Những người dân Lào chất phác, thật thà, một thời nhường cơm, sẻ áo cho Bộ đội Trường sơn, ngày nay vẫn tiếp tục hết lòng vì Bộ đội Trường Sơn. Một trong những con người như thế là anh BounMa .
“Ải” Bun Ma
Vũ Trình Tường
Ải Bun Ma (mặc áo rằn ri đứng hàng sau) và đoàn khảo sát năm 2013.
Những người dân Lào chất phác, thật thà, một thời nhường cơm, sẻ áo cho Bộ đội Trường sơn, ngày nay vẫn tiếp tục hết lòng vì Bộ đội Trường Sơn. Một trong những con người như thế là anh BounMa Xaiyakouang (Chúng tôi gọi thân mật là Ải Bun Ma). Lần đầu tiên gặp anh là ngày 02/4/2011, khi đoàn cán bộ của Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn đi tìm Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh 559 (1967-1969) ở Sê Pôn. Ban đầu tôi thấy anh tất bật với chiếc điện thoại gọi cho Phò bản Phôn Hay, Huội Chăng để hỏi thăm và điều động dân bản giúp bộ đội Việt Nam…; khi ngồi trên xe anh vào Phu Ca Tôn tôi mới biết anh là một lái xe lão luyện. Trong ca bin là ba “Cụ” cao tuổi của Ban Liên lạc, tôi ngồi phía sau cùng một cán bộ tỉnh đội, Phò bản Huội Chăng và 3 người dân bản dẫn đường. Người cán bộ UB tỉnh Savanakhet nói với tôi:
-Ải Bun Ma là chánh văn phòng UB huyện Sê Pôn. Trước đây Bun Ma là thầy giáo dậy lái xe! Đây là xe riêng của anh ấy!
-Thảo nào, anh ấy lái xe giỏi quá!
Xe chạy trên đoạn đường trơn, dốc, sống trâu… tưởng như chỉ có máy cày mới đi được, vậy mà anh vẫn đưa chúng tôi đến điểm tập kết bên bờ suối. Rồi anh lại hăm hở cầm dao quắm mở đường đến cửa “Địa đạo” của Bộ Tư lệnh 559 ngày xưa. Thành công của chuyến khảo sát này có công đóng góp quan trọng của người chánh văn phòng huyện Sê Pôn.
Ải Bun Ma ( áo rằn ri) và đoàn KS Hội Trường Sơn trước cửa hầm Sở chỉ huy 559
Lần thứ hai, tôi được cử là trưởng đoàn sang khảo sát Di tích Sở chỉ huy đoàn 559 để lập Dự án tôn tạo, bảo tồn. Được sự giới thiệu của ngài Tỉnh trưởng, chúng tôi về Sê Pôn gặp Bun Ma. Lần này chúng tôi có thời gian để khảo sát kỹ càng hơn. Ải Bun Ma với bộ quần áo rằn ri, trên thắt lưng có chiếc còng số 8, khẩu súng ngắn, anh lăn lộn cùng chúng tôi suốt ba ngày khảo sát toàn bộ khu di tích. Chúng tôi đã tìm ra một hướng khác tiếp cận cửa hầm từ phía trên cao. Chỉ còn khoảng 300m đi bộ theo sườn dốc xuống hầm. Anh dẫn chúng tôi đến những nơi ngày xưa Bộ đội Trường Sơn đặt xe thông tin, nơi đường ống xăng dầu chạy qua, khu vực kho hậu cần, trạm quân y… Bun Ma rất thông thạo vùng này. Anh đã dẫn chúng tôi đến gốc cây đặt “Trạm quan sát” của bộ đội Trường Sơn ngày xưa, anh kể:
-Cây này, mới cách đây chục năm còn nguyên những bậc thang bằng sắt của bộ đội Việt Nam đóng vào thân cây để leo lên chòi quan sát trên ngọn cây, nay dân bản lấy đi bán sắt vụn rồi. Nếu chính quyền không giữ thì cái cây này cùng bị chặt mất rồi. Gỗ cây này tốt, lại gần đường, không giữ là bị chặt ngay.
Trên đường vào bản Pha Băng năm 2014
Tôi quan sát rất kỹ cây " "Trạm quan sát" to, cao lồng lộng mang trên mình nhiều vết tích của bộ đội ngày xưa và xúc động nói với anh:
-Thay mặt những chiến sĩ Trường Sơn, cảm ơn chính quyền và nhân dân Sê Pôn đã giữ lại một Di tích quý của Bộ đội Trường Sơn. Mong anh và nhân dân nếu phát hiện ra những di tích như vậy hãy giữ gìn, bảo vệ giúp chúng tôi.
Anh cười hồn hậu:
-Chúng tôi vẫn làm như vậy đấy thôi !
Anh còn giúp chúng tôi nhiều lần khảo sát các Di tích đường Trường Sơn nữa, lần nào anh cũng nhiệt tình, cũng chu đáo.
Khi quay bộ phim “ Đường Hồ Chí Minh, tuyến hậu cần chiến lược”, đạo diễn Trần Cẩm đã dẫn đầu một tổ sang Lào làm phim. Khi chiếu cho Hội Trường Sơn xem thử, đến cảnh hai di tích kho xăng của bộ đội Trường Sơn trong hang đá, Trần Cẩm kể:
-Đây là hai di tích quý, còn nguyên vẹn trong hang đá. Các anh ( Hội TS) nên cử người khảo sát lại và đưa vào danh mục các di tích cần bảo tồn.
Tôi hỏi lại Trần Cẩm:
-Anh có nhớ hang đã này ở đâu không?
-Các anh ở Sê Pôn tận tình dẫn đến nơi. Tôi không biết cụ thể lắm. Nếu Hội các anh sang bên Lào nên tặng anh gì ở Ủy ban huyện bằng khen và tặng anh ấy một cái TV. Cán bộ huyện mà nhà không có cái TV ra hồn để xem. Tôi chỉ có số điện thoại của anh phiên dịch Bun Mi, các anh sẽ liên hệ qua anh ấy.
Sau đó Hội Trường Sơn đã cử đoàn do Phó Chủ tịch Nguyễn Bá Tòng sang Lào làm nhiều việc, trong đó có việc khảo sát hai di tích kho xăng trong hang đá.
Khi đến Sê Pôn, chúng tôi liên hệ với Bun Mi, một người Lào nói giỏi tiếng Việt đã đi theo đoàn làm phim của Trần Cẩm làm nhiệm vụ phiên dịch. Khi hỏi về người ở Ủy ban cùng đi với Trần Cẩm là ai, Bun Mi nói:
- Ải Bun Ma, trước đây là chánh Văn phòng ủy ban, nay mới lên chức rồi, là Phó Bí thư huyện ủy.
- Tưởng ai, Ải Bun Ma thì tôi quen. Anh gọi cho Bun Ma là chúng tôi lên gặp anh.
Ải Bun Ma tiếp chúng tôi trong phòng làm việc đơn sơ của mình. Chúng tôi chúc mừng anh vừa được “lên chức” và muốn anh giúp đỡ dẫn đường vào hai kho xăng anh đã dẫn Trần Cẩm đi mấy tháng trước.
-Được thôi, hang đá ở bàn Pha Băng và bản May, năm 2011 chúng tôi đã cho dân bản đón hụt các anh rồi. Khi nào các anh đi?
-Chúng tôi đi SaVẳn báo cáo Lãnh đạo tỉnh một số việc rồi quay lại nhờ các anh cùng đi.
-Lúc nào đi cũng được, tôi với anh Bun Mi cùng đi.
Trưởng đoàn Nguyễn Bá Tòng thông báo với Bun Ma:
-Từ trước đến nay, Bun Ma có giúp đỡ chúng tôi nhiều lắm. Lãnh đạo Hội Trường Sơn sẽ tặng Bun Ma bằng khen của Hội.
-Cảm ơn các anh, nhưng tôi phải xin ý kiến cấp trên đã.
-Chúng tôi đã mang theo quyết định và bằng khen đây, lên Sa Vẳn chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh, nếu đồng ý khi quay về sẽ tặng luôn.
-Vâng!
Khi làm việc với Ngài Khăm Phới-Phó Tỉnh trưởng, Thiếu tướng Nguyễn bá Tòng đề nghị cho Hội TS tặng bằng khen cho Bun Ma, Ngài Phó tỉnh trưởng cho ý kiến:
-Ải Bun Ma tốt đấy, xứng đáng khen. Nhưng Bun Ma vừa được bổ nhiệm Phó Bí thư Sê Pôn. Để khi nào các Di tích đường Trường Sơn ở Sê Pôn hoàn thành các anh sẽ tặng luôn một thể, tặng thêm nhiều người khác có đóng góp nữa có được không ?
-Được chứ! Phó Tỉnh trưởng đã nói như vậy chúng tôi nhất trí.
Kho xăng do Bộ đội Trường Sơn xây dựng ở bản May
Chúng tôi trở lại Sê Pôn, Bun Ma mời Đoàn vào thăm nhà riêng của anh ở bản Na Bo. Căn nhà sàn tuềnh toàng chẳng có đồ vật gì quý giá. Gia đình anh đang dùng một chiếc TV đen trắng 17 ink cổ lỗ sĩ. Trên xà nhà có nhiều bằng, giấy khen của Lào và Việt Nam. Chúng tôi đọc được : Bằng khen của Quân khu IV vì thành tích tìm Liệt sĩ Việt Nam, Bằng khen của UBND Quảng Trị về xây dựng tình đoàn kết biên giới. Bun Ma chỉ vào đoàn xà gỗ còn trống nói vui:
-Chỗ này là chờ treo bằng của Hội Trường Sơn.
-Nhất định anh sẽ có bằng khen của Hội Trường Sơn.
Chúng tôi phải lên đường ngay vì thời gian gấp. Vẫn chiếc xe bán tải do chính anh cầm lái đi quanh co qua các bản làng, nhiều đoạn vẫn còn nguyên đường bộ đội Trường Sơn làm trước đây. Anh nói là phải đi 70 km, nhưng chúng tôi thực sự thấy dài hơn thế. Cuối cùng xe dừng lại gần một dãy núi đá vôi lừng lững. Mấy người dân quân của bản đeo súng đã đợi chúng tôi. Bun Ma chỉ vào phía núi đá:
-Kho xăng ở trong kia. Phải đi bộ chừng năm trăm mét mới đến. Hai anh đây là dân quân bản Pha Băng sẽ dẫn các anh vào.
Chúng tôi đi bộ theo lối mòn mới được dọn dẹp. Hai bên lối đi liên tiếp là những hố bom, dấu tích của một thời khốc liệt. Chúng tôi đã thật sự ngạc nhiên là kho xăng bằng thép vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi chụp ảnh, đo đạc kích thước kho xăng, chúng tôi lại tiếp tục theo Bun Ma khảo sát kho xăng ở bản May cách đây ba cây số. Hai di tích chúng tôi vừa khảo sát rất quý giá liên quan đến chiến tích của tuyến ống xăng dầu huyền thoại trên Trường Sơn.
Trên đường về, Ải Bun Ma kể nhiều chuyện về đường 18, đường 16 do bộ đội Việt Nam xây dựng, về những trận bom ác liệt giội xuống các bản Sê Pôn. Anh nói thêm:
-Khi những người dân phát hiện ra hai hang đá này, chúng tôi giao trách nhiệm cho bản Pha Băng và bản May bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu không nó cũng bị xẻ thịt thành sắt vụn rồi.
Tối mịt chúng tôi mới về được Sê Pôn và chia tay anh. Chúng tôi trả tiền xăng anh đã đưa đón chúng tôi mấy ngày qua. Anh không nhận, anh chỉ nhận cân mực khô làm quà cho “bà xã”.
Một Chánh văn phòng ủy ban, một Phó bí thư huyện ủy liêm khiết, thạch bạch, hết lòng tận tụy giúp đỡ bộ đội Trường Sơn, thật hiếm lắm sao!
Chúng tôi vẫn còn nợ tấm bằng khen cho anh, một món quà cho gia đình anh (chiếc TV) và hơn cả là món nợ tình, nợ nghĩa.
VTT