Một nữ cán bộ Hội tận tâm.

Ngày đăng: 03:39 03/11/2015 Lượt xem: 569
Đó là chị chị Nguyễn Thị Lan,Phó chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Thọ Xuân Thanh Hóa.Là địa chỉ tin cậy của các chiến sĩ Trường Sơn hôm nay. Trường Sơn sẽ mãi mãi là điểm tựa, chắp cánh cho ước mơ của chị bay ...

                             Một nữ cán bộ Hội tận tâm.

 

   Đó là nhận xét của tất cả các cán bộ trong Ban chấp hành Hội truyền thống Trường Sơn –Đường Hồ Chí Minh Huyện Thọ Xuân, và các cán bộ, hội viên các Hội cơ sở về chị Nguyễn Thị Lan. Hiện chị là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bình Phát, có trụ sở tại xã Hoàng Phú huyện Hoàng Hóa- tiếp giáp Quốc lộ 1A, cách thành phố Thanh Hóa 14 km về phía Bắc.

   Sinh ra từ một gia đình nông dân vùng chiêm trũng “Chiêm khê mùa thối”, nhưng bù lại nơi đây lại có lịch sử lâu đời cội nguồn người Việt cổ: Trống đồng Đông Sơn. Mới 18 tuổi, cái tuổi “bẻ gảy sừng trâu” trong những ngày cả nước đang dồn hết nhân tài vật lực cho chiến trường “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”chị đã xung phong lên đường nhập ngũ.Tháng 8 năm 1973; chị được biên chế vào C7 Trung đoàn 98 công binh Bộ đội Trường Sơn. Từ cô bé mới rời ghế nhà trường, vào nơi gian khổ tận cùng, nơi ngày đêm bom rơi đạn nổ. Trong cái chảo lửa đó, đã tôi luyện chị và đồng đội của chị có ý chí tinh thần thép, không sợ hy sinh, chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá.

Tại đơn vị, chị đã gặp anh Lê Công Sinh, quê Thọ Nguyên, Thọ Xuân Thanh Hóa.Anh sinh ra tại vùng quê cách mạng, nơi có làng nghề truyền thống đan cót và đồ mây tre. Với dáng dấp điển trai cao lớn, tính tình hoạt bát, vui nhộn. Anh gặp chị Lan là cô gái ven đô, có khả năng văn nghệ truyền cảm lôi cuốn mọi người. Hai anh chị tâm đầu ý hợp, đã hẹn hò sau ngày thống nhất đất nước, sẽ về quê xây dựng hạnh phúc tương lai.

Tháng 10 năm 1977, sau 5 năm phục vụ quân đội, chị Lan được cấp trên cho phục viên về quê. Cuối năm 1979, anh Sinh được cấp trên cho nghỉ phép. Vào dịp Tết năm đó, hai anh chị đã tổ chức lễ cưới thật trang trọng. Trong lễ cưới, đôi tân lang tân nương đã mặc trên mình bộ đồng phục nhà binh, trước sự chứng kiến của các đồng đội và người thân.Sau Tết, anh Sinh trở về đơn vị.Với bản tính nhạy bén thị trường nơi thành phố. Chị đã tìm hiểu cách thức sản xuất của các chị em phụ nữ tại làng nghề làm cót, mây tre đan tại các thôn Bát Căng, làng Nội v.v...Chị đã lên đề xuất với Ban quản trị HTX nông nghiệp cho thành lập tổ ngành nghề chuyên sản xuất cót. Được ông Chủ nhiệm HTX khuyến khích, chị bắt tay vào tổ chức cho chị em phụ nữ triển khai công việc. Công việc tỏ ra thuận lợi, vì hàng làm ra đã có nhà nước thu mua phục vụ các kho tàng trong tỉnh. Chị đã góp phần quan trọng vào công việc phát triển nghành nghề, xây dựng phong trào Hợp tác hóa thời đó tại quê nhà.

   

 

Năm 1989. Anh Lê Công Sinh được phục viên về quê. Lúc này làn gió đổi mới đã le lói về đến vùng quê cách mạng này. Sau bao đêm suy nghĩ, anh bàn với chị phải đổi cách làm ăn khác để có hiệu quả hơn. Nhưng thời bao cấp, ai cho anh phá rào? Anh phải dựa vào HTX để xây dựng lò gạch. Đêm đêm anh chị hì hục đẩy chiếc xe cải tiến chở đất sét ngoài cồn về đóng gạch. Suốt mấy năm trời vất vả. Thật  trời không phụ lòng người. Mấy năm đó anh chị đã có được một số vốn tích lũy kha khá. Mãi đến năm 1993, cơ chế HTX giải thể. Anh bắt tay vào xin xây dựng xí nghiệp Cót ép xuất khẩu. Đây thật sự là mảnh đất dụng võ của anh chị. Ngày ngày anh chăm lo đôn đốc khâu

nguyên liệu trên các huyện Mường Lát, Quan hóa..., còn chị chăm lo tổ chức lại sản xuất. Tổ hợp sản xuất cót ép hình thành. Cả xí nghiệp thành một guồng máy sản xuất suốt ngày đêm. Ba ca một ngày. Hàng xuất đi Hà Nội Hải Phòng và cả vào tận các tỉnh phía Nam.

Năm 2006 do địa bàn sản xuất quá hẹp anh chị xin thành lập công ty TNHH Bình Phát, chuyên sản xuất tấm lợp Proximang. Anh chị vay mượn thêm vốn, đầu tư các phân xưởng, máy móc thiết bị hiện đại với giá trị nhiều tỷ đồng. Công suất ban đầu hơn 20 vạn tấm/ năm. Công việc đang hanh thông thuận lợi. Bỗng đâu, ngày 16 tháng Giêng (15/02/2014), anh Lê Công Sinh đột ngột ra đi do di chứng chiến tranh để lại. Anh ra đi để lại cho chị cả núi công việc.

Chị đã động viên các con tập trung mọi nguồn lực vận hành công ty. Chị chuyển giao cho con trai Lê Công Bình tiếp nhận công việc Giám đốc điều hành. Năm 2015 này, chị đã dầu tư giây chuyền số 2 có công nghệ đồng bộ, tự động, công suất 40 vạn tấm/ năm. Giải quyết công ăn việc làm cho 50 lao động tại chỗ và hàng trăm lao động thời vụ. Theo đà tăng trưởng như năm nay, dự thu sẻ tăng lên đáng kể. Tổng doanh thu sẻ lên hàng chục tỷ đồng; Lợi nhuận từ 800 đến 1tỷ là chắc!

Với thành tích kinh doanh qua các năm. Vinh dự lớn nhất là năm 2012, chị Nguyễn Thị Lan  được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp chúc mừng và tặng Bằng khen trong đại hội thi đua Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi toàn quốc và thành tích đóng góp từ thiện, tình nghĩa hiệu quả nhất.  Chị đã nhiều khóa tham gia là Ủy viên BCH Hội CCB, Ủy viên MTTQ huyện, là cán bộ các cấp cơ sở...Từ khi có chủ trương thành lập Ban liên lạc chiến sĩ Trường Sơn, rồi tiến tới thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh chị Nguyễn Thị Lan luôn tham gia đảm nhiệm các chức vụ trong BLL, BCH tỉnh Hội.  Hiện chị là Phó chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Thọ Xuân. Chị tâm sự:” Hôm nay tôi may mắn thành đạt trong sản xuất kinh doanh, là người lính Trường Sơn, tôi thấm hiểu, tôi đã nợ Trường Sơn nhiều lắm; tôi nợ tất cả những ai đã sống ở Trường Sơn gian khổ năm xưa, những người đã nằm xuống vĩnh viễn không về; những người đã hiến dâng một phần xương máu choTổ quốc; và cả những người hoàn thành nhiệm vụ từ Trường Sơn trở về, do di chứng chiến tranh bệnh tật, nên khó khăn trăm bề. Từ suy nghĩ đó; những đồng tiền trích ra từ thu nhập của chị đã đến được các địa chỉ . Đó là 30 triệu cho ngôi nhà tình nghĩa cho một hội viên xã Thọ Lộc. Nhiều triệu đồng cho nghĩa trang, đường Bê tông cho Nông thôn mới quê nhà, cung tiến chùa Tạu Xuân Trường... và hàng trăm xuất quà cho hội viên nghèo khó trong dịp Tết nguyên đán, và 27/7 hàng năm. Và còn bao nhiêu địa chỉ mà tôi chưa ghi nhớ hết. Đó là tấm lòng của chị - Một người lính Trường Sơn- Bộ đội Cụ Hồ.Chị mãi mãi là địa chỉ tin cậy của các chiến sĩ Trường Sơn hôm nay. Trường Sơn sẽ mãi mãi là điểm tựa, chắp cánh cho ước mơ của chị bay lên.

 

                                                                                                                 Lê Thuần

                                                                    (Hội Trường Sơn huyện Thọ Xuân Thanh Hóa.)

tin tức liên quan