Trong bài bút ký tác giả còn rất khiêm tốn để nói về người anh hùng lái xe Trường Sơn ngày ấy và bây giờ - Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta ghi nhận một cựu binh Trường Sơn anh hùng trong chiến đấu - Mẫu mực với đời ...
NGƯỜI ANH HÙNG LÁI XE TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN NĂM ẤY
Bút ký của Phạm Trọng Thanh
( Tác giả: Nhà văn Phạm Trọng Thanh )
Trong bộ tổng tập Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương biên soạn, ấn hành năm 2000, tôi "gặp" một người khá điển trai, không phải trong bộ áo giáp mũ sắt của bộ đội lái xe Trường Sơn mà trong bộ quân phục sĩ quan với quân hàm quân hiệu tề chỉnh. Một gương mặt cương nghị, sáng tươi: Anh hùng lái xe Nguyễn Quang Hạnh.
Trong tiết trời thu mát mẻ, nắng trải dài trên những cánh đồng lúa mùa đang vào độ mẩy, sau hơn một giờ rong ruổi xe máy, chúng tôi về huyện Hải Hậu, xã Hải Đường, hỏi đường về xóm 25. Mấy bác người làng vui vẻ chỉ lối cho khách xa. Chúng tôi lại được ông Phạm Ngọc Ruyến một bác sĩ cựu chiến binh Trường Sơn, bạn học của Nguyễn Quang Hạnh từ thời còn để chỏm đi trước dẫn đường. Khuôn viên nhà ông Hạnh cạnh đường trục vào xóm, gần ngôi nhà thờ xứ đạo Nam Đường. Bà Nguyễn Thị Lụa, phu nhân người Anh hùng vui vẻ chào hỏi. Biết khách hẹn đã về, ông Hạnh hồ hởi bước ra. Cánh cổng mở rộng, nếp nhà mái bằng, hiên có dàn hoa leo kề gian nhà mái ngói cao ráo. Trước nhà, một khoảng sân gạch, thửa vườn thấp cao các cây thế, chậu cảnh la đà vui mắt. Chủ khách phân ngôi trên bộ sa lông gỗ sẫm màu. Cái bắt tay của một người ở tuổi bảy mươi vẫn còn phong độ, vẫn cử chỉ, cốt cách một người lính, một cán bộ chỉ huy ngày nào. Tôi ngước lên bàn thờ gia tiên. Ảnh cụ cố nội, ảnh hai cụ thân sinh lồng trong khung kính trên tường. Tôi ngước lên ban thờ kính Chúa trên cao, biết rằng chủ nhân là người trọng lễ nghĩa, một gia đình đạo gốc nền nếp ở vùng quê văn hóa Hải Hậu. Chủ nhân ngôi nhà được vinh danh tên thánh: Phêrô Nguyễn Quang Hạnh.
Nhà thờ xứ đạo Nam Đường, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Chưa học hết trung học, Nguyễn Quang Hạnh đã tham gia công tác thuế vụ của xã. Tuổi trẻ nhiệt thành và năng động, chàng thanh niên xứ đạo đã được cấp ủy và ban quản trị hợp tác xã tin cậy giao việc để anh sớm được thử thách, rèn luyện. Nguyễn Quang Hạnh trở thành Trưởng xóm rồi Đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã nông nghiệp quê nhà, đối tượng cảm tình Đảng trước ngày nhập ngũ.
Tháng 5 năm 1965 có một ngày còn nhớ mãi trong đời người cựu chiến binh Nguyễn Quang Hạnh. Ngày ấy, đứa con trai đầu lòng mới ba tháng tuổi, oặt oẹo, thương lắm. Đêm thời chiến nhà chong đèn, anh em chòm xóm ra vào, chuyện trò rôm rả. Cha mẹ thức thâu đêm, các cụ cân nhắc đắn đo nghĩ gần nghĩ xa trăn trở nhiều điều. Nhà có mấy người thân, ông cậu, bà dì đã di cư vào Nam từ năm 1954. Họ ở phía bên kia rồi. Nay người con cả của gia đình nhận lệnh nhập ngũ, có thể một ngày, người một nhà chĩa súng vào nhau thì sao? Hạnh nhà này lại do Ban quản trị hợp tác "cử" đi bộ đội hẳn hoi, tính sao đây...
Sáng hôm sau, ông chào cha mẹ để kịp lên đường. Ngày con trai nhập ngũ, các cụ không tiễn. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lụa bế cả đứa bé đỏ hỏn lên huyện tiễn chồng trong dòng người kéo về ngày lễ giao quân của huyện.
Nhập ngũ, Nguyễn Quang Hạnh được chọn đi học lớp lái xe 6 tháng. Ông được xếp thứ 3/150 học viên. Tốt nghiệp, Nguyễn Quang Hạnh được biên chế về đội lái xe Sư đoàn 312. Có 5 người được chọn lái xe chỉ huy, Phòng kỹ thuật Sư đoàn chọn rất kỹ. Ông "trượt" không phải vì điểm kỹ thuật mà có thể còn cần thêm những tiêu chuẩn nào đó. Từ đây con đường Trường Sơn gian khổ phía trước đã "chọn" Nguyễn Quang Hạnh làm người cầm lái tin cậy trong đội hình "Quả đấm thép" của bộ đội lái xe Trường Sơn.
Tháng 7 năm 1967, Nguyễn Quang Hạnh về Đoàn 559, vào Binh trạm 35, trên con đường chiến lược nam sông Bạc, Hạ Lào. Thử thách đầu tiên với ông là khai thông chuyến xe xuyên đêm vượt dốc Pô Phiên vô cùng hiểm trở. Con dốc sừng sững thách thức các đồng chí lái xe đã từng vận chuyển hàng hóa trên cung đường này. Được giao nhiệm vụ, Nguyễn Quang Hạnh bước lên buồng lái chiếc Mônô 2 cầu, nổ máy. Bình tĩnh, quả cảm, ông xử lý các tình huống mau lẹ, chính xác, đưa chiếc xe dã chiến đi đầu vượt dốc Pô Phiên thành công. Ông tâm sự: "Người lái xe mặt trận không chỉ bình tĩnh vững vàng trong buồng lái, mà cần cả mưu lược, linh hoạt trong việc xử lý các tình huống trên thực địa, có khi còn phải biết làm "tham mưu" đề xuất với chỉ huy cấp trên các phương án khai thông khi tắc đường, phải biết hợp đồng tác chiến với công binh, với bộ đội phòng không, phải hiểu rõ thủ đoạn và qui luật hoạt động của kẻ địch trên trời dưới đất để đưa hàng tới đích".
Không thể nhớ hết bao nhiêu tình huống trên đường vận chuyển. Những chuyến xe lấy đêm làm ngày vượt qua những bãi bom phá, bom từ trường, bom bi trong vòng lượn của lũ OV10, AC130 suốt ngày đêm lồng lộn xoi mói, oanh kích bắn phá các trọng điểm dọc đường Trường Sơn. Những quả đồi đất thành bột, vách đá thành vôi, những sông bùn, những vực thẳm chồng chất xác xe cháy đổ. Lính xế có câu cửa miệng "gò méo, kéo đổ", để chỉ công việc của người lái xe, phải tác chiến mau lẹ, thành thạo cả việc sữa chữa khi xe gặp sự cố. Nguyễn Quang Hạnh kể chuyện có lần mình dùng chiếc xe 2 cầu 2,5 tấn, có đầu tời và bộ pa-lăng xích, kéo một đại xa 4 tấn vượt dốc chênh vênh, khiến cánh lính xế trầm trồ bảo Nguyễn Quang Hạnh biểu diễn trò "chuột tha mèo". Ông cười bảo đấy là kiến thức vật lý phổ thông, "lợi về lực thì thiệt về đường đi", mặt phẳng nghiêng mà! Để đảm bảo đủ đầu xe, bù vào những chiếc xe bị bắn cháy, Nguyễn Quang Hạnh lập cả "tổ lính xế phụ trợ công binh" kích kéo những chiếc xe đổ đèo, đến chỗ những xe "nằm bãi", tháo gỡ máy móc, phụ tùng còn dùng tốt để thay thế dọc đường khi cần, đưa về cứ để dự phòng trong những "mùa mưa bảo dưỡng". Vậy nên đơn vị ông luôn có đủ số xe lên mặt đường với các tay lái thiện chiến sẵng sàng nhận lệnh xuất phát. Khi ở cương vị chỉ huy, ông vẫn tự mình xông pha đi đầu, giúp đỡ, động viên, chia sẻ mọi khó khăn với từng chiến hữu. Nguyễn Quang Hạnh được đồng đội, cấp trên tin tưởng, một người 6 năm liền lái xe xung trận trên cung đường 120 km tây Trường Sơn chồng chất hiểm nguy thách thức.
- Bom đạn Mỹ rình rập đánh phá như thế, bao nhiêu lần thay xe, ông có lần nào bị thương? - Tôi dè dặt hỏi. Lập tức ông bác sĩ cựu chiến binh Phạm Ngọc Ruyến, ngồi kề chủ nhân, lên tiếng:
- Có, nhiều chứ! Lần thoát hiểm cây đổ đè chẹt buồng lái, lần bom hất cả người lẫn xe văng vào vách ta-luy, những phen ù tai choáng óc do sức ép bom, rồi bom bi vướng nổ, rồi xe cháy... Ông Hạnh là thương binh 4/4 đấy!
Tôi nhìn ông, thầm cảm phục một bậc nam nhi thời chiến. Đọc bảng vàng thành tích được ghi trong cuốn sách vinh danh hơn một nghìn anh hùng lực lượng vũ trang trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, chống Pháp và chống Mỹ, tôi được biết đầy đủ hơn về người anh hùng này:
"Anh hùng Nguyễn Quang Hạnh sinh năm 1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khi được tuyên dương anh
hùng, đồng chí là đảng viên, thiếu úy, đại đội trưởng đại đội I ô tô vận tải, thuộc tiểu đoàn 59, trung đoàn 35, Đoàn 471, Bộ Tư lệnh Đoàn 559.
Nguyễn Quang Hạnh làm nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến đường phía nam sông Bạc từ năm 1967 đến năm 1972. Trong 2 năm 1968, 1970, Nguyễn Quang Hạnh thường vượt định mức 25% trở lên. Ngày 2 tháng 11 năm 1967, trên đường vận chuyển, một xe kéo pháo bị máy bay địch bắn cháy, Nguyễn Quang Hạnh nhanh chóng lao vào dập lửa và cõng 2 thương binh đưa về nơi an toàn. Mùa khô năm 1968 - 1969, trên cung đường vận chuyển dài 120 km, anh là người đầu tiên đạt kỷ lục cao nhất của trung đoàn 35. Mùa khô sau đó, trong 60 ngày đêm tổng công kích của chiến dịch vận chuyển, anh chạy xe liên tục, không nghỉ đêm nào. Ngày 17 tháng 3 năm 1969, đoàn xe đơn vị đang chạy thì chiếc đi đầu bị trúng bom, lái xe bị thương. Nguyễn Quang Hạnh xung phong lái chiếc xe đó để thông đường. Khi xe chạy, 6 quả bom nổ chung quanh, anh vẫn chắc tay lái, cả đoàn xe 19 chiếc vượt qua bãi bom an toàn. Ngày 25 tháng 11 năm 1972, một chiếc xe chở xăng bốc cháy. Nguyễn Quang Hạnh không quản nguy hiểm, lái chiếc xe này tiến lên trước, đi vào đường tránh, thu hút hỏa lực địch rồi chạy bộ trở lại chỉ huy đoàn xe chở người vượt qua trọng điểm.
Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng nhì, 4 Huân chương chiến công hạng ba, 3 lần là chiến sĩ quyết thắng, 5 lần là chiến sĩ thi đua, 18 bằng khen. Ngày 31 tháng 12 năm 1973, Nguyễn Quang Hạnh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân." (trang 60- tập II, sách đã dẫn).
Trong cuộc "hội quân" những điển hình xuất sắc ở Hiền Ninh, Quảng Bình, tháng 10- 1973, đứng ở hàng đầu, Nguyễn Quang Hạnh được Đại tướng Tổng Tư lệnh bắt tay. Ông coi đây là một vinh dự lớn trong đời.
Trang tư liệu về anh hùng Nguyễn Quang Hạnh trong bộ sách Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh (tập II).
Chúng tôi nối mạch câu chuyện "huyền thoại Trường Sơn" sau một tuần trà tại nơi sinh trưởng người trai xứ đạo Anh hùng. Ông Hạnh bùi ngùi nhớ lại chặng đường qua với những kỷ niệm chưa phai mờ. Đó là trường hợp hy sinh của đồng chí Nguyễn Minh Châu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 59, quê ở Nam Trực: “Ngày ấy, đầu mùa khô năm 1968, sau một đêm vận chuyển, trên đường đi ra, trời sáng, đơn vị phải giấu xe che mắt địch. Chiều, bọn thám báo đã "đánh hơi", gọi máy bay ném bom. Dứt đợt oanh kích của địch, 3 đồng chí công binh gọi anh Châu, cán bộ chỉ huy cùng đi kiểm tra hiện trường. Tôi ngăn anh, để tôi đi trước, nhưng anh không chịu. Đến nơi giấu xe, anh Châu đụng bom bi vướng nổ. Lúc hy sinh, anh chết đứng, tựa vào cây rừng. Chúng tôi đỡ anh, đặt vào võng, đưa anh về giao cho bệnh xá Trạm 120, cạnh sân bay Chà Vằn, thuộc Binh trạm 35, Đoàn 559. Ảnh, giấy báo tử, cơ quan chính sách đã gửi về gia đình anh. Nay chỗ chôn không còn nhớ, mộ mất, gia đình anh mấy lần cất công đi tìm vẫn chưa thấy… Cũng năm 1969, sau ngày kết nạp Đảng, tôi được tin đứa con đầu đã bỏ chúng tôi mà đi. Năm 1970, mẹ tôi mất khi tôi đang ở chiến trường. Sinh thời, mẹ tôi thương quý con cháu biết chừng nào. Hai cụ sinh hạ 7 anh em, 3 trai 4 gái, tôi là trai trưởng, có một em gái là vợ liệt sĩ”.
Tôi lựa lời hỏi thêm về ông cụ thân sinh. Ông Hạnh tiếp lời: “Ngày tôi được phong anh hùng, cán bộ xã đến nhà báo tin vui. Ông cụ mừng nhưng vẫn cứ bình thản như thường. Hôm tôi về, khi cha con bên nhau, cụ bảo "Anh được bề trên che chở, được quân đội rèn luyện nên người, thế là được". Cha tôi còn ở với con cháu đến tuổi chín mươi. Tôi ơn cha mẹ đã dạy dỗ cho các con tính tình ngay thẳng, độ lượng”. Ông Hạnh còn nhắc cả chuyện tao ngộ giữa Sài Gòn sau ngày giải phóng với bà dì, ông cậu, những người “đi B 54”, họ đều làm ăn lương thiện. Gặp họ, ông phải trả lời nhiều câu hỏi rất thật thà. Khi biết cháu mình là anh hùng lái xe quân đội, các vị ấy “ngộ” ra nhiều điều thật vui.
Tháng 5-1975, Nguyễn Quang Hạnh được cử đi học văn hóa ở Lạng Sơn. Sau 2 năm học tập, được thăng hàm trung tá, Nguyễn Quang Hạnh về làm tham mưu phó, rồi tham mưu trưởng Trung đoàn 17, Binh đoàn 12 - đơn vị nhận lệnh vận chuyển vật tư kỹ thuật xây dựng tuyến đường 279 trên phòng tuyến biên giới phía bắc, hoàn thành vượt mức khối lượng được giao. Nguyễn Quang Hạnh được đề bạt làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 17, chỉ huy đơn vị triển khai đồng thời 2 nhiệm vụ: củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế. Rồi ông được cử làm giám đốc xí nghiệp cung ứng vật tư vận tải thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn. Lại có thời gian làm chỉ huy đơn vị bộ đội thi công san lấp mặt bằng xây dựng ở Thủ đô. Quản lý người, vật tư kỹ thuật với hàng trăm phương tiện vận tải, máy móc chuyên dụng, Nguyễn Quang Hạnh thể hiện một năng lực điều hành vững vàng, một phẩm chất liêm chính của người cán bộ quân đội thời mở cửa. Không thu vén lợi lộc cho cá nhân, gia đình mình, không nhận những thứ không phải của mình. Ông là người chỉ huy biết chăm lo đến đời sống cán bộ chiến sĩ, quan tâm giúp đỡ những gia đình đồng đội gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lụa, phu nhân của ông là một trong những người phụ nữ chuyên cần, đảm đang ở xứ đạo Nam Đường. Hơn ba mươi năm ông tại ngũ, ở nhà, bà chăm lo nuôi nấng các con nên người. Ông bà có 2 hai con trai nối nghiệp cha, người anh sau 17 năm quân ngũ, nay đang cùng vợ con sống ở Hà Nội. Người em là sĩ quan, đang công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định. Cô gái cả cũng có một gia đình yên ấm thuận hòa ở gần nhà bố mẹ. Nhớ lại những tháng năm Trường Sơn, những đêm thao thức trên cánh võng bên bờ sông Bạc, lắng nghe tin quê nhà qua sóng phát thanh. Hải Hậu ngày ấy là "đất đầu sóng" trên phòng tuyến biển tỉnh Nam Định đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ. Người người "tay lưới tay súng" ra khơi vào lộng, "tay cày vai súng" trên đồng ruộng thâm canh. Ông thương người vợ hiền vất vả tối ngày lại còn lo cả cho người đang ở chiến trường xa.