“ Bài chú hát tặng hôm nay đã (chạm ) vào tâm trạng về ký ức và kỷ niệm xưa của anh đấy ” còn chị Thủy lúc này chị ...
BÀI DỰ THI VIẾT “ GƯƠNG SÁNG TRƯỜNG SƠN ”
ĐẦU XUÂN GẶP NGƯỜI ĐỘI TRƯỞNG VĂN NGHỆ
HỘI TRƯỜNG SƠN - NƠI VÙNG BIỂN SÁNG
( Bút ký )
Phạm Sinh
BTV Trang TT điện tử TW Hội
Trong lần về dự Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu tháng 11 năm 2014 tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Bích - Đội trưởng đội văn nghệ của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Lý do khiến tôi tiếp cận và làm quen với anh đơn giản thôi, bởi tôi rất ấn tượng với một chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội chẳng riêng tôi mà còn không ít đại biểu về dự Đại hội có nhận xét và đánh giá là rất xứng tầm của một đoàn văn công chuyên nghiệp … Trò chuyện cùng anh tôi nhận được từ anh lời mời ghé qua thăm nhà và tôi đã nhận lời mời của anh và hứa sẽ thực hiện khi thời gian cho phép .
Thật may lần này tôi được cùng đoàn các cơ quan, doanh nghiệp đi thăm và tặng quà cho các chiến sĩ Đồn biên phòng Hải Hậu nhân dịp đón xuân mới 2015, tôi có kế hoạch ghé thăm anh Bích, tôi gọi điện cho anh và hẹn tối nay tôi sẽ đến thăm gia đình anh thì anh bảo tôi “ Chú đến vào giữa giờ chiều đi bởi tối anh còn bận tổ chức tập văn nghệ chuẩn bị cho một chương trình mới phục vụ đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn của tất cả các xã, thị trấn trong huyện …”.
Con ngõ nhỏ nằm trong (khu phố cổ Đông Biên) thuộc Thị trấn trung tâm huyện lỵ Hải Hậu dẫn tôi đến căn nhà cấp bốn nhỏ xinh của anh - Cái căn nhà còn được anh chị em đội văn nghệ Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu gọi với cái tên thân yêu là “ Ngôi nhà văn nghệ Trường Sơn” .
Đón ở cổng và dẫn tôi vào nhà anh Bích giới thiệu với tôi chị Thủy vợ anh và các anh Hải; anh Bình; chị Hường; chị Nga ; chị Ngoãn - Anh Bích nói vui “ Tất cả mọi người có mặt ở đây đều là lính Trường Sơn và nay là những diễn viên, ca sỹ của đôi văn nghệ Trường Sơn Hải Hậu, tôi triệu tập về đây để tiếp và giao lưu với ( nhà báo ) Trường Sơn đấy …”.
Sau hồi mọi người chào hỏi nhau, chị Thủy vào nhà trong mang ra một giỏ chuối - Chị giới thiệu với tôi “ đây là sản phẩm cây nhà lá vườn đấy, ở vùng này người ta thường gọi là chuối Ngô còn mọi nơi thì gọi là chuối Tiêu - Tiệc chiêu đãi ( nhà báo ) hôm nay chỉ có thế này thôi …”. Hương thơm từ những quả chuối chín cây ngả màu vàng trứng quốc quyện với hương của những chén nước chè xanh của gia đình anh Bích hôm nay lại đánh thức trong tôi những kỷ niệm hơn bốn mươi năm trước khi còn là học sinh phổ thông cấp ba trường Hải Hậu A tôi ở trọ ở khu vực này và cứ lâu lâu mới được lần hưởng những thứ đặc sản quý giá này …
Qua lời kể của anh Bích, chị Thủy và các anh các chị có mặt hôm nay tôi được biết anh Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1948 - Năm 1968 anh tốt nghiệp phổ thông cấp III và trúng tuyển vào học tại Trường đại học Thể dục thể thao Từ Sơn Hà Bắc, cuối năm 1971 học xong năm thứ ba anh Bích xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế về C34 - E963 Trường lái xe của Bộ tư lệnh 559 tại ngã ba Hòn Lão tỉnh Quảng Bình. Khi ra trường anh Bích được điều động về C7 - E542 - F473 (đóng tại Km 21 - Đường 14 - A Sầu, A Lưới) sau đó anh được điều động về công tác tại Ban tuyên huấn E542, tiếp tục tháng 9 năm 1974 về công tác tại Ban xe máy - Phòng vật tư Kỹ thuật sư đoàn 473 (tại cầu Khe Sanh - Quảng Trị) .
Anh Bích cùng chị Thủy tiếp khách tại nhà riêng
Anh Bích yêu văn nghệ và đến với văn nghệ cũng có nguồn gốc của nó - Khi còn là học sinh cấp III và sinh viên Đại học, vốn sẵn có giọng hát được đánh giá là giọng nam trầm truyền cảm anh được tham gia các chương trình biểu diễn của Nhà trường, đơn vị và được tặng nhiều giải thưởng của Ban tổ chức. Năm 1981 về địa phương anh Bích tham gia Ban văn hóa thông tin, anh đã xây dựng nhiều chương trình cho các đợt Hội diễn văn nghệ cấp huyện, tỉnh. Cuối năm 1984 anh được Bộ văn hóa tặng thưởng huy chương Vì sự nghiệp văn hóa .
Về cuộc sống và đời tư của vợ chồng anh : Chị Đặng Thị Thủy là người đồng hương cùng tỉnh với anh - Năm 1973 chị Thủy rời quê hương ( Nghĩa Phong - Nghĩa Hưng - Nam Định ) xung phong gia nhập Quân đội - Sau thời gian ngắn huấn luyện tân binh chị Thủy được điều động vào tuyến đường Trường Sơn, do có năng khiếu và nhiệt tình với phong trào văn hóa, văn nghệ, chị Thủy được biên chế vào Phòng chính trị ( cùng cơ quan Sư đoàn bộ 473 với anh Bích ) . Thời ấy ở Trường Sơn các chiến sĩ là nam giới gặp được đồng hương cùng quê với nhau đã là khó, nhưng có lẽ do cái duyên ông Trời đã cho anh Bích và chị Thủy gặp nhau - Họ để ý đến nhau rồi tình yêu đã đến với họ mặc dù thời đó quan hệ tình yêu nam nữ trong quân ngũ rất nghiêm khắc và anh chị Bích - Thủy cũng vẫn hòa nhập được trong cái nghiêm khắc đó … Họ vẫn yêu nhau, vẫn chấp hành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao .
Miền Nam giải phóng - Đầu năm 1976 Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học chuyên nghiệp có chủ trương cho tất cả các đối tượng là sinh viên đang học dở trở lại trường tiếp tục học tập, nhưng anh Bích đã quyết định bỏ cơ hội ấy để ở lại xây dựng đơn vị và cùng người yêu của mình tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng 11 năm 1976 Chị Thủy rời quân ngũ theo chế độ bệnh binh quân đội, còn anh Bích rời quân ngũ đầu năm 1977, năm anh Bích rời quân ngũ cũng là năm anh chị làm đám cưới (tháng 2 năm 1977) và năm 1979 anh được gọi tái ngũ tham gia cuộc chiến chống chiến tranh biên giới phía Bắc, trong thời điểm này một khó khăn tưởng chừng (mất người mất của) đến với gia đình anh - Chị Thủy do có thời gian dài sống ở Trường Sơn, những cơn sốt rét rừng đã làm cho chị trở thành bệnh binh, về nhà sau khi cưới được 4 năm - Đầu năm 1981 khi anh Bích đang còn tại ngũ thì ở nhà chị Thủy bị lâm bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu, một căn bệnh mà theo giới chuyên môn kết luận do hậu quả của việc tái phát căn bệnh sốt rét rừng năm xưa, với 8 tháng trường kỳ chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai chị Thủy đã phải truyền tới 25 lít máu và rồi với tình cảm vợ chồng và tình thương yêu nhân đôi của cặp vợ chồng Trường Sơn, trong khi chị Thủy trên giường bệnh anh Bích luôn quan tâm chăm sóc và động viên kịp thời, kết hợp được sự quan tâm của đội ngũ thày thuốc Bệnh viện cùng sự động viên của bạn bề đồng đội chị Thủy cũng qua được căn bệnh hiểm nghèo … Trước thực trạng hoàn cảnh gia đình khó khăn này cuối năm 1981 anh Bích được Quân đội giải quyết ra quân, về địa phương anh tham gia công tác văn hóa thông tin, Năm 1995 anh được mời tham gia giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Tô Hiến Thành - Hải Hậu .
Tìm hiểu sâu hơn về Đội văn nghệ của Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu tôi được các anh, các chị cho hay: Đội văn nghệ được thành lập tháng 8 năm 2010 theo sáng kiến và đề suất của anh Nguyễn Ngọc Bích, anh tự nguyện và chủ động đi vận động, tìm hiểu kết nạp diễn viên; Tự đầu tư kinh phí mua trang phục ; Lập kế hoạch, đạo diễn chương trình và bố trí sắp xếp diễn viên cho phù hợp với khả năng và năng khiếu chất giọng của mỗi người . Sản phẩm đầu tay của đội là một chương trình biểu diễn gồm 15 tiết mục với chủ đề “ HÁT VỀ TRƯỜNG SƠN ” ngay từ những buổi diễn đầu chương trình đã được đông đảo quần chúng yêu ca hát, đồng đội và các đơn vị trong và ngoài huyện mến mộ . Để tồn tại và phát triển mặc dù không có nguồn kinh phí tài trợ nhưng với lòng quyết tâm cao; lòng say sưa yêu ca hát và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm trong bản lĩnh người lính Cụ Hồ, anh chị em trong đội đã khắc phục khó khăn tự bỏ ra số tiền gần 3 triệu đồng mỗi người để mua sắm quần áo, trang phục đạo cụ cho biểu diễn, tiết kiệm tối đa các khoản chi; tự đi xe máy khi đi tập và phục vụ; tự bỏ tiền mua son phấn hóa trang … Với hàng trăm buổi tập các khâu nước uống; điện phục vụ … đều do vợ chồng anh Bích và chị Thủy ủng hộ .
Các chị ( bạn cùng cạ ) trong đội văn nghệ với chị Thủy cũng có mặt trong buổi gặp mặt này
Hiện tại đội văn nghệ của Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu có 20 diễn viên ( 11 nữ, 9 nam ) do anh Bích phụ trách kiêm đạo diễn, người cao tuổi nhất trong đội là anh Bích (67 tuổi), số còn lại đều sát độ U60 . Ở tuổi ông, bà nhưng ý thức tổ chức kỷ luật của đội rất cao - Khi có lịch luyện tập hoặc biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương hoặc các hội nghị đại hội của các cơ quan, xí nghiệp, trường học, với ý thức và bản chất người lính toàn đội không quản đường xa hay thời tiết mưa lạnh, tập luyện say mê mỗi tuần 3 buổi tối từ 7 giờ 30 đến 10 giờ đêm dòng dã 1 tháng liên tục, có những đồng chí ở xa hàng chục cây số vẫn không bỏ buổi tập nào . Các diễn viên trong đội vừa hát nhạc mới, chèo, ngâm thơ và độc tấu nhạc cụ dân tộc – Đến thời điểm này đội có 5 chương trình khác nhau phục vụ các nhiệm vụ theo yêu cầu với đủ các thể loại như : Hợp ca nam nữ, tốp nam, tốp nữ, song ca, đơn ca … và tính đến nay đội đã có trên 30 buổi biểu diễn chính thức và hoàn chỉnh phục vụ cho các cơ quan, đơn vị và địa phương. Chương trình biểu diễn nghệ thuật của đội văn nghệ của Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu phong phú và đa dạng phần lớn do bàn tay khối óc của người đội trưởng - Anh miệt mài khai thác và lưu trữ tác phẩm, chính vì vậy mà ở Hải Hậu (một huyện điểm văn hóa toàn quốc) nhiều người đã coi anh Bích là (nhà Bảo tàng) về những bài hát mang chủ đề Quân đội và đặc biệt là những ca khúc nói về Trường Sơn .
Đội văn nghệ của Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu đang tổ chức ôn luyện để sẵn sàng phục vụ miễn phí cho hơn 40 đơn vị cấp xã, thị trấn tổ chức Đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn trong thời gian tới.
Anh Bích và chị Thủy trong tiết mục Trường Sơn đông - Trường Sơn tây
( Tại Đại hội thành lập Hội TT Trường Sơn huyện Hải Hậu - Tháng 11/2014 )
Thật ý nghĩa từ một lần đến thăm người đội trường đội văn nghệ của Hội truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu tôi lại được gặp mặt và giao lưu với một số các anh các chị trong đội, các anh các chị hát tặng tôi một số bài về Trường Sơn và cả những bài về quê hương Nam Định và Hải Hậu nữa - Tôi chú ý lắm về bài hát RỰC SÁNG MỘT VÙNG QUÊ mà chị Thủy hát tặng tôi hôm nay, chị Thủy hát xong thì anh Bình cây đơn ca của đội ( anh Bình hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Hải Hậu ) anh nhìn tôi và nói “ Bài hát này của nhạc sỹ Trường Sơn Vũ Minh Vỹ sáng tác đấy”. - Tôi mới sực nhớ ra hôm về Hà Nội dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh tôi gặp lại anh Minh Vỹ, hơn 40 năm trước anh Minh Vỹ là quân số của cơ quan Sư đoàn bộ 471 bộ đội Trường Sơn, nơi tôi đã từng công tác nhiều năm … Hôm đó anh Minh Vỹ kéo tôi về nhà anh và anh có tặng tôi cuốn sách mang tên DU CA NHỮNG NẺO ĐƯỜNG một cuốn sách chọn lọc tác phẩm qua các chặng đường sáng tác của anh - Trong đó có bài hát RỰC SÁNG MỘT VÙNG QUÊ mà anh viết về Hải Hậu, tôi cũng kể lại với các anh chị về mối quan hệ giữa tôi và Nhạc sỹ Trường Sơn Vũ Minh Vỹ… Anh Bình còn giới thiệu với tôi rằng các anh chị cùng cả nhân dân Hải Hậu rất mến mộ bài hát này - Họ luôn lấy nó làm chủ đề trong tất cả những chương trình văn nghệ địa phương, kể cả những cuộc vui cá nhân gia đình như cưới xin … Chính vì thế mà Đài phát thanh truyền hình Hải Hậu đã sử dụng bài hát này để làm nhạc hiệu …
Vui quá và cũng xúc động quá - Tuy chẳng biết hát và hay hát nhưng chẳng hiểu tại sao tôi lại mạnh dạn đứng lên ra lời xin hát tặng các anh các chị bài hát KỶ NIỆM MỐI TÌNH ĐẦU của nhạc sỹ Vũ Hùng, tôi hát xong anh Bích bảo tôi đọc lời bài hát để anh ghi lại, sau đó anh yêu cầu tôi hát lại một lần nữa, rồi sau ba bốn lần cùng hát với tôi anh đã hát được bài hát này . Anh Bích nói với mọi người “ Bài hát này thật hay và ý nghĩa nhưng mình đã bỏ sót, ngay đợt này đội văn nghệ chúng ta phải đưa vào chương trình biểu diễn …”. Anh Bích còn nói với tôi: “ Bài chú hát tặng hôm nay đã (chạm ) vào tâm trạng về ký ức và kỷ niệm xưa của anh đấy ” còn chị Thủy lúc này chị không nói điều gì nhưng tôi không khó để nhận ra cái ( chạm ) mạnh hơn đến với chị qua ánh mắt rớm nước biểu hiện sự xúc động về cái thực 100% trong bài hát mà cả anh và chị đã có trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa …
Anh Bích luyện hát bài KỶ NIỆM MỐI TÌNH ĐẦU
Cảm xúc đến với mọi người có mặt ở đây hôm nay thông qua bài hát KỶ NIỆM MỐI TÌNH ĐẦU có lẽ cũng là cảm xúc đánh thức ký ức vừa hào hùng vừa nhân văn trên con đường huyền thoại Trường Sơn năm xưa của nhiều nhiều đồng đội Trường Sơn khi được nghe và xem các chương trình mà đội văn nghệ Trường Sơn huyện Hải Hậu chuyển tải đến với họ …
Đến thăm gia đình anh và được giao lưu với các anh chị của đội văn nghệ - Ngoài những gì biết về anh Bích chị Thủy và đội văn nghệ do anh phụ trách đã lược tả trên còn một điều thật ấn tượng trong tôi mà tôi chưa đề cập đến đó là cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh; là nếp sống gia đình và tác phong của anh. Là một chiến sĩ Trường Sơn, một CCB và là một nhà giáo, vợ anh - Chị Thủy là một bệnh binh thường hay đau yếu, kinh tế gia đình anh Bích chẳng mấy khá giả nhưng anh chị sống cuộc sống đầy tình thương và hòa thuận, anh chị có 3 cháu, nhờ có sự chăm sóc dạy dỗ tốt của bố mẹ nên các cháu đều trưởng thành, đều đã xây dựng gia đình và đang công tác tại Hà Nội. Chị Thủy ngoài việc nội trợ gia đình và chăm sóc con cháu còn nhiệt tình tham gia các phong trào địa phương - Tại đại hội thành lập Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Hải Hậu chị Đặng Thị Thủy được đại hội tín nhiệm bầu vào BCH Hội nhiệm kỳ 2014 - 2019 .
Khuôn viên và căn nhà ở của anh chị rất nền nếp và ấm áp - Trong nhà không có thứ đồ dùng nào đắt tiền nhưng được sắp xếp rất khoa học và gọn sạch - Ngoài sân vườn cây cảnh, cây ăn quả tươi xanh thật mát mắt… Cảnh quan nơi đây rất hài hòa với chủ nhân của nó, tuy mới gặp anh nhưng tôi cũng nhận ra anh một con người của sự nề nếp - Cái nề nếp của con người có văn hóa nó được biểu hiện từ cách ăn mặc, nói năng của anh - Cái nề nếp của một nhà giáo mà lúc trai trẻ anh đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên tuyến đường Trường Sơn .
Có thể sự đánh giá về đội văn nghệ của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Hải Hậu sẽ là vội vã, nhưng tôi mạnh dạn và tự tin nhận xét rằng những gì mà đội văn nghệ của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Hải Hậu đạt được thì ít có đơn vị Hội cùng cấp nào sánh được và để có được cái không sánh được đó là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của các thành viên trong đội trong đó không thể không nói đến công lao và tấm lòng của vợ chồng Hội viên Trường Sơn anh Bích và chị Thủy.
Với những cống hiến cho đội văn nghệ nói riêng và cống hiến cho các hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyện Hải Hậu nói chung, cùng cả những gì đã và đang hiện hữu trong cuộc sống công tác và sinh hoạt đời thường của anh Nguyễn Ngọc Bích đã đủ nói lên bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, của người chiến sỹ Trường Sơn năm xưa - Anh thật xứng đáng là tấm gương sáng của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh chúng ta ./.
Nghề biển trên vùng quê Hải Hậu
Hải Hậu - Nam Định
( Tháng 02 năm 2015 )