Tấm gương Cựu chiến binh Trường Sơn - Đinh Văn Liển. Ký của Phương Liên
Tấm gương
Cựu chiến binh Trường Sơn - Đinh Văn Liển
Ký - Phương Liên
Cuộc họp thường vụ Ban chấp hành Hội Trường Sơn tỉnh Lâm Đồng tại Đà Lạt sáng ngày 15 tháng 7 năm 2017. Sơ kết đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm công tác hội. Ban thường vụ gồm 5 đồng chí, 1 thủ quỹ là 6.
Hôm nay vắng đồng chí Đinh Văn Liển, Chủ tịch Hội Trường Sơn thành phố Bảo Lộc. Không khí trùng hẳn xuống không sôi nổi như mọi kì họp, được biết lý do : “ Vết thương tái phát do còn mảnh đạn trong đầu…” năm nay đồng chí đã ở tuổi tám mươi mốt …
Thống nhất ý kiến… Ban thường vụ quyết định ngay chiều cùng ngày anh em lên xe về Bảo Lộc. Trời mưa không ngớt, tầm tã suốt dọc đường. Chỉ tội cho “ cái gạt nước” làm việc liên tục, tài xế Trường Sơn năm xưa thì giờ cũng ở vào tuổi ngót 70, làm sao giám đua đạp đây? Đoàn chúng tôi tới trung tâm thành phố đã lên đèn. Đồng chí Chủ tịch tỉnh hội, trực tiếp điện thoại cho đồng chí Đinh Văn Liển. Nghe giọng nói của ông vẫn sang sảng phấn chấn, chúng tôi yên tâm và hẹn sáng mai sẽ ghé thăm đồng chí. Phần Thường vụ tỉnh điện thoại chỉ đạo cuộc họp bất thường với thường vụ thành phố Bảo Lộc “ vào buổi sáng ngày mai họp tại nhà đồng chí Liển mục đích chính tìm nhân sự tạm thời bổ sung vị trí đồng chí Liển trong thời gian điều trị vết thương tái phát”
Mặc dù đã xem xét kỹ việc bổ nhiệm , nhưng cũng chỉ là phương án tạm thời để chấp nhận lúc này …
Trời Bảo Lộc vẫn ừng ực nước, mới sáng sớm mà như ngả sang chiều. xe của chúng tôi đậu trên đường, lối xuống ngõ là một con dốc đứng dài khoảng hơn chục mét, phải bước chính giữa, chỉ cần trệch sang là té ngửa vì trơn trượt bởi những mảng rêu của đợt mưa lâu ngày …
Đồng chí Liển lên tận mặt đường đón chúng tôi, vẫn dáng vẻ thanh cao, mái tóc hoa râm chải bóng hất ngược về phía sau, nụ cười thân thiện tươi rói, vẫn những cái bắt tay nồng ấm xiết chặt. Hai đồng chí hai bên, đồng chí Liển đi giữa. Chúng tôi rất lo từng bước chân đi của đồng chí mình cũng phải cẩn thận. Lúc này, ông như biết được sự lo lắng của mọi người. “không sao đâu, đầu hơi quay quay, biêng biêng nhưng vẫn còn tốt chán!”. Rồi ông cười giòn tan. Trong lòng tôi thấy xúc động vô cùng trước cử chỉ, lời nói của đồng chí Cựu Chiến binh Trường Sơn có tuổi đời năm nay tròn 81 . Phải chăng sức mạnh tiềm ẩn bấy lâu do rèn luyện trong ông ? Ông không thể gục ngã dể dàng dưới mưa bom bão đạn? Vậy làm sao có thể dễ dàng khi bên ông có cả một tập thể Hội truyền thống Trường Sơn? Những đồng chí đã gắn bó một thời đan bom…
Nhưng cuộc đời này chẳng có điều gì nói trước, khi những vết thương quái ác còn tồn tại trong cơ thể con người, vết thương không chảy máu lại rất khó băng…
***
…Vẻn vẹn có mười ngày đầu nhập ngũ đồng chí Đinh Văn Liển thuộc quân số của Bộ tư lệnh thông tin. Sau đó đồng chí được cử làm công vụ 6 tháng. Bộ tư lệnh thấy đồng chí là người có năng lực, sức khỏe tốt nên quyết định để đồng chí tự chọn “ một là đi học Bác sỹ hai là cho đi học lái xe” muốn được thỏa trí làm trai vi vu trên những chặng đường dài. Đồng chí Đinh Văn Liển đã quyết định học lái xe. Được đào tạo lái xe một năm lúc đó là đã quá tuyệt vời để có tay lái vững vàng với người lính trước lúc ra chiến trường. Trong thời gian hai năm lái phục vụ trong Bộ tư lệnh thông tin, đồng chí luôn gương mẫu, là một Chiến sỹ dám nghĩ dám làm.
Thời kỳ “cơm Bắc giặc Nam” vô cùng vất vả. Nhận lệnh đưa đoàn Cán bộ theo chỉ thị Quân khu trưởng vào tận địa đạo Vĩnh Mốc – Vĩnh Linh. Nơi mà ngày đêm diễn ra ác liệt dưới làn đạn bom của kẻ thù. Rong ruổi xuất phát từ Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An. Đêm nghỉ, ngày đi với chiếc U-oát tháo hết kính chỉ để lại khung. Tài xế duy nhất có đồng chí cùng mấy Thủ trưởng trong đoàn Cán bộ cao cấp. Bất chấp hiểm nguy của máy bay Mỹ, đồng chí lái xe đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đúng 12 ngày tới địa đạo Vĩnh Mốc. Ông chứng kiến nơi đây vô cùng ác liệt ranh giới sông Bến Hải, Hiền Lương. Sức tàn phá của bom đạn Mỹ dội xuống như bát úp. Chuyến đi về thành công tốt đẹp không có đồng chí nào hy sinh hoặc bị thương. Đúng ngày 12 tháng 7 năm 1968 đồng chí được vinh dự dự hội nghị toàn quân …
Trong điều kiện cấp bách của chiến trường Học viện Chính trị và Quân sự mở ( khóa mới) đồng chí lại tiếp tục được Bộ tư lệnh thông tin cử đi học đào tạo tại Học viện Chính trị và Quân sự 1 năm. Tháng 12 năm 1969 đồng chí làm đơn tình nguyện xin vào chiến trường và được cấp trên chấp nhận. Đồng chí bắt đầu có mặt tại chiến trường Lào. Thời kì này đa phần kề cận với Thiếu tướng Song Hào Bộ tư lệnh tham mưu (đội lái xe thường đùa vui,“Tướng hai hào chứ ạ…” khi ấy cả Tướng và quân đều cười thoải mái, tình Cán Binh trong chiến đấu coi nhau như người trong một nhà).
Chiến trường là những gì với người chiến sỹ lái xe? Máy bay OV10 trinh sát, B52 tọa độ, xe qua trọng điểm rất có thể đổ máu…Tình thế thật sự căng thẳng ác liệt. Cùng lúc đó Binh trạm 37 – Tiểu đoàn lái xe… đồng chí Chính trị viên hy sinh. Đồng chí Liển xung phong nhận nhiệm vụ qua đồng chí Sư trưởng đại tá Phan Hữu Đại và đồng chí trung tá Nguyễn Văn Cảnh. Trong đầu có suy nghĩ “là chiến sỹ lái xe của tiểu đoàn 58 anh hùng được sát nhập với Trung đoàn 526 của Sư 571 giao thông vận tải - 527 tổng cục kỹ thuật… chẳng lẽ mình sợ chết không dám nhận nhiệm vụ hay sao..?” ý trí và lòng quả cảm của đồng chí cho thấy bản chất Cách mạng thấm sâu vào tim người Chiến sỹ lái xe, tinh thần đồng đội đồng chí, tinh thần chiến đấu kiên cường. Một phút xe lăn bánh là chiến trường bớt đổ máu …
Từ tháng 11 năm 1971 cho tới hết năm 1972 đồng chí đã ba lần bị thương, nhưng không hề nản trí. Con đường NaVa Tây Trường Sơn dọc chiều dài biên giới Lào - Việt cho tới Mường Cầu, Ka Máng ngã ba Đông Dương … đều có dấu xe anh qua… có những đêm xe đi rì rầm, đèn gầm, trên đầu máy bay địch nhòm ngó rình trút bom bất ngờ xuống đoàn xe. Những đêm mưa rừng đường lầy xe bị Bantinê. Vất và gian khổ là vậy nhưng trong lòng đồng chí vẫn luôn lạc quan …
***
…Trở về đời thường, Ông mang trong mình vết thương chiến tranh, chất độc da cam Đioxin, mảnh đạn còn trong đầu. nhưng Cựu Chiến binh Đinh Văn Liển không ngừng phát huy truyền thống Cách mạnh, truyền thống Trường Sơn, phẩm chất “ Bộ đội cụ Hồ”.
Các phong trào của địa phương đều tham gia, chủ động thành lập Câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi, Câu lạc bộ dưỡng sinh Trường Sơn – đội Văn nghệ thuộc hội Trường Sơn thành phố Bảo Lộc. trong những cuộc thi của tỉnh, của huyện, thành phố, đơn vị thường được giải lá cờ đầu. phong trào phát động xây dựng đều được đánh giá cao. Hàng năm xét thi đua khen thưởng Hội Trường Sơn thành phố Bảo Lộc đều được bằng khen, giấy khen của tỉnh và Trung ương Hội. Thương binh “ tàn nhưng không phế”. Tiếp xúc với Cựu Chiến binh Trường Sơn Đinh Văn Liển - mặc dù tuổi cao nhưng lúc nào cũng thấy ông một người lạc quan Cách mạng tha thiết yêu cuộc sống... Tôi có cảm nhận đọc được từ ánh mắt với cái nhìn xa xăm của người đồng chí, phảng phất nỗi lo lắng cho phong trào Hội mà ông cùng đồng đội đã gầy dựng suốt 10 năm qua, ông chưa muốn ngừng nghỉ khi bầu nhiệt huyết còn như vẹn nguyên thời trai trẻ…
Tôi hiểu rằng trong cái chung còn có nỗi niềm riêng mà người Cựu Chiến binh không thể không trăn trở đó là đứa con gái không lấy chồng, sinh năm 1976. Cháu là nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam Đi-ô-xin từ ông. Người vợ hiền tần tảo theo ông suốt cuộc đời giờ ở tuổi 79 mùa thay lá. Ông hồi tưởng những con đường Trường Sơn mùa khô đất bột bụi đỏ xe. Mùa mưa thì lầy lội qua những cua tay áo, qua ngầm, đèo, chỉ cần sơ ý là lao xuống vực thẳm. Đêm đêm ầm ì tiếng máy bay địch rình rập, pháo sáng rực đường rừng, phải nhích, bò, dò từng mét đường. Nào bom bi, nào mìn định hướng, thu phát nhiệt đới… đồng đội hy sinh… Ông tự nhủ “hãy vững vàng tay lái, không thể để mất xe, mất hàng , quyết phải tới đích dù có phải đổ máu”. Nước mắt chảy vào tim người lính khi thấy nhiều đồng đội trong đoàn xe ngã xuống …
Ở tuổi đời như đồng chí lúc đó, là ngưỡng cửa Giảng đường Đại học. Xếp bút nghiên chia tay người thân vào cuộc trường chinh dân tộc. Họ không sợ hy sinh, gian khổ, đối mặt với kẻ thù giữa sống – chết chỉ là gang tấc. Có phải tình yêu của lính, tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc lúc lâm nguy? Giờ đây, khi đã rời khỏi cuộc chiến nhưng họ hiểu hơn ai hết đó là trách nhiệm, bổn phận với đồng đội đã khuất. Gìn giữ truyền thống vẻ vang của Trường Sơn năm xưa như ngấm vào máu thịt của người Cựu Chiến binh này.
Tấm gương Cựu Chiến binh Trường Sơn Đinh Văn Liển phản ánh chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, đạo đức phẩm chất “bộ đội cụ Hồ”, mãi mãi tô thắm trang sử của Hội truyền thống Trường Sơn mà chúng tôi đang ngày một phát huy và gìn giữ.
Nguyễn Phương Liên
Phó CT Hội Trường Sơn tỉnh Lâm Đồng
( Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)