Một thương binh Trường Sơn sâu nặng nghĩa tình

Ngày đăng: 10:28 07/09/2018 Lượt xem: 623
      MỘT THƯƠNG BINH TRƯỜNG SƠN SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH.
 

                  VƯỢT TRƯỜNG SƠN  ĐÁNH MỸ Ở TUỔI 15

     Năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong đó có cậu thiếu niên Nguyễn Thanh Hà. Khi ấy, Hà đang là học sinh lớp 8 trường cấp 3 Yên Hòa, Hà Nội.
    Để đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, mặc dù chỉ mới 15 tuổi 3 tháng nhưng cậu thiếu niên Nguyễn Thanh Hà, người xã Yên Lãng, huyện Từ Liêm nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội đã cố tình khai tăng thêm tuổi. Biết mình bị thiếu cân, lúc đi khám sức khỏe, Hà đã xin tăng từ 38kg lên thành 41kg để vào bộ đội. Sau 3 tháng huấn luyện tại C4, D421, E5, F320B, Nguyễn Thanh Hà đã trở thành binh nhì.
Câu chuyện về người chiến sĩ Trường Sơn mới 15 tuổi 3 tháng đã dũng cảm vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ gây ấn tượng đặc biệt đối với tôi.
     Tôi hỏi vì sao khi mới 15 tuổi anh đã dũng cảm xung phong lên đường đi đánh Mỹ, đồng đội tôi chỉ nói rằng: “Vì tình yêu Tổ quốc, hòa cùng khí thế cả nước lên đường, lứa thanh niên chúng ta khi ấy ai cũng sôi sục, hăm hở nhập ngũ chỉ mong được góp phần nhỏ bé của mình mang đến thắng lợi cuối cùng để thống nhất đất nước”.
   - Thế gia đình có cho anh đi không?
   - Tôi đăng kí xung phong đi, khám sức khoẻ xong, có lệnh gọi nhập ngũ mới về thông báo với gia đình. Bố tôi cũng đồng ý cho đi.
    Đúng là tinh thần cách mạng của dân ta khi ấy là như thế. Mặc dù nhỏ tuổi nhưng với dáng người chắc chắn cùng một ý chí kiên cường, Hà luôn là người trong tốp đầu khi hành quân. Đó cũng chính là lý do mà đồng đội đặt cho cậu biệt danh Hà “don”.
     Khi đoàn quân dừng chân tại Khe Sanh - Quảng Trị, Hà “don” được chuyển sang Bộ Tư lệnh 559. Rồi anh tiếp tục vào sâu và được biên chế vào C4 Bộ binh/ BT34/ Bộ Tư lệnh 559 là Hạ sĩ. Binh trạm 34 đóng tại ngã ba La Hạp, đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Tại đây, Hà “don” cùng đồng đội nhận nhiệm vụ chốt các cao điểm 832; đánh biệt kích thám báo, đánh quân đổ bộ, đồng thời làm nhiệm vụ nghi binh nhằm thu hút hỏa lực của địch để giảm bớt thương vong, không cho địch đánh bom phá hủy các con đường giao liên, đường vận chuyển cơ giới, kho hậu cần và những nơi đóng quân của ta. Để thực hiện tốt nhiệm vụ ấy, bằng sự dũng cảm, mưu trí, gan dạ của mình, Hà “don” đã cùng đồng đội dựng những kho giả, trận địa giả và đốt khói. Kẻ địch đã dội bom xuống những trận địa giả này. Sau khi dùng máy trinh sát và thám báo chụp được hình ảnh những nơi đã đánh bom không thấy vết xe đi, địch đã chuyển mục tiêu ném bom. Để tiếp tục thu hút được hỏa lực của địch, những người chiến sỹ Trường Sơn năm ấy lại mưu trí nghĩ ra cách dùng lá cây quạt khói và sử dụng lốp xe lăn đi lăn lại nơi nghi binh. Kẻ địch lại bị mắc lừa. Ba năm liên tiếp ở chiến trường Trường Sơn, cùng với các đồng đội của mình, năm nào Hà “don” cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Bằng chứng là anh liên tiếp nhận được những Bằng khen như Bằng khen chiến dịch mùa khô 1968-1969, 2 Giấy khen mùa mưa 1969 và Giấy khen 3 tháng đầu mùa khô 1969-1970. Trong lý lịch quân nhân của anh, với nét mực đã phai dấu thời gian còn ghi rất rõ lời nhận xét của cấp trên: “Đồng chí
     Nguyễn Thanh Hà nhập ngũ tháng 12/1967. Quá trình công tác và chiến đấu tại chiến trường tỏ ra dũng cảm, ngoan cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ…”. Câu chuyện về tinh thần yêu nước của chàng “thiếu - thanh niên” Thủ đô là như vậy.
 
               SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐÔI.

     Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với cựu chiến binh, đồng đội Trường Sơn Nguyễn Thanh Hà chính là sự nhiệt huyết. Bởi lẽ, mặc dù là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị thương tật 81%, Nhưng anh không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ, mà luôn dành sức lực còn lại vươn lên vượt khó làm giàu. Hà “don” nhỏ thó năm nào bây giờ đã trở thành ông chủ của doanh nghiệp thành đạt. Anh đã từng hơn mười năm là Giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng - một công ty chuyên sản xuất giày bảo hộ lao động, giày thể thao… một thời nổi danh ở Thủ đô. Sản phẩm của Công ty cung cấp cho cả một số đơn vị quân đội. Hiện nay anh là chủ nhà hàng mang tên “Hùng Láng”. Doanh nghiệp của anh vừa là nơi giới thiệu các đặc sản của mảnh đất Hà Thành, vừa là nơi đặt trụ sở của Công ty cổ phần Thương binh đồng đội - nơi giúp đỡ những cựu chiến binh và con em họ có việc làm ổn định. Ngoài ra, anh cũng là chủ của khách sạn Trường Sơn, ngõ 1160 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao ông không lấy tên của mình hay tên con để đặt cho khách sạn mà lại lấy tên Trường Sơn thì anh tâm sự: Những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn đã trở thành năm tháng không bao giờ quên trong cuộc đời của anh. Đây là những năm tháng mà hàng triệu thanh niên Việt Nam không quản hy sinh thân mình quyết tâm ra trận để bảo vệ Tổ quốc.
     Trong những giờ phút chiến đấu ác liệt nhất, ranh giới giữa cái chết và sự sống dường như chỉ còn trong gang tấc. Có những đồng đội mới vài giây phút trước còn nằm cạnh bên nhau mà chỉ trong tích tắc đồng hồ đã vĩnh viễn ra đi. Sự bình yên ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt của thế hệ cha anh đi trước. Chính vì vậy, khi đặt tên khách sạn, anh muốn lấy cái tên là “Trường Sơn” để giáo dục con cháu mình về truyền thống của cha ông mà tự hào phấn đấu vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi mái tóc đã hoa râm, bên cạnh công việc kinh doanh bận rộn, mỗi dịp 27/7 hằng năm, người cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Thanh Hà vẫn trở về chiến trường xưa nơi anh chiến đấu, thắp hương cho những người đồng đội đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và nhiều nghĩa trang nơi chiến trường xa. Dù ở thời chiến hay thời bình thì tâm hồn của người cựu chiến binh Trường Sơn vẫn luôn thấm đậm chất lính, tràn đầy nhiệt huyết, sâu nặng nghĩa tình đồng đội, không bao giờ nhạt phai.
 
                                             AH LLVTND THIẾU TƯỚNG HOÀNG KIỀN.
tin tức liên quan