Làm giàu từ cần cù và lòng tâm huyết

Ngày đăng: 03:05 31/01/2018 Lượt xem: 1.185


                               Làm giàu từ cần cù và lòng tâm huyết


          Ông Nguyễn Ngọc Lãnh, hội viên Người cao tuổi, Hội CCB, Hội cựu TNXP thôn Kim Sen, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình năm nay 70 tuổi, tính tình hiền lành, chịu khó, trên khuôn mặt sạm đen nhưng luôn nở nụ cười, được mọi người mạnh danh là “người nuôi ong tài ba”.Ông tham gia TNXP năm 1969, hết nghĩa vụ ông trở về địa phương. Năm 1975 nhập ngũ vào quân đội  ở mặt trận Quảng Trị  và xuất ngũ năm 1977.  Quê hương ông giáp với cầu Long Đại nên  cũng bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, nhà cửa bị sập, vườn tược cháy trụi, trở về địa phương, ông cùng bà con đang từng ngày hàn gắn vết thương chiến tranh. Nơi mảnh đất đồi núi , cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, ông lấy vợ và lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Với tính nhanh nhẹn, tháo vát và bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, ông được cử làm Kế toán HTX nông nghiệp , rồi được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX năm 1986 – 1990. Trong những năm làm chủ nhiệm, ông luôn trăn trở làm sao để bà con thoát nghèo.  Là một xã miền núi, bị chiến tranh bom đạn tàn phá, rừng cháy thành đồi trọc nên ông động viên bà con khai hoang vỡ đất trồng cây ngắn ngày để có lương thực sinh sống “lấy ngắn nuôi dài” , rồi ông cho trồng rừng phủ kín đồi trọc.

 



Ông Nguyễn Ngọc Lãnh bên đàn ong

 
          Khi hết tham gia công tác ở địa phương, trở về ruộng vườn, ông nghĩ: Sao ở nơi lắm hoa rừng, hoa tràm mà mình lại không chăn nuôi ong nhĩ ? Nghĩ là làm, năm 2000 ông đi sưu tầm giống ong mật và về nuôi thử. Mới đầu ông nuôi 6 đàn, đàn ong mới ổn định nơi sống thì bỗng nhiên chúng chết dần, có đàn bỏ tổ bay đi, ông buồn lắm nhưng không nản lòng. Ông đi tìm tài liệu về nuôi ong, học hỏi kinh nghiệm bạn bè và tìm người giúp đỡ về nguồn vốn. Với tính kiên trì, chịu khó ông tìm nơi đặt tổ ong cho hợp lý, nâng cấp về chỗ ở cho ong. Ông mạnh dạn nuôi 20 đàn, rồi 30 đàn. Năm 2006 ông đi học lớp Kỹ thuật nuôi ong ở Hà Nội. Từ khi nắm bắt được kỹ thuật và sự chăm sóc chu đáo đàn ong của ông ngày càng phát triển mạnh, cho nhiều mật. Từ chỗ làm ăn phát đạt ông phát triển lên hơn 60 đàn ong. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến ông để học hỏi kỹ thuật nuôi ong và nhờ ông giúp đàn giống. Ông nhiệt tình tư vấn và tạo nguồn giống cho họ. Ông xin phép chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ nuôi ong. Câu lạc bộ nuôi ong thành lập thu hút hơn 60 thành viên và ông được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Từ khi Câu lạc bộ nuôi ong thành lập, ông cùng các hội viên tổ chức nhiều lớp tập huấn, ông đã bỏ ra trên 200 ngày công( ước tính khoảng 30 triệu đồng)  tập huấn miễn phí cho các hội viên và những người yêu thích nghề nuôi ong, có những hội viên đi lại khó khăn ông còn miễn phí cả bữa ăn trưa. Ngoài ra Câu lạc bộ còn tổ chức các cuộc Hội thảo, đúc rút kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật, cung cấp con giống, cho vay vốn để gây dựng đàn ong với những người có tâm huyết nghề ong .

          Tính đến nay, ông đã có 17 “thâm niên” nghề ong. Với hơn 60 đàn ong, hằng năm ông thu được khoảng trên 200 lít mật. Thị trường của ông là những khách quen trong thôn, bản  họ tin tưởng nên thu mua hết. Ông tâm sự: “ Nuôi ong không khó, nhưng phải có cái tâm với nghề. Cái khó là chịu ảnh hưởng thời tiết khí hậu khắc nghiệt gió Lào, rét. Nếu mình nắm được thời tiết thì mình chủ động trong việc di dời chỗ ở, thức ăn thì ong sẽ phát triển tốt”.

           Nhờ cơ chế giao đất đồi trồng rừng, ngoài nuôi ong, gia đình ông đã vỡ hoang, khai phá đồi trọc  hơn 20 ha trồng tràm hoa vàng, keo lai. Ngoài nhân lực gia đình, ông còn tạo việc làm theo mùa vụ cho hơn 15 lao động, công thấp nhất 3 triệu đồng/ tháng, góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Có vườn đồi rộng vừa là nơi cư trú của đàn ong vừa có điều kiện chăn nuôi gà cải thiện đời sống. Ước tính thu nhập từ đàn ong và cây rừng, hàng năm ông thu về khoảng hơn 200 triệu đồng.Các con ông có điều kiện ăn học chu đáo nên ai cũng có việc làm và thu nhập ổn định. Từ khi kinh tế ổn định, thu nhập khá, ông tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương như: Hội người cao tuổi, Hội CCB và ông vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Hội  cựu TNXP xã nhiệm kỳ 2017 - 2022, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt công việc, có trách nhiệm cao.

          Với những thành tích đóng góp của bản thân, ông được mời dự các Hội nghị, Hội thảo CLB nuôi ong của tỉnh, được chính quyền các cấp tặng giấy khen. Đặc biệt năm 2017 ông được UBND huyện, Tỉnh Hội TNXP, Hội làm vườn huyện tặng giấy khen. Ngoài ra ông còn được tặng Kỷ niệm chương Cựu chiến binh Việt  Nam, Kỷ niệm chương Thanh niên xung phong.Với ý chí  cần cù và tâm huyết, ông Nguyễn Ngọc Lãnh là tấm gương tiêu biểu về ý chí vượt khó vươn lên là giàu của xã Trường Xuân trong sự phát triển kinh tế gia đình góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
                                                Nguyễn Đại Duẫn
(CTV Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn.Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.DĐ: 0977194533)

 

tin tức liên quan