Mõ làng thời hiện đại - Đại tá Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 03:40 27/11/2017 Lượt xem: 801
“MÕ LÀNG” THỜI HIỆN ĐẠI
                                     Đại tá Hoàng Văn Kính

          Bà con vẫn gọi đùa ông tổ trưởng dân phố, CCB Lê Thành Sơn là “Mõ làng thời hiện đại”. Ông bảo: Gần bốn chục năm phục vụ Quân đội, đến lúc nghỉ chế độ còn chút sức lực, lại được bà con tín nhiệm, đã không làm thì thôi, đã nhận làm thì phải làm cho hết trách nhiệm.
          Chả mấy khi được ngồi với ông, bên chén trà ông tâm sự: Cán bộ tổ dân phố dĩ nhiên là gần dân rồi, nhưng điều quan trọng hơn là phải sát dân. Gần mà không sát thì không hiểu được dân. Nắm bắt được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân. Động viên kịp thời, thăm hỏi đúng lúc, giải quyết công việc thấu tình đạt lí. Các cụ ta dậy chí lí lắm “Nói phải củ cải cũng phải nghe”.
Bà con tổ dân phố nhìn chung cuộc sống mới chỉ tạm đủ, chi tiêu gia đình còn tằn tiện. Mọi khoản huy động bà con đóng góp phải lượng sao cho vừa sức dân. Chi tiêu phải có kế hoạch, công khai, minh bạch. Sổ sách ghi chép phải đầy đủ, rõ ràng. Có như vậy dân mới tin và việc huy động xã hội hóa mới được thuận lợi.
Có thể nói ở Tổ dân phố toàn những việc không tên, bận như con mọn. Trăm thứ chuyện lớn, bé bà con đều ới ông Tổ trưởng.
 Một hôm, đã gần 12h trưa, trời mưa như trút nước. Tay bưng bát cơm chưa kịp đưa lên miệng thì có tiếng điện thoại gọi. Phía bên kia giọng cụ Thoa hớt hải:
-         Ông Tổ trưởng ơi, mau ra mà cứu người. Cái nắp hố ga bị nước cuốn trôi. Hai cháu học sinh và một cụ già bị ngã xuống đó, đang kêu cứu đây này.
          Thế là ông bỏ bát đũa, khoác vội cái áo mưa lao đi. Đến nơi thì may quá, các nạn nhân chỉ bị xây xát nhẹ. Đang giữa trưa lại mưa rất to, thế là ông tổ trưởng cùng với cụ Thoa đã trên 80 tuổi lọ mọ nhặt gạch đá, tìm cây que rào chắn lại cái hố ga đang làm giở cho chắc chắn để báo hiệu cho mọi người biết chỗ nguy hiểm.
          Nhất là vào dịp sinh hoạt hè. Ông Tổ trưởng đến tận nhà gặp gỡ, thuyết phục từng phụ huynh cho con, cháu đi sinh hoạt. Nhiều nhà họ không muốn tiếp, nhưng vẫn phải kiên trì gõ cửa nhiều lần. Chủ yếu họ sợ không an toàn.  Để các bậc phụ huynh an tâm, từ tờ mờ sáng đã thấy ông lượn xe máy đến từng nhà, đón từng cháu. Ở lại động viên, canh chừng cho chúng tập, rồi lại chở từng đứa trả về cho gia đình. Nắng, mưa cứ đều đặn ngày hai buổi như thế. Hôm nào các cháu thi còn vất vả hơn. Nào là đưa đón sao cho an toàn, đúng giờ, thuê mượn quần áo, ăn uống, ngủ nghỉ cho bọn trẻ…Trẻ con mà: tranh giành, tị nạnh đánh nhau, giận dỗi đùng đùng bỏ về. Thế là ông lại phải đuổi theo an ủi, vỗ về. Tất tật đều đến tay ông từ khâu lập kế hoạch, phân công chỉ đạo, rồi bắt tay vào làm trực tiếp.
          Theo luật mới đất lưu không ở chân đê chỉ có 15m thay vì 25m như quy định trước. 10m dư ra mà hơn 30 hộ gia đình đang tạm thời sở hữu phải đóng thuế đất phi nông nghiệp rất cao với lí do: Đất sử dụng không đúng mục đích. Bà con bức xúc, đã có lúc tụ tập yêu cầu phải giải quyết vấn đề sao cho thỏa đáng, công bằng với các hộ dân ở các Tổ dân phố khác trong cùng Phường.
          Phải mất nhiều ngày ông kiên trì đến từng hộ gia đình làm công tác tư tưởng, nói rõ để bà con không tụ tập đông người, không để kẻ xấu kích động. Đồng thời ông cũng làm việc với UBND, cơ quan thuế để nhận được sự đồng thuận của trên. Nhân dân phấn khởi, không ngớt lời khen sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm của ông Tổ trưởng.
          Đợt vừa rồi trên có đầu tư làm lại hạ tầng ngõ 604. Là người giám sát thi công suốt ngày ông Tổ trường đầu đội nón, tay cầm thước lăn lộn trên công trường. Thiết kế đã được duyệt nhưng trong quá trình thi công phát sinh nhiều vấn đề. Có chỗ do thiết kế còn bất cập, cũng có chỗ vì lợi ích của từng gia đình dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các gia đình với nhau. Giữa gia đình với tổ thợ.
          Ai cũng muốn có con đường đẹp đi qua cửa nhà mình. Nhưng khi phải chặt cái cây đang che bóng mát cạnh cửa, gỡ cái bục bệ lâu nay vẫn kê tủ bán hàng là sinh chuyện. Lời qua tiếng lại, giằng co, xô xát không ai chịu ai. Thế là lại phải gọi ông Tổ trưởng. Có cương, có nhu. Thuyết phục, động viên, giáo duc. Nhưng cũng có lúc phải đưa quy chế, luật pháp ra mới giải quyết được vấn đề.
           Ông bảo:
          -Dân mình tốt thì tốt thật, giám hy sinh tất cả để đánh giặc cứu nước. Nhưng cũng chỉ vì một chút hiểu lầm, hay đụng chạm đến lợi ích cá nhân là dẫn đến đôi co thậm chí còn không nhìn mặt nhau nữa. Đấy cũng chỉ mỗi cái hố ga đặt ở vị trí nào thôi  mà lời qua, tiếng lại chẳng ai chịu ai cả. Thế là thành to chuyện.
          Tôi hỏi: Lại gọi ông Tổ trưởng chứ.
          -Vâng. Bà hàng xóm hớt hải chạy sang nhà: Ông Tổ trưởng ơi, ông mau đến mà xem chiến tranh to rồi. Tôi chạy lại can ngăn rồi mời ai về nhà ấy. Mang bản thiết kế ra, chỉ rõ đúng sai cho từng nhà. Cũng phải rất mềm mỏng, khéo léo không họ lại bảo mình thiên vị thì rách việc. Hôm sau tôi làm mấy chai bia, đĩa lạc luộc mời hai ông sang chơi. Xong chầu bia, tôi cầm bàn tay hai ông đặt vào nhau hòa giải, thế là ổn.
          Ông tâm sự:
-Căng thẳng, vất vả và trường kì nhất là vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh. Quy định chung thì có rồi, quy chế của tổ dân phố cũng có rồi, nhưng đến lúc thực hiện thì quả là nan giải. Nguyên cái việc tưởng là cỏn con đổ rác sao cho đúng giờ, đúng chỗ cũng là cả một cuộc đấu tranh. Nhắc nhở chung qua loa truyền thanh. Thông báo trên bảng tin nhưng chẳng nhà nào chịu để ý. Phải đến gõ cửa từng gia đình. Sai đâu phải nói có sách, mách có chứng không là họ cãi phéng. Một hôm vô tình tôi bắt gặp chị hàng xóm cầm túi rác vất uỵch ra vệ đường. Tôi lẳng lặng bước đến xách túi rác ấy mang bỏ vào thùng. Hôm sau gặp tôi chị ta ngượng ngùng nói lời xin lỗi. Rồi con chó nhà chị B tối nào cũng phóng uế bừa bãi ra đường, Nhắc nhở mãi không được, tôi tổ chức họp tổ liên gia để tự bà con góp ý cho nhau, lúc ấy chị ta mới chịu xích chó lại.
Độ hai năm nay sức khỏe của ông có vấn đề. Do bị sức ép bom hồi ở chiến trường nên thỉnh thoảng ông lại bị tức ngực, khó thở và lên cơn ho. Nhưng gây phiền toái nhất là cái vết thương trên đầu, vẫn còn một mảnh bom nằm ở đó, cứ trái gió trở trời là nó lại hành ông. Nhiều hôm mải công việc bác gái phải chạy theo mang thuốc để ông uống đúng giờ.
Vì tuổi tác. Sức khỏe và công việc gia đình, ông có báo cáo với Chi bộ Tổ dân phố xin thôi tham gia cấp ủy nhiệm kì 2017 – 2020. Nhưng dứt khoát Chi bộ không đồng ý. Ông được bầu lại với số phiếu đồng thuận rất cao và được đề cử chức danh tổ trưởng Tổ dân phố thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông bảo: Chi bộ và bà con tổ dân phố đã tín nhiệm thì mình không thể thoái thác.
          Cảm phục tấm lòng và sự tận tụy của ông Tổ trưởng, trong Tổ dân phố lưu truyền bài thơ: Hoan hô bác Tổ trưởng. Thơ rằng: “Cả cuộc đời quân ngũ /Mới về hưu vài năm / Được bà con tín nhiệm / Gánh vác việc phố phường  / Nửa mái đầu tóc bạc / Trăm thứ việc phải lo / Quần ống cao ống thấp / Lọ mọ như mõ làng / Lí tình luôn thấu đáo / Nắng mưa chẳng quản chi / Công bộc như con ở / Đâu cần bác có ngay / Công tư vai một gánh / Hài hòa việc riêng chung / Tay giơ cao nhữ Nhẫn /Xóm làng trọn niềm tin.
 
tin tức liên quan