Từ một lò gạch bỏ hoang được thuê lại, sau gần 30 năm trời gắn bó, ông Đinh Văn Thiểm ở Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng, Nam Định) đã có cơ ngơi hàng tỷ đồng, doanh thu hàng năm hơn 40 tỷ đồng (khoảng gần 2 triệu USD). Người dân trong làng thường gọi ông với cái tên thân mật: ông ‘lợn Tây’ triệu đô.
Từ lò gạch bỏ hoang
Là một bộ đội xuất ngũ, trở về quê hương sau chiến tranh, điều nung nấu duy nhất của ông Thiểm là làm kinh tế giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói. Về quê, ngoài diện tích ruộng của gia đình, ông quyết định thuê thêm đất của HTX và đất của các hộ dân khác để tăng thêm diện tích sản xuất nhưng vẫn không thể nào giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói, đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 1999, ông qua xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng, Nam Định) thuê lại diện tích thung lũng và lò gạch bỏ hoang để làm trang trại chăn nuôi với diện tích 3ha.
Thuê được đất, ngày cuốc nhát cuốc đầu tiên, ông mới biết vùng đất này còn đầy khó khăn, gian nan và thử thách bởi đây là vùng trũng đã bị bỏ hoang. Trong khi đó, ông còn bị phía gia đình, họ hàng can ngăn, hàng xóm mỉa mai bảo ông là dại, là khờ nhưng ông đều bỏ ngoài tai tất cả những lời đó và quyết tâm để biến khu đất hoang này thành một trang trại lớn.
“Sau hơn 3 tháng trời lấy cuốc san đất lấp thung lũng cùng vợ con, tôi đã quy hoạch được 3 cái ao để nuôi cá thịt, cá giống, cũng quy hoạch được khu trồng cây ăn quả và khu chăn nuôi gà, vịt”, ông Thiểm khoe.
|
Nhờ vào trại lợn Tây sinh sản và ao cá mà ông Thiểm mỗi năm thu được khoảng 40 tỷ đồng. |
Lúc đó, dưới ao thì nuôi cá, cây trồng trên bờ cũng như đàn gà, vịt cứ lớn nhanh như thổi vì gặp đất mới. Tuy nhiên, đang thời kỳ làm ăn thuận lợi thì dịch cúm gia cầm ập đến trang trại của ông. Gà, vịt bắt đầu chết lác đác, cuối cùng ông phải tiêu hủy khoảng 50 tấn gà, vịt, lỗ gần 1 tỷ đồng năm đó.
“Bị thua lỗ lớn như vậy vợ con tôi khóc lắm nhưng tôi quyết tâm làm lại vì không chăn nuôi nữa tôi chẳng biết làm gì”, ông Thiểm nói.
Cũng chính từ lần thua lỗ đó mà ông có quyết tâm phải kiếm được số tiền nhiều hơn để bù vào số tiền đã mất trước đó. Song, để vượt qua giai đoạn khó khăn, ông phải lấy tiền lãi từ nuôi cá làm vốn nuôi gà và xoay ngược lại. Kết quả, ông đã gây dựng lại được đàn gà 30.000 con, cùng với 4.000 con vịt, thu lời khoảng trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Đến năm 2010, ông quyết định chuyển đổi sang nuôi lợn bởi thấy nuôi gà, vịt nhiều dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, con giống không đảm bảo, đặc biệt, lãi thu được rất ít, nhiều khi còn chỉ hòa vốn, thậm chí không may là lỗ nặng.
Thu 40 tỷ từ giống lợn Tây, ao cá
“Bắt tay vào nuôi giống lợn cỏ, lợn mán nhưng ngay lứa đầu tiên tôi đã lỗ mất 600 triệu đồng”, ông Thiểm giải thích. Khi thấy lợn ăn khỏe, ông cứ thế thúc cho ăn thật nhiều để lợn mau lớn. Đến ngày xuất chuồng, ông mới vỡ lẽ bởi thương lái nào tới mua cũng chê lợn béo quá, nhiều mỡ không ngon thịt. Thế là ông đành phải ngậm ngùi, chấp nhập lỗ để bán với giá rẻ mạt.
Thất bại thêm một lần nữa nhưng không làm ông nhụt chí, ông lại tiếp tục tìm hiểu để đúc rút kinh nghiệm. Trong quá trình tìm kiếm thông tin về lợn, ông thấy giống lợn Tây khỏe, có ngoại hình to lớn, rất ít bệnh tật. “Nhưng tôi thấy nuôi lợn Tây bị phụ thuộc vào nguồn giống quá nhiều. Do đó, tôi quyết định đầu tư 20 con lợn mẹ giống Đức, Nga, Đan Mạch và lợn bố là giống của Canada, Mỹ để tạo ra giống lợn Tây như ngày hôm nay”, ông Thiểm nói.
Sau khi nuôi được vài lứa, ông thấy giống lợn này ăn hết ít cám hơn lợn bình thường mà lại lớn nhanh, khỏe mạnh, ông rất mừng và quyết định mở rộng đàn lợn lên quy mô lớn hơn.
Theo ông Thiểm, hiện trang trại của ông có 200 con lợn sinh sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 con giống với giá bán 1,4 triệu đồng/con lợn giống một tháng tuổi, khoảng 60 tấn lợn hơi, 25 tấn cá thịt và cá giống cùng với hàng tấn vải, nhãn.
Chia sẻ riêng về giống lợn Tây, ông Thiểm cho hay, giống này được người chăn nuôi rất ưa chuộng. Bằng chứng là con giống lợn Tây của ông làm ra không bao giờ đủ để bán ra thị trường. Người nào muốn mua thường phải đặt hàng trước 1 tháng mới có.
Ngoài ra, ông còn tiết lộ, để có giống lợn Tây tốt nhất, người nuôi cần phải tuân thủ 4 khâu: lợn mẹ phải được tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết; lợn con đẻ ra phải được chăm sóc đặc biệt; không để lợn con đi ỉa bởi nếu không sức đề kháng của lợn sẽ kém, dễ nhiễm các bệnh khác; ngoài ra còn phải lưu ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ cũng sẽ giúp phòng chống bệnh dịch từ môi trường bên ngoài tốt hơn.
Dẫn PV đi thăm trang trại lợn rồi cả khu ao nuôi cá quy mô 3ha được tạo nên từ thung lũng, lò gạch bỏ hoang, ông Thiểm vừa đưa tay quyệt vội những giọt mồ hôi trên trán vừa cười nói: “Giờ đây mỗi năm trang trại này cho thu khoảng 40 tỷ đồng, theo đó tôi có thể đút túi tiền lãi khoảng 2 tỷ đồng. Gia đình cũng có của ăn của để chứ không còn nghèo đói như trước nữa”.
Nguồn: Bảo Hân/Vietnamnet