Những thương binh gây dựng cơ nghiệp từ đôi tay không lành lặn
Nguồn:Báo Điện tử VOV.VN
Nhiều thương binh không chỉ gây dựng cơ nghiệp từ những đôi chân, đôi tay không lành lặn mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để lại một cánh tay trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn vào buổi sáng 30/4/1975 lịch sử, người lính xe tăng Nguyễn Trần Đoàn trở về quê hương ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
|
Ông Nguyễn Trần Đoàn đang trao đổi cùng đồng đội. (Ảnh: Thanh Nga). |
Với suy nghĩ “mình không lành lặn về cơ thể, nhưng mình còn đầu óc”, ông bắt đầu rèn luyện làm mọi việc bằng một tay. Năm 1991, ông Nguyễn Trần Đoàn cùng với đồng đội mở Xí nghiệp 273, ban đầu sửa chữa cơ - điện lạnh, rồi kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng. Từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, đến nay, Xí nghiệp 273 đã có doanh thu hàng năm 250 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 60 thương binh, bệnh binh.
Xí nghiệp 273 đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương, các bộ, ngành. Không dừng lại ở việc làm giàu cho riêng mình, ông Nguyễn Trần Đoàn còn giúp đỡ nhiều thương bệnh binh, cựu chiến binh ở Hải Phòng phát triển kinh tế và hiện là Chủ tịch danh dự Hiệp hội doanh nghiệp Cựu chiến binh Hải Phòng.
Cũng là một thương binh không chịu khuất phục số phận, ông Lê Ngọc Hà, người lính binh đoàn 678 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào năm xưa không ngại khó khăn vào Nam ra Bắc để tìm hướng đi cho mình.
Từng làm về vận tải biển, phải bán hết tàu thuyền vì thiếu kinh nghiệm dẫn đến thua lỗ, đến nay, ông Lê Ngọc Hà đã có 2 công ty với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Từ thành công của mình, ông Lê Ngọc Hà đã tạo việc làm cho nhiều cựu chiến binh và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Hàng năm, ông cũng đóng góp kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
Công ty còn nhận nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi và đến nay, nhiều em đang mang trên mình màu xanh áo lính, tiếp nối truyền thống cha anh bảo vệ Tổ Quốc.
Ông Lê Ngọc Hà chia sẻ, khi đã là một người lính trở về và làm ra kinh tế thì phải biết nhớ đến đồng chí, đồng đội của mình. Nghĩa cử cao đẹp đó, chúng tôi đặt lên hàng đầu. Làm kinh tế có 3 ý nghĩa: phục vụ cho gia đình, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho những gia đình chính sách, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhà nước người lao động.
Với ông Phạm Văn Huyền, thương binh hạng 2/4 ở xã Lê Thiện, huyện An Dương, dù không sở hữu công ty lớn như ông Nguyễn Trần Đoàn hay ông Lê Ngọc Hà... nhưng ông Huyền lại là người có công đầu trong việc xây dựng và mở rộng mạng lưới hợp tác xã thương binh tại Hải Phòng.
Từ kinh nghiệm thành lập Hợp tác xã Thương binh tự lập Quyết Thắng vào năm 1988, 30 năm qua, ông đã tư vấn cho nhiều đồng đội thành lập và kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã thương binh. Ở tuổi 70, sức khỏe đã kém nhưng nơi nào đồng đội cần là ông Phạm Văn Huyền có mặt.
Dù còn một tay, một chân hay mang trong mình hàng chục vết thương do bom đạn chiến tranh, những thương binh như ông Nguyễn Trần Đoàn, Lê Ngọc Hà, Phạm Văn Huyền một lần nữa trở thành những người anh hùng trong thời bình, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước./.