Tấm lòng người sĩ quan Trường Sơn

Ngày đăng: 04:20 23/05/2016 Lượt xem: 523

TẤM LÒNG NGƯỜI SỸ QUAN TRƯỜNG SƠN

Bút ký  của Phạm Tiến Đặng

(Hội viên TS Sư đoàn 471)

          Ít ngày sau khi anh em đồng đội Sư đoàn 471 Miền Trung – Tây Nguyên chúng tôi gặp nhau trên Thành phố ngàn hoa. Thật tình cờ và thú vị khi tôi có việc lên Buôn - Mê. Tiện thể ghé thăm anh ! Tôi đến, đúng lúc anh đang lom khom chăm sóc những trụ tiêu. Nhìn ông già vạm vỡ, nước da ngăm đen lao động, người không biết rõ về anh sẽ nghĩ - đây là một lão nông tri điền trong độ tuổi bảy mươi. Thực ra anh đã tròn tám mươi !

       Anh là Đinh Quang Đá. Quê sinh ra và lớn lên ở Yên Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình. Quê anh nghèo lắm. Trong những tháng, năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, từ phà Linh Cảm đến Khe Ve, ngầm Katang rồi Cha Lo, Cổng Trời, đèo Mụ Giạ... mảnh đất Minh Hóa quê anh bom đạn Mỹ đã cày xới đến từng gốc tre, bụi cỏ. Nơi này cũng ghi dấu chân những binh đoàn hành quân qua đây ra trận. Minh Hoá thời ấy, phụ nữ dân tộc cởi trần cầm chày giã từng cối gạo, để góp lương cho bộ đội ăn no đánh thắng quân thù. Cánh lính trẻ chúng tôi mới vào trú quân, thấy các chị, các mẹ cứ "vô tư" để nhũ nhệu lên nương, bung bồi, giã gạo mà xấu hổ đỏ bừng cả mặt. Người vùng "khùa" vẫn bảo nhau dạy sớm khi ông mặt trời còn chưa thức, khi con chim Brao vừa cất tiếng hót báo hiệu ngày mới bắt đầu. Để đi phục vụ chiến dịch, để lên rẫy, lên nương, trỉa mì, trồng bắp...Quê anh Đá là vùng chiến khu thời chống Pháp. Năm 1948, nhờ  mưu trí, dũng cảm khi làm giao liên, anh được cấp trên cử đi học thiếu sinh quân. Ra trường, anh về công tác, chiến đấu ở một đơn vị địa phương. Năm 1953, anh được điều về Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 tham gia chiến dịch Điện Biên. Năm 1963, anh vào công tác phối thuộc với Đoàn 559, trực tiếp ở Binh trạm 14. Đầu năm 1971, anh được điều về phụ trách Chính trị viên tiểu đoàn vận tải. Cuối năm ấy anh chuyển về làm trợ lý xe máy Sư đoàn 471 Trường Sơn, cùng anh Tuỳ "râu" hiện đang sống ở Gia Lâm, Hà Nội. 

                       

                            Trung tá Đinh Quang Đá, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn

                                             Sư đoàn 471 Miền Trung - Tây Nguyên

 

       Anh công tác ở sư đoàn 471 từ đó cho đến khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Miền Nam năm 1975. Giữa năm 1976, anh lại cùng Sư đoàn 471 chuyển sang làm kinh tế lâm nghiệp Tây Nguyên. Năm 1985 thì anh nghỉ hưu.

      Có lẽ vì bám trụ quá lâu ở vùng đất Cao Nguyên, nên anh Đinh Quang Đá đã mến yêu vùng đất màu mỡ, khí hậu trong lành ở đây, đã say tiếng cồng, tiếng chiêng ở đây lúc nào không hay. Vì thế mà năm 1990, anh Đá đã đưa vợ nguyên là Quân y sĩ của Quân khu Bốn vào Krông năng - Buôn Mê lập nghiệp. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng ngay từ lúc nghỉ hưu, anh đã tham gia Hội cựu chiến binh của địa phương. Suốt mười bảy năm liền anh  làm Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Năng. Anh đã cùng anh em Thường vụ Hội, xây dựng phong trào trở thành lá cờ đầu trong tỉnh. Năm 2012, Hội CCB Krông Năng được chọn đi báo cáo điển hình tại Hội CCB toàn quốc với những thành tích và dấu ấn khó quên...

      Năm 1999,  Thiếu tá Nguyễn Chí Siêm đã cùng anh và một số đồng đội thành lập Ban Liên lạc Sư 471 Anh hùng. Năm 2011, đã thành lập Ban Vận động và chính thức tổ chức Đại hội ra mắt Hội Truyền thống Trường Sơn sư đoàn 471 Miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2012. Anh Đinh Quang Đá được tuyệt đại đa số anh, chị em hội viên tín nhiệm bầu anh làm Chủ tịch Hội.

    Với trách nhiệm và tình cảm yêu thương đồng đội, anh thường xuyên đi xuống cơ sở thăm hỏi, động viên và cùng anh em giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về tâm tư, tình cảm hoặc công việc làm ăn trong cuộc sống cũng như các chế độ chính sách của đồng đội.

   Tôi hỏi anh: - Hoạt động Hội chỉ vì nghĩa tình, không lương, không phụ cấp, địa bàn lại rộng thế, tuổi thì đã lớn, anh thường xuyên xuống với an hem như thế thì lấy đâu ra chi phí để đi ?

   Anh cười khà...khà. - Mình bỏ tiền túi thôi! Tớ có sáu sào cà phê nay chuyển qua trồng tiêu thu hoạch cũng tàm tạm. Các cháu đã có công ăn việc làm ổn định. Hai vợ chồng già thả thêm ít heo, gà. Ăn ngày hai bữa đạm bạc có đáng là bao. Nhưng nói thật với cậu - nhiều tháng tớ tới với đồng đội nhiều quá, lương hưu Trung tá cộng với thương binh của tớ cũng sạch sành sanh. Phải nhờ bà xã chăn nuôi ở nhà chi viện thêm nữa đấy ! Đi xuống cơ sở nếu ở gần trên trăm cây số, tớ đổ xăng vào xe máy cứ thế mà phi. Mùa khô còn đỡ. Vào mùa mưa vùng đất Bazan này mến khách lắm ! Đi tới đâu đất cũng muốn níu chặt lấy người và xe. Gặp những hôm trời mưa, đường sình lầy, chỉ có nước gửi xe vào nhà dân, rồi cuốc bộ...Nếu muốn đi tới cùng để thăm đồng đội, khi nào đi các tỉnh xa thì anh em trong Ban Thường vụ góp tiền vô thuê xe cùng hành tiến. Nhiều lúc đi về thấy bà xã mình tối rồi vẫn còn đang lọ mọ chăm đàn lợn, cho gà ăn...Chưa cả nấu cơm ăn tối, mình cũng chạnh lòng lắm ! Cũng may bà xã mình đã từng là lính, nên không những cảm thông mà còn động viên, an ủi để mình cứ yên tâm hoạt động, gắn bó với đồng đội, với phong trào. Thương vợ ở nhà vất vả, mình đã định xin anh em cho nghỉ công tác, ở nhà để phụ đỡ với vợ. Nhưng rồi đêm nằm nghĩ về trách nhiệm đảng viên, về tình cảm anh em hội viên tin tưởng, gửi gắm nơi mình. Sáng ra lại cỡi xe đi tiếp. À, xin lỗi cậu ! Mải nói chuyện, để tớ pha cà phê anh em mình uống đã.

-Anh chịu hành tiến vậy, còn các đồng chí trong BCH, Ban Thường vụ thì sao - tôi hỏi ?

                              

                  Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Hà, nguyên quân y sĩ sư đoàn bộ và hội viên Ykiên A Duôn

tại cuộc họp mặt  sư đoàn 471 Miền Trung - Tây Nguyên.

 

     Gương mặt anh Đá bỗng rạng ngời hạnh phúc. Nhấp ngụm cà phê, anh tiếp : - Tụi mình hoạt động tương đối đều tay. Công việc thì phân công cụ thể cho từng cá nhân đảm trách. Nếu chỉ mạnh tướng thôi thì ăn nhằm gì. Phải mạnh ba quân mới làm lên chiến thắng ! Trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội truyền thống 471 Miền Trung - Tây Nguyên này anh em đoàn kết, chia ngọt xẻ bùi, quan tâm chăm sóc cho công tác nghĩa tình phê lắm ! Đặc biệt có đồng chí  Đoàn Quốc Văn, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế. Cậu ấy là tay làm kinh tế giỏi, có gần chục heta cao su còn có cửa hàng buôn, bán thu mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp, phục vụ trực tiếp cho bà con nông dân. Văn còn thường xuyên đóng góp, giúp đỡ cho các phong trào của Hội. Thấy bà con thôn bản, khó khăn không có điện dung, Văn bỏ tiền làm đường điện kéo về tận xóm, buôn cho bà con có điện sinh hoạt và sản xuất. Rồi anh kể thêm về Cao Văn Đồng, Uỷ viên Thường vụ. Cậu này phụ trách mảng TNXP. Bản thân vừa là thương binh vừa bị phơi nhiễm chất độc da cam nặng, nhưng Đồng vẫn hết lòng vì anh em đồng đội. Lặn lội khắp nơi vận động mạnh thường quân, đoàn thể xin tiền, lo xây dựng cho những đồng đội khó khăn những mái nhà Tình nghĩa...Anh cười : Chuyện vận động xây dựng nhà Tình nghĩa nói ra cũng vui lắm ! Qui định chung của Hội một căn là năm mươi triệu. Nhưng có một đồng chí khi anh em đi vận động các mạnh thường quân giúp đỡ, họ đã ủng hộ tổng cộng tới hai trăm năm mươi triệu đồng. Họ đã có tấm lòng ủng hộ cho đồng chí mình, thì BCH giao hết số tiền đó để đồng đội làm nhà. Thế là đồng chí mình đang ở căn nhà te tua, sơ mướp, bỗng đổi đời chuyển qua căn nhà khang trang, rộng rãi.

      Tôi nhìn căn nhà cấp bốn cũ kỹ của anh, với những vật dụng sinh hoạt đơn sơ chẳng có gì đáng giá mà lòng thầm cảm phục. Anh - lớp người đi trước, người sỹ quan già đã ở vào độ tuổi tám mươi mà vẫn hăng hái, xông pha hết lòng vì anh em đồng đội…

    Cái nắng trưa trên Cao nguyên không gắt gao, mà nồng ấm và dịu nhẹ. Những cơn gió mát thổi trong lành, khiến tôi thấy lâng lâng, dễ chịu. Bày gà không cần tránh nắng, nghỉ trưa, cần mẫn bới mồi, dưới những trụ tiêu xanh ngắt đang vào mùa đơm trái trong vườn của anh, tôi cũng thấy thích cái không khí bình yên, trù phú mảnh đất anh đang sống. Vùng đất nơi anh gia đình sinh sống, là cao nguyên, nhưng nó không giống như Đalat hay Thành phố Buôn-Mê với những con đường, những thửa ruộng chập chùng, lên xuống. Ở đây bằng phẳng như vùng đồng bằng Bắc bộ. Con đường nhựa, đường bê tông từ trung tâm huyện Krông Năng về tới thôn anh trên mười ki lô mét, chỉ còn đôi chỗ là chưa hoàn thiện. Anh bảo: - Với phong trào nhân dân và nhà nước cùng làm, cuối năm nay chắc đường về các thôn, bản sẽ khang trang sạch đẹp.

                                  

Đồng chí Đinh Quang Đá (thứ hai từ phải sang) và các đồng chí nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn, đồng chí Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và các đồng chí trong BCH Hội Truyền thống Sư đoàn 471 Miền Trung - Tây Nguyên trong ngày họp mặt tại Đà Lạt, 15/5/2016.

 

    Hàn huyên cùng anh, tôi được biết: Sau hai năm Đại hội, Hội TS 471 Miền Trung – Tây Nguyên vừa kiện toàn tổ chức, vừa phát triển hội viên, các anh vừa tập trung đi vận động để chăm sóc nghĩa tình cho đồng đội. Năm 2014, các anh đã tổ chức buổi gặp mặt lần đầu Hội TS 471 Miền Trung- Tây Nguyên tại Đắc Lắc. Lần gặp mặt đó tuy không vinh dự như lần gặp mặt mới đây tại Đalat được đón hai  Phó Tư lệnh lão thành của Sư đoàn: Nguyễn Thuận Quảng - Trần Kiên và đồng chí Ngô Văn Dụ trước đây là Trưởng ban Kế hoạch Tổng hợp Sư đoàn, nguyên uỷ viên Bộ chính Trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng vào dự. Nhưng rất vui vì đầy nghĩa tình và cảm động. Ngoài việc lo cho hơn năm trăm anh, chị em đồng đội từ khắp các tỉnh thành Miền Trung - Tây Nguyên về dự. Các anh còn quyên góp và tặng được nhiều suất quà cho những gia đình thương binh, liệt sỹ và các Mẹ Việt Nam Anh hùng mỗi phần quà trị giá một triệu đồng. Tôi ngồi nghe anh vô tư kể chuyện mà lòng trào dâng niềm kính trọng, cảm phục các anh - những người lính Trường Sơn, một thời mưa bom, bão đạn. Thừa máu lửa và khốn khó những trần đầy yêu thương và xẻ chia. Phải chăng đó chính là phẩm chất Bộ đội Trường Sơn, Bộ đội Cụ Hồ ? Nó thật giản dị, sáng trong mà thiêng liêng, cao quí !

      Tôi còn được biết: Ngoài việc giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát khỏi đói nghèo, động viên, hướng dẫn anh em cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, chấp hành tốt và đi đầu trong các phong trào ở địa phưong nơi sinh sống, các anh trong BCH Hội đã vận động và tham gia đóng góp làm được 17 căn nhà tình nghĩa cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi căn trị giá năm mươi triệu. Không những thế một số Hội như: Huyện Krông - Năng đã gây quỹ Hội được 150 triệu đồng, xã Ae Đá 68 triệu…Số tiền Quỹ Hội ấy các anh giúp  các hội viên nghèo mượn để sản xuất, tăng gia vươn lên trong cuộc sống.

      Tôi nhớ lại cuộc gặp mặt mới đây trên phố núi mờ sương. Ngồi nghe đồng chí người dân tộc Ê Đê lên phát biểu. Ông nói về những kỷ niệm ở Trường Sơn. Về hầu hết những người lính khi trở về đều phơi nhiễm chất độc Da cam, trong đó có ông và người vợ - cũng là đồng đội của ông. Cả hai người con trai của ông, bà sinh ra đều bị bệnh thần kinh và ngoặt ngẹo. Với đồng lương hưu ít ỏi, hai vợ chồng người lính già đã lao động cực nhọc, tiết kiệm chi tiêu. Không dám bồi dưỡng, tẩm bổ một chút gì cho mình. Họ dành tiền để đưa hai đứa con đi khắp nơi chữa bệnh. Nhưng vô vọng. Cả hội trường lặng im. Những giọt nước mắt đã rơi...Bởi hầu hết đồng đội ngồi nghe đều là người trong cuộc. Có khác chăng là họ không rơi vào thảm cảnh như người đồng đội của mình. Đồng chí Ykiên ADuôn vừa kết thúc lời phát biểu, tôi thấy một nữ đồng chí nữ rất xinh, mắt rưng, rưng lệ vì xúc động. Chị mang quân hàm thiếu tá Bộ đội Biên phòng. Bước lên tặng hoa và nắm chặt bàn tay người lính già người Dân tộc Ê Đê hôm ấy ! Hỏi ra mới biết chị là Minh Hà. Trước đây cũng một thời là y sỹ Sư đoàn bộ. Sau này chị chuyển ngành về công an thành phố Hải phòng. Do yêu cầu công tác chị lại chuyển qua Bộ đội Biên phòng cho đến lúc nghỉ hưu. Hiện chị là doanh nhân thành đạt nơi thành phố Cảng. Chị thường xuyên làm từ thiện, giúp cho những mảnh đời bất hạnh. Đặc biệt chị rất quan tâm giúp đỡ các đồng chí, đồng đội của mình. Bước xuống sân khấu, chị nhẹ nhàng đi ra phía sau hàng ghế người lính già Dân tộc lên phát biểu khi nãy đang ngồi. Nói nhỏ: - Cháu đi công tác, nên chỉ có nhiêu đây giúp chú. Rồi chị trao vào tay ông một triệu đồng. Đồng chí Ngô Văn Dụ, nguyên Uỷ viên Bộ Chính Trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đang ngồi hàng ghế trên cũng đi xuống. Anh nắm chặt tay người đồng đội già ân cần hỏi thăm sức khoẻ, động viên và trao tặng cho ông 2 triệu đồng…

      Để kịp thời giúp đỡ đồng đội đang gặp hoạn nạn, khó khăn, anh Đá đã cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ hội ý nhanh, thống nhất phát đi lời kêu gọi: Anh em trong Hội TS 471 Miền Trung - Tây Nguyên về dự buổi họp mặt hãy hỗ trợ đồng đội Ykiên ADuôn. Tôi được biết, đồng chí YKiên ADuôn đã nhận được sự trợ giúp từ đồng đội bảy triệu đồng. Một số tiền không nhỏ với một gia đình đồng đội đang hết sức khó khăn.

     Chúng tôi chia tay anh - người đồng đội Trường Sơn cao niên chân thành, giản dị. Xe chúng tôi bon trên đường 14 qua Buôn Hồ để về Buôn Mê Thuột. Thành phố thủ phủ của vùng Cao nguyên trù phú, giầu tiềm năng du lịch và khoáng sản hiện ra trước mắt chúng tôi. Nơi đây có những lễ hội độc đáo của người Ê Đê, của Bản Đôn với những chú voi hiền lành làm quyến luyến bao lòng người lữ khách...Nơi thương hiệu cà phê Trung Nguyên làm mê say bao khách hàng Âu, Mỹ. Hai bên đường lướt qua cửa kính xe tôi là những căn nhà với những moden các kiểu đua chen, mọc lên san sát. Những quán cà phê xinh xinh, mắc nhiều chiếc võng tựa lưng vào những sườn đồi, để lữ khách qua đường thấm mệt, ngả lưng và thưởng thức cà phê… Gần tới Buôn Mê. Tôi thấy chiếc quán nhà sàn và hàng chữ nổi - cà phê Chồn trên bảng hiệu. Tôi áng chừng đi từ nhà anh Đá tới đây đã hơn tám mươi km rồi. Chúng tôi tấp xe vô. Cô chủ quán tuổi chừng trên bốn mươi. Người thấp đậm, ngăm đen. Nhìn qua cũng biết ngay là người dân tộc. Cô niềm nở mời chúng tôi vào thưởng thức cà phê của quán và giải thích cho tôi biết tại sao lại gọi là cà phê Chồn - bởi vì những quả cà phê khi chín, được các chú Chồn ăn rồi ịa ra. Người dân nơi đây đi thu lượm những hạt đó về, mang rửa sạch phơi khô rồi rang xay, pha chế. Tôi nhấp ngụm cà phê thơm lựng, vị đắng nhưng không chát. Bao nhiêu năm từng uống cà phê  nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới được thưởng thức loại cà phê chồn. Tôi thầm công nhận cà phê ở đây quả  ngon tuyệt, không như cà phê tôi đã từng uống ở những quán gần nhà. Sau đôi câu chuyện trời, trăng, mây nước, tôi hỏi cô chủ quán xem có biết anh Đinh Quang Đá nhà ở Krông - Năng không ? Nghe tên anh ! Cô kể vanh vách về anh, về người lính già Trường Sơn sống rất nghĩa tình với bà con buôn làng, thôn bản. Cứ y như người thân, là người ở trong nhà... Chú Đá thường chạy xe máy qua đây tới các buôn làng để thăm hỏi, động viên những người lính Trường Sơn năm xưa đang làm ăn, sinh sống. Mới tháng rồi, chú Đá xuống buôn em trao tiền và tổ chức khánh thành một căn nhà Tình nghĩa. Em nghe bà con trong buôn nói: Cái chú bộ đội phục viên ở trong Buôn, được Hội Truyền thống Trường Sơn tặng nhà. Trước đây cũng là một người lính từng sống, chiến đấu trong rừng cùng chú Đá.

      Chia tay cô chủ quán. Tôi chạy xe về Thành phố Buôn Mê. Dư âm bài hát vừa được nghe trong quán vẫn vẳng vẳng bên tai...Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây...Ôi ! Rừng cây! Rừng cây Trường Sơn đã bao bọc, chở che cho những người lính chúng tôi. Rừng cây ấy đã khắc sâu vào tâm khảm...Bởi thế mà lính Trường Sơn rất yêu thương nhau ! Trở về đời thường họ vẫn miệt mài chăm lo, cống hiến hết mình vì nghĩa tình đồng đội. Một trong những người sỹ quan hết lòng vì đồng đội ấy - chính là con chim đầu đàn của sư đoàn 471 Trường Sơn Miền Trung - Tây nguyên - Anh Đinh Quang Đá !

 

                                                                     

 

tin tức liên quan