Nghị lực của một sĩ quan Trường Sơn

Ngày đăng: 09:07 23/05/2015 Lượt xem: 810
 Đôi bàn tay của người lính Trường Sơn năm nào nay đang xây nên khu vườn sinh thái Trường Sơn để giáo dục một cách sinh động về

                           

NGHỊ LỰC CỦA MỘT SĨ QUAN TRƯỜNG SƠN

                                       Phạm Thành Long

         

 

 

Cựu chiến binh Trường Sơn - Thiếu tá Phạm Tiến Đặng.

 

          Anh Phan Kế Toán - CTV tại Tỉnh Hội TS Bình Thuận đã đôi lần đã đưa một số hành ảnh về Hoa viên sinh thái Đăng Linh. Cuối tháng năm này, có dịp vào công tác tại Hàm Tân, Bình Thuận, tôi đã tới thăm Hoa viên sinh thái Đăng Linh của cựu Thiếu tá Phạm Tiến Đặng.

          Phải nói khó vài lần thì Phạm Tiến Đặng mới đồng ý dẫn tôi đi thăm Hoa viên của anh. Giải thích điều này, anh bảo tôi: - Anh thông cảm, em chưa muốn giới thiệu về thành quả "chưa đâu vào đâu" của em. Nhiều anh em Trường Sơn làm được nhiều việc ý nghĩa và to lớn hơn em nhiều. Nói là Hoa viên cho oai thôi chứ cái vườn sinh thái này của em mới xây dựng được hơn 4 năm nay thôi. Nhiều hạng mục chưa được triển khai. Cây cối chưa lớn. Giới thiệu thì e ...chưa ngon lắm, anh ạ. Dù cố gắng chối từ nhưng trước sự thuyết phục của tôi, Đặng đã đồng ý dẫn tôi đi giới thiệu thành quả ban đầu của anh.

         Sở dĩ, tôi và Tiến Đặng xưng hô thân mật như thế là vì trước đây, anh là cán bộ của Phòng Tham mưu Vận chuyển, còn tôi ở Phòng Chính trị Sư đoàn 471. Trước khi cùng Phạm Tiến Đặng đi thăm Hoa viên của anh, tôi muốn nói đôi nét về người lính Trường Sơn này.

         Phạm Tiến Đặng tuổi thìn. Anh rời quê hương Đò Quan, TP. Nam Định để khoác áo lính năm 1969, khi ấy mới 17 tuổi. Tháng 10 năm 1969, anh được cử đi học KB (dược) quân đội. Lẽ ra anh không thuộc diện phải nhập ngũ, vì anh là con trai cuối cùng của gia đình có nhiều con đang là bộ đội. Anh trai của anh là Sư đoàn phó 320 đang chiến đấu ở Miền Nam. Nhưng điều đó không ngăn được anh được khoác áo lính. Năm 1971, anh lên đường vào Trường Sơn và công tác ở Phòng Tham mưu Vận chuyển Sư đoàn 471. Anh thường xuyên phải chốt tại các kho đầu mối làm công việc phân loại hàng hóa để phaan phối cho các  hướng chiến trường. Năm 1974, anh phải nhập viện, rồi chuyển ra Quân y viện 112 của Cục Quân y đóng tại miền Tây Quảng Bình. Sau năm 1975, anh được chuyển về công tác tại  đơn vị 302. Năm 1986, anh chuyển ngành với quân hàm Thiếu tá. Phạm Tiến Đặng ra làm Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Sao Mai của tỉnh Quảng Trị. Năm 1990 anh chuyển vào Tiền Giang mở công ty Việt Thành chuyên thêu áo Ki Mô Nô cho Nhật Bản. Rồi số phận đưa đẩy, vowis khả năng chuyên môn của mình, anh được nhiều công ty kể cả công ty đầu tư nước ngoài của một Việt Kiều Mỹ... mời về làm việc. Năm 2010,  anh về Tân Đức, Hàm Tân,  Bình Thuận lập nghiệp. Sau khi chia tay người vợ năm 1997, anh ra đi gần như hai bàn tay trắng.

         Về Hàm Tân, anh mua 2,2 héc ta đất hoang cỏ mọc lút người.  

        Ý định phải làm một trang trại sinh thái thôi thúc anh. Một bản thiết kế và quy hoạch khu trang trại đã hình thành trong đầu. Và cứ thế anh thuê người và máy móc múc 2 chiếc hồ lớn và san ủi mặt bằng. Anh mua cây giống về trồng. Cứ thế,  cái trang trại ở trong đầu anh cứ hiện dần ra trên thực tế....

       Phạm Tiến Đặng vận nguyên bộ quần áo ngủ, vác cuốc dẫn tôi đi thăm trang trại của anh. Đầu tiên, anh dẫn tôi ra khu vực trồng 400 cây gỗ sưa. Anh bảo, chỉ 6 năm nữa là em có thể thu hoạch đám gỗ sưa này rồi. Đất cằn mà anh thấy chúng có lớn không? Đường kính mỗi cây được trên dưới 15 phân rồi đấy anh ạ.  Em đã dự tính, khi nào thu hoạch gỗ sưa, em sẽ dành tặng quỹ khuyến học của con em CCB một nửa tiền bán gỗ anh ạ. Cần phải đầu tư khuyến khích con cháu của chúng ta học chăm, học giỏi, anh ạ...

        - Thế đám đất này Đặng định trồng gì mà vẫn để đất trống khá rộng vậy? Tôi hỏi.

        - À, em quên  chưa giới thiệu. Chỗ đất khoảng 200 mét vuông này em sẽ xây một cái bảo tàng mi ni về Đường Trường Sơn. Ở vùng này, đồng bào chưa hiểu về Trường Sơn nhiều đâu anh, nhất là các cháu học sinh, thanh niên. Bảo tàng này em sẽ trưng bày hiện vật về Trường Sơn, đắp mô hình để người xem hình dung ra một phần về Trường Sơn của chúng ta anh ạ. Điều đáng buồn là: Trường Sơn vĩ đại thế mà ngay nhiều lãnh đạo địa  phương ở đây đâu có biết về Trường Sơn. Em muốn góp một chút nhỏ để cho tụi nhỏ biết một phần về Trường Sơn, thế là em đã mãn nguyện lắm rồi...

       Anh tiếp tục đưa tôi ra một cái quán giữa một hồ nước. Mùa này nước cạn gần tới đáy. Nhìn thấy trên mặt nước có nhiều chú cá to chết nổi trắng bụng. Tôi hỏi: 

       - Làm sao cá chết nhiều vậy ?

      - Em thả hàng ngàn con cá chép hồng xuống hồ này, nhưng năm nay Bình Thuận khô hạn quá nên nước trong hồ bị cạn và bị ô nhiễm. Rất may là hồ nước này có nước mạch nên mới tồn tại được như thế này. Anh chỉ tay sang chiếc hồ lớn phía bên kia vườn: - Cái hồ rộng kia thì không có nước mạch nên đã  trơ đáy rồi. Em đang tính tiếp về nguồn nước trong vườn. Chắc là em phải múc tiếp cái hồ kia để tìm nước mạch...

        Đặng chỉ tay sang  hòn núi giả  khá lớn mà anh đã bỏ công ra xây đắp ở phía tay phải cái quán nhỏ giữa hồ:  - Em làm một hòn núi giả kia để người tới tham quan hình dung ra một phần những con sông, con suối kỳ vĩ của Trường Sơn. Bên trong hòn núi giả kia là một vòm núi rỗng. Bây giờ em tạm  thời làm nơi trú ngụ của đàn gà hơn một ngàn con được thả rông trong vườn anh ạ.

          Tôi nhìn khắp khu vườn. Đúng là có rất nhiều chú gà lớn đang chạy kiếm mồi dưới tán những hàng cây rợp mát trong vườn. 

         - Thức ăn cho lũ gà kia mỗi ngày có nhiều không?

        - Vừa phải thôi anh ạ. Ban ngày chúng chạy đi kiếm mồi khắp khu vườn. Như anh thấy đấy. Ở khu vực này có rất nhiều mối. Trước và sau cơn mưa đàn mối bay ra rất nhiều. Đó là thức ăn bổ dưỡng rất tốt cho lũ gà anh ạ. Vì thế, cám gà, em cung cấp cho chúng khá ít...

        Quanh chiếc hồ lớn và sâu ở bên trái khu vườn là hàng cây mận hồng đào (roi). 40 cây mận hồng đào được trồng quanh hồ. Tôi thấy khá nhiều quả mận nhỏ trên cành. Thấy tôi băn khoăn, Phạm Tiến Đặng giải thích muôn: -  Anh mà về đây trước nửa tháng thôi thì chiếc hồ này được vây quanh một màu đỏ tím của mận. Quả trĩu trịt  và khá lớn trên cây. Bọn em đã thu hái để cho và tặng bạn bè rồi. Trên cây chỉ còn sót lại một ít quả non thôi...

       Phạm Tiến Đặng đưa tôi đi thăm hàng xoài 50 cây đang ra trái của khu vườn. Không hiểu giống xoài này là giống gì mà quả ra nhiều và xà sát mặt đất. Rồi anh giới thiệu hàng cây ổi, hàng na, hàng táo... mỗi loại đều 40 cây đang bắt đầu cho trái.  Dưới tán xoài, hàng trăm chú gà to bằng một nắm tay đang trú nắng. 

       - Hơn một ngàn chú gà này chỉ hai tháng nữa thôi,  chúng nó  sẽ "làm chủ" khu vườn này đấy anh ạ. Anh Đặng tự hào khoe.

       Sau khi đi hết khu vườn, tôi bảo:

       - Nếu tôi không nhầm thì anh đã trồng 18 loại cây. Có đúng không?

       - Hoàn toàn đúng. Em chọn trồng 18 loại cây không phải ngẫu nhiên đâu. 18 là con số thiêng. Em thích con số này nên quyết định số lượng  cây như vậy.

      Ở gần phía  bên phải cổng  vườn là một khu đất vừa hoàn tất với chi phí hơn 400 triệu đồng. Phạm Tiến Đặng giải thích với tôi: - Đây chỉ là khoản đầu tư ban đầu cho khu vực này. Em mô phỏng dòng suối Trường Sơn. Con đường uốn lượn phía trên là đường Trường Sơn. Cái gò đất cao nhất hình trái tim kia là mô phỏng trái tim người lính Trường Sơn đấy anh ạ. Rồi anh dẫn tôi ra chỉ vào 2 cái cây nhỏ được trồng trong khu vườn này: - Đây là 2 loại cây quý hiếm. Một cây gọi là cây số 1, còn cây kia là cây "thần kỳ". Lá của nó chữa được khá nhiều bệnh. Mỗi sáng chỉ cần ăn 7 lá nếu là trai. Còn con gái thì ăn 9 lá... Khi nào chúng lớn, em sẽ cố triết cành để gửi tặng  anh một cây...

     Mới chỉ đi lượn một vòng quanh khu vườn sinh thái mà lưng áo tôi  đã ướt đầm mồ hôi.  Tôi nhìn khắp khu vườn, hình dung ra biết bao mồ hôi đã đổ ra của người đồng đội Phạm Tiến Đặng cho khu vườn này.

     - Thế anh có bao nhiêu người làm hàng ngày? Tôi hỏi.

     - Em chỉ có cậu  Tèo, hơn 40 tuổi giúp em một số việc thôi. Công việc hàng ngày em đều tự làm cả. Chỉ đến mùa bón phân, rẫy cỏ thì em thuê khoảng gần 10 người làm trong vài ngày. Khổ nỗi, mang tiếng là có người giúp việc nhưng cậu Tèo là một trường hợp đáng thương mà em phải cưu mang. Cậu ta chỉ làm được vài việc đơn giản thôi. Nhiều hôm mải làm, đến hơn 7 giờ tối em mới dừng tay. Người mệt quá, chỉ muốn đi nằm và không thiết ăn uống gì. Nhưng thương cậu Tèo, nên em lại phải đi nấu cơm để hai anh em cùng ăn. Cậu Tèo không biết nấu cơm anh ạ... Nghe Đặng tâm sự mà tôi thấy thương đồng đội quá. Hơn mười năm nay anh sống đơn chiếc. Cơ ngơi của anh thiếu bàn tay của phụ nữ nên nhiều thứ chưa được tươm tất, gọn gàng...

        Phạm Tiến Đặng không phải là người lắm tiền, nhiều của nên chơi ngông. Anh đã phải thế chấp ngân hàng hai chiếc sổ đỏ để có tiền xây vườn sinh thái. Ban đầu, tôi cũng có suy nghĩ, đồng đội mình chơi khác người. Nhưng nghe những tâm sự thật lòng của Phạm Tiến Đặng, tôi mới thật sự hiểu tấm lòng vì Trường Sơn của anh. Khu vườn sinh thái của anh hình thành hôm nay chỉ với mục đích tạo ra một điểm  tham quan, du lịch sinh thái và  kết hợp giới thiệu  đôi nét về Trường Sơn. Từ đôi bàn tay đã trải qua năm tháng lăn lộn chiến đấu trên Trường Sơn, bây giờ  đôi tay của Phạm Tiến Đặng lại tiếp tục làm việc với một cường độ không tưởng để hình thành nên một Hoa viên sinh thái mang tên Đăng Linh. Nghị lực của một cựu sĩ quan Trường Sơn thật phi thường.

        Hoa viên của anh chưa đón một đoàn du khách  chính thức nào tới thăm vì nó chưa hoàn chỉnh. Song với những người lính Trường Sơn của Hàm Tân và Bình Thuận thì từ lâu, nó đã trở thành một địa chỉ thân thương và gần gũi.  Hoa viên của anh đã nhiều lần là nơi tụ họp đồng đội, nơi gặp mặt Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn... Phạm Tiến Đặng nhận được gần như tuyệt đối sự tín nhiệm của hội viên Trường Sơn huyện Hàm Tân. Tất cả đều mong và tin ở anh - người  Chủ tịch tương lai của Hội Trường Sơn Hàm Tân. Bởi anh không chỉ là một CCB Trường Sơn giàu nghị lực mà còn là một người nhiệt tình, trách nhiệm với đồng đột và có nhiều ý tưởng hay trong hoạt động.

        Anh Bùi Đức Long, Chủ tịch Hội TS Bình Thuận giới thiệu với tôi:  Chú Đặng là người làm công tác từ thiện rất tích cực. Đã nhiều lần chú ấy tài trợ cho Quỹ khuyến học của  Hội CCB Tân Đức, tài trợ cho công trình trồng cây xanh của CCB xã, tài trợ làm đường giao thông nông thôn, hiến đất làm đường, tài trợ cơ sở vật chất và khuyến học cho các nhà trường của xã...  Chú Đặng là người góp công lớn trong việc xây dựng phong trào hoạt động của Bộ đội Trường Sơn, của Hội CCB xã Tân Đức, trở thành một điển hình xuất sắc của huyện Hàm Tân và của tỉnh Bình Thuận đấy. Chú Đặng là người chiếm chọn niềm tin của anh em bộ đội  Trường Sơn chúng tôi...

         Khi bài viết này lên trang thì tôi nhận được thông tin: Phạm Tiến Đặng vừa nhận nuôi 500 chú gà giống cho Tỉnh Hội Trường Sơn Bình Thuận. Ngôi vườn rợp bóng cây của anh lại có thêm hàng trăm chú gà con chạy tung tăng. Nhưng với Phạm Tiến Đặng, anh lại có thêm nhiều việc ngoài kế hoạch nhằm chăm nom 500 chú gà con này để gây quỹ cho Bộ đội Trường Sơn Bình Thuận.

 Mảnh đất đầy cỏ hoang và gồ ghề 4 năm trước được san lấp để dần hình thành nên một khu vườn sinh thái đẹp đẽ như ngày hôm nay.

 

Phạm Tiến Đặng bên vườn  400 cây sưa đã xanh tốt trong vườn.

 

 

Chăm sóc những hàng Hoa sứ Nhật Bản.

 

 Kiểm tra đường điện dẫn tới ngôi quán giữa hồ.

 

 Ngắm thác nước mô phỏng sông suối Trường Sơn từ cái quán giữa hồ - thành quả mà bao ngày anh đã đổ mồ hôi và tiền của xây dựng nên.

 

Đàn gà đông đúc tránh nắng dưới gốc cây si trong vườn.

 

Đàn gà con với hơn một ngàn con  chen chúc dưới những tán xoài.

 

 Hàng  xoài  50 cây mùa thứ hai cho trái.

Chăm sóc khu vườn ổi.

 

 Và khu vườn na đã cho trái  vụ đầu tiên.

 

Vườn mít cho trái vụ đầu tiên.

 

Vườn cóc Thái đã thích nghi khí hậu và cho trái  rất sai.

 

Phạm Tiến Đặng giới thiệu khu đất trống dành xây bảo tàng Trường Sơn mini trong tương lai gần.

 

 "Búp măng" này sẽ được cải tạo để đặt tượng Bác Hồ nhìn ra chính giữa con đường chạy dọc khu vườn sinh thái.

 

Phạm Tiến Đặng bên tượng Đức Trần Hưng Đạo được đặt giữa khu vườn sinh thái.

 

Và hồ Đức Di Lặc.

 

Phạm Tiến Đặng giới thiệu mô hình trái tim người lính Trường Sơn giữa khu mô phỏng

Đường Trường Sơn.

 

Một góc của khu vườn mô phỏng Đường Trường Sơn.

 

Phạm Tiến Đặng với cây thuốc quý: "Có một không hai". Lá của nó chữa được nhiều loại bệnh.

 

Và đây là cây thuốc có tên: "Thần kỳ", bởi lá của nó ăn vào làm thay đổi các vị chua, chát, đắng cay thành vị ngọt...

 

                                 Phạm Tiến Đặng dành hẳn một góc vườn để thí nghiệm trồng nấm rơm.

 

Và những ụ nấm đã cho những  cây nấm đầu tiên, báo hiệu sự thành công trồng nấm ở vùng khí hậu khô nóng của Hàm Tân. Từ kỹ thuật trồng nấm này, anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật cho đồng đội phát triển nghề mới trồng nấm để góp phần phát triển kinh tế gia đình hội viên Trường Sơn.

 

 

 

tin tức liên quan