoàng Tuấn đã nhận nó vào làm việc để gần nhà, tiện về chăm sóc mẹ. Ba mươi năm sau ngày Thủ trưởng Sỏi về thăm, em nhận được tin Thủ trưởng qua đời. Mẹ con dắt nhau về quê Thủ trưởng ở Hưng Yên. Em kể cho gia đình Thủ trưởng nghe câu chuyện của mình, và xin cho mẹ con được đội khăn tang như con chịu tang cha và cháu chịu tang ông ngoại. Thấy trong gia đình có người nghi ngại, em quỳ xuống trước di ảnh của người đã khuất, và khóc: “thủ trưởng ơi, Thủ trưởng đã sinh ra em lần thứ hai. Xin Thủ trưởng hãy nói cho mọi người hiểu tình cảm trong sáng và cao thượng của mình đối với một chiến sỹ dưới quyền nơi lửa đạn, để mẹ con em được đi trong gia đình tiễn đưa thủ trưởng về nơi an nghỉ cuối cùng. Người vợ của thủ trưởng nghen ngào nâng em dậy và đội lên đầu em và con trai những chiếc khăn tang của người ruột thịt.
 Kể đến đây, giọng Mùi nghẹn lại và giọt nước mắt ứa ra khóe mắt. Thủ trưởng và các anh chị ạ. Sau khi thoát khỏi tử thần, thì tất cả những lúc em gặp khó khăn, đểu có bàn tay nâng đỡ tiếp sức của đồng đội.
Ty đỡ lời:
-     Mùi luôn nói với mọi người rằng nhờ nghĩa tình của thủ trưởng, của đồng đội mà chị ấy có được cuộc sống ngày nay.  Chính nghĩ đến cái ân cái nghĩa ấy mà bây giờ, với số tiền thu nhập it ỏi, hàng tháng, Mùi vẫn dành ra một khoản để tích cóp giúp đỡ những đồng đội khó khăn hơn mình.
 
 
 
                                                             
                                                                        HỒ SỸ HẬU
  Hội Truyền thống Đường ống xăng dầu
Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh VN
 
 

tin tức liên quan