Chị và một Đại hội đầy xúc động

Ngày đăng: 07:40 11/03/2015 Lượt xem: 606
Chị là một hội viên Trường Sơn của huyện Đạ Teh, Lâm Đồng. Chị làm thơ hay và nhiệt tình vì đồng đội Trường Sơn...

 

PHÓNG SỤ- “GƯƠNG SÁNG TRƯỜNG SƠN”

 

    CHỊ và MỘT ĐẠI HỘI ĐẦY XÚC ĐỘNG


            Ngày 24/12/2014, tôi được dự Đại Hội Thành Lập Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Huyện Đạ Teh theo tư cách “khách mời”. Mang danh là “Mạnh thường quân” thật ra số tiền ủng hộ vận động để lo Đại Hội không nhiều nhặn gì, song tôi cũng được mời dự gọi là “giao lưu” xã hội.

             Nhưng cuộc tham dự này không chỉ để giao lưu cho vui mà Đại Hội của một tổ chức đối với tôi thật sự mới mẻ này đã gây xúc động cho không chỉ riêng tôi mà cho cả Hội trường lớn. Ban tổ chức chương trình Đại hội đã giới thiệu Đại Hội có 160 chiến sĩ Trường Sơn và 30 đại biểu từ Tỉnh lâm Đồng, thành phố Bảo Lộc, Huyện Lâm Hà, Đức Trọng…và 11 xã trong huyện nhà cùng Ban ngành đoàn thể, CCB, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và vài “mạnh thường quân” nho nhỏ giống tôi. Theo tôi, tôi thường theo dõi tin tức trên Đài Truyền hình địa phương thì đây là một Đại Hội rất được “trân trọng” vì lãnh đạo các cơ quan ban ngành đều đến dự.

            Người phụ nữ được mời vị trí Đoàn chủ tịch là chị TẠ THỊ NGỌC HƯỜNG.  Tôi không lạ gì vì chị nổi tiếng trong địa phương về công tác “Từ thiện nhân đạo”. Người dân hay gọi chị với cái tên vị nể “Bà Hường từ thiện”. Tôi khá hiểu về chị từ năm 1999 chị cùng con trai về định cư tại huyện Đạ Teh. Chất độc da cam hành hạ, sờ đâu cũng thấy bệnh, chị đã bán hết nhà cửa ở thành phố để mong chữa trị, song chữa bệnh này lòi ra bệnh khác và khi chỉ còn trên tay 5 triệu đồng cuối cùng, nếu kéo 3 đứa con theo thì sẽ khiến con mình thất học. Chị quyết định để hai chị em ở lại thành phố, con chị vừa học, vừa đi làm kiếm tiền nuôi em trai út. Chị cùng 1 con trai về vùng đất mới Đạ Teh vì chính quyền nơi đây đang khuyến khích, tạo điều kiện cho dân về lập nghiệp, khai hoang, phục hóa. Song, mục đích của chị là để xin rẻo đất trong rừng, chôn mình, khi không còn gượng nổi. Năm triệu đồng chị có trên tay, không dành trị bệnh nữa mà mua ngay mãnh đồi lum lúp, che tạm mái nhà tranh mẹ con chui ra, chui vô, chờ thần chết gọi tên. Ngay lúc hy vọng mong manh nhất, chị sực nhớ mình từng là người chiến sĩ, từng vượt dãy Trường Sơn dầy bom đạn, thi gan với quân thù, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước, sao có thể lê thân chờ chết? Chị gượng dậy, cùng con trai mười bốn tuổi học “làm nông dân”, cũng hái điều thuê, trồng tràm và may vá linh tinh, dành dụm chút đĩnh, chăm chút lại cái nhà cho con bằng mái ngói cũ bán rẻ. Ai bày vẽ lá gì trị bệnh, chị cũng tha về giã uống, ai mách cây gì hay cũng mò mẫm, tìm kiếm mà phơi, mà sao tự điều trị. “Tổ đãi người khó” sức khỏe chị khá dần. Từ sự nhọc mệt, thất thểu, nhấc bước chân lên đồi vô cùng khó khăn, sau ba năm, chị đã có bước đi săng sái, biết cầm cuốc, đào hố trồng lấy cây mận, cây mít, cây bưởi. Cuộc sống trở về trong căn nhà nho nhỏ của hai mẹ con. Chính quyền khi biết chị từng là người chiến sĩ quân giải phóng, đã kết nạp Cựu chiến binh. Được đứng dậy bên đồng đội, cùng bà con thôn xóm thực hiện chủ trương “xóa đói giảm nghèo”. Không bằng lòng vời chữ nghèo, không thể nhận từng ký gạo cứu trợ của chính quyền, chị nhất định vươn lên vực kinh tế gia đình từng bước. Năm năm, mười năm và năm nay đã được mười lăm năm hòa mình với buôn làng, với bà con thôn xóm, hộ gia đình chị được đánh giá loại khá của thôn. Để biết ơn quê hương cuối đời đã cho chi chị cuộc sống và vượt qua bệnh tật. Chị dành dụm tủ tiền tiết kiệm “Vì người nghèo” dành cho các cuộc vận động “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng gói khi no”. Từ năm 2007, chị Hường đã được chính quyền đánh giá là người hoạt động “từ thiện nhân đạo” bền vững. Tuy không có số tiền lớn để giúp người, song sự tích góp, ky cóp của chị đạt tiêu chí “giúp nhau” trong cộng đồng nông thôn. Chị còn vận động từ xa những căn nhà tình thương cho bà con nghèo.

          Hôm nay một bất ngờ mới tối với tôi, chị Hường lại chủ trì một Đại Hội toàn sắc phục màu xanh. Tôi không hiểu lắm về “Chiến sĩ Trường Sơn” vì tất tật đều mặc bộ đồng phục xanh nên tôi nghỉ nôm na, ai mặc như vậy là “Cựu chiến binh”! Tôi vừa được biết, chiến sĩ Trường Sơn đa phần cũng là Cựu chiến binh, song đã chiến đấu, công tác ở mặt trận Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Con đường mà VTV1 lên sóng rất nhiều trong thời gian qua. Thì ra, những con người từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cũng đang hiện hữu tại huyện Đạ Teh với quân số đông như thế.  

           Cả hội trường Nhà văn Hóa Trung tâm huyện lặng đi, xúc động khi nghe chị Hường đọc báo cáo hoạt động đã…5 năm? Tôi nghỉ ngợi:“ Sao hoạt động được 5 năm rồi mà là Đại Hội lần thứ nhất? Thì ra, năm 2008, được Ban liên lạc thành phố Hồ Chí Minh gặp mặt tại Bảo Lộc đã phân công chị cùng số người tập hợp chiến sĩ một thời chiến đấu ở Trường Sơn, chị cùng nhóm chiến sĩ tiêu biểu thành lập một Ban liên lạc gồm những người đứng đầu biết hy sinh, dành dụm, ky cóp cho hoạt động này. Vì thế 5 năm qua mới có phong trào hoạt động gây xúc động một Đại Hội đầy tính nhân văn sâu sắc. Chấp hành chỉ thị 45 của Chính phủ về hoạt động tổ chức Hội, Ban liên lạc Trường Sơn mà chị Hường đang hoạt động phải tổ chức thành lập Hội để được Chính quyền lãnh đạo, quản lý. Tôi không hiểu hết nghĩa của “Tổ chức xả hội tự nguyện”. Người lãnh đạo hoạt động khá sôi động này không hề có lương, bổng, không có sự hỗ trợ ít nhiều của chính quyền. 5 năm qua họ đã đóng góp tiền túi để nuôi phong trào, để chăm sóc nhau. Nhưng hai từ “tự nguyện” chưa giúp tôi thỏa mãn vì Trường Sơn cũng có tổ chức cao nhất là Trung ương Hội, có sự lảnh đạo của Hội Trường Sơn Tỉnh Lâm Đồng. Theo Văn kiện Đại Hội thì Hội Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã được Quyết định cho phép của cơ quan cao nhất Tỉnh, có Điều Lệ Hội, được xét chuẩn y rất bài bản có khác gì Hội đặc thù mà tôi được biết. Điều khiến tôi ngưỡng mộ là 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của một Ban chấp hành lâm thời, chị Hường đã quy tụ tổng số chiến sỉ ban đầu chì 16 người, sau 5 năm đã có gần 180 người tham gia với Tổng quỹ Hội từ sự đóng góp của chiến sĩ là gần 70 triệu đồng. Một con số không nhỏ và đã điều hành cho nhau vay lãi xuất 0,1% để có khoãn hoạt động phong trào. Đã có 16 chiến sĩ qua đời với 16 vòng hoa. Đã có hơn 600 hộp sữa chăm sóc chiến sĩ ốm đau đi viện về. Chị Hường phân tích trong Đại Hội: “Với quân số 160 chiến sĩ, nếu chấp hành đúng quy ước mỗi năm tăng thêm 100 000đ thì sau 5 năm, vốn quỹ đã có 80 triệu. Hằng năm với mức lãi quy định, ta sẽ có 8 triệu đồng để hoạt động tốt hơn. Bởi vì còn số ít chiến sĩ đóng quỹ hội chưa đạt tiêu chí nên tổ chức chúng ta vẫn như “người mẹ nghèo đông con”, luôn phải chật vật, “giật gấu vá vai”. Nghe Đại Hội bàn bạc về công tác đưa tiễn chiến sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng cũng khiến đại biểu hết sức xúc động. Mỗi chiến sĩ qua đời, được chi trả lại quỷ hội đầy đủ cho gia đình và Ban Liên lạc còn chia buồn một vòng hoa phúng điếu mang dòng chữ “Ban liên lạc CSTS huyện Đạ Teh kính viếng” trị giá vòng hoa là 300 ngàn đồng. Vậy nếu chiến sĩ nào đóng quỹ hội chưa đúng quy ước thì vừa trả lại quỹ, vừa lo vòng hoa là hết sức “bấm bụng”. Bàn bạc về phương án chăm sóc đường sữa như sau: Mỗi năm, hội phí chiến sĩ là 50 ngàn, trích về Ban liên lạc 24 ngàn để lo công tác chỉ huy, giữ lại chi hội 26 ngàn. Nhưng khi chiến sĩ đau ốm thì phần đường sữa được chăm là 50 ngàn, như vậy chi hội phải bù thêm và nếu chiến sĩ năm đó đau ốm nhiều, kể như gặp khó khăn, bó bụng.

 

 

( Ảnh minh họa )

 

          5 năm qua, Ban liên lạc Chiến sĩ Trường Sơn còn vận động lòng hảo tâm  từ nhiều phía được 4 căn nhà tình nghĩa cho 5 hộ gia đình chiến sĩ nghèo là Lương văn Chón, Nông văn Thạch, Nguyễn văn Quỳnh, Trịnh thị Nhạc, mỗi căn 20 triệu, Tôi ngưỡng mộ hoạt động tình nghĩa của tổ chức Trường Sơn, họ đã làm được rất nhiều cho chiến sĩ. Trong lúc trên bàn liên hoan của nhiều tổ chức mà tôi biết, họ ăn không hết, thừa mứa phí phạm, tiền bạc chi phí vung vãi, lại có một tổ chức “tội nghiệp” như tổ chức Trường Sơn, họ đang dè xẻn từng đồng để mua sửa cho người ốm, và người từng đi cho Từ thiện như chị Hường lại phải đi vận động “Mạnh thường quân” cho lại mình… để tổ chức Đại Hội. Tôi thật sự ngưỡng mộ chị Hường, ngưỡng mộ một Ban chấp hành mà chị Hường đang điều hành. Sao họ dũng cảm quá!

           Vào giờ giải lao, tôi được nghe anh chị em truyền nhau câu chuyện về đồng chí Trưởng ban. Chị Hường từng vét túi để giúp chiến sĩ mua thuốc điều trị bệnh. Từng có những cuộc điện thoại gọi lúc nửa đêm như gọi cho thân nhân phút thập tử nhất sinh của chiến sĩ. Chị Hường còn làm cả cái việc nhạy cảm như, chiến sỉ say xỉn hành xử vợ con, đã được thân nhân cấp báo, chị đã thuyết phục chiến sĩ bằng lời lẽ rất đồng đội chứ không phải tư cách chỉ huy, rằng “ông rượu chè, đánh vợ, mắng con, chẳng giống chiến sĩ Trường sơn chút nào, tôi rất xấu hổ vì điều này. Phải khắc phục ngay không sẽ bị cắt quân số!” Tham gia vào tổ chức Trường Sơn trước mắt phải đóng quỹ hội, phải chấp hành quy ước. Được gì? Đau ốm được 2 hộp sữa. Được vòng hoa khi qua đời. 2 hộp sửa không giúp hết đau ốm, song chiến sĩ rất vui khi được quan tâm. Gia đình hài lòng khi thấy Trường Sơn bên người thân của mình lúc nhắm mắt. Đó là niềm tự hào vì một thời Trường Sơn luôn rực cháy trong tim mỗi chiến sĩ.

             Tôi quan sát Đại Hội, những cánh tay đưa lên phát biểu hăng hái về việc giữ gìn phong trào Trường Sơn bằng quyết tâm cao nhất. Phải chấp hành tốt Điều Lệ, quy ước. Ban chấp hành phải biết hy sinh. Từng hội viên  phải có trách nhiệm. Để có điều kiện hoạt động tốt hơn thì từng người phải gương mẫu chấp hành quy ước nghiêm. Chiến sĩ có kinh tế  khá hơn phải đóng quỹ vượt mức. Sự thống nhất cao của 160 hội viên cho thấy rất tâm huyết. Tôi được nghe ông Nguyễn thái Anh Quốc-Phó Bí thư huyện ủy phát biểu những lời ấm áp “Từ nay, huyện ta có 2 tổ chức phải chăm lo đó là Hội Cựu TNXP và Hội Trường Sơn. Làm gì đây để 2 tổ chức này có kinh phí mà hoạt động là giải pháp cần xem xét, nhất là Hội Trường Sơn…!” Toàn thể Đại Hội lắng xuống xúc động sau lời phát biểu của ông.

          Chị Hường tiếp tục được bầu chức danh Chủ tịch Hội là sự tin tưởng, thống nhất cao của Đại Hội. Với lứa tuổi 60 của một phụ nữ vẫn còn năng động, chị xử dụng vi tính thành thạo nên Hội Trường Sơn không vất vả mấy trong công tác hồ sơ như một số Hội bạn. Chị có tài sản quý giá đó là tấm lòng “mình vì mọi người” của anh Bộ đội Cụ Hồ. Chị nói và trình bày trước Đại Hội, luôn toát lên trong chị  sự lo toan. Tính hy sinh, chịu thương, chịu khó là mặt tiêu biểu ở chị không chỉ là của Hội Trường Sơn mà của mọi công tác xã hội mà chị đang được phân công. Tôi còn được biết, hằng năm chị thường báo cáo hoạt động Từ thiện của mình cho Ban thi đua Huyện nhà. Đến thăm gia đình chị, tôi thấy rất nhiều khen thưởng của Tỉnh và Huyện. Đặc biệt có Bằng khen của Hội truyền thống Trường Sơn Toàn quốc vào năm 2012.  

          Khi nghe Hội Trường Sơn thông báo có cuộc thi viết về “Chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi, luôn giúp đỡ đồng đội, vươn lên, xóa đói, giảm nghèo và có hành động đẹp trong cuộc sống hôm nay” tôi thấy chị Hường rất đạt tiêu chí mà thể lệ cuộc thi đặt ra. Tôi chắp bút viết về chị và Hội Trường Sơn mà chị tiếp tục cống hiến.

                                                                                                                                

Đồng chí Tạ Thị Ngọc Hường ( đứng giữa ) Tại Đại hội  Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Huyện Đạ Teh 

 

_____________________

 PHAN HỮU TUYẾN

Thôn Hương Bình 1- xã Đạ Lây- Huyện Đạ Teh- Tỉnh Lâm Đồng

DĐ: 0938 470 233

tin tức liên quan