Gương sáng Hội viên Trường Sơn:
Trưởng thôn gần gũi với dân, tận tụy với công việc
Anh Nguyễn Khương Duy 66 tuổi, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Truyền thống Trường Sơn(HTT TS) - đường Hồ Chí Minh làm trưởng thôn 12, xã Lộc Ninh , thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình từ tháng 10 năm 2012 đến nay. Với nước da ngăm đen, khuôn mặt nghiêm nghị, nhưng ánh mắt trong sáng, tính tình vui vẻ, dễ gần gủi, phong thái người lính Cụ Hồ: “Nhanh nhẹn, hoạt bát và đầy tinh thần trách nhiệm”, luôn được bà con lối xóm mến phục.
Được biết, anh nhập ngũ năm 1972, thuộc đơn vị F348, binh đoàn 678. Anh đã từng tham gia chiến trường C - K với cấp bậc Đại úy, giữ chức vụ Trợ lý cán bộ Ban cán bộ Sư đoàn. Trước những năm làm trợ lý cán bộ Sư đoàn anh đã từng là chiến sĩ mở đường Trường Sơn từ năm 1972 - 1975. Do hoàn cảnh gia đình nên 1990 anh xuất ngũ về địa phương.
Những năm trước đây, gia đình rất khó khăn, vợ chồng anh phải gắng sức lao động để thoát khỏi cái nghèo. Khi con cái khôn lớn , kinh tế ổn định, anh có điều kiện tham gia các hoạt động ở địa phương. Năm 2012 đến nay anh được bà con tín nhiệm làm trưởng thôn.
Anh chia sẻ về nhiệm vụ gọn trong mấy từ nhưng hàm chứa đủ ý nghĩa: “Trưởng thôn là phải gần gủi với dân và tận tụy với công việc”. Thôn 12 với 100 hộ, hơn 465 nhân khẩu. Nhiều năm qua, thôn xóm luôn bình yên, người dân sống chan hòa, giúp đỡ nhau và chỉ còn 1 hộ nghèo. Đường làng, ngõ xóm rải bê tông sạch sẽ, anh đã vận động bà con đóng góp lắp 42 bóng điện chiếu sáng, mắc 6 loa phóng thanh, 2 âm-li để thông tin tuyên truyền.
Vừa là trưởng thôn lại kiêm Tổ trưởng Công an thôn, Chi hội trưởng CCB-HTT TS, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ, Chi hội trưởng Khuyến học , Tổ trưởng tổ vay vốn NHCSXH, công việc bề bộn luôn căng thẳng nhưng anh đều hoàn thành trôi chảy, thuận lợi. Trong thôn thỉnh thoảng cũng có những vụ xích mích nhưng đều được anh cùng các thành viên Ban mặt trận, tổ hòa giải giải quyết ổn thỏa. Thôn có 2 đội bóng chuyền nam , nữ; 1 đội văn nghệ luyện tập thường xuyên và thi đấu, biểu diễn trong dịp các ngày lễ, Tết, đội bóng chuyền nam có lần giành giải nhất của xã.
Không chỉ giúp bà con ổn định sản xuất, anh cùng với Chi bộ Đảng và các tổ chức của thôn vận động người dân thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào ở địa phương. Năm 2016 thôn không có người sinh con thứ 3. Khi trong thôn có người đau ốm hay gặp hoạn nạn khó khăn, anh thường vận động mọi người đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Đợt bão lũ năm 2016, nhà kho đựng lương thực, đồ đạc, dụng cụ sản xuất của anh bị tốc mái, cây cối trong vườn gãy đổ, nhưng anh tập trung lực lượng của thôn đi ứng cứu thu dọn thóc lúa, đồ dùng cho bà con, dọn dẹp cây đổ bảo đảm an toàn giao thông. Xong việc, anh mới về lo cho nhà mình.
Anh bảo, làm trưởng thôn không dễ, vì thôn có nhiều ngành nghề, nhiều thành phần kinh tế, kinh phí hoạt động hạn chế, đời sống người dân chưa được sung túc, dân trí chưa cao. Muốn làm tốt công việc trước hết mình phải mạnh dạn làm trước, phải có mô hình cụ thể “mắt thấy tai nghe” thì người dân mới tin và làm theo. Trưởng thôn không chỉ là người đầu tàu gương mẫu, mà làm cái gì cũng phải biết huy động sức mạnh của tập thể và sự đồng thuận của người dân thì mới thành công.
Với sự nỗ lực vươn lên, 3 năm liền (2012 – 2015) thôn 12 được tặng cờ và cấp bằng “Thôn văn hóa cấp thành phố”, năm 2016 được công nhận “Thôn văn hóa cấp thành phố giai đoạn 3” và đang được đề nghị cấp bằng “Thôn văn hóa cấp Tỉnh”; các Chi hội CCB, Phụ nữ, Nông dân, NCT được thành phố khen thưởng. Cá nhân ông được Hội CCB, Hội Chữ thập đỏ thành phố và UBND xã tặng nhiều giấy khen, nhưng ông chỉ khiêm tốn bảo: “Đây là thành tích của bà con cả thôn chứ có phải của riêng ai đâu”.
Nguyễn Đại Duẫn