VIẾT VỀ THANH NIÊN XUNG PHONG TRỊNH THỊ NHẠC
Chị Trịnh thị Nhạc sinh năm 1950, là công binh đơn vị TNXP C305-N287-P37. Chị vào Trường Sơn năm 1973. Sau thống nhất, chị trở về quê Phú Yên, Thọ Xuân, Thanh Hóa lấy chồng, sinh 1 con trai năm 1987 thì năm 1988 chồng chị qua đời. Buồn bã, năm 1991, chị rời quê hương dẫn theo con trai 4 tuổi vào nam, định cư tại thôn 10 thuộc Xã Đạ Kho, huyện Đạ Teh. Thôn 10 ngày ấy là một địa bàn vùng sâu còn hoang vu, quanh quanh chỉ thấy có đồi với núi…
Năm 2009, tôi và đ/c Trần Viết Bình được Ban Liên Lạc Bộ đội Trường Sơn thành phố Hồ Chí Minh phân công (làm người tiền nhiệm) đi tìm kiếm, tập hợp số chiến sĩ một thời công tác, chiến đấu ở mặt trận Trường sơn trên địa bàn huyện nhà. Chúng tôi đi tìm chị vì nghe tin chị là TNXP trước giải phóng. Chị đang ngồi cạo hạt điều. gian nhà vách ván, lợp tôn xi măng. nắng trưa phủ hầm hập xuống mái nhà, nóng không thể tưởng. Vài lời hỏi thăm và nói lý do tìm chị, chị Nhạc gục đầu lên hai đầu gối, khóc ngon lành khiến chúng tôi xốn xang. Chị nói trong nghẹn ngào:
- Sau thống nhất tới giờ mới nghe nhắc tới hai chữ Trường Sơn nên “tủi” thân quá! Tôi tưởng cấp trên quên phức chúng tôi cả rồi!
Chị khóc rấm rứt và nói lời trách cứ, tôi an ủi:
- Chúng ta hãy bình tĩnh, tôi nghĩ là nhà nước sẽ từng bước quan tâm đến lớp TNXP, chị đừng buồn. Trước hết là Hội cấp trên nhắc nhở chúng ta hãy giữ vững truyền thống con đường mang tên Bác, con đường thống nhất nước nhà.
Sau những phút tủi lòng vơi đi. Chị Nhạc đi bới tìm, lục lọi đưa cho chúng tôi tờ giấy củ kỷ của Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh cấp kỷ niệm chương TNXP số 315, cấp vào 28/10/1999 và một bằng khen của UBND tỉnh Thanh Hóa cấp năm 2007 số 3454. Tôi bàn với đ/c Bình, đừng nói xa xôi, trước mắt, phải mua mấy tấm ván tạp, ngăn gấp cái nóng trên giường nằm cho bà Nhạc đã, nếu không là chết khô, chết héo. Đ/c Bình hứa sẽ làm ngay việc này cho bà Nhạc. Tôi hỏi bà:
- Con cái đâu cả hở chị?
Bà Nhạc nói, có thằng con trai đi nuôi ong cho nhà chủ, cả năm về vài ngày tết rồi lại đi, ở nhà chỉ một mình.
- Cuộc sống của chị thế nào?
Cu Long lúc 1 - 2 tuổi
Bà Nhạc trình bày, nhà nước cấp cho mẫu đất rồi tự hoạch định trồng trọt, chăn nuôi. Bà cũng đã trồng xuống đất được vài chục cây điều của Hội Nông dân cấp, qua một mùa mưa đã cao được mét. Ngoài ra, trồng cây ngắn ngày là sắn mì xen vào để bán cho người thu mua nông sản. Thả rong vài con gà và nhận hạt điều về cạo. Tôi lo lắng, đơn độc, quạnh quẽ thế này, nhỡ sức khỏe có gì thì cầu cứu ai đây? Bà Nhạc cũng trấn an tôi, tuy ở cách nhau rời rạc, nhưng bà con trong thôn cũng có ý thức nhòm ngó nhau. Còn bà thì sáng sớm vác cuốc ra ngoài cuốc đất trồng này, trồng nọ cũng vui, lấy lao động làm thể dục. Trưa chiều nắng quá thì vô trong nhà ngồi cạo hạt điều, nên cái nóng trong nhà vẫn “mát” hơn ờ ngoài đồng. Nhờ trời thương, bà chẳng đau ốm gì.
- Cháu có gữi đồng nào cho mẹ không?
- Mỗi tháng nó gữi cho vài trăm mua gạo. Cạo thêm hạt điều mua rau, chai mắm, có con gà đẻ trứng cho bữa ăn là tạm ổn.
Tôi nghĩ chỉ vài năm sau, điều lớn sẽ có hạt để bán, cuộc sống đỡ khó khăn. Nhưng, năm 2011, thằng con trai đi làm xa, yêu một cô gái, nhỡ có bầu. Cô gái lần tìm về nhà bà mẹ của anh con trai mà đẻ, mới được 2 tháng, vào tờ mờ sáng, cô gái bỏ lại đứa con nhỏ xíu cho bà Nhạc mà đi biệt tăm. Chiến sĩ Trường Sơn lúc ấy đã đông đông, nghe tin vội hùn tiền nhau, mua sữa mang vô cho bà Nhạc nuôi…cháu bé. Nhìn thấy cảnh tóc bạc mà chăm con thơ thật tội nghiệp. Thằng cu khóc nhớ mẹ oe oe suốt, bà Nhạc loay hoay một mình quanh cái giường đầy những thứ không nhờ ai đỡ tay được. Đồng đội có đến, chỉ để động viên, rồi cũng về không thể ở lâu. Những hộp sữa từ tình thương đồng đội Trường sơn đã góp một phần nhỏ việc nuôi cháu bé nên công tác chăm sóc không chỉ lo việc chiến sĩ “ốm đau, đi viện”mà còn chăm sóc “chiến sĩ tí hon”.
Nhà bà Nhạn khi chưa xây
Năm đó, Ban liên lạc mừng khấp khởi vì có công văn về việc hỗ trợ nhà tình thương của Báo Sài Gòn Giải Phóng cho chiến sĩ Trường sơn, tôi nhanh chóng hoàn tất hồ sơ gữi đi, chờ mãi không thấy tăm hơi. Nhân dịp Thành Đoàn Đà Lạt quan tâm đối tường TNXP, chúng tôi nhanh chóng vận động. Chị Nhạc được nhận số tiền 20 000 000đ hỗ trợ cất nhà 20 mét vuông. Cất xong thì hết tiền, nhà xây gạch, chưa tô. Mái lợp tôn, nóng cũng không thua nhà tôn xi măng cũ và chưa có công trình phụ. Mặt tiền nhà chưa có mái hiên, nhìn tựa cái hộp vuông trụi trũi, trông xấu xí quá. Thôi thì, nắng không đến lưng, mưa không đến mặt là tốt rồi. Che chắn cho cháu bé phần nào mưa rừng, gió núi.
Tay ôm cu Long một tuổi, không làm gì được. Tranh thủ lúc cháu ngủ, bà Nhạc nấu nước đổ bình thủy, giặt giũ, phơi phóng rồi cạo vội vàng mấy cân hạt điều. Chúng tôi đến thăm, thấy quá tội, bà Nhạc địu cháu lúc trước ngực, lúc sau lưng để làm mọi việc. Khi cu Long biết bò, phải thả xuống đất, bà được rãnh tay đôi chút nhưng cháu lê lết, luôn tay, thứ gì cũng mó. mặt mày đen nhẽm nhọ nồi như anh hề. Khi cháu chập chững biết đi, bà Nhạc càng vất vã, lúc nào cũng phải theo sát, nhỡ lăn cù, va vập thì khổ. Đi đâu ra đường cũng phải na theo bằng cách bỏ nó vào giỏ xe đằng trước, ràng, cột cẩn thận, thật tội nghiệp. Cảnh cháu ngồi giỏ xe ai nhìn thấy cũng thương đứt ruột. Cu Long theo bà đi giao hạt, nhận hạt về thành sự thân thương của thôn xóm. Vậy mà sơ kết hay tổng kết Trường Sơn, không khi nào bà, cháu vắng mặt. Ngày 8/3 và 20/10, bà, cháu đều đến dự đầy đủ và cũng nách cháu ngồi liên hoan cùng đồng đội.
Nay cu Long đã được 4 tuổi, da đen nhẽm, chạy lăng quăng chân sáo khắp vườn. Cười tít mắt và nói như két con. Bà Nhạc kể, có lúc bà vất vả quá nên vùng vằng, quát mắng. Tối nằm bên bà, cu Long thỏ thẻ: “Bà nội nói khẽ thôi, đừng nói to em sợ lắm, em “quậy”đó!. Quậy tức là không tự ăn, bắt bà nội phải đút từng thìa mới chịu. Vì mỗi lần cu Long không chịu ăn, bà nội bực dọc nói “Em quậy phải không?”. Nó thấy bà luôn tay việc nhà, việc ngoài vườn cũng biết xót ruột, lại nói: “Mai em lớn, em sẽ đi “làm mật ong” giống bố, lấy tiền nuôi bà nội nhá! Bà cứ dẫn bê đi ăn cỏ thôi, không phải làm gì nữa nhá!!” Ai nghe cũng cười lăn lóc. Cu Long đã lớn, bà thì già nhiều, trường thì hơi xa, bà không dám chở Long trên xe đạp nữa, nên cu Long chưa thể đến trường. Bà Nhạc sắm cho cu Long quyển vở, cây bút, cu Long vẻ, viết suốt ngày. Mỗi lần đến chơi, nó đem vở ra khoe. Tôi dạy cháu đếm, dạy viết chữ. Năm nay bố Long sẽ đón mẹ mới về đưa em được đi học. .. Căn nhà trụi lũi đã được tô tường, quét vôi, đã có mái hiên và một cái chái bên hông cất lên làm 2 gian ngủ nho nhỏ. Bà cháu 1 gian, một gian để dành cho thằng con trai lấy vợ.
Công trình xây nhà Tình nghĩa cho TNXP T.Sơn 2012
Một mình, một cháu, bà Nhạc bòn bói từng đồng bán điều hạt. Tiền con trai gữi về nuôi cu Long, bà rất tiện tặn. Năm 2014, xã có chương trình hỗ trợ vốn chăn nuôi. Bà Nhạc mua được con bê. Đầu năm nay, lại mua được con bê nữa. Nuôi mới vài tháng hai bê đã thành hai bò tơ. Thôn lại cho vay tiền hỗ trợ làm công trình phụ. Bà xây được toa lét, chuồng gà. Tôi vừa đến chơi đã thấy gạch và xi đổ ngang lối vào. Thì ra là xây chuồng cho 2 con bò vì tháng 8 này cả hai bò sẽ đẻ bê con sẽ có tiền trả vốn vay. Ngoài vườn, tôi thấy bà Nhạc trồng cỏ xanh um, loại cỏ dành nuôi bò. Chung quanh vườn, đã rào lưới B 40 để bầy gà thả đi kiếm ăn thoải mái. Trong nhà ngoài vườn sạch sẽ, khang trang đâu ra đó.
Bà Trịnh thị Nhạc năm nay đã 66 tuổi, là một TNXP Trường sơn vượt khó vươn lên trên mọi hoàn cảnh. Câu chuyện “Bà nuôi cháu mọn” trong chiến sĩ Trường Sơn huyện Đạ Teh ai cũng thương. Cả Hội đều theo dõi sự lớn lên của cu Long. Một mình, một tay, vừa nuôi cháu mọn, vừa gầy dựng kinh tế gia đình, là một tấm gương tiêu biểu cho nữ chiến sĩ huyện nhà. Đến chơi, bà Nhạc lăng xăng pha cà phê, pha trà, mời bánh cứ như tết. Ở lại ăn cơm cùng hai bà cháu, cũng có sẵn rượu pha mật ong“đãi khách”. Tuy công việc không ngơi tay, song, tôi thấy bà Nhạc đang nuôi ý chí phấn đấu tạo cho gia đình một cuộc sống vươn tới sự đầy đủ, thoát cảnh kham khổ trước đây. Sự phấn đấu vươn lên đó rất đáng tự hào, hứa hẹn một tuổi già an nhàn, thảnh thơi. Bà Nhạc nói:
- Một chuồng bò, hai con mẹ, hai con bê. Một sân gà thả vườn. Vài chục cây điều hạt. Hai vợ chồng thằng con trai về nhà sống với hai bà cháu, chí thú làm ăn, chỉ có vươn lên thôi.
2 bà cháu dự ngày 20/10/2014
Người viết
TẠ THỊ NGỌC HƯỜNG
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường sơn- đường HCM huyện Đạ Teh.