Người lính già Trường Sơn ấy đã 81 tuổi mà vẫn phi xe máy, vượt cả chục kilomet đến với những người lính Trường Sơn các huyện trong tỉnh. Ông là Chủ tịch Bùi Đức Long...
CHỦ TỊCH HỘI BÙI ĐỨC LONG
Phạm Thành Long
Ở Hội Trường Sơn tỉnh Bình Thuận, anh em thường trìu mến gọi Chủ tịch Bùi Đức Long là anh Cả. Gọi là anh Cả không phải vì ông đứng đầu lính Trường Sơn Bình Thuận mà có lẽ ông lớn tuổi nhất trong số hơn 600 lính Trường Sơn của tỉnh này. Ông sinh năm 1935.
Năm 1952, khi vừa 17 tuổi, chàng trai xã Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi đã trở thành Anh Bộ đội Cụ Hồ. Tập kết ra Bắc, tháng 8 năm 1968, anh lại trở vào Trường Sơn và sau đó trở thành Chính trị viên Tiểu đoàn 868 - Tiểu đoàn đường ống xăng dầu đầu tiên của Trường Sơn.
Chính đường ống xăng dầu Trường Sơn đã se duyên cho anh đến với cô gái Quảng Bình Nguyễn Thị Bích Thuần. Ngày ấy, Bích Thuần là chiến sĩ thông tin đường ống xăng dầu. Chàng trai Quảng Ngãi đã cảm tình với cô gái tổng đài có giọng Quảng Bình dễ thương mỗi khi tiếp chuyển đường dây cho anh liên lạc, chỉ huy đơn vị. Sau giải phóng, họ đã đến với nhau bằng một đám cưới giản dị…
Tháng 12 năm 1983, Thiếu tá Bùi Đức Long nghỉ hưu khi anh đang là cán bộ của Tỉnh đội Bình Thuận. Anh chị có với nhau 8 mặt con (4 trai, 4 gái) nhưng lần lượt 3 đứa con trai đầu đã bỏ anh chị ra đi vì di chứng chất độc dan cam. Cháu trai còn lại cũng bị phơi nhiễm da cam từ bố mẹ khi cả anh và chị đều chiến đấu và hoạt động nhiều năm tại A Sầu – A Lưới - trọng điểm Mỹ rải chất độc hóa học xuống nơi này. Đến nay vợ chồng anh và cháu trai vẫn chưa làm được chế độ nhiễm độc dan cam - dioxin.
Đồng lương Thiếu tá nghỉ hưu từ những năm đầu 80 và phụ cấp mất sức của chị không nuôi nổi đàn con đông và bệnh tật. Anh chị phải bươn trải kiếm sống đêm ngày. Cả chục năm nay, bà con lối phố đã quá quen với hình ảnh một ông già săn chắc, đêm đêm dậy từ 3 giờ sáng phi xe máy đi lấy đậu phụ ở lò đậu. Từ lò đậu về nhà, anh lại cởi trần ra rán cả chục ký đậu để cho chị kịp bán vào buổi sáng. Buổi chiều, bà con lối xóm lại thấy anh cởi trần, bắp tay săn chắc bổ củi trước nhà để có nhiên liệu phục vụ cho chuyện rán đậu và nấu ăn cho gia đình hàng ngày. Những hôm bận họp hành và làm công chuyện của Hội, anh vẫn thực hiện đầy đủ “quy trình” này. Khi Phạm Tiến Đặng kể với tôi chuyện vất vả mưu sinh của anh Bùi Đức Long, tôi rưng rưng cảm động. Tôi thương người lính già Trường Sơn vất vả ngoài sức tưởng tưởng của tôi. Phạm Tiến Đặng - đồng đội của tôi ở Sư đoàn bộ 471 đang là Trưởng ban Vận động thành lập Hội Trường Sơn huyện Hàm Tân – còn cho biết: - Anh không thể tưởng tượng nổi đâu. Với chiếc xe máy cổ đời 81, cũ nát lắm rồi, anh Long Chủ tịch của chúng em vẫn thường xuyên phi xuống với bọn em đấy. Hơn 60 km từ Phan Thiết xuống đây chứ ít gì đâu anh. Anh Long bươn bả, lo toan công việc của Hội như anh vẫn bươn bả, lo toan công việc nhà vậy. Trước tình cảm và trách nhiệm của Chủ tịch Hội của bọn em như thế, nên có việc gì của Trường Sơn là bọn em lao vào làm quên chết, hết mình luôn. Vì Trường Sơn một phần và vì tấm gương của Chủ tịch Long một phần, anh ạ.
Khi ra Phan Thiết, tôi đã ghé vào thăm gia đình anh Bùi Đức Long. Nhà anh ở tổ 8, khu phố 1, phường Hưng Long. Ngôi nhà cũng khá rộng nhưng nằm sâu trong ngõ nhỏ khá ngoằn nghèo. Anh chị chưa có điều kiện xây cất nên nó chỉ là ngôi nhà cấp 4. Tuy nhiên, anh vẫn dành ra một diện tích khá lớn để làm Văn phòng Tỉnh Hội Trường Sơn Bình Thuận.
Phạm Tiến Đặng tế nhị chỉ cho tôi xem cái bếp lò cùng dụng cụ rán đậu hằng ngày của Chủ tịch Bùi Đức Long… Tôi vội quay đi kín đáo gạt dòng nước mắt vừa ứa ra khi nghĩ về tình cảm mà người lính già Trường Sơn dành cho Trường Sơn hôm nay…