GẶP LẠI CỰU TNXP ĐỖ VĂN NGẦN
- MỘT CÁN BỘ NĂNG NỔ, DŨNG CẢM VÀ CÓ NĂNG LỰC CHỈ HUY
Từ khi tôi ra Hà Nội đi học lớp Phóng viên TTXVN đầu năm 1969, cho mãi tới khoảng năm 1997 tôi mới gặp lại anh Đỗ Văn Ngần ở Nha Trang trong một lần tôi ra nghỉ mát ở đó (khi ấy tôi là Giám dốc chi nhánh NXB. CTQG ở Cần Thơ). Qua bạn bè, tôi biết anh Ngần đang ở Nha Trang và tìm được điện thoại qua Tổng đài. Thế là chúng tôi có dịp hội ngộ sau sau 30 năm xa nhau từ trọng điểm Cà Roòng vô cùng ác liệt.
Thật ra thì khi tôi tạm biệt đường 20 Quyết Thắng, anh Ngần đang là Đại đội trưởng C2 ở Khe Tum. Trước đó anh là đại đội phó C1 nơi tôi là Chính trị trị viên trưởng. Cuối năm 1966, khi tôi về làm Trạm trưởng Barie Km 49, kiêm Đại đội phó C1, thì anh Ngần là cán bộ trung đội. Anh là một cán bộ năng nổ, dũng cảm, quyết đoán, đi dầu, tháo vát nơi trong điểm Cà Roòng sinh tử. Tính cách này anh vẫn phát huy tiếp khi làm đại đội phó và đại đội trưởng, hay nhiều nhiệm vụ được giao sau này, kể cả khi là thời bình.
Anh Đỗ Văn Ngần sinh 1945, quê xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam. Anh có vóc người cao, nhanh nhẹn và khỏe mạnh đẹp trai nữa. Trông Đỗ Văn Ngần rất có tướng và khi anh chỉ huy càng thấy vẻ tướng lĩnh của anh như anh Hồ Trọng Chinh sau này gặp cũng có nhận xét như vậy. Sao anh không trúng bộ đội ? - Có lần tôi hỏi vậy! Sau này gặp nhau (năm 2016), nghe anh Tâm sự mới biết. Hóa ra là anh “vướng lý lịch”. Vì anh có người họ hàng đi vào Nam năm 1954… Vào dân quân xã rồi anh cũng bị loại ra… Và chính cũng vì chuyện này mà cũng gây khó cho anh trên con đường sự nghiệp sau này.
Anh xung phong đi TNXP ra tuyến lửa, ngày 25/5/1965. Sau thời gian dừng chân 2-3 tháng ở khu vực Cầu Giát (Quỳnh Lưu - Nghệ An), anh được tuyển chọn lọc đi vào Trường Sơn, trên tuyến Đường 20. Tháng 8/1965, đơn vị C452 (thuộc TNXP Hà Nam N25 đóng ở Ba Khe làm nhiệm vụ tiếp phẩm. Sau đó tháng 11/1965, anh Ngần được điều lên Phòng Vật tư Công trường 20 làm Trung đội trưởng vật tư….(theo quyết định của ông Phùng Kim Định, đại úy, Tiểu đoàn trưởng). Rồi khoảng tháng 7/1966, anh về Đội 23 TNXP chủ yếu quê Hà Tĩnh, Nghệ An. Sau một thời gian thử thách, anh được cử đi học đối tượng Đảng. Tuy điều tra lý lịch có vướng như nói ở trên, nhưng với phẩm chất và năng lực của anh và với cái nhìn sáng suốt, không định kiến của Thủ trưởng của anh lúc đó, nên Đỗ Văn Ngần được kết nạp Đảng (ngày 22/11/1966). Khi đó ông Chất, Chính trị viên Đội 23 TNXP, ông Phan Văn Cương, Đội phó và ông Phạm Văn Thông, Bí thư Đoàn đội là 2 người giới thiệu Đỗ Văn Ngần vào Đảng. Sau đó anh được điều xuống Trung đội trưởng trung đội 3 thuộc đại đội 1 (C1) ở Cà Roòng (khi đó ông Trung úy Huỳnh Công làm Đại đội trưởng). Rồi anh là Đại đội phó, Đại đội trưởng (gần cuối năm 1968) và kiêm làm Bí chi bộ Đại đội 2 trấn giữ trọng điểm ở khe Tum.
Đến năm 1969, sau khi nhiều cán bộ TNXP được xuất ngũ đi học hoặc về địa phương, còn lại một số đội viên nên đã nhập C2 với đại đội TNXP Thanh Hóa. Lúc này C1, C2, C3 thuộc Đội TNXP 23 nhập một vào một C gọi là C2 đóng ở Khe Tum và Đỗ Văn Ngần làm Chính trị viên.
Sau này, anh tạm biệt đường 20 thân yêu ra khu vực Hồ Sen, xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy - Quảng Bình công tác. Đến năm 1975, thì N25 (Đội 25 Anh hùng) chuyển thành Đội cầu 25. Anh Ngần làm Đội trưởng đội cầu 2, mãi năm 1982 anh chuyển sang Công ty Kiến trúc XNLHCTGT 3, (thuộc Bộ GTVT).
Nhiều anh em cựu TNXP được cử đi học nhưng vì anh Ngần “vướng vào lý lịch” nên không được đi học đào tạo dài hạn. Mãi đến năm 1974, anh thì mới được cử học một lớp bồi dưỡng ngắn hạn ở Trường Đảng của Bộ GTVT (tại Bàn Yên Nhân). Năm 1984, anh chuyển sang làm Trưởng phòng Hành chính quản trị Công ty 505 (Công ty Kiến trúc XNLHCTGT 3)…Năm 1992 anh sang làm Giám đốc Viện điều dưỡng giao thông 5, thuộc Bộ GTVT. Đến năm 2005 anh nghỉ hưu và lập công ty cổ phần tư nhân làm ăn phát đạt. Đến năm 2007 anh nghỉ công ty và về chăm sóc gia đình, giao lưu với các cựu đồng đội. Gia đình anh thật hạnh phúc, con cháu thành đạt. Thế là mừng cho anh, một cựu cán bộ TNXP vào sinh ra tử, dũng cảm đi đầu, thoát chết trở về với đời thường.
Anh là Chiến sĩ Thi đua nhiều năm nổi nhất là năm 1967 – 1968. Đỗ Văn Ngần từng là bí thư chi bộ, Đảng ủy viên nhiều năm, nhưng cũng chỉ dừng lại mức đó, không được đào tạo dài hạn và trưởng thành lên cao hơn dù là một người có tâm huyết với đất nước, với đồng đội, một người tài năng chỉ huy, quản lý thật sự. Thất đáng tiếc!
Đỗ Văn Ngần mỗi lần gặp lại tôi (hiện anh có con làm việc ở TPHCM nên gần đây chúng tôi gặp nhau nhiều hơn khi anh vào thăm con cháu) đều kể chuyện về đồng đội một thời. Anh nhắc nhiều tới đồng đội cũ (…), nhất là những liệt sĩ như Nguyễn Văn Bạt, Nguyễn Văn Hứng, Đinh Văn Hợi (quê Hà Tĩnh), Hoàng Văn Quý (quê Hà Nam); và anh cũng không quên nhắc tới những cựu TNXP thế hệ sau đã dũng cảm phá bom, thông đường như Nguyễn Văn Trặc (TNXP nhiệm kỳ 2, quê Hà Tây). Nguyễn Văn Trặc là người luôn xung phong đi phá bom, có nhiều hành động xả thân, rất dũng cảm và thông minh…(mới mất sau này).
Có nhiều cựu TNXP anh dũng mà tôi biết, nên có dịp tôi sẽ viết thêm những gương như vậy. Viết đến đây lại nhớ anh Nguyễn Tiến Mai, Đại đội trưởng C1, trước mấy tháng sau khi tôi tạm biệt Cà Roòng ra Hà Nội học. Tôi cũng có bài viết về anh Nguyễn Tiến Mai, anh cũng là một tấm gương dũng cảm, thông minh, quyết đoán nơi trận tuyến, và cũng “vướng lý lịch” có hoàn cảnh như Đỗ Văn Ngần!
Một thời đã qua, đáng ghi nhận nhất là những đồng đội đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dể chúng ta có ngày hôm nay! Nhưng tất cả đều đáng ghi nhớ! Chúng ta không bao giớ quên họ!
TPHCM, ngày 17/6/2018
HỒ BÁ THÂM