"CCB Nguyễn Đức Chấn - Tấm gương sáng trong chiến đấu và cuộc sống đời thường". Trương Văn Nhi

Ngày đăng: 10:41 24/10/2015 Lượt xem: 651
Trung tá Nguyễn Đức Chấn - Một sĩ quan phòng không được đào tạo cơ bản, đã góp phần cùng đơn vị bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Nghỉ hưu, anh vẫn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường...

 

BÀI DỰ THI "GƯƠNG SÁNG TRƯỜNG SƠN"

 

 

CCB NGUYỄN ĐỨC CHẤN, TẤM GƯƠNG SÁNG

 TRONG CHIẾN ĐẤU VÀ CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG

 

 

                                                   

 

           Mỗi khi nhắc đến CCB Nguyễn Đức Chấn (ảnh bên) thì cả Chi hội CCB thôn Lâm Xuyên, xã Phú Điền, huyện Nam Sách (Hải Dương) chúng tôi đều nhớ đến câu ca không biết do ai khởi xướng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước là:

 

           Đầu làng đại tá vớt rong

Cuối làng trung tá long đong chạy nồi!

 

          Câu này ý chỉ: Trong đầu những năm 80, đời sống còn khó khăn, Đại tá Nguyễn Phan, bộ đội Trường Sơn về hưu, nhà gần cổng làng, hằng ngày thường đi xuống sông vớt rong về nuôi lợn để có thêm thu nhập giúp vợ con. Còn cuối làng là trung tá Nguyễn Đức Chấn, gia đình có nghề làm nồi đất nung, khi về hưu, hằng ngày anh thường làm những công việc nặng nhọc của nghề này để giúp vợ nuôi con ăn học. Chả là hồi đó lương đại tá về hưu cũng chỉ đủ sống đạm bạc còn cấp trung tá như Nguyễn Đức Chấn càng vất vả hơn.

          CCB, Trung tá Nguyễn Đức Chấn sinh năm 1939 đã thuộc vào lớp người "xưa nay hiếm", nhưng do lao động rèn luyện nên anh vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn. Tôi là người bằng tuổi và nhập ngũ cùng người em trai thứ hai của anh. Nhưng người bạn cùng nhập ngũ với tôi ấy đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Đến nay, mỗi khi nhìn thấy tôi, anh lại chạnh lòng nhớ tới người em ruột của mình. Còn đối với anh, tôi vẫn coi như người anh, không phải chỉ vì quan hệ thân thiết giữa tôi và người em ruột của anh mà anh còn là một tấm gương sáng cho chúng tôi học tập.

          Anh Nguyễn Đức Chấn sinh ra trong một gia đình có nghề gia truyền làm nghề “nồi đất” (gốm đất nung). Anh có vóc người tầm thước, da trắng và ưa nhìn. Năm 19 tuổi, anh nhập ngũ vào Trung đoàn Thủ đô (F308) khi đang đảm nhiệm Trưởng Ban Thống kê xã và Bí thư Chi đoàn Thanh niên thôn. Tháng 8 năm 1960, anh được chọn đi học lớp sĩ quan kỹ thuật 5 năm, ngành Pháo 100 và Khí tài chỉ huy đầu tiên của quân đội. Đến năm thứ 3, anh được kết nạp vào Đảng. Sau khi ra trường, anh được về nhận nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Phòng không Hải Phòng (sau này là Sư đoàn 363). Tại đây, anh được cử đi học nâng cao chuyên ngành được đào tạo do chuyên gia Liên Xô giảng dậy.

Là trợ lý kỹ thuật của Sư đoàn, anh đã cùng đội ngũ kỹ thuật góp phần vào chiến công của C171 pháo 100 ly ở trận địa An Hồng (An Hải, Hải Phòng), bắn rơi chiếc máy bay phản lực F104 bằng loạt đạt 6 viên đầu tiên bằng phần tử tổng hợp (Ra đa - Máy chỉ huy - Pháo) trên bầu trời Hải Phòng ngày 11 tháng 7 năm 1965. Và anh cùng đội ngũ kỹ thuật đã tiếp nhận và căn chỉnh súng 14,5 ly rồi đưa lên nóc nhà Ngân hàng Hải Phòng (gần Bến Bính) bắn rơi một chiếc A4 vào ngày 1 tháng 10 năm 1965. Đăc biệt, trong trận chiến đấu ác liệt chiều ngày 20 tháng 4 năm 1967, bọn Mỹ đưa 30 máy bay đến đánh phá các trận địa pháo Hải Phòng, trong đó có trận địa pháo C172 thuộc E240 bằng tên lửa và bom bi. Trong thời điểm này, anh đang chỉnh sửa pháo hư hỏng cho C172 do cuộc đọ sức buổi sáng với 16 máy bay địch. Trong trận này, các trận địa pháo Hải Phòng cùng các pháo thủ C172 đã bắn rơi 5 máy bay phản lực Mỹ. Trong cuộc chiến này, anh đã bị thương với 21 viên bi găm trong người phải điều trị 3 tháng ở bệnh viện. Là thương binh với thương tật 25%, nhưng anh vẫn xin tại ngũ để đem các kiến thức hiện đại đã học được trong trường và qua thực tế chiến đấu để cống hiến góp phần xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Anh đã phấn đấu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Chiến sĩ Quyết thắng 4 năm liền (1966, 1967,1968 là Chiến sĩ Thi đua, 1969 là Chiến sĩ Quyết thắng). Trong những năm 1970 - 1971 anh được cử đi Trạm tiền phương, Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở Quảng Bình, Đường 9, làm nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu đánh máy bay B52 và đảm bảo kỹ thuật cho Tiểu đoàn cao xạ 37 ly ở A Sầu, A Lưới. Đến năm 1972, anh được bổ nhiệm chức danh Chủ nhiệm Kỹ thuật E216 F365 tại Hà Bắc, đánh máy bay B52 khu vực Bắc Giang - Lạng Sơn. Sau khi Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, tháng 12 năm 1972, anh được bổ nhiệm chức danh phó Chủ nhiệm Kỹ thuật F365. Đến tháng 3 năm 1975, anh vinh dự được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, thống nhất Tổ quốc. Sau đó anh tham gia cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979. Năm 1982, anh được  bổ nhiệm Trưởng phòng Kỹ thuật  Cục Phòng không Lục quân, Quân chủng Phòng quân - Không quân. Trong các trận trực tiếp chiến đấu, anh đã được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng Nhất và một Huân chương Chiến công hạng Ba.

Năm 1987, anh nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Để có thêm thu nhập, anh cần mẫn làm những công việc nặng nhọc của nghề “nồi đất” giúp gia đình trong đầu thời kỳ đổi mới, kinh tế còn rất khó khăn. Tuy vậy, là đảng viên lâu năm, anh vẫn hăng hái nhận các công tác mà Chi bộ, Đảng bộ phân công. Trong thời kỳ này phải kể đến 12 năm liền (1992 – 2004) đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội CCB xã, anh đã cùng cán bộ, hội viên Hội CCB xã 4 lần đoạt cờ xuất sắc của Tỉnh Hội và 3 Bằng khen, 5 Giấy khen; riêng cá nhân anh cũng được tặng 3 Bằng khen của Tỉnh Hội…

Đến nay đã 76 tuổi, nghề làm nồi đất cả làng cùng bỏ bởi sản phẩm không thể cạnh tranh trong thời đại hợp kim này, nên anh cùng vợ chăm sóc vườn rau và hoa thiên lý, nguồn thực phẩm sạch dùng hằng ngày và thi thoảng vợ anh lại có hàng mang ra chợ làng bán; tính ra mỗi tháng cũng thu được 4-5 trăm ngàn đồng. Anh cũng là hội viên gương mẫu tham gia hoạt động trong Câu lạc bộ thơ CCB xã Phú Điền và làm tròn trách nhiệm của phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ thôn Lâm Xuyên. Trong thời gian qua, với tinh thần phấn đấu với ý tưởng để Câu lạc bộ Thơ Lâm Xuyên đoạt giải tập thể, anh đã vận động nhiều hội viên gửi bài dự thi, còn anh đã gửi 25 bài thơ có chất lượng về Ban tổ chức cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn” của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam...

Cuộc đời binh nghiệp hiển hách chiến công và cuộc sống đời thường sôi động, hết lòng vì công việc chung, ham lao động của CCB Nguyễn Đức Chấn là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.  

 

                                                                 Trương Văn Nhi

                                                           (Hội viên TS. Hải Dương)

 

 

 

 

tin tức liên quan