NGÔ THỊ HOA - TẤM GƯƠNG CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN VƯỢT KHÓ
VƯƠN LÊN TRONG CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG. ĐỂ KHẲNG ĐỊNH MÌNH
SỐNG CÓ ÍCH CHO XÃ HỘI.
Ngô Thị Hoa - Hội viên hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình. Hiện đang sinh hoạt tại Chi hội CCB phường Tiền Phong - Thành phố Thái Bình.
Ngô Thị Hoa tham gia quân đội từ 1973 đến 1980. Trong thời gian 5 năm quân ngũ, bản thân được giao nhiệm vụ làm thủ kho, quản lý phân xưởng rồi làm thống kê quân nhu của xưởng 34, thời gian ở chiến trường Quảng Trị, nơi ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, song chị luôn yên tâm, không sợ gian khổ,hy sinh, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Tổng kết công tác hàng năm, chị luôn được cấp trên khen thưởng nhiều Giấy khen, Bằng khen của Cục công binh của Bộ đội Trường Sơn và được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến và Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 3.
Năm 1981 - 1992, là công nhân xí nghiệp ngói, đây là một công việc nặng nhọc đối với phụ nữ, song chị luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Tổng kết công tác cuối năm chị luôn đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”
Năm 1983, chị xây dựng gia đình với người đồng đội năm xưa (xưởng 34 - Cục công binh - Bộ đội Trường Sơn). Thời gian 1983 - 1986, chồng chị vẫn tại ngũ trong đơn vị, năm 1986 được nghỉ hưu.
- Trong thời gian bao cấp đầy khó khăn, chị chỉ có một mình nuôi con nhỏ, chồng vẫn đang ở quân ngũ, mỗi năm chỉ nghỉ được vài ngày, vài ngày nghỉ bao nhiêu công việc đều gánh vác hết. Đã vậy lại một chốn đôi nơi, quê nội, quê ngoại cách nhau hàng trăm cây số (Thái Bình - Nghệ An), song đó là mối tình của những người lính Trường Sơn năm xưa, hạnh phúc xây dựng từ trong bom đạn chiến trường của cuộc chiến tranh ác liệt. Mặc dù khó khăn gian khổ, thiếu thốn, vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn đồng lòng gắng vượt qua.
Khi anh về hưu, với nghề thuốc Đông y gia truyền lại thêm bản chất cần cù, chăm chỉ, vững vàng chuyên môn, anh đã tạo lập được Cơ sở khám chữa bệnh “Y học cổ truyền dân tộc” được đăng ký cấp phép hành nghề y dược tư nhân của Sở y tế.
Ban đầu chỉ hai vợ chồng, chồng thì bắt mạch kê đơn, chị phải học tập nhiều để nghiên cứu tính năng, hiệu ứng, công dụng, đặc biệt việc nhận dạng từng loại lá, từng loại cây, loại hoa, loại củ… màu sắc, mùi vị của từng loại dược liệu, rồi tỷ lệ tương ứng của mỗi vị trong thang thuốc đối với từng bệnh nhân trong từng căn bệnh khi đã được kê đơn, bốc thuốc phải chính xác đến từng đồng cân tiểu ly.
Gần 30 năm cơ sở khám chữa bệnh “Y học cổ truyền dân tộc” của vợ chồng chị Hoa đã khám chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân, tạo dựng công ăn, việc làm cho hàng trăm lượt người sản xuất, cấy trồng, thu hái… dược liệu bởi số lượng tiêu thụ sử dụng tới hàng nghìn tấn mỗi năm.
Cơ sở còn đào tạo cho xã hội hàng chục lương y hành nghề y dược cổ truyền có trình độ chuyên môn vững vàng, mà hầu hết các cháu đều trẻ tuổi, sẽ phục vụ được lâu dài. Thậm chí còn có cả Bác sĩ cũng đến cơ sở để tham khảo, để tư vấn thêm kiến thức về “Y học cổ truyền”… Các cháu được đào tạo nay đã tạo lập ra những cơ sở khám chữa bệnh Y học cổ truyền có đủ tư cách pháp nhân, có Chứng chỉ lương y hành nghề ở các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín.
Theo sổ khám chữa bệnh, theo dõi bệnh nhân từng huyện, từng tỉnh có những gia đình bệnh nhân có tới ba, bốn thế hệ (ông, bà, bố mẹ, con cháu) vẫn tới cơ sở để cắt thuốc điều trị bệnh. Đó là vinh hạnh, đó là niềm vui của cơ sở, bởi lẽ theo quan niệm tâm linh đó là “nhân duyên” của người bệnh với người thầy trị bệnh.
Có những bệnh nhân khi bệnh viện Ung bướu đã kết luận giai đoạn cuối song vẫn tới cơ sở để cắt thuốc chữa bệnh.Chỉ trong năm 2015 cũng có tới hơn 30 bệnh nhân. Lần đầu tiên được cơ sở cấp 5 chén thuốc miễn phí không thu tiền bởi căn bệnh hiểm nghèo. Lại có những bệnh nhân đã ba bốn năm rồi vẫn đều đặn đến cắt thuốc về nhà điều trị.
Cơ sở hiện nay vẫn duy trì thường xuyên 12 người làm việc tại cơ sở, mức thu nhập bình quân cho mỗi người từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Cơ sở hàng năm thu chi khoảng 500 - 900 triệu đồng. Từ trang trải chi phí cho việc xuất nhập dược liệu và trả công cho người lao động, bởi đặc thù nghề nghiệp của cơ sở không thể nói đến lợi nhuận (kinh doanh) của cơ sở khám chữa bệnh đối với người bệnh.
Việc đóng góp xã hội, các hoạt động từ thiện bao giờ cơ sở cũng đóng góp và ủng hộ cao hơn so với các hộ gia đình trong tổ, phường. Ngoài ra còn các cơ quan đơn vị đến xin tài trợ cơ sở cũng sẵn sàng giúp đỡ. Việc chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của địa phương… cơ sở đều chấp hành đầy đủ, nghiêm túc như nghĩa vụ nộp thuế môn bài, thuế thu nhập của cơ sở, thuế sử dụng đất và các loại quỹ cũng như việc thực hiện Quy ước của tổ dân phố về xây dựng nếp sống văn hóa.
Năm 2014, cơ sở khám chữa bệnh của lương y Nguyễn Văn Lai do chị Ngô Thị Hoa chịu trách nhiệm được Hội đông y Thành phố Thái Bình chỉ định và hướng dẫn báo cáo thành tích điển hình trong công tác khám chữa bệnh của cơ sở “Y học cổ truyền dân tộc” để tham luận tại hội nghị tổng kết công tác Đông y của tỉnh (27/12/2014).
Tự hào và vinh dự là người nữ chiến sĩ Trường Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, nay về với đời thường vẫn phát huy truyền thống bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đúng là:
Lịch sử đất nước sang trang
Lại ghi thêm tiếp một trang hào hùng
Về người phụ nữ anh hùng
Thời kỳ chống Mỹ vô cùng vẻ vang.
Vũ Thư ngày 20/11/2014
Nguyễn Quốc Khánh - 01689.588.485 - CCB sư đoàn 471 Thái Bình