GIÁM ĐỐC XƯỞNG MỘC
ĐẾN CHỦ TRANG TRẠI
Hải Đường
Giữa những năm tám mươi, sau những năm chiến đấu vùng biên giới Việt – Lào, anh lính Trường Sơn Trịnh Văn Thiệu rời quân ngũ về quê hương xã Lâm Lợi Hạ Hòa, Phú Thọ. Câu chuyện trở về thành Giám đốc một cơ ngơi sản xuất đồ gỗ ở thị trấn Hạ Hòa của CCB Trịnh Văn Thiệu cũng khá rôm rả một thời, nó rôm rả những năm đầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.
Việc một nông dân CCB huy động vốn liếng để mở cơ sở sản xuất thủ công nghiệp là sự mạnh dạn hiếm thấy. Nó trở thành chuyện lạ thời bấy giờ. Cơ sở của anh nhanh chóng tạo được uy tín về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Vì thế tiếng tăm về cơ sở của anh nổi như cồn. Không khí sản xuất nhộn nhịp, sản phẩm làm ra đến đâu được các nhà thầu đặt hàng với số lượng lớn đến đấy. Nhìn bề ngoài, sản xuất phát triển là một phúc lớn cho cơ sở, nhưng khi ấy trong cái "phúc" lớn chưa rõ hình hài đã lại ẩn chứa mầm "họa". Do công tác quản trị doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm nên hàng hóa sản xuất ở cơ sở làm ra thì nhiều, nhưng tiền thu về thì ít do nợ xấu dẫn đến dần dần xưởng mộc cạn vốn và cuối cùng bị phá sản. Thế là đặt dấu chấm hết cho một kế hoạch làm ăn sau giải ngũ của Trịnh Văn Thiệu. Câu chuyện về ông giám đốc xưởng mộc Trịnh Văn Thiệu dần dần cũng trở thành dĩ vãng.
Tuy bị "thua đau" trong "trận đầu" làm kinh tế nhưng ông Thiệu không nản trí bỏ cuộc. Ông lại bắt đầu manh nha những dự định mới. Những năm đầu chín mươi, với những chính sách về giao đất, giao rừng ổn định cho nông dân, phong trào làm kinh tế trang trại phát triển ở nhiều nơi. Nắm bắt được cơ hội này gia đình ông Thiệu nhận 15 ha đất để làm trang trại.
Có hai tư liệu sản xuất chính là đất đai và lao động, với khát vọng chiến thắng nghèo đói của người lính, cùng sự cần cù chịu khó của một nông dân, ông Thiệu đã cân đối và quy hoạch lại đồi nương, đầu tư vốn liếng công sức để làm giàu trên trang trại. Bằng sự theo dõi, ghi chép cập nhật có thể tính được khối lượng tiền của ông đã đổ vào trang trại. Nhưng có một khoản mà gia đình ông không thể thống kê đầy đủ - Đó là mồ hôi mà bao ngày mưa, nắng chiều vợ chồng, con cái ông đã đổ vào trang trại ? Không tính được mồ hôi, nước mắt đổ xuống mảnh đất cằn, nhưng giờ đây không phải chỉ ông Thiệu, mà rất nhiều người có thể tính được rành rẽ nguồn thu trên trăm triệu đồng của trang trại. Đó là trên 10 ha rừng bạch đàn khép tán, 3 ha tre mạnh tông điền trúc để lấy măng, hơn hai sào chè tăng sản, 5 sào ao thả cá, 250 cây vải (Lục Ngạn), 300 cây trám....cùng nhiều sản vật chăn nuôi đã trở thành hàng hóa phục vụ nhân dân quanh vùng. Căn nhà đơn sơ đầu thời kỳ trang trại nay được thay thế bằng một ngôi nhà hai tầng hoàn toàn bằng tre nứa, rộng hơn trăm mét vuông khang trang để con cháu vui vầy. Nhìn cơ ngơi cái trang trại trù phú ấy, người ta thêm kính trọng người CCB đang tuổi "thất thập" đang an hưởng tuổi già hạnh phúc cùng con cháu...
Những gì hiện hữu hôm nay là một kết thúc có hậu cho câu chuyện về nghị lực, ý trí của người giám đốc xưởng mộc năm xưa và chủ nhân trang trại hôm nay.
Hải Đường
CCB Hạ Hòa Phú Thọ