Sinh năm 1962 tại Nam Định, năm 1981, chàng thanh niên Lê Lợi lên đường nhập ngũ. Sau gần hai tháng ròng rã lăn lê bò toài, hành quân, tập bắn súng dưới cái nắng như thiêu như đốt của vùng đồi núi Các Sơn (Thanh Hóa), anh cùng đồng đội hành quân sang vùng Hạ Lào để làm nhiệm vụ giúp nước bạn. Đây là nơi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn dùng làm hành lang chiến lược vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược dọc đường chi viện cho miền Nam và hỗ trợ cho lực lượng Pathet Lào. Anh được biên chế ở Tiểu đoàn 18 thông tin của Sư đoàn 968 thuộc Binh đoàn 678 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Công việc của đơn vị anh là bảo đảm thông tin liên lạc giữa Sư đoàn với cấp trên như Bộ Tổng Tham mưu, với Binh đoàn 678, với Quân khu 4, với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, với các đơn vị chiến đấu thuộc Sư đoàn đóng quân rải rác ở các trọng điểm khắp Trung - Hạ Lào với các đơn vị và cơ quan dân chính của bạn, bất kể ngày đêm, khí hậu khắc nghiệt mùa khô hay mùa mưa...
Lúc này địch ở vùng Nam Lào khoảng 9.000 tên còn lực lượng lưu vong ở Thái Lan có 4 tiểu đoàn, chúng thường vượt sông Mê Công về phục kích, phá hoại nhằm lật đổ chính quyền cách mạng mà trọng điểm là Phù Xăng He, Động Mạc Ứ, Động Cưm, Huoay Meun...
Một trong những kỷ niệm trong cuộc đời người lính Quân tình nguyện mà anh không thể quên, đó là một hôm, đường dây liên lạc bị mất tín hiệu, anh cùng hai đồng đội lập tức lên đường. Khẩu AK cùng những cuộn dây như muốn kéo sụm đôi vai gầy. Đi được một lúc thì trời đổ mưa. Nước từ trên trời đổ xuống. Nước từ những dòng suối réo gào cuồn cuộn đổ về. Cả đất trời như chìm trong cơn đại hồng thủy.
Anh cùng đồng đội cắt rừng, lần mò đi theo đường dây, mắt căng ra nhìn, các đôi tai vẫn dỏng lên để nghe tiếng động đề phòng quân địch phục kích. Đã có trường hợp đáng tiếc quân ta bị thương vong khi quân phỉ cắt đường dây rồi nằm phục kích. Các anh quyết tâm bằng mọi cách phải nối liền mạch máu thông tin. Rồi mưa cũng tạnh lại là lúc vắt từ đâu ào ào xông đến. Vắt chui vào cổ, vào chân, vào tay, vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể. Vắt no tròn máu sau khi hút tự lăn xuống đất; và rắn, chúng lẫn vào cành cây, bụi cỏ...
Sau gần một buổi cắt rừng, mọi người tìm được nơi đường dây bị đứt. Các anh khẩn trương nối dây điện thoại, kiểm tra thấy tín hiệu thông suốt. Nghe tiếng hồ hởi của cán bộ chỉ huy ở đầu dây bên kia mà các anh quên hết mọi nhọc nhằn, quên đi cái lạnh thấu xương, cái mệt mỏi, cái đau đớn của đôi bàn chân bị gai cào, đá xẻ và cả những trận sốt rét rừng... Hơn bốn năm làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu với những thành tích xuất sắc, tháng 4-1984, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại chiến trường C. Sau đó lần lượt anh được nhận Bằng khen của Sư đoàn 968, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.
|
Cựu chiến binh, bác sĩ Lê Lợi (thứ ba, từ phải sang) và các đồng đội trong ngày gặp mặt cựu chiến binh ngành thông tin nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 52 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 18 Thông tin, Sư đoàn 968. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Năm 1985, khoác trên mình bộ quần áo lính bạc màu, thấm đẫm gió sương biên thùy, anh trở về và thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Bình. Ngày ngày, người cựu chiến binh, lớp trưởng, người sinh viên duy nhất là Đảng ủy viên Nhà trường trong nhiều khóa, tất bật với vòng quay khép kín: Sáng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria học lâm sàng, chiều lên lớp học lý thuyết. Ngoài những buổi tối đi trực ở bệnh viện theo sự phân công, anh mang sách lên hội trường, miệt mài trên từng trang sách.
Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa, anh về công tác tại Phòng Điều phối Dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình (tỉnh Nam Định). Đến năm 2002, anh được chuyển về Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Bướu cổ, làm Trưởng khoa Ký sinh trùng. Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các dự án liên quan đến sức khỏe trẻ em do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ, bác sĩ Lê Lợi còn trực tiếp khám và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh về sán và các loại giun, các bệnh rối loạn nội tiết và chuyển hóa: Cường giáp và suy giáp, đái tháo đường an toàn, hiệu quả tại cộng đồng dân cư các huyện ven biển.
Năm 2009, khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm được thành lập, Sở Y tế tỉnh Nam Định lại điều động anh về làm Phó chi cục trưởng Chi cục này. Anh luôn đi đầu trong công việc, tìm tòi những hướng đi, xây dựng những mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm cho thức ăn đường phố, mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm khu vực lễ hội, cho bếp ăn tập thể trường học, doanh nghiệp… Từ thực tiễn các vụ ngộ độc thực phẩm đông người trên địa bàn mà anh là người trực tiếp chỉ đạo xử lý, anh nảy ra sáng kiến: “Mô hình diễn tập xử lý và điều tra ngộ độc thực phẩm đông người mắc tại bếp ăn tập thể đông người”. Buổi diễn tập được triển khai năm 2014, có sự tham gia, chứng kiến của Bộ Y tế, UBND tỉnh Nam Định, đại diện của 34 tỉnh trong toàn quốc.
Từ đó đến nay đã có nhiều tỉnh áp dụng sáng kiến này để xử lý khi có ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra trong địa phương mình. Với sáng kiến này, anh được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen, được UBND tỉnh công nhận là Sáng kiến cải tiến khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2014....
Một lần, khi vừa kết thúc Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) Việt Nam do Bộ Y tế Việt Nam tổ chức với sự hợp tác và hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), anh nhận được điện thoại của cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Nam Định thông báo bắt giữ một cơ sở vận chuyển 7 tạ lòng lợn không rõ nguồn gốc, vậy là anh nhanh chóng bay từ Đà Nẵng về Nam Định tham gia xử lý số thực phẩm đã bốc mùi hôi thối.
Với anh, những cuộc điện thoại bất kể ngày đêm như thế này là chuyện… thường ngày. Đôi khi, có những việc làm anh ấm lòng, quên đi cái vất vả của công việc.
Có thể nói, từ một người lính thông tin, anh đã không ngừng học tập phấn đấu để trở thành một bác sĩ Chuyên khoa cấp I, một người Thầy thuốc Ưu tú luôn tận tình vì sức khỏe nhân dân. Hơn 10 năm thỉnh giảng ở các trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định và hiện là giảng viên Trường Đại học Lương Thế Vinh, anh trực tiếp tham gia đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã về các lĩnh vực y học dự phòng, giảng viên.
Hiện nay, bác sĩ Lê Lợi đang tham gia Ban chấp hành Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, là Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng Khu vực I, anh được giao làm chủ nhiệm và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học quan trọng. Trong đó, anh cùng với Tiến sĩ Trịnh Thị Oanh ở Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xây dựng đề cương nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật truyền qua thực phẩm” để Bộ Y tế thực hiện trong 3 năm (2011-2013) tại 9 tỉnh trên toàn quốc. Ngoài ra, anh tham gia và báo cáo tại 15 hội nghị khoa học toàn quốc, khu vực, từng được trao 2 giải Báo cáo viên xuất sắc tại Hội nghị khoa học toàn quốc về kiểm nghiệm thực phẩm năm 2010 và 2019.
Nhiều năm qua, bác sĩ Lê Lợi liên tục được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định mời tham gia các hội đồng xét duyệt, hội đồng nghiệm thu các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh cho các ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn...
Với những đóng góp tích cực trong sự nghiệp, anh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc Ưu tú"; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng “Bằng Lao động sáng tạo”, 14 năm liên tục được tặng Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”...
Về với cuộc sống đời thường, nhưng chất lính Trường Sơn trong người bác sĩ ấy vẫn lặng thầm tỏa sáng. Thỉnh thoảng, anh cùng đồng đội trở về chiến trường xưa để tìm đồng đội đang còn nằm lại trên đất bạn. Chính những chuyến đi này đã góp phần tìm cảm hứng cho những tác phẩm thơ, truyện về đồng đội của anh. Trên cương vị là Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, anh đã góp phần nhỏ bé trong việc phát huy phẩm chất, truyền thống Trường Sơn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời đại mới.
PHẠM HỒNG LOAN
(Phạm Sinh ST theo Quân đội Nhân dân ĐT)