Người thương binh nặng tình đồng đội

Ngày đăng: 07:42 07/09/2018 Lượt xem: 675


                   Người thương binh nặng tình đồng đội


                                                      Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


 Trong chiến tranh, họ chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, họ tiếp tục nỗ lực vươn lên, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước và xoa dịu vết thương chiến tranh. Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Trọng Dũng, nguyên chiến sĩ trinh sát Đại đội 20, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), ở phường Quan Triều, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, là một trong những người như vậy.



Luôn đau đáu về đồng đội

Nắng chiều đổ bóng xuống những ngôi mộ trong nghĩa trang xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Sau hơn 40 năm nằm lại nơi chiến trường, hài cốt liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn được gia đình, đồng đội đón về quê hương trong niềm xúc động. Để tìm được hài cốt liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn sau ngần ấy năm phải kể đến công sức của CCB Đỗ Trọng Dũng.

Khi biết người kề vai sát cánh cùng chiến đấu với mình năm xưa vẫn còn nằm lại nơi chiến trường, ông Dũng trở về đơn vị cũ tìm kiếm thông tin. Từ đó, ông lặn lội sang Tỉnh đội Xiêng Khoảng (Lào) dò hỏi thông tin về phần mộ đồng đội, nhưng không có kết quả. Không nản lòng, ông trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt-Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), đi từng ngôi mộ, đọc từng tấm bia, quyết tìm cho được đồng đội mình. Và thật may, ông Dũng đã tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn tại đây. Ngay sau đó, ông Dũng báo tin cho thân nhân liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn tiến hành các thủ tục với cơ quan quản lý nghĩa trang, như: Kiểm tra, lấy mẫu giám định ADN… Khi có kết luận chính xác đó là hài cốt liệt sĩ Bàn Ngọc Hoàn, ông Dũng cùng gia đình tổ chức đưa liệt sĩ trở về quê hương an táng theo phong tục địa phương. Ông tâm sự: “Lúc tìm được Hoàn, tôi vô cùng xúc động. Hình ảnh của đồng đội xưa cứ ùa về, thổn thức trong tôi”.

Cựu chiến binh Đỗ Trọng Dũng với những kỷ vật một thời quân ngũ.

Miệt mài suốt hơn 6 năm qua, ông Đỗ Trọng Dũng đã tiết kiệm, dành dụm những đồng lương hưu ít ỏi của mình để chuẩn bị cho những chuyến đi tìm đồng đội. Sau 7 lần về tỉnh Quảng Trị, 8 lần trở lại nước bạn Lào, ông đã tìm và xác định được 23 đồng đội hy sinh, trong đó, hài cốt 17 đồng đội đã được ông cùng gia đình đưa về quê hương. Đặc biệt, có trường hợp tìm được hài cốt nhưng khi về địa phương, ông Dũng không gặp được người thân của liệt sĩ. Vì thế, ông lại thêm hành trình đi tìm người thân cho liệt sĩ... 

Chia sẻ về việc làm của mình, ông Dũng cho biết: “Từ lâu, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ về đồng đội của mình đã hy sinh. Nhưng phải đến lúc nghỉ hưu (năm 2012), tôi mới có thời gian để toàn tâm toàn ý đi tìm đồng đội. Hiện còn nhiều đồng chí chưa trở về được với quê hương, gia đình vì rất nhiều lý do. Bởi vậy, tôi còn sức khỏe, còn đi được, tôi sẽ còn đi tìm đồng đội của tôi...”.

Không chỉ có vậy, khi gặp hoàn cảnh đồng đội khó khăn, nhà ở dột nát, xuống cấp, ông Dũng lại năng nổ đi tìm nguồn hỗ trợ từ hội CCB, các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, địa phương… để xây dựng, tặng thân nhân liệt sĩ căn nhà tình nghĩa. Trong năm 2015, bằng nỗ lực vận động, kêu gọi của mình, ông Dũng đã quyên góp và hỗ trợ xây dựng được hai căn nhà tình nghĩa (mỗi căn được 50 triệu đồng) tặng gia đình liệt sĩ Hoàng Đăng Miện (quê Bắc Ninh) và Nguyễn Ngọc Quyết (quê Lào Cai). Cùng với đó, trên cương vị Ủy viên Ban chấp hành Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông Dũng cùng hội vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 157 căn nhà tình nghĩa tặng thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hải Dương...; trao hàng trăm sổ tiết kiệm tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nói về đồng đội của mình, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thế Thao, Trưởng ban Kiểm tra, Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cho biết: “Từ khi còn là chiến sĩ, đồng chí Dũng đã nổi tiếng là một trinh sát đặc công gan dạ, mưu trí. Đến nay, chất lính trong anh vẫn thế, chẳng quản tuổi cao, sức yếu, hết lòng cống hiến, tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống để đất nước được thống nhất, hòa bình. Ở đồng chí Dũng hội tụ đủ đầy những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, của Quân đội ta”.

Nỗ lực vươn lên, thành đạt

Càng tìm hiểu về cuộc đời của CCB Đỗ Trọng Dũng, chúng tôi càng thán phục và ngưỡng mộ khi biết rằng người thương binh có vóc dáng nhỏ nhắn, mái tóc bạc, đôi mắt sâu nặng nghĩa tình đang ngồi trước mặt chúng tôi, thực sự là một tấm gương luôn biết vượt lên hoàn cảnh. Đặc biệt, từ một thương binh, ông đã nỗ lực học tập, nghiên cứu để có bằng tiến sĩ.

Sinh năm 1952 tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội, sau đó cùng gia đình lên Lào Cai sinh sống; năm 1970, chàng trai trẻ Đỗ Trọng Dũng xung phong lên đường nhập ngũ khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (năm 1994 chuyển thành Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên). Vào quân ngũ, chiến sĩ Đỗ Trọng Dũng được biên chế về Đại đội 20, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, là chiến sĩ trinh sát, cùng đồng đội chiến đấu tại Lào, Thành cổ Quảng Trị với bao gian khổ, hy sinh. Cho đến khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, chiến sĩ Đỗ Trọng Dũng bị thương nhiều lần, được điều về tuyến sau, rồi chuyển ra Bắc.

Rời quân ngũ, Đỗ Trọng Dũng tiếp tục học tập và được cử đi đào tạo chuyên ngành Địa lý tại Liên Xô. Sau 4 năm học tập ở nước ngoài, năm 1980, Đỗ Trọng Dũng trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc và được phân công làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Với mong muốn trang bị cho người học những tri thức khoa học về địa lý, đồng thời truyền đạt và rèn luyện kỹ năng thực hành một cách hiệu quả nhất nên từ khi còn học tập tại nước bạn, thầy giáo Đỗ Trọng Dũng đã không quản ngày đêm nghiên cứu, lĩnh hội những kiến thức mới, phương pháp hay để về nước đào tạo thế hệ trẻ có tri thức cho đất nước. Khi về công tác tại Trường Đại học Việt Bắc, giảng viên Đỗ Trọng Dũng đã chủ biên, tham gia viết nhiều công trình khoa học, giáo trình chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy tại nhà trường, như: Phát triển du lịch sinh thái bền vững ở Tây Bắc trên phương diện đánh giá điều kiện tự nhiên; giáo trình địa lý tự nhiên Việt Nam; cơ sở khoa học phát triển du lịch Việt Nam…

Sau khi nghỉ hưu, ông Dũng vẫn tích cực cộng tác, làm việc tại Trường Đại học Việt Bắc. Ông tâm sự: “Là người lính, trước mặt là quân thù thì phải chắc tay súng, mưu trí, dũng cảm, còn với nhiệm vụ là người thầy thì phải luôn trau dồi kiến thức, giảng dạy một cách khoa học, thực tiễn để đào tạo được nhiều trí thức giỏi”. Từ năm 1981 đến 2012, ông Dũng đã hướng dẫn hàng trăm nghiên cứu sinh và sinh viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành địa lý; được nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh quý mến, thường xuyên đến thăm và học hỏi, trao đổi học thuật khi gặp phải những vấn đề khó, phức tạp.

Tiến sĩ, CCB Đỗ Trọng Dũng còn được nhiều người biết đến là một nhà thơ, nhà văn với 28 tác phẩm đã được xuất bản. Đó là những tác phẩm thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết về ký ức của một người lính từng anh dũng chiến đấu, để lại một phần máu xương nơi chiến trường, góp phần giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc.


 
tin tức liên quan