Có một Giám đốc CCB Trường Sơn khi làm ăn thuận lợi đã luôn nhớ tới đồng đội còn gặp khó khăn. Đó là Giám đốc Công ty chăn ga gối đệm Nguyễn Thanh Bình...
GIÁM ĐỐC CCB TRƯỜNG SƠN NGUYỄN THANH BÌNH
Công ty Thanh Bình nhìn từ cổng.
Thế là đã mấy lần tôi và vợ chồng Giám đốc Công ty Chăn - Gối - Đệm Thanh Bình đi cùng nhau trong những chuyến tặng quà nghĩa tình Trường Sơn. Anh chị đã thông qua Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã tặng cho hội viên Trường Sơn mấy trăm chiếc chăn ấm. Anh Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực TƯ. Hội ghé tai tôi nói nhỏ:
-Mỗi chiếc chăn trị giá 800 ngàn đồng, Thành Long ạ. Anh Nguyễn Thanh Bình cũng là lính Trường Sơn đấy. Khi nào có dịp anh nên tìm hiểu để giới thiệu anh ấy trong mục “Gương sáng Trường Sơn” trên Trang thông tin Trường Sơn của ta nhé!
Tôi không quên điều anh Tuấn dặn. Trong chuyến đi tặng quà cho bộ đội Trường Sơn ở Nguyên Bình, Cao Bằng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội, mấy lần định gặp riêng anh nhưng rồi chương trình của chuyến đi dày đặc nên đành chịu.
Rất may, một ngày cuối năm 2014, tôi được mời đi trong đoàn lãnh đạo của TƯ. Hội tới dự Lễ tổng kết cuối năm của Công ty anh. Tôi đã toại nguyện.
Tôi vô cùng ngạc nhiên với cơ ngơi Công ty tọa lạc trên một khuôn viên rộng hơn 2 héc ta nằm ngay mặt tiền quốc lộ 5. Anh bảo, Công ty của tôi mở ra từ năm 1993 ở Hà Nội, nhưng chật chội lắm. Năm 2003, chúng tôi mới chuyển về xã Giai Phạm – quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – để xây dựng cơ ngơi mới như anh thấy đấy.
Tôi tranh thủ lượn một vòng quanh nhà máy. Một con đường rộng hơn 6 mét đủ cho 2 chiếc xe tải tránh nhau chạy dọc nhà máy. Điều thú vị và ấn tượng nhất đối với tôi là hàng xoài, nhãn được trồng chạy dọc con đường. Xoài, nhãn đã mấy mùa ra quả và tỏa bóng mát rượi xuống con đường này. Kề bên khu văn phòng là một nhà ăn rộng đẹp, phục vụ bữa ăn ca và ăn trưa miễn phí cho 152 công nhân của Công ty. Liền kề phía sau là dãy nhà xưởng cao rộng của nhiều phân xưởng với máy móc mới và hiện đại của Hà Quốc và Nhật bản. Bốn phần năm công việc của nhà máy hòan toàn tự động. Chỉ còn khâu may thành phẩm là phải may thủ công. Vì thế Công ty có tới 100 công nhân vệ tinh ngay ở xã Giai Phạm…
Anh Nguyễn Thanh Bình khoe với tôi: 4 năm trước, một công ty của Hàn Quốc đề nghị mua lại cơ ngơi này của tôi với giá 8 triệu đô la đấy. Nhưng làm sao tôi bán. Đây là thành quả lao động suốt bao năm trời của vợ chồng tôi và các cháu anh ạ.
Giám đốc Nguyễn Thanh Bình và vợ là Nguyễn Thị Kim Thư
Sau khi tìm hiểu, tôi được biết, anh Nguyễn Thanh Bình tuổi hổ. Năm 1972 sau khi tốt nghiệp đại học ngành hóa công nghiệp ở Liên Xô về nước, 3 tháng sau (7/1972) anh đã khoác áo lính vào Trường Sơn. Anh công tác tại X30 Tiểu đoàn xe máy, Cục Xe máy công binh Trường Sơn. Cuối năm 1979 anh chuyển ngành về Viện Hóa công nghiệp. Nơi mà anh đã công tác 3 tháng trước khi nhập ngũ. Sau đó anh lại chuyển ra Chi cục thuế quận Hai Bà Trưng, rồi về làm thanh tra nghiệp vụ Cục Thuế Hà Nội. Đầu năm 1990, anh xin nghỉ hưu sớm vì bệnh tật. Vừa chữa bệnh, anh và vợ (chị Trần thị Kim Thư) vừa mày mò tìm hiểu công việc làm ăn cho tương lai. Chị là con gái một nhà may có tiếng ở Hải Phòng năm xưa, nên việc may, vá rất quen thuộc với chị. Anh mò sang Kiêu Kỵ, Gia Lâm tham quan nhà máy sản xuất chăn gối của Hàn Quốc. Anh thấy nghề sản xuất này không quá khó, lại khá phù hợp với với vợ chồng anh. Thế là năm 1993, vợ chồng anh quyết định vay mượn tiền để thuê nhà xưởng mở công ty sản xuất chăm ga gối đệm. Năm 1997, anh sang Hàn Quốc tìm hiểu và mua một dàn máy thế hệ mới trị giá 250.000 USD. Sau khi đã có cơ ngơi mới ở Giai Phạm, anh trang bị tiếp nhiều dàn máy mới hiện đại của Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ số vốn chưa đầy một trăm triệu đồng ban đầu, bây giờ anh chị đã có trị giá tài sản nhiều triệu đô la. Doanh thu hàng năm của Công ty tăng trưởng ít nhất từ 10% mỗi năm. Năm 2014, doanh thu của Công ty là 121 tỷ đồng (tăng 14,5% so với năm 2013). Nhưng điều tôi muốn nói nhất chính là sự xây dựng nên một thứ văn hóa của công ty anh. Vợ chồng anh coi anh chị em công nhân là người trong gia đình. Vì thế, sáng nào chị Thư cũng có mặt tại nhà ăn để kiểm tra khâu vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến. Mùa hè, hàng xoài đã cung cấp thường xuyên quả xoài để nấu canh chua cho công nhân. Chị không nề hà bưng bê đồ ăn tới tận bàn cho công nhân…
Hiện nay Công ty sản xuất 40 mặt hàng khác nhau có chất lượng cao. Công ty có hệ thống 70 đại lý bán hàng trong cả nước. Ở Thái Lan và Malayxia Công ty đã đặt đại lý bán hàng và giới thiệu sản phẩm.
Là một giám đốc đã từng trải qua chiến tranh, Nguyễn Thanh Bình thấm thía và quý trọng giá trị lao động của cán bộ, công nhân của mình. Vì thế Công ty khuyến khích cán bộ, công nhân gắn bó lâu năm với Công ty bằng việc tặng tiền thâm niêm làm việc hàng tháng ngoài tiền lương. Nếu làm việc 5 năm, 10 năm, 15 năm Công ty còn có thưởng lớn tặng cán bộ, công nhân vào dịp tổng kết cuối năm. Thu nhập trung bình của công nhân từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng. Các chế độ quy định của pháp luật đối với người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thưởng ngày Lễ, Tết được thực hiện nghiêm túc…Vì vậy, hầu hết công nhân gắn bó với Công ty. Việc tuyển dụng công nhân bổ sung do bỏ việc hàng năm rất ít. Khẩu hiệu của Công ty là: Vệ sinh công nghiệp – Kỷ luật lao động – Đoàn kết thân ái.
Bộ máy quản lý của công ty rất gọn nhẹ. Bộ phận quản lý và hành chính của Công ty chỉ khoảng 10 người. Điều rất vui với anh Nguyễn Thanh Bình là cháu gái thứ 2 của anh chị, cháu Nguyễn Thanh Hà, sinh năm 1978, tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ bây giờ là trợ thủ đắc lực của anh. Cháu hiện là Phó Giám đốc Sản xuất. Cháu đang là giảng viên tại Học viện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý về giúp bố quản lý Công ty. Nhờ có chính sách quản trị tốt mà Công ty đã thu hút được những nhân viên có trình độ cao về công tác tại Công ty. Một trong những người như thế là Phó Giám đốc Kinh doanh Vũ Công Phúc. Anh là Tiến sĩ tốt nghiệp tại Hà Lan, tuổi mới ngoài 30…
Nói về Giám đốc CCB Trường Sơn Nguyễn Thanh Bình thì còn rất nhiều chuyện. Tôi ấn tượng nhất là tình cảm của anh chị dành cho đồng đội. Anh đã nhiều lần mang hàng trăm chiếc chăn đẹp đi cùng lãnh đạo Trung ương Hội để trực tiếp trao tặng cho đồng đội Trường Sơn tại các địa phương.
Sau chuyến về nguồn tại Nguyên Bình, Cao Bằng tặng 90 chiếc chăn ấn cho đồng đội Trường Sơn ở địa phương, anh chị còn bươn bả vào tận miền Tây Quảng Bình. Tại đây, anh lại cùng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trao tặng hàng trăm chiếc chăn bông cho đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Bình và TNXP, chiến sĩ Trường Sơn.
Anh tâm sự với tôi: Đi qua chiến tranh, mình may mắn trở về. Vợ chồng tôi có một chút thuận lợi. Trong khi đó nhiều đồng đội còn gặp khó khăn. Chia sẻ với đồng đội không chỉ là nghĩa tình mà còn là trách nhiệm của tôi và nhiều đồng chí khác có điều kiện thuận lợi hơn. Đó là truyền thống yêu thương, chia sẻ của những người lính Trường Sơn…
Bài và ảnh: Thành Long