KỶ LỤC GIA
TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA
Đó là ông Hoàng Minh Thư, CCB, Phó Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Thơ Trường Sơn Lâm Xuyên, hiện đang phụ trách Biên tập Đài Truyền thanh xã Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Để minh chứng điều này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cụ thể về quá trình hoạt động của ông trên mặt trận Văn hóa.
Ông Hoàng Minh Thư, sinh ngày 25 tháng 11 năm 1940, ở thôn Lâm Xuyên, Xã Phú Điền, với năng khiếu, giọng nói ấm và truyền cảm nên ngay trong những năm 1957 – 1959, đang còn học cấp II trường huyện đã được Chi đoàn phân công phụ trách công tác truyền thanh của làng. Với cây đèn bão và chiếc loa sắt mạ kẽm, cậu học trò Hoàng Minh Thư và một người bạn giúp sức, cứ vào tối thứ bẩy hoặc chủ nhật hằng tuần, trên các nóc cổng xây hay trên bệ ống khói lò nồi, tiếng cậu lại âm vang; những tin tức nóng bỏng và những kiến thức khoa học kỹ thuật thường thức… được truyền đi khắp các xóm trong làng. Tháng 8 năm 1959, Hoàng Minh Thư nhận Bằng tốt nghiệp cấp II. Tại thời điểm đó anh thanh niên trẻ này có học vấn cao bậc nhất làng. Huyện Nam Sách lúc đó chưa có trường cấp III. Muốn học tiếp thì anh phải sang thị xã Hải Dương. Hoàn cảnh và điều kiện không cho phép, nên anh quyết định đi chuyên nghiệp. Đang lúc phân vân thì có người trong đội chiếu bóng của huyện biết anh có giọng nói ấm và truyền cảm đã khuyên anh đi làm thuyết minh phim và giới thiệu anh đến Ty Văn hóa tỉnh để thi tuyển. Anh đã trúng tuyển và nhận nhiệm vụ từ tháng 1 năm 1961. Từ đó, chàng trai 21 tuổi Hoàng Minh Thư đã chính thức trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và được về làm thuyết minh của Đội Chiếu bóng số 12 huyện Nam Sách. Anh say mê và sáng tạo trong công việc tuyên truyền phổ biến những kiến thức về văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật với sản xuất và đời sống bằng việc tuyển chọn các phim tài liệu khoa học chiếu trước phim chính. Và trước các buổi chiếu phim anh thường kết hợp đọc những tin nóng bỏng về thành tích xây dựng, bảo vệ Miền Bắc XHCN chi viện cho chiến trường miền Nam của đồng bào miền Bắc và những chiến công của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trong cuộc chiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, anh được Bộ Văn hóa điều động phụ trách Liên đội Chiếu bóng Hải Hưng – Hà Tây vào phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng giải phóng Thừa Thiên - Huế cho đến tận ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được điều động trở về làm Đội trưởng Đội Chiếu bóng 449 phục vụ trên địa bàn 2 huyện Nam Sách và Chí Linh (Hải Hưng – tên được dùng từ 1968 đến 1997, thời kỳ 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất). Qua 6 năm trong chiến trường ác liệt anh đã bị nhiễm chất độc hóa học nên người con anh sinh năm 1974 bị chết yểu ngay sau khi sinh. Vượt qua sự mất mát, anh lại lao vào công việc không biết mệt mỏi.
Năm 1980, tỉnh Hải Hưng chủ trương chuyển hoạt động riêng lẻ của các đội chiếu bóng lấy thu bù chi sang hoạt động tập trung tự chủ kinh doanh có lãi. Là đơn vị điển hình của tỉnh và được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm nên được tỉnh chọn làm điểm mẫu thành lập Công ty Chiếu bóng. Thế là Công ty Chiếu bóng Nam Thanh (tên hợp nhất 2 huyện Nam Sách và Thanh Hà thời kỳ 1968 – 1997), một công ty chiếu bóng đầu tiên của tỉnh được thành lập và anh được bổ nhiệm làm Giám đốc. Công ty thành lập Chi bộ Đảng. Anh được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư. Công ty Chiếu bóng Nam Thanh có 4 Đội chiếu bóng lưu động, sau đó thành lập thêm 1 Rạp Chiếu bóng ở thị trấn Nam Sách. Các đơn vị này hoạt động và kinh doanh rất hiệu quả. Công ty của anh luôn luôn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Năm 1992, anh được nghỉ hưu sau 31 năm hoạt động không biết mệt mỏi trên mặt trận văn hóa. Lúc này anh đã có cháu nội, cháu ngoại.
Ông Hoàng Minh Thư về hưu ở tuổi 52. Tuy ở chiến trường nhiều năm và bị nhiễm chất độc hóa học nhưng ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Đây là điều kiện tốt giúp ông tiếp tục hoạt động trên mặt trận văn hóa. Năm 1993, ông nhận nhiệm vụ phụ trách công tác văn hóa – văn nghệ Chi hội Cựu Chiến binh (CCB). Năm 1995, ông được bầu vào cấp ủy là Chi ủy viên phụ trách công tác văn hóa của thôn. Vốn là người tâm huyết với hoạt động văn hóa, ông đã đề suất và thành lập được Thư viện thôn; cùng với các Chi hội: Người Cao tuổi, CCB, Nông dân, Phụ nữ… vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng các công trình dân sinh, văn hóa như: Đường làng, đường ra nghĩa trang, nghĩa trang, đình - chùa, Nhà Văn hóa. Năm 1996, ông được Đảng ủy, UBND xã tin tưởng giao nhiệm vụ làm Biên tập cho Đài Truyền thanh. Đây là công việc báo chí khá bận rộn. Để có tin, bài cung cấp cho Đài Truyền thanh xã phát mỗi tuần 2 buổi, ngoài các cuộc họp được mời, ông phải thâm nhập trong nhân dân, xây dựng đội ngũ Cộng tác viên để cung cấp tin, bài v.v. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục tham gia công tác ở thôn như đảm nhiệm chức danh Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội phó chi hội NCT. Ông chủ trì biên soạn Quy ước làng (1998); là một trong những người sáng lập Câu Lạc bộ (CLB) Thơ NCT thôn Lâm Xuyên (1999). Đây là CLB thơ cấp thôn đầu tiên của xã. Hiện nay CLB Thơ Lâm Xuyên vẫn tồn tại và phát triển và có tên mới là CLB Thơ Trường Sơn Lâm Xuyên bởi tất cả đội ngũ cốt cán của CLB đều là CCB, hội viên Hội Trường Sơn (TS). CLB Thơ TS có ấn phẩm thơ “Xuân Quê” ra mỗi năm một tập do các hội viên CLB sáng tác. Năm 1999, Lâm Xuyên được công nhận là Làng Văn Hóa, ông lại càng tích cực tham gia xây dựng phong trào văn hóa – văn nghệ. Ông đã nhiều lần đưa Đội Văn nghệ của làng đi dự Hội diễn ở huyện và đã từng đoạt Giải Nhì, Giải Ba.
Đến nay, ông Hoàng Minh Thư đang tuổi 76, ông đã nhận Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Giải Phóng Hạng Ba, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn Hóa Việt Nam, Kỷ niệm chương CCB Việt Nam. Đến tháng 11 năm 2016, ông sẽ nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn khỏe và minh mẫn. Ông tiếp tục đảm nhiệm Biên tập Đài Truyền thanh Phú Điền và Phó Chủ nhiệm CLB Thơ TS Lâm Xuyên. Xin nói thêm là: CLB Thơ TS Lâm Xuyên, tháng 5 năm 2016 vừa qua đã đoạt Giải Tập Thể cuộc thi thơ “Lục Bát Trường Sơn” do Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức trong toàn quốc, trong đó ông đóng góp 2 bài.
Từ minh chứng đã nêu trên, ông Hoàng Minh Thư đã có 31 năm hoạt động trong ngành Chiếu bóng, 4 năm hoạt động cho sự nghiệp văn hóa thôn và 10 năm Biên tập Đài Truyền thanh xã. Như vậy, tổng cộng đã có 45 năm hoạt động liên tục trên mặt trận văn hóa. Đây là con số kỷ lục về thời gian hoạt động trên mặt trận văn hóa mà ở xã Phú Điền và kể cả huyện Nam Sách không ai có thể cạnh tranh. Kỷ lục này sẽ tiếp tục được phá mà người thiết lập kỷ lục mới là ông Hoàng Minh Thư và chỉ có ông Hoàng Minh Thư – một Kỷ lục gia trên mặt trận Văn hóa.
TRƯƠNG VĂN NHI
(CTV Hải Dương)