Người lính Trường Sơn cất dấu ước mơ, vượt lên từ gian khó

Ngày đăng: 07:22 29/12/2017 Lượt xem: 739



     Người lính Trường Sơn cất dấu ước mơ, vượt lên từ gian khó


        
          Năm 1971 tốt nghiệp phổ thông loại khá của trường cấp 3 huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, theo lệnh tổng động viên lúc đó, cả thị trấn Xuân An thanh niên rầm rập lên đường tham gia nhập ngũ.Riêng anh Hồ Sỹ Ngọc không có diện vào bộ đội vì  gia đình đã có người anh trai đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam, nhưng anh vẫn viết đơn bằng máu xin tình nguyện tham gia quân đội.
       
          Lên đoàn 22B Quân khu 4,  đóng tại miền Tây Hà Tĩnh vừa huấn luyện được 15 ngày, người nhà đã đem giấy gọi vào trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc xin đơn vị cho anh về nhập học, với lý do gia đình chỉ có hai người con trai đều tham gia quân ngũ. Đơn vị chấp nhận trả anh trở lại địa phương, nhưng anh đã nằng nặc từ chối  với lời hứa sẽ vào Đại học sau khi đất nước được thống nhất.
      
         Chưa đầy 3 tháng huấn luyện tại đơn vị, anh được cử đi học trường lái xe quân khu 4. Đến tháng 2 năm 1972, anh  cùng đồng đội bắt đầu nhập tuyến vào Trường Sơn và được điều về đơn vị công binh thuộc trung đoàn 6, sư 473, đoàn 559, đang mở đường Trường Sơn đóng tại Tuyên Hóa, Quảng Trị. Trong một lần xuất kích  xe anh chở hai tấn thuốc nổ TNT giao cho đơn vị bạn phía trước, máy bay địch phát hiện ném bom vào đội hình. Nghe tiếng rít của bom bên tai, anh chỉ kịp đánh lạng xe vào sườn ta luy, một quả bom phát nổ đầu mui xe, đất đá vùi lấp cả buồng lái, đồng đội phải đến đào bới cõng anh ra khỏi ca bin. Sức ép làm đầu anh choáng váng, hai tai rỉ máu, vết thương trên mình bầm vập vì đất đá găm vào. Sau một tháng trời điều trị ở trạm phẫu tiền phương, anh được đơn vị cho rời vòng tay lái về nhận công tác tại Trạm tiểu tu của Trung đoàn. Đến năm 1975 khi đất nước được thống nhất, đơn vị cho anh đi điều dưỡng tại Cửa Tùng, giám định thương tật 17% và nghỉ chế độ phục viên.
      
         Dự định ban đầu, lần này về sẻ cầm giấy gọi ra Trường đại học Nông nghiệp để tiếp tục học tập, nhưng được tin anh trai duy nhất đã hy sinh tại chiến trường miền Nam, người cha già đã mất, anh quyết định lập gia đình, lấy vợ. Thế là đành lỡ hẹn   với lời hứa. Đến tháng 8 năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc lại nổ ra, có lệnh tổng động viên mới, anh được gọi tái ngũ và điều về đơn vị phòng Hậu cần của sư đoàn 369 phòng không, đóng quân tại Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh. Đến tháng 6 năm 1984 chiến tranh biên giới phía Bắc tạm yên, đơn vị lại giải quyết cho anh ra quân lần thứ hai.




                                                   Cựu chiến binh Hồ Sỹ Ngọc
 
       
         Trở về, anh vẫn nuôi hoài bão vào giảng đường Đại học, nhưng về đến quê hương đối diện với hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, mẹ già mù lòa, vợ sản xuất nông nghiệp sức khỏe yếu, 2 con còn thơ dại, anh tập trung vào làm ăn kinh tế nhằm cải thiện cuộc sông gia đình. Một lần nữa anh đành cất dấu ước mơ vào cổng trường Đại học. Vay bạn bè, bà con mua được mấy con trâu, bò, mỗi khi chăn giắt ra triền Sông Lam anh thấy cả vùng đất rộng hoang vu, cỏ lác mọc đầy không ai khai phá. Nhiều hố nước nhân dân đã đào xúc lấy đất để nung vôi, đốt gạch bỏ  không, anh xin phép địa phương vanh bờ các vùng đất trũng thành ao hồ để nuôi trồng thủy sản. Không hiểu vì sao năm ấy thời thiết thuận lợi, không có mưa bão, anh thu hoạch rất khá. Cứ nghĩ, nếu được như thế này mãi chả mấy chốc gia đình mình sẻ thoát nghèo, mau chóng giàu lên. Anh quyết định mở rộng diện tích hồ nuôi, bán luôn mấy con trâu bò, đàn vịt, đàn lợn trong chuồng, vay thêm 90 triệu đồng của ngân hàng để be bờ, mua con giống. Nhưng trời ơi! một năm sau cả triền Sông Lam bị một cơn lũ lớn, tất cả bờ ao bị san phẳng, vốn liếng của anh toàn bộ bị cuốn trôi, cuộc đời như đi vào ngõ cụt.
       
         Nhưng quyết tâm và ý chí của người lính làm anh bừng tỉnh lại, anh nghĩ đến đồng đội bạn bè, nghĩ đến người lính công binh Trường Sơn năm xưa, phá đá nổ mìn, kè ngầm sâu, san núi dốc, bom đạn Mỹ ngày đêm bắn phá còn làm được, huống chi hôm nay. Anh lại khăn gói tất tưởi vào Nam ra Bắc nơi mình đã đóng quân và các đồng đội  làm kinh tế giỏi để học hỏi, vay thêm vốn liếng. Trở về anh rút kinh nghiệm không tham làm nhiều, làm đến đâu chắc đến đấy, anh  tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng, thuê xe chở đá trên núi Hồng Lĩnh, thuê máy xúc, máy ủi bao bờ thật chắc, xây các cửa cống tiêu, thoát nước hợp lý, thả cá và nuôi tôm. Thế là năm đầu anh thu nhập trả bớt nợ ngân hàng và bạn bè thu lãi được 50 triệu đồng, rồi năm sau 80 triệu, rồi năm sau nữa 100 triệu và cứ thế tăng lên. Anh đầu tư cho con cái học tập, xây cất nhà cửa khang trang, vườn nhà được trồng thêm các bồn hoa cây cảnh. Nhiều lần anh được đi báo cáo người cựu chiến binh xuất sắc trên mặt sản xuất của huyện, của tỉnh và được bầu vào Ban chấp hành Hội cựu chiến binh của thị trấn Xuân An.
         
          Gặp lại anh tôi hỏi, anh cười trả lời: Cũng đã tạm thời thỏa mạn với cuộc sống gia đình, với thu nhập kinh tế hiện tại.Tuy rằng trong lòng vẫn mang chút tâm tư buồn  vì ước mơ và lời hứa sẻ vào Đại học không thực hiện được; Tham gia 2 cuộc chiến tranh chống Mỹ rồi biên giới phía Bắc nhưng đến nay cũng chỉ có mấy tấm huân, huy chương treo trên tường, không có một đồng phụ cấp và một chế độ gì. Các vết thương cũ về già bắt đầu trở chứng, giấy chứng nhận bị thương 17%  thương tật đã trả trợ cấp xương máu một lần, khi trở về không lấy lại nay không làm được thương binh, bệnh binh. Thế là 10 năm làm lính trở về tay không. Nhưng dù sao nhà cửa bây giờ đã khang trang, các con, các cháu bây giờ cũng đã có việc làm ổn định. Hàng năm cứ đón bạn bè, đồng đội về chơi bắt cá tôm ngoài ao hồ, tổ chức những buổi gặp mặt, nhắc lại kỷ niệm xưa của đời lính, vui vẻ thế này là tuyệt vời lắm rồi.
         
          Hôm nay nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trong ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát, trước dàn caraoke mới mua, anh cùng đông đảo các đồng đội cũ đang ngân vang bài ca "Đêm Trường Sơn nhớ Bác". Giọng anh vẫn hào sảng và tràn đầy chất lính./.
 
                                                                                  Xuân Bách
                                                              (Số 3, đường Tôn Thị Quế, TP. Vinh, Nghệ An
                                                                              Đt: 0912591362)
tin tức liên quan