CCB Doãn Thị Lịch,Nguyễn Văn Phong- chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi

Ngày đăng: 09:46 23/06/2017 Lượt xem: 1.091

 

CCB Doãn Thị Lịch, Nguyễn Văn Phong-chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi

 
 
                                                                 Nguồn :Báo Điện tử  VOV.VN
 
 
Trong thời chiến lẫn thời bình, những chiến sĩ Trường Sơn luôn luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

 

Cách đây 55 năm, những chiến sĩ Trường Sơn đã góp công sức chiến đấu, lao động với bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí phải đánh đổi cả xương máu của mình, để làm nên những huyền thoại trên con đường lịch sử mang tên Bác, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.

Đất nước thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những chiến sĩ Trường Sơn tiếp tục phấn đấu vươn lên làm giàu, giúp đỡ đồng đội và trở thành những tấm gương sáng trong Cuộc vận động “Chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi” do Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam phát động.

Học xong PTTH, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Doãn Thị Lịch ở tỉnh Thanh Hóa lên đường nhập ngũ.

Hòa bình lập lại, bà trở về quê hương công tác trong một cơ quan nhà nước. Nhưng đồng lương ít ỏi không đủ để nuôi các con ăn học nên bà cùng gia đình chuyển sang lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Dần dần kinh tế khấm khá, thấy những đứa trẻ ở vùng quê nghèo miền biển không có nhiều trường để học nên rất khó thi đỗ vào trung học phổ thông, bà quyết định đầu tư cho giáo dục, thành lập Trường trung học tư thục đầu tiên trên mảnh đất Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp đó, bà Doãn Thị Lịch thành lập trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Thanh Lịch để dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người dân trong vùng và con em của những đồng đội năm xưa.

Với những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, bà vinh dự được trao tặng giải thưởng Bông hồng vàng và danh hiệu “Nữ doanh nhân văn hóa – nữ tướng thời bình”.

Bà Doãn Thị Lịch cho biết: “Tôi miễn giảm học phí cho con em nghèo và con em đồng đội từ 100 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Hàng năm, chúng tôi dành từ 30 – 100 triệu đồng để làm công tác từ thiện nghĩa tình đồng đội, cho nạn nhân chất độc da cam, nâng cánh ước mơ…”.

 

chien si truong son lam kinh te gioi hinh 1

                  

                                  Bà Doãn Thị Lịch 


Không được may mắn trở về lành lặn như bà Lịch, ông Nguyễn Văn Phong quê ở thị trấn Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh mang trên mình đầy thương tích. Chiến tranh đã cướp đi của ông đôi chân lẫn con mắt.

Nhưng với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông lặn lội đi đến các các vùng quê để mua cọ, tre về chế tác hàng hóa. Chắt chiu dành dụm, ông đã dần dần thành lập được công ty riêng. Sản phẩm của công ty ông thân thiện với môi trường nên được các nước châu Âu, châu Mỹ ưa chuộng và đặt nhiều đơn hàng. Hiện cơ sở sản xuất của ông có 15 lao động, có thời vụ đơn đặt hàng lớn, số lao động có thể lên tới hàng trăm người. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, những người lính Trường Sơn còn tích cực giúp đỡ đồng đội có công ăn việc làm để ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Phong nói: “Chúng tôi tạo công ăn việc làm cho bộ đội, cựu chiến binh, những người gặp khó khăn về công việc, nhằm giúp họ có cuộc sống đảm bảo hơn. Chúng tôi hỗ trợ anh em hết mức, nếu ai khó khăn thì chúng tôi tạo điều kiện hoặc hỗ trợ kinh tế. Còn nếu anh em nào khó khăn quá, chúng tôi sẽ tặng sổ tiết kiệm và tiền mặt…”.

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm gương chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi trên khắp Tổ quốc. Sau hơn 1 năm phát động, đã có hàng nghìn gia đình hội viên đăng ký tham gia Cuộc vận động “Chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi”.

Cùng với việc vận động hội viên nỗ lực vươn lên tích cực giúp nhau làm kinh tế giỏi, các cấp hội đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân thiện nguyện được hơn 60 tỷ đồng để giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng sự nỗ lực vươn lên của hội viên và sự trợ giúp tích cực của đồng đội, đến nay không còn gia đình hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn nào thiếu đói. Tỉnh hội Bình Thuận có tới 50% hội viên nghèo được thoát nghèo.

Đại tá Đậu Xuân Tường, Phó Ban chính sách Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết: “Hiện nay, chúng tôi rất muốn liên kết với một số doanh nghiệp lớn. Mục đích nhằm tiếp tục mở các cuộc vận động theo từng thời điểm cho thích hợp nhất làm thế nào vận động được càng nhiều càng tốt, giúp đỡ động viên. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng giáo dục cho thế hệ con cháu của bộ đội Trường Sơn, đặc biệt như con cháu của các hội viên Cựu chiến binh đã thành lập Hội con em cựu chiến binh Trường Sơn đã giúp đỡ được rất nhiều anh em”.

Anh dũng, kiên cường trong mưa bom bão đạn, các chiến sĩ Trường Sơn nay lại năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, cùng với gia đình vươn lên xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.

Mồ hôi, công sức của họ bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Trong thời chiến và ngay cả thời bình, những chiến sĩ Trường Sơn vẫn luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

tin tức liên quan