Một cán bộ Hội năng động

Ngày đăng: 09:09 28/06/2015 Lượt xem: 729
Anh không chỉ chịu nghĩ mà còn luôn mạnh dạn, lao vào những việc gai góc...Anh là Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Tỉnh Hội Bắc Ninh...

                  MỘT CÁN BỘ HỘI NĂNG ĐỘNG

                                                          Phạm Thành Long

                          

        Anh Nguyễn Hữu Tuấn cùng vợ - chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết kiểm tra lô sản phẩm Bếp TK90

 

          Tôi đang ở Nha Trang thì nhận được điện của anh Hữu Tuấn: “Em đang mang bếp TK90 vào Phạm Tiến Đặng ở Hàm Tân, Bình Thuận đây, anh Thành Long ơi”. Tôi mới chắp nối để Đặng trao đổi về việc làm đại lý bếp TK 90 từ mấy hôm trước với anh Nguyễn Hữu Tuấn, thế mà hôm nay Hữu Tuấn đã mang bếp vào Hàm Tân rồi. Nhanh hơn sự tưởng tượng của tôi.

         Phạm Tiến Đặng và Nguyễn Hữu Tuấn, đều là doanh nhân năng động, họ gặp nhau thì đúng là mọi việc được quyết một cách rất nhanh chóng!

      Sau chuyến đi Hàm Tân “khảo sát thị trường” của Hữu Tuấn, vài hôm sau Tiến Đặng đã thông báo với tôi: “Em đã nhận được hơn 200 chiếc bếp TK90 và 4 thùng sản phẩm thuốc và chè của anh Tuấn gửi vào rồi. Em tin là ở trong này những sản phẩm của anh Tuấn sẽ tiêu thụ tốt anh ạ”.

        Tôi mừng thay cho việc bắt tay làm ăn của hai chiến hữu Trường Sơn.

          Khi biết Nguyễn Hữu Tuấn tuổi ngựa (1954), tôi nghĩ thầm: Thảo nào mà “hắn” lao vào mọi việc cứ như ngựa phi ấy. Có phải vì cầm tinh con ngựa mà “hắn” tinh khôn hơn người không biết? Bằng chứng là năm bảy mươi, mới 16 tuổi, chả hiểu “hắn” làm cách nào để được khoác áo lính? Tháng tư năm bảy mốt, Hữu Tuấn - chàng trai từ Làng Vân, quê hương của loại rượu nổi tiếng miền Bắc - đã trở thành lính Trường Sơn của một đơn vị trực thuộc Cục Tham mưu Vận chuyển. Sau năm Đại thắng, Hữu Tuấn được điều về Cục Xây dựng, Tổng Cục xây dựng Kinh tế, rồi chuyển tiếp về Đoàn 570. Mười lăm năm khoác áo lính, Thượng úy Nguyễn Hữu Tuấn chuyển ngành về làm giáo viên dạy trường Cao đẳng Thống kê Trung ương (đóng ở Bắc Ninh). Năm 1992, Hữu Tuấn xin ra ngoài làm doanh nghiệp. Anh mở doanh nghiệp kinh doanh hóa thực phẩm. Năm 2004, anh lại chuyển sang làm công nghệ thông tin, rồi mở “Bệnh viện Laptop” đầu tiên ở Bắc Ninh. Anh còn lấn sang kinh doanh cả ngọc và đá quý. Năm 2008, đón bắt yêu cầu của thị trường, anh và vợ anh - chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (1960) là người đầu tiên mở siêu thị to đùng ở trung tâm TP Bắc Ninh. Hiện siêu thị của anh chị vẫn phát triển ngon lành. Đúng là sau khi cởi áo lính Nguyễn Hữu Tuấn toàn đi trước thiên hạ một bước. Điều đó chỉ có thể có được ở một con người luôn năng động và chịu nghĩ.

         Nguyễn Hữu Tuấn là một trong những người tích cực hoạt động để thành lập Hội Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh. Đại hội năm ấy, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực. Sự quan tâm và trăn trở đầu tiên của anh là kinh phí của Hội. Với sự năng động vốn có, anh đã chắp nối, hợp tác với Công ty Đông Nam Dược Thuận Thiên Đường (trụ sở tại TP. Hải Dương). Công ty có nhiều sản phẩm thuốc đông nam dược gia truyền có uy tín. Vì thế, anh đã thỏa thuận Tỉnh Hội TS Bắc Ninh “làm Tổng đại lý” của Thuận Thiên Đường. Đường đi nước bước hiệu quả được vạch ra: Ban đầu, Tỉnh Hội tổ chức để Công ty khám và cấp thuốc miễn phí cho hội viên Trường Sơn. Sau khi dùng thuốc, thấy kết quả tốt, các hội viên Trường Sơn trở thành những người quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm của Công ty… “mô hình” liên kết được nhân rộng ra toàn tỉnh. Mỗi năm sự hợp tác này đã mang về cho tỉnh Hội Bắc Ninh hơn 100 triệu đồng. Nguyễn Hữu Tuấn còn giúp đỡ Tỉnh Hội Bắc Giang và một số địa phương bạn làm đại lý cho Thuận Thiên Đường để tạo kinh phí Hội. Và chính anh là người đã chắp nối để Thuận Thiên Đường ký hợp đồng quảng bá sản phẩm của Công ty trên Trang thông tin Trường Sơn.

          Một lần nghe Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Anh Tuấn “khoe” về sản phẩm bếp TK 90 của người cháu vợ ở thị trấn Thanh Ba, Phú Thọ. Với sự nhạy cảm của một người kinh doanh, Hữu Tuấn đề nghị được Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn giới thiệu để tiếp cận với tác giả của Bếp TK90. Chỉ ít ngày sau khi từ Phú Thọ trở về, anh đã làm việc với TW. Hội để thành lập Trung tâm nghiên cứu - ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nông thôn – Chương tình hợp tác với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Và cũng chỉ sau 1 tháng 17 ngày, vừa xây dựng cơ sở nhà xưởng, vừa bắt tay ngay vào sản xuất, hơn 1.000 sản phẩm Bếp tiết kiệm năng lượng và không khói (TK90) của anh đã “ra lò”. Những sản phẩm đầu tiên này đã được bà con trong vùng đón nhận và hoan nghênh. Ít có cơ sở sản xuất công nghiệp nào như Trung tâm của Nguyễn Hữu Tuấn có tốc độ xây dựng và sản xuất “phi mã” như thế. Gần một chục loại sản phẩm phong phú liên tiếp ra đời. Ấn tượng nhất với tôi là chiếc bếp nướng không khói, không phải quạt. Chỉ với 4 lạng than hoa mà nướng chín được 4 kg thịt! Thật hiệu quả và kinh tế đến không ngờ! Còn chiếc Bếp TK 90, giá 150 ngàn đồng, có tuổi thọ 5 năm. 5 năm ấy chiếc bếp tiếp kiệm được một lượng củi trị giá gần 20 triệu đồng mà hoàn toàn không có khói khi đun nấu… Đấy là sự hấp dẫn của những sản phẩm mà Nguyễn Hữu Tuấn nghĩ sẽ cung cấp cho bà con đồng bằng Sông Hồng đỡ khổ mà anh đã có quyết định một cách phi mã, thành lập Trung tâm này…

           Có lẽ, với anh Nguyễn Hữu Tuấn, cái gì làm ra tiền cho Hội là anh lao vào với một “tốc độ” mà ít ai nghĩ tới. Mới chỉ biết về nguồn dồi dào giảo cổ lam ở Tam Đảo, anh đã bàn ngay với mấy người bạn đầu tư, xây dựng một nhà máy chè Giảo cổ lam Tam Đảo với công suất ban đầu là 30.000 hộp/năm. Sản phẩm hợp tác đầu tư này do anh làm Giám đốc đã ra đời và lập tức có thương hiệu.

            Khi biết TW. Hội chuẩn bị xuất bản Bản tin Trường Sơn, anh điện trao đổi với tôi về việc phải quảng bá “tờ báo” này của Hội. Chỉ vài hôm sau, anh đã đặt trên bàn Phó Chủ tịch Thường trực Hoàng Anh Tuấn về Đề cương thành lập Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ và quảng bá sản phẩm của TW. Hội. Ý tưởng của anh ngay lập tức được Chủ tịch Võ Sở “ô kê” và giao cho Ban Kinh tế hoàn thiện đề cương chi tiết. Hy vọng rằng: “Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ - Thương mại và Kinh tế Trường Sơn” – ý tưởng ban đầu của Nguyễn Hữu Tuấn sớm ra đời.

          Hôm họp Ban Biên tập Bản tin Trường Sơn, chúng tôi mời anh tham dự với tư cách làm người quảng bá cho “2 tờ báo” của Hội. Khi phát biểu, anh thông báo luôn: Tôi sẽ quảng cáo bìa 4 Bếp TK 90 của chúng tôi trên Bản tin Trường Sơn số 1; Tỉnh Hội Bắc Ninh đặt mua 1.000 bản tin. Và sau này, tôi hứa mỗi số Bản tin Trường Sơn sẽ lo được số lượng 5000 bản. Số lượng báo này không phải tôi bỏ tiền ra mua đâu đấy. Tôi sẽ vận động các nguồn lực xã hội…

          Thông tin của Nguyễn Hữu Tuấn làm nhiều người chúng tôi “choáng”. Đúng là việc gì vào tay anh thì mọi việc cứ trôi như suối chảy.

         Gặp Tuấn, nhiều lúc tôi cứ ngắm anh và nghĩ: Không biết lúc này trong cái đầu nhạy cảm kia của “hắn” đang nung nấu một ý tưởng mới nào đây? Rồi tôi ước ao: Giá mà Hội Trường Sơn chúng ta có thêm nhiều nhiều người năng động và trách nhiệm như Nguyễn Hữu Tuấn thì tốt biết bao!

 Trung tâm do anh Nguyễn Hữu Tuấn làm Giám đốc đặt tại xã Minh Đức, Việt Yên, Bắc Giang.

 

 Anh Nguyễn Hữu Tuấn và vợ tự hào giới thiệu lô sản phẩm đầu tiên với đoàn cán bộ lãnh đaọ TƯ. Hội.

 

tin tức liên quan