Nguyễn Văn Cường - "Người đánh thức cõi vĩnh hằng"

Ngày đăng: 10:25 21/07/2017 Lượt xem: 968
NGUYỄN VĂN CƯỜNG – “NGƯỜI ĐÁNH THỨC CÕI VĨNH HẰNG”

                         

 Đồng chí Nguyễn Văn Cường (áo trắng) cùng thân nhân của liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh, Đồ Sơn, Hải Phòng.

Ăn cơm tối xong - chị Phượng nhắc chồng hôm nay anh nên đi nghỉ sớm để chuẩn bị sức đi tìm mộ liệt sĩ ở tỉnh ngoài theo hẹn. Nghe lời khuyên của vợ - anh Cường đi nghỉ sớm hơn mọi ngày. Nhưng hôm nay sao anh thao thức không thể nào chợp mắt được. Có lẽ do thời tiết thay đổi nên vết thương trong người nhức nhối làm anh không ngủ được. Một phần anh trăn trở, lo lắng trước chuyến đi xa gần 300km, địa hình lạ - đến một vùng núi non hiểm trở, phức tạp không biết diễn biến cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ra sao?
Anh lại ngồi dậy bật đèn trải chiếc bản đồ ra đưa tay lần mò từng chi tiết như chuẩn bị cho một trận đánh.
Nhìn đồng hồ đã gần một giờ sáng. Ngoài trời cơn mưa rào ập đến. Mùi đất bốc lên khét nẹt. Vì lâu lắm vùng này, nay mới có đợt mưa. Những cây điều, cây mít cũng trở nên khát khao chờ đón những hạt mưa đến muộn.
Mưa vừa tạnh khí trời trở nên mát dịu. Anh bước ra vườn đến nhà tang lễ rồi rảo bước một vòng quanh nghĩa trang trong màn đêm tĩnh mịch. Các loại côn trùng thi nhau hòa tấu phát ra những âm thanh buồn đến não ruột.
Anh liếc nhìn gần 6000 ngôi mộ đang xếp thành hàng dưới ánh sáng mờ ảo trong đêm – có lẽ giờ phút này đồng đội anh đang ngủ say trong lòng đất.
Lòng anh bỗng quặn thắt, suy nghĩ miên man. Anh nghĩ mình tuy bị thương, thập thễnh chân thấp chân cao nhưng vẫn còn may mắn được sống là điều vô cùng diễm phúc. Còn 5931 ngôi mộ đồng đội đang nằm kia, trong đó có tới 2907 mộ chưa rõ họ tên. Thật là nỗi đau của toàn xã hội và mỗi một con người chúng ta. Nỗi đau đó có thể còn kéo dài nhiều thế hệ. Đây chỉ là một trong hàng trăm nghĩa trang trong cả nước, thể hiện sự hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta to lớn biết chừng nào? Đó mới nói những liệt sĩ chúng ta đã quy tập được về nghĩa trang. Còn biết bao liệt sĩ bị mất tích, đã ngã xuống khắp nẻo đường của Tổ quốc hiện còn lưu lạc nơi rừng thẳm, đất này hay trôi dạt đâu đó ở suối, sông hay ra biển cả? Biết bao nhiêu bà mẹ, đã khô cạn nước mắt mong ngóng tin con. Biết bao nhiêu thân nhân ngày đêm trông đợi!
Và anh tin, chắc chắn ngày mai đi tìm kiếm sẽ đạt kết quả. Danh sách sẽ được bổ sung. Đồng đội lại được đưa về đây đoàn tụ. Và đúng như mong đợi, chuyến đi xa vô cùng gian truân vất vả lội suối, trèo đèo đến căn cứ Hòa Mỹ cách phía Tây thành phố Huế tới 127km và cuối cùng hài cốt liệt sĩ Đỗ Như Kỳ hy sinh ngày 28/2/1948 đã được phát hiện đưa về trong niềm vui tột đỉnh của gia đình.
Một kỷ niệm khó quên khác là chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ Huỳnh Công ở Gia Lai tháng 2/2001. Theo kế hoạch chuẩn bị đi tìm một liệt sĩ nhưng đến nơi lại phát hiện thêm hai đồng đội nữa. Anh cho đây là dịp may hiếm có, cần đưa các đồng chí trở về đoàn tụ với đồng đội của mình. Nhưng khó khăn mới lại phát sinh. Chân anh thì què, thân nhân chỉ có một gia đình đi theo. Dụng cụ, trang thiết bị thiếu thốn. Nhưng với tấm lòng cao cả, tất cả vì liệt sĩ thân yêu, anh gói ba bộ hài cốt cho vào ba lô nặng trĩu cõng trên lưng tay chống gậy leo trèo, vượt dốc đưa về nơi quy tập an toàn làm cho nhiều người vô cùng khâm phục.
Một lần khác, anh cất công lên tận cùng rừng núi cực Tây tỉnh Lâm Đồng. Đường đến bản Kronle vô cùng hiểm trở, phải lội đường rừng cả một ngày. Sau đó còn phải dùng thuyền độc mộc. Anh phải thuê hai cư dân người dân tộc có kinh nghiệm chèo lái đưa thuyền ngược dòng cả ngày mới đến nơi chôn cất của liệt sĩ. Lúc đầu bố trí 4 du kích đi theo yểm trợ. Nhưng do thuyền nhỏ sợ không bảo đảm an toàn, nên quyết định cử 2 người có vũ trang theo bảo vệ phòng bọn phỉ Phunrô.
Chuyến đi thật gian nan vất vả - có lẽ còn khổ hơn đoàn thám hiểm của bác sĩ người Pháp Yersin đi khám phá Cao nguyên Lang Biang (tức là Thành phố Đà Lạt bây giờ) ở thế kỷ trước (1890). Bởi thời ấy chỉ có thú dữ và rừng thiêng nước độc còn bây giờ có cả phỉ Phunrô và bom mìn do chiến tranh để lại.
Nhưng niềm vui lại đến với mọi người. Hài cốt liệt sĩ phát hiện chính xác và được bốc đưa về quy tập an toàn.
Đó là chưa kể chuyến đi tìm hài cốt các liệt sĩ ở chiến trường Dốc Mõ giáp tỉnh Khánh Hòa. Trong đó có liệt sĩ Thái hy sinh trong thời kỳ chống Pháp trên 40 năm – và các liệt sĩ Loan, Châu trong thời kỳ chống Mỹ. Có lẽ các ngọn núi, những khu rừng ở miền Tây tỉnh Phú Yên từ Tuy Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, đến Đồng Xuân, Tuy An nơi nào có liệt sĩ hy sinh nơi đó có dấu chân anh tìm kiếm.
Nhìn lại hơn ¼ thế kỷ được giao nhiệm vụ phụ trách quản lý nghĩa trang anh đã trực tiếp tham gia tìm kiếm, bốc quy tập gần 3000 hài cốt liệt sĩ. Đây là con số không nhỏ - là một kỳ tích hiếm thấy - một việc làm không đơn giản chút nào. Có trường hợp anh lao động cả ngày đêm để bốc hài cốt mộ tập thể 42 liệt sĩ hy sinh tết Mậu Thân 1968 ở khu vực trạm điện đường 8, Thành phố Tuy Hòa.
Được hỏi động cơ nào giúp anh làm được những việc như thần thoại vậy? – Anh trả lời: “Tất cả tấm lòng vì đồng đội”. Câu trả lời đơn giản, nhưng cái tâm của người cộng sản, bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ đã soi sáng lòng anh – Làm anh cuốn hút say mê vì tình thương đồng đội. Do công việc thực tế trải dài theo năm tháng, tạo cho anh thói quen nghề nghiệp, sự nhạy cảm của tâm linh. Kinh nghiệm sử dụng bản đồ đối chiếu vào thực địa để tìm phương hướng đối với anh hết sức thành thạo. Anh biết cách phân tích các điều kiện thổ nhưỡng, sự phân hủy của các hài cốt ở mỗi địa bàn, có chất đất khác nhau. Biết nhận dạng địa hình, cây cỏ - nhận định, phỏng đoán đánh dấu và hướng nằm của người mai táng… Có thể nói một nhà địa lý có bằng cấp học vị cao cũng không vượt được anh về kinh nghiệm thực tế bao năm tích lũy.
Ngoài ra anh biết vận dụng, điều tra các cư dân bản địa, từ già làng trưởng bản đến những người biết hoặc có tham gia các trận chiến đấu với các liệt sĩ đã hy sinh. Chính các yếu tố đó đã tạo cho anh những thành công trong quá trình tìm kiếm đạt tỷ lệ cao mà không ai ngờ tới (xấp xỉ 90%).
Đơn cử năm 1996 đến 1999, anh đã tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đưa về mai táng tại nghĩa trang tỉnh 57 mộ. Riêng năm 2000 là 88 mộ, năm 2001 = 18 mộ, năm 2001 = 8 mộ, năm 2003 = 6 mộ, năm 2004 = 15 mộ, năm 2006 = 9 mộ. Nhiều gia đình khi tìm được hài cốt người thân vui mừng xúc động không cầm được nước mắt. Có người gọi anh là thầy Cường. Có người mệnh danh anh là “Người đánh thức cõi vĩnh hằng” với tấm lòng quý mến và kính trọng. Mới đây ngày 23/4/2007 một số bà con và các đồng chí CCB chứng kiến cuộc hội ngộ vô cùng xúc động, đầy nước mắt tại nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, thành phố Tuy Hòa mà tôi trực tiếp có mặt ngay giây phút đầu tiên. Đó là cuộc đoàn tụ giữa chị ruột Hoàng Thị Nà sinh 1941 và em ruột Hoàng Tuấn Dinh sinh 1957 là thân nhân liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh sinh năm 1947, hy sinh ngày 3/11/1967 tại thôn 1, Hà Rại, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên khi anh chưa tròn 20 tuổi.
Chị Nà, anh Dinh ôm nấm mộ người thân khóc nức nở với giọng nói chan đầy nước mắt: “chúng tôi từ xóm 2, phường Vạn Hương, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng vượt trên một ngàn cây số vào đây để tìm mộ liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh sau hơn 40 năm xa cách - chị chậm rãi kể tiếp: Trong lúc miền Bắc đang dấy lên phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Quyết tâm giải phóng miền Nam”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Em tôi Hoàng Tuấn Anh xung phong lên đường nhập ngũ và được vào Nam chiến đấu theo nguyện vọng của mình. Từ ngày nhập ngũ gia đình mất liên lạc, không biết anh chiến đấu ở chiến trường nào cả. Cả gia đình ngày đợi, đêm mong. Đến ngày 15/3/1974 gia đình nhận được giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công. Đề anh hy sinh ở mặt trận phía Nam chứ không ghi rõ địa chỉ địa phương, đơn vị nào?”
Gia đình rất tự hào có người con hy sinh vì Tổ quốc nhưng rất băn khoăn thương xót, mấy chục năm trời thăm dò, nhắn tin, tìm kiếm cơ may tìm được mộ chí của anh. Nhưng tất cả đều rơi vào tình cảnh như mò kim đáy bể. Nhưng vận may đã đến. Một hôm Đài Truyền hình Việt Nam chiếu phim phóng sự anh Nguyễn Văn Cường - người thương binh phụ trách nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác, Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Người có công lớn đi các chiến trường xưa khảo sát, tìm kiếm, khai quật hài cốt liệt sĩ đưa về quy tập tại các nghĩa trang mà anh phụ trách. Trong đoạn phim đó anh Cường có nhắc đến tên liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh quê ở Hải Phòng. Người cháu gọi liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh bằng cậu ruột nghe được thông tin này liền ghi chép vào sổ, báo cho mọi người trong gia đình biết. Cả gia đình, dòng họ vui mừng khôn xiết, nhưng vẫn bán tin bán nghi. Gia đình liền tìm cách gửi thư vào cho anh Cường nhờ anh Cường xác minh. Anh Cường nhận được tin của thân nhân liệt sĩ, anh vô cùng phấn khởi và phúc đáp ngay và hứa sẽ xem xét, thẩm định chính xác, đầy đủ thông tin sẽ báo cho gia đình. Sau thời gian rất ngắn anh đã nắm chắc tư liệu với các thông số đầy đủ. Anh thông báo cho thân nhân liệt sĩ Hoàng Anh Tuấn quê quán Vạn Sơn - Đồ Sơn - Hải Phòng là hạ sỹ hy sinh ngày 03/11/1967 tại thôn 1, Hà Rại, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Chính anh Nguyễn Văn Cường người tìm kiếm nhờ bà Tám dân địa phương biết nơi mai táng liệt sĩ chỉ dẫn và anh trực tiếp khai quật đưa hài cốt liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh về nghĩa trang Đông Tác ngày 23/7/1983. Được mai táng tại lô C số mộ 247 nhưng địa chỉ xã phường của liệt sĩ đã thay đổi. Nhận được tin chính thức mộ liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh cả gia đình vui mừng tột độ. Bà con, Đảng bộ, chính quyền đến thăm như gặp lại người thân sau 40 năm xa cách. Gia đình chọn ngày lành tháng tốt sẽ sắm lễ vào thăm viếng liệt sĩ đúng vào dịp lễ thanh minh năm Quý Hợi 2007. Hai chị em lên đường vào nghĩa trang Đông Tác. Được sự chỉ dẫn chi tiết của anh Cường, được đồng bào Phú Yên hết lòng giúp đỡ, chị Nà và anh Dinh đến nghĩa trang Đông Tác vô cùng thuận lợi. Sau khi thắp nhang mộ liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh và một số liệt sĩ xung quanh, chị Nà, anh Dinh có cảm giác như cả nghĩa trang thức dậy reo hò mừng vui đón tiếp thân nhân liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh từ thành phố cảng Hải Phòng vào đây sau hơn 40 năm hội ngộ. Tiếng khóc sụt sùi vì vui mừng. Những nén nhang trầm mang từ Hải Phòng vào đang tỏa ngát mùi hương. Với lễ vật bình bông nải chuối, bánh kẹo, thuốc lá cũng đơn giản nhưng mang cả tấm lòng. Đặc biệt bài cúng của chị Nà chuẩn bị rất công phu từ quê mang vào. Nội dung bài cúng ca ngợi những tấm gương liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; nói về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Giọng chị đọc khi lên bổng, lúc xuống trầm, có lúc nghẹn ngào làm cho người xung quanh vô cùng xúc động. Còn anh Cường cầm nén nhang đang tỏa khói vẻ mặt đượm buồn, trầm tư. Nhìn vào tấm bia ghi tên liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh và thân nhân liệt sĩ - chắc anh muốn chia sẻ sự mãn nguyện của gia đình tìm được người thân mà bản thân anh đã góp một phần nhỏ bé.
Chị Nà, anh Dũng ca ngợi hết lời về công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên. Ca ngợi và cảm ơn anh Nguyễn Văn Cường - người thương binh, người quản trang hết lòng vì đồng đội - một gương sáng cần nhân rộng trong xã hội để thế hệ trẻ noi theo. Cảm ơn Đài Truyền hình Việt Nam đã cung cấp một thông tin quý mới có cuộc đoàn tụ lịch sử này. Còn anh Cường vốn có đức tính khiêm tốn và ít nói – nhưng hôm nay anh nói lên như bật khóc từ trái tim mình với thân nhân liệt sĩ. “Đây là trách nhiệm – là nghĩa tình đồng đội”. Trước khi rời nghĩa trang Đông Tác về Hải Phòng chị Nà, anh Dinh gửi lời cảm ơn đến tất cả lãnh đạo tỉnh Phú Yên, thành phố Tuy Hòa, phường Phú Lâm và toàn thể nhân dân Phú Yên đã chăm sóc chu đáo phần mộ liệt sĩ Hoàng Tuấn Anh và sự đón tiếp chu đáo, tận tình dành cho thân nhân liệt sĩ. Anh Cường và tôi chở hai thân nhân liệt sĩ ra Quốc lộ I để đón xe về lại thành phố Hải Phòng lúc thành phố trẻ Tuy Hòa vừa lên đèn. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau pha lẫn niềm vui, nỗi buồn khó tả. Chúng tôi chúc thân nhân liệt sĩ đi đến nơi về đến chốn và gửi lời thăm gia quyến ngoài Hải Phòng với tấm lòng biết ơn sâu đậm.
Còn anh Cường lại trở về công việc hàng ngày, âm thầm lặng lẽ như sống với đồng đội với người thân. Anh tập trung tâm huyết chăm sóc cho mái nhà chung của đồng đội luôn luôn khang trang sạch đẹp. Trên 300 cây cảnh khu vực nghĩa trang anh cần mẫn cắt, tỉa tạo dáng quanh năm xinh xắn. Anh ghi chép đối chiếu thường xuyên gần 6000 tấm bia mộ bao giờ cũng đúng khớp, không trường hợp nào bị sai lệch.
Những ngày lễ, tết hay những buổi lễ mai táng hài cốt liệt sĩ, anh và cả gia đình thường thức khuya dậy sớm chuẩn bị nhang đèn, chậu hoa cây cảnh chu đáo để phục vụ các cơ quan, đoàn thể, các ban ngành và các thân nhân, đồng bào các nơi về phúng viếng được đông đảo và bà con ngợi khen. Với con người vốn sinh ra trong cảnh nhà nghèo, ít được học hành lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh và anh chiến đấu bị thương 1972 ngay trên mảnh đất quê hương xã Hòa Đồng giàu truyền thống cách mạng. Địa phương được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cha anh bị địch bắn chết 1966. Vợ anh cũng là quân nhân, Đảng viên nhập ngũ từ năm 1968 ở đội Phẩu của tỉnh đội Phú Yên và đã về hưu từ 1994.
Với 3 con nhỏ còn đang độ tuổi đi học - đứa con trai đầu đang học Cao đẳng xây dựng năm thứ 3. Đứa con gái thứ hai ra trường đang học việc. Đứa con gái út đang học lớp 10. Với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, đời sống còn nhiều khó khăn chật vật, phải tranh thủ ngày nghỉ làm nương rẫy trồng sắn, trồng mía, bán vặt tại nhà để tăng thêm thu nhập để nuôi con cái học hành. Nhưng anh vẫn giữ tấm lòng trong sáng. Một số gia đình khi tìm được hài cốt, mộ chí người thân, họ muốn tặng anh một số tiền gọi là bồi dưỡng, nhưng anh quyết không nhận. Anh không thể làm trái lương tâm của người Đảng viên, người CCB trước vong linh của đồng đội đã khuất.
Với đức tính khiêm tốn, tấm lòng thủy chung hết lòng vì đồng đội, trong công việc anh luộn tận tụy phục vụ đồng chí, đồng bào chu đáo tận tình nên được mọi người yêu mến kính trọng. Được lãnh đạo ngành thương binh lao động tỉnh và cấp trên biểu dương khen thưởng.
Với thành tích và sự cống hiến lớn lao của anh người thương binh ¾ Nguyễn Văn Cường “tàn nhưng không phế” phục vụ chăm lo công tác liệt sĩ vô cùng xuất sắc. Nhiều năm liền được bầu chiến sĩ thi đua. Được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Phú Yên tặng nhiều Bằng khen. Đặc biệt năm 2001 anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Nguyễn Đắc Tấn

198 Lê Thành Phương, P8
Tp.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
ĐT: 0983.398319

 
 
 
 

 
 

tin tức liên quan