Sống giản dị và rất tình người. Chị đã có những đóng góp không nhỏ cho phong trào Hội Trường Sơn và Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình - Cái tên “ LÃO ...
Nữ Chiến sỹ Trường Sơn - Thương binh Dương Thị Thơm là một trong những tấm gương sáng của thế hệ những “Nam thanh, nữ tú” một thời đã hiến trọn tuổi thanh xuân để gia nhập đội quân “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” … Về với đời thường và đến hôm nay chị vẫn đặt mình vào vị trí một tấm gương - Tấm gương của lòng nhiệt tình và cả trách nhiệm góp phần xây dựng, phát triển Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn toàn quốc - Tấm gương của tình người và nghĩa tình đồng đội …
Khiêm tốn ở mọi lúc mọi nơi - Chị thường chia sẻ rằng: Chuyện của tôi được đưa vào cuốn sách “Nữ Chiến sỹ Trường Sơn - Ngày ấy - Bây giờ” tôi nghĩ đấy là một sự động viên ưu ái, tôi thấy mình còn thua chị kém em và cần cố gắng hơn nhiều để xứng đáng với sự vinh danh ấy … Thôi thì “ Ngày ấy” ta hãy tạm khép lại, còn “Bây giờ” với tôi chưa làm được bao nhiêu nhưng tôi thấu hiểu lắm cái nghĩa,cái tình đồng đội – Canh cánh với nó nên tôi còn bao dự định để làm những việc có thể bằng chính nội lực của mình vì cái nghĩa tình này … Và để biến những dự định trở thành hiện thực trước mắt tôi đã tự nguyện xin gia nhập Câu lạc bộ gia đình nữ Doanh nhân Trường Sơn và đã đóng góp một phần vốn quỹ cho Câu lạc bộ này hoạt động ...
Sống giản dị và rất tình người. Chị đã có những đóng góp không nhỏ cho phong trào của Hội Trường Sơn và Ban LL Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình - Cái tên “ LÃO PHẬT GIA” mà mọi người gọi chị chính bởi lẽ “ Sống giản dị và rất tình người” của chị.
Ninh Bình mảnh đất Cố đô xưa - Nơi mà trong những năm kháng chiến chống Mỹ địa phương này đã đóng góp hàng chục nghìn con em tham gia vào Bộ đội, Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến cho chiến trường miền Nam nói chung và Trường Sơn nói riêng. Hôm nay phát huy Truyền thống và bản chất Chiến sỹ QĐND Việt Nam; Chiến sỹ Trường Sơn anh hùng - Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Ban LL Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình đã được sớm thành lập và hoạt động có hiệu quả và được đánh giá và xếp loại xuất sắc trong toàn quốc... Ngày mai ( 13 tháng 5 năm 2017 ) nơi đây sẽ hội tụ bao thế hệ Nữ quân nhân; Nữ Thanh niên xung phong; Nữ Dân công hỏa tuyến Trường Sơn về với một cuộc Đại hội thành lập “Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình” – Một ngôi nhà chung thân yêu của các chị … Nhân sự kiện này Trang Thông tin Trường Sơn trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc gương mặt một đại biểu được về dự Đại hội – Người mà chúng tôi có đôi lời giới thiệu trên thông qua bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Thanh Hằng trong cuốn sách quý:“Nữ Chiến sỹ Trường Sơn - Ngày ấy - Bây giờ” .
Xin trân trọng ./.
Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Dương Thị Thơm
trong lần thăm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên
ĐỒNG ĐỘI GỌI CHỊ LÀ
“LÃO PHẬT GIA”
Th.s Nguyễn Thanh Hằng
Chị về Hà Nội dự Đại hội Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam và hẹn đón tôi tại cổng Bộ Quốc Phòng. Theo sự miêu tả của chị Cúc – Trưởng ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình, tôi nhận ra chị ngay. Khẽ khàng, tôi đến bên chị và tinh nghịch lễ phép: “dạ… em chào… lão Phật Gia ạ”. Gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng, nụ cười hiền lành của chị bỗng thảng thốt khi nghe tiếng chào ấy. Chị ngạc nhiên hỏi: “sao cơ, em cũng biết chuyện mọi người vẫn hay gọi chị là Lão Phật Gia ư”. Tôi nhoẻn cười thích thú. Lần đầu tiên, chúng tôi đã gặp nhau như thế đấy.
Chị là Dương Thị Thơm, sinh năm 1947 tại miền quê nhiều núi đá và sơn dương: Kiến Trung, Kim Sơn, Ninh Bình. Bố chị là Dương Văn Nhận – một lực điền khỏe mạnh và chăm chỉ việc ruộng đồng. Còn mẹ chị là nữ du kích dũng cảm Phạm Thị Hin. Bà tham gia kháng chiến chống Pháp, cho đến năm 1950 thì bị giặc Pháp giết hại. Khi ấy, em gái chị chưa đầy 1 tuổi và chị mới tròn 3 tuổi. Hai chị em bé xíu, ngây thơ không biết rằng mình đã vĩnh viễn mất đi người mẹ thương yêu nhất. Rồi thời gian dần trôi, bố chị đi bước nữa. Hai chị em sống cùng bà nội, bữa rau, bữa cháo mà lớn khôn.
Vào một ngày đầu tháng 7 năm 1965, chị thấy bạn bè náo nức đi khám tuyển Thanh niên xung phong (TNXP). Thế là chị bí mật trốn bà lên huyện xin đi TNXP cùng chúng bạn. Vậy mà vừa đi cùng lũ bạn chưa được bao xa sao bố đã biết. Bố lập tức đi tìm chị. Bố nói với bà: “Nhà chỉ có hai chị em nó. Con Thơm đã hơn 17 tuổi, phải gả chồng cho nó mẹ à”. Lũ bạn thoáng thấy bóng bố Thơm liền dúi Thơm nằm xuống bờ ao rồi phủ đầy bèo bồng lên trên. Khi bố vừa đi khỏi, Thơm cùng lũ bạn chạy ngay đến nhà bác Bân – Trưởng đoàn dẫn TNXP đi đợt này, Thơm mếu máo nhờ bác Bân tìm cách giúp. Bác Bân thấu hiểu hoàn cảnh của Thơm, bác liền bố trí ngay một xe ô tô đưa Thơm lên thị xã Ninh Bình tối hôm đó.
Sáng hôm sau, bố lên huyện sớm. Một đoàn 5 chiếc xe chở TNXP tưng bừng, náo nức cờ hoa trên phố huyện, bố đến từng xe tìm mà không thấy Thơm đâu. Ông đành chịu thua quay về. Đoàn xe rầm rập tiến về thị xã Ninh Bình. Thơm đang háo hức chờ ở đó.
Đúng ngày 13.7.1965, từ thị xã Ninh Bình, 1208 TNXP Ninh Bình bắt đầu hành quân bộ vào huyện Hương Khê, Hà Tĩnh để tập huấn chính trị 2 tuần và sau đó sẽ tham gia chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”.
Những ngày đầu hành quân bộ, đoàn quân đi rầm rập, thấy náo nức và thật vui. Nhưng vừa đến cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa trong đêm, thấy pháo sáng bắn sáng lóa rồi cả lũ giặc trời ào đến thả bom. Khói bom khét đắng, lửa cháy rực trời. lần đầu nếm mùi bom đạn, không phải không hốt hoảng, lo lắng. Vậy mà khí thế hừng hực ngày ấy, đã nhanh chóng xua tan mọi nỗi sợ hãi. May là cả đoàn vẫn bình an. Đi tiếp đến Vinh, lại một trận bom khủng khiếp. Cả đoàn lại tránh bom an toàn. Khí thế càng hăng hái.
Đến Hương Khê, Hà Tĩnh, hai tuần tập huấn chính trị trôi vèo qua thật nhanh. 30% nam giới khỏe mạnh trong đoàn được chọn ra đi thồ xe đạp vào đèo Hải Vân một thời gian rồi quay lại mở Đường 20 từ Quảng Bình vào. Còn lại 800 TNXP đoàn Ninh Bình chủ yếu là nữ (trong đó có chị) lại tiếp tục hành quân theo hướng Tây Trường Sơn.
Từ Hà Tĩnh, mới đến Quảng Bình, đang giờ nghỉ trưa, các chị đi tắm. Pháo sáng lại rực trời, lại bom. Nhưng lần này, một quả bom quái ác của kẻ thù đã gây tổn thất lớn. Bom đã thả trúng chị Chuyển và chị Nguyệt – hai cô gái rất xinh đẹp của đoàn, lại cùng quê ở Kim Sơn, Ninh Bình. Đau đớn hơn là thi thể các chị không còn nguyên vẹn. Cả đơn vị lặng người trong nỗi đau bất ngờ quá lớn. Đơn vị đã làm lễ truy điệu và an táng hai chị tại đó rồi phải tiếp tục lên đường.
Cuộc hành quân dài ngày gian khổ trong nỗi đau hai đồng đội đã sớm hy sinh. Nhưng nén đau thương thành hành động, cả đơn vị kiên cường hành quân dưới sự chỉ đạo của Tiểu đoàn 2 Công binh. Trèo đèo, lội suối, qua ngầm, qua khe… qua những đại danh sau này đã trở thành huyền thoại ở Trường Sơn: nào Khe Ve, khe Tang, Cha Lo, dốc Cổng Trời rồi sang đường 12 nước bạn Lào để mở đường và bảo vệ đường từ ngã ba Lùm – Bùm (tỉnh Khăm Muộn, Lào) đến biên giới Quảng Bình, song song với tỉnh quảng Trị. Và từ đây sẽ là cả một chặng đường dài quyết liệt, hào hùng mà bi tráng của CS thuộc đội 25 anh hùng: Tham gia mở đường 20 quyết thắng mà sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “một kỳ tích, kỳ quan.”
Đơn vị chị đóng quân tại Lào, đảm nhiệm công việc ở những trọng điểm ác liệt như: Dốc ba Thang, Cù Mẹ, Cù Con, Khe Diêm, suối Crong, Km 59, suối Aki, Km 68, Km 72, suối Nậm Ta Lê, đèo Phu La Nhích… Những địa danh này, cả ngày và đêm không lúc nào ngớt tiếng bom của kẻ thù. Đây cũng là nơi được đặt tên là ATP – nơi kẻ địch chủ yếu đánh bom phá và hủy diệt bằng B52 suốt một thời gian dài từ cuối năm 1966 đến hết năm 1973.
Trong khung cảnh ác liệt của trọng điểm, đầu năm chị được phân công làm Tiểu đội phó Tiểu đội nuôi quân. Tiểu đội có 12 người, do chị Thanh làm Tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ thường xuyên và cũng khó khăn nhất của các chị là kiếm được rau, măng rừng để cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Thịt hộp, lương khô thường được cấp đều, nhưng rau xanh luôn là món hàng xa xỉ. Giữa ngổn ngang bom đạn cày xới, rừng Trường Sơn ở nơi trọng điểm trơ trụi lá cành, các anh chị nuôi phải thay phiên nhau vào rừng sâu tìm rau. Nào tàu bay, rau xắng, dền gai, rau dớn, măng rừng… thứ rau, măng nào cũng thật quý.
Chị nhớ nhất là những buổi đi hái rau dền gai. Những chiếc gai nhọn hoắt đâm vào tay rớm máu. Nhưng cắt gai đi, canh rau dền gai mát ngọt lại là món khoái khẩu của Cán bộ, Chiến sĩ trong đơn vị. Có một lần, chị mải mê hái rau dền gai suốt một ngày trong rừng sâu rồi ngơ ngác không tìm thấy đường về. Hôm ấy, chị được một phen hú vía. Lần tìm đường về kéo theo hai bao rau to tướng. Trèo đèo, lội suối, que khe, hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, cứ thấy hun hút, lo lắng đến thắt tim. Mãi đến tối mịt, khi đơn vị cho người đi tìm, hú gọi mãi mới tìm gặp được nhau.
Khí hậu khắc nghiệt ở nơi này cũng là một thử thách với cả đươn vị và đặc biệt là với Tiểu đội nuôi quân cảu chị. Mùa nắng thì liên tục 6 tháng liền không có một giọt mưa. Mùa mưa thì hàng tháng liền không có một ngày tạnh. Các chị phải tích cóp nước ngọt cho mùa khô và củi khô phòng những ngày mưa. Muỗi, vát thì nhiều vô kể - nhất là mùa mưa – chúng tấn công và hành hạ mọi người bất cứ lúc nào. Những ngày nắng cháy thì tìm được một gùi rau xanh cũng là một kỳ tích. Vậy mà chị Đặng Thị Hồng Nương luôn dẫn đầu và được mệnh danh là “bà chúa rau rừng”. Sau này, chị Nương được bình chọn là chiến sĩ thi đua toàn quân.
Năm 1966, bắt đầu những ngày khốc liệt nhất ở trọng điểm đường 20A. kẻ thù chọn nơi có địa hình đặc biệt hiểm yếu để ngăn chặn ta. Cường độ đánh phá ác liệt, mật độ dày đặc, khép kín cả thời gian và không gian. Chúng đã huyênh hoang tuyên bố: “một con chuột cũng không chạy thoát”. Đúng lúc này, Tiểu đội phó nuôi quân Dương Thị Thơm được tăng cường ra hiện trường và nhận nhiệm vụ mới: nổ mìn, phá đá, làm đường, chặt cây rải rong đanh cho xe qua…
Chị bắt đầu công việc như một Chiến sĩ Công binh: trèo lên vách núi đá, lấy búa đập đá, đập và đào cho được một hố chôn mìn, sau đó thả thuốc mìn và dây kíp mìn vào rồi lấp đất đá lên, đốt dây mìn cháy chậm, sao cho mình chạy kịp và nấp được vào chỗ an toàn thì mìn nổ. dây mìn cháy chậm chỉ dài 1m2, có lần chạy vào chỗ nấp bị vấp ngã đau điếng. Có anh chị em còn bị gãy tay. Nhưng nỗi vất vả ấy mới chỉ là khúc nhạc dạo đầu.
Mùa khô năm 1966, máy bay Mỹ bắt đầu cấp tập đánh phá, liên tục 95 ngày đêm. Rồi đến năm 1967, chúng oanh tạc liên tục tới 105 ngày đêm. Đặc biệt là mùa khô năm 1968, không quân Mỹ không ngừng ném bom miền Bắc nhưng chúng lại dồn lực lượng bịt cửa khẩu các tuyến đường Trường Sơn mà ATP là trọng điểm. Chúng đánh ác liệt hơn hẳn các mùa khô trước, ròng rã đến 105 ngày đêm hòng hủy diệt con đường huyền thoại Hồ Chí Minh.
Chỉ tính riêng ngày 25.11.1968- là tổng hợp một ngày không phải cao điểm nhất còn được ghi trong “Nhật ký trinh sát” từ 0h05’ đến 23h05’ thì máy bay Mỹ đã đánh 52 trận với cường độ 18 lần tốp B52 gồm 51 chiếc/lần; 9 lần chiếc C130; 13 tốp F4 gồm 28 lần/chiếc và 12 lần chiếc 0V10. Tổng cộng, chúng đã ném 13.000 tấn bom đạn các loại xuống trọng điểm ATP. Chúng đã rải thảm và cường kích liên tiếp trong chiều rộng 3km và chiều dài 7km. Cả khu vực này đất đá bị bom đạn đào lên, cày xới thành bột trắng xóa như cồn cát Quảng Bình.
Trước đó, mùa xuân Mậu Thân 1968, riêng trọng điểm ATP này cũng phải chịu đựng tới 906 lần máy bay B52 (ngày cao điểm nhất là 23 lần) đánh phá. Chúng trút xuống tới 10.000 tấn bom đạn. Bình quân mỗi người ở vùng trọng điểm này phải gánh chịu tới 606 quả bom cỡ lớn chưa kể 2.000 trận đánh phá của các loại máy bay phản lực với hàng vạn tấn bom các loại.
Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đã phải thốt lên trong căm phẫn: “Mức tàn phá khủng khiếp của những trận bom hủy diệt ở Đường 20 trọng điểm ATP suốt một tuần không khác gì một sa mạc lửa”. vậy mà, từ trong sa mạc lửa ấy, thật kỳ lạ, xe vẫn thông. Đường vẫn liền đường. Bởi vì, đoạn đường này bị đánh phá thì đoạn đường vòng tránh khác lại xuất hiện. Ngầm này bị hủy diệt, thì một ngầm khác lại ra đời. Rồi cả những con đường kín chạy giữa ban ngày. Và những binh chủng hợp thành đã cùng phát huy sức mạnh để chiến thắng bom đạn kẻ thù. Tất cả như một trận đồ bát quái mà kẻ thù không sao hiểu nổi.
Trong những mùa khô ác liệt ấy, chị Dương THị Thơm luôn cùng đồng đội kiên cường, thông minh, quả cảm bám đường, thông tuyến tại ATP. Một lần, trong mùa khô năm 1968, khi các chị đang hối hả san lấp mặt đường thì máy bay Mỹ ào tới, chị cùng 4 đồng đội lao vào trú ẩn trong một chiếc hầm gần đó. Bom giật, bom rung ầm ầm như cơn bão lốc rồi bất ngờ hầm sập xuống. Khi đồng đội ứng cứu thì chị Thuận (quê Gia Viễn, Ninh Bình) đã hy sinh; chị Thanh (cũng quê Gia Viễn) bị mảnh bom cắt cụt một chân, còn chị và hai đồng đội khác đều bị thương và ngất lịm.
Lại một lần khác, khi tiểu đội cảm tử vừa phá xong bom ở mặt đường cua chữ A, các chị vừa lao ra san lấp hố bom cho xe qua thì hàng đàn máy bay Mỹ lại bu tới. Chúng điên cuồng thả bom. Các chị lao vào hồm trú ẩn nhưng nhiều người đã bị sức ép của bom ngất đi. Lần ấy, chị Na, chị Hích, anh Thọ lại bị thương. Chị bảo: “Bám đường, bám tuyến ở vùng trọng điểm ấy, hình như ai không bị thương mới là lạ. mà cũng lạ lắm, vết thương chưa kịp lành, ai nấy lại hối hả lao ra mặt đường, như có một sức mạnh vô hình nào đó hối thúc”. Năm 1967, giữa chiến trường khốc liệt, gian khổ ấy, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Có những tháng Trường Sơn mưa triền miên, xe không vào được, cả đơn vị phải ăn nhạt – không có muối cả tháng trời. Chị Đinh Thị Hường là Chính trị viên Đại đội như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng chị quyết định đi xuyên qua 3 đèo trong đêm ra tận Quảng Bình xin muối về cho đươn vị ăn.
Rừng thiêng nước độc, thiếu muối, có chị trong đơn vị đã bị sốt rét đến trọc cả đầu. Và những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ấy bị sốt rét mê man đến độ cởi tung hết cả quần áo mà vùng chạy ra khỏi hầm. Sau này cơn sốt rét lui, đồng đội kể lại không hề nhớ gì và cứ nghĩ mọi người bịa chuyện để trêu. Khi biết đích xác là chuyện có thật thì xấu hổ đến nỗi không dám gặp ai nữa… Bao nhiêu chuyện của TNXP trong chiến trường khốc liệt ngày ấy, chị bảo kể sao cho hết được.
Đến cuối năm 1968, đang là TNXP ở C4 đội 25, chị được điều động sang đường dây 559 làm lính Thông tin. Đã gần một năm trời làm nhiệm vụ trực Tổng đài của đường dây 559, sao chị thấy nhớ những cung đường, những đồng đội vào sinh ra tử ở vùng trọng điểm ATP, Đường 20 quyết thắng. Đại đội trưởng Sử và Đại đội phó Triết ở Đại đội Thông tin đường dây 559 thỉnh thoảng vẫn gọi chị “Thơm C4 đội 25 đâu rồi”.
Chị hào hứng kể: “cho tới cuối năm 1969, chị lại được trở về trọng điểm Đường 20m Quyết thắng và làm nhiệm vụ một chiến sĩ Công binh thực sự…”. Tôi ngỡ ngàng hỏi chị: “Có không ít người khi được điều động về nơi ít khốc liệt hơn thì thấy vui mừng. Nhưng với chị có vẻ như ngược lại. Được điều trở lại vùng trọng điểm Đường 20, chị có vẻ phấn chấn lắm”. Chị bảo: ngày ấy đúng là được trở lại vùng trọng điểm chị rất vui. Cái khí thế ngày ấy khác với bây giờ lắm. Mọi người sẵn sàng xung phong vào đội cảm tử. Sẵn sàng nhường cho nhau sự sống. Đơn vị chị, các Trung đội cảm tử, Tiểu đội cảm tử được phân công phá bom nổ chậm đều được làm lễ truy điệu sống trước khi ra trận phá bom. Rồi cả đơn vị nín thở chờ đợi. Khi hàng loạt tiếng nổ vang lên, cả đội cảm tử còn nguyên vẹn, cả đơn vị sung sướng ôm chầm lấy nhau mà trào nước mắt. Thế rồi lần thứ 2, thứ 3, lần thứ bao nhiêu không ai nhớ nữa… Trong đơn vị có chị Vũ Thị Lộc đã hai lần làm lễ truy điệu sống. Một lần là lễ truy điệu sống trước khi đi phá bom nổ chậm. Một lần là chị Lộc cùng một lái xe cảm tử được truy điệu sống để vượt qua một quả bom nổ chậm, nhằm giải phóng cho cả một Tiểu đoàn xe đang đứng đợi vượt qua trọng điểm. Lại căng thẳng, nín thở chờ đợi. Ơn Trời, dường như quả bom nổ chậm ấy đã hoảng sợ trước tinh thần thép của chị Lộc và anh lái xe mà đã không nổ, cả Tiểu đội xe vượt qua trọng điểm an toàn.
Nhưng… cũng không ít lần… có những Chiến sĩ trong đội cảm tử đã không bao giờ trở về được nữa. Các anh, các chị là những tấm gương anh hùng ngời sáng mãi mãi bất tử. Đó là Liệt sĩ Nguyễn văn Khoa, Liệt sĩ Nguyễn Thị Thắm, Liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận…
Từ cuối năm 1969 đến năm 1971, chị là Chiến sĩ Công binh và tiếp tục công việc nổ mìn, phá đá, vác đạn nhập kho, san lấp hố bom, bảo vệ Đường 20 Quyết thắng, đảm bảo thông tuyến, thông xe suốt ngày đêm. Giai đoạn này, Đường 20A vẫn luôn là trọng điểm ác liệt. Kẻ thù không chỉ trút xuống bom đạn mà cả thứ hóa chất Điôxin độc hại đến cả thế hệ sau. Có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đến thăm và động viên Cán bộ, Chiến sĩ ở Đường 20 Quyết thắng, thấy gian khổ, ác liệt quá, hai bác đã đề nghị cho các TNXP và Nữ Chiến sĩ về hậu phương vì “ Để làm ở đây lâu, sau này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các cháu, sẽ khó có con…” nhưng các chị đã đồng loạt xin ở lại, chỉ có chị nào ốm yếu quá mới trở về.
Một lần, cả đơn vị đang trên mặt đường, máy bay Mỹ lại điên cuồng thả bom và thả cả hóa chất. Chị cùng hơn 30 đồng đội trú trong một hang đá ở gần đường. Trong hang đá mà gió vẫn thổi bay cả luồng hóa chất độc hại xộc vào. Mọi người dùng khăn ướt để phòng độc. Nhưng thật đau đớn, sau này, vẫn không ít người bị nhiễm thứ chất độc khủng khiếp ấy. Có nhiều người bị ung thư và có cả một cặp vợ chồng đã mất sớm vì nhiễm chất độc da cam ấy.
Tháng 11 năm 1971, sau nhiều lần bị thương, sức khỏe giảm sút, chị được ra quân và được đươn vị cho đi học trường trung cấp Cơ khí Lâm Thao, Vĩnh Phúc. Nhưng vừa nhập trường, học được 3 ngày thì ông anh họ chị là Thiếu tá tỉnh đội Ninh Bình đã đến tận trường xin cho chị về làm ở cửa hàng thực phẩm huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Chị được cửa hàng trưởng tin tưởng giao cho làm thủ kho.
Hàng ngày, cô thủ kho Cựu chiến binh hiền lành vẫn gặp một chàng trai là dân quân tự vệ ở núi Non Nước đến thăm chị gái cùng cơ quan chị. Trò chuyện làm quen, anh cảm phục vô cùng một cô gái chân yếu tay mềm mới 24 tuổi đời đã có hơn 6 năm trời tuổi quân giữa chiến trường khó lửa đầy bom rơi, đạn nổ. Anh ngỏ lời cầu hôn… Chị đỏ mặt bối rối… Đúng là “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Trong những tháng ngày tưởng chừng như hạnh phúc đã mỉm cười với chị thì… như sét đánh ngang tai. Chị gái dõng dạc tuyên bố: “Gái TNXP, gái Bộ đội… có đến trăm thằng… mày không được lấy nó…” Thật phũ phàng làm sao. Chị thấy mình bị tổn thương ghê gớm. Suốt hàng tuần liền chị tránh mặt anh. Nhưng sức hút của cô gái Cựu chiến binh dịu dàng ấy đã làm anh mất ăn mất ngủ. Anh kiên quyết bảo vệ người anh yêu và anh cũng dõng dạc tuyên bố “Thì cũng như chị nghĩ cũng được. Nhưng tôi lấy đĩ về làm vợ chứ không lấy vợ về làm đĩ” ghê gớm chưa.
Nhưng sao chị thấy thật đau lòng, khi những cô gái tuổi mười tám đôi mươi như các chị xung phong ra chiến trường, xông pha nơi lửa đạn, cống hiến cả tuổi thanh xuân vì cuộc sống hòa bình hôm nay. Và nơi chiến trường ác liệt ấy, cuộc sống gian khổ, thiếu thốn trăm bề mà vẫn sẵn sàng nhường nhau sự sống. mà khi trở về, sao người đời lại cay nghiệt và ác độc đến thế khi gán cho các chị những tội tày trời. Một sự xúc phạm đau đớn.
Thế rồi chưa đầy một năm, đám cưới của anh chị được cử hành. Chàng trai Hoàng Văn Lư hãnh diện bên cô dâu Cựu chiến binh trẻ tuổi của mình. Và thật oái oăm, khi đám cưới kết thúc, cặp đôi đưa nhau vào phòng hạnh phúc thì giật nảy mình vì tiếng khóc oe oe trên giường cô dâu, chú rể. Một đứa trẻ, mới hơn 1 tuổi, mũi dãi nhem nhuốc, tay chân ghẻ lở kềnh càng bôi thuốc xanh lét được đặt trên giường hạnh phúc. Chị ngơ ngác không hiểu chuyện gì, nhưng anh thì nhận ra – đức cháu không có cha – con chị gái mình. Anh tái mặt vì nhận ra thâm ý của chị. Kìm cơn nóng giận, anh bế đứa cháu tội nghiệp đi tìm mẹ nó…
Cuộc sống vợ chồng ngày đầu tiên đã nhuốm vị đắng đót. Sau ngày cưới, anh vẫn làm việc ở gần nhà, còn cơ quan chị cách nhà chồng đến 28 km. Chỉ đến cuối tuần chị mới đi bộ về nhà được. Đến 5 tháng sau, ở cơ quan, thấy chị vẫn phơi vải xô trắng khi đến kỳ kinh nguyệt, một bà bạn chị chồng như đổ thêm dầu vào lửa khi cố tình trên trọc: “ Loan ơi! Em dâu cậu đã có bầu chưa ?” bà chị chồng tai quái lại có dịp đay nghiến: “gái TNXP, gái Bộ đội… cả trăm thằng rồi… có mà đẻ ra con gỗ”. Chị lại đau đớn lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong và tìm niềm vui trong công việc. Chị cũng thầm cám ơn duyên phận đã cho chị gặp một người chồng luôn thấu hiểu, yêu thương, chia sẻ và bảo vệ chị mọi lúc, mọi nơi. Dù hai vợ chồng làm việc cách xa nhau nhưng anh luôn dành mọi thời gian cho chị.
Đến tháng thứ 6, niềm vui như vỡ òa khi chị có dấu hiệu được làm mẹ. Nhưng chị vẫn vất vả vô cùng khi cuối tuần lại đi bộ về nhà chồng. Có khi chồng chị cũng đi bộ hàng mấy km để đón vợ. Những ngày cuối tuần với chị thật ấm áp và tràn đầy hạnh phúc. Thấy con dâu đi lại vất vả, bố chồng chị bàn với con trai và cụ gom góp mua tặng chị chiếc xe đạp. Ngày đó, chiếc xe đạp là cả một gia tài. Chị cảm động cảm ơn bố và nhận chiếc xe đạp nặng nghĩa tình của người cha chu đáo.
Thấm thoát thai kỳ đã đến tháng thứ ba, chị thấy mình thật hạnh phúc. Hôm ấy lại đến cuối tuần, chị háo hức hoàn tất công việc cuối cùng trong buổi chiều đông giá để chuẩn bị về nhà. Trời chiều mùa đông tối sớm, chị hối hả vào phòng lấy xe đạp, nhưng tìm mãi không thấy chìa khóa xe đâu. Lạ quá, chìa khóa xe bao giờ chị cũng để đúng vị trí ấy. Chị không sao hiểu nổi. Trời đã tối mịt, không tìm thấy chìa khóa xe, chị đành ngủ lại cơ quan, định bụng sáng sớm mai sẽ tìm cách để về nhà. Đêm hôm ấy, chị thao thức mãi không sao ngủ được, ruột cồn cào như có lửa đốt. Không có cách nào để liên lạc với chồng, chị biết anh sẽ lo lắng, nhưng biết làm sao được. Giá thời ấy, các gia đình đã có điện thoại thì tốt biết mấy.
Đến tận 3 giờ sáng, chị vừa chợp mắt thiếp đi được vài phút thì bỗng nghe tiếng anh hốt hoảng gọi: “Thơm…Thơm ơi! Em có trong phòng không?”. Chị choàng dậy, ngạc nhiên và lo lắng. Có chuyện gì khẩn cấp mà anh đi bộ trong đêm đông vượt 28km để đến tận đây? Chị bật đèn, mở cửa. Anh lao vào phòng ôm choàng lấy chị hổn hển: “Đây rồi! Mẹ con em đây rồi!”. Chị cảm động và thương chồng vô cùng. Đi bộ đến mấy chục cây số mà người anh lạnh cóng, run lên vì rét. Chị lấy cốc nước nóng cho anh uống. Khi định thần lại, anh kể: không thấy em về, anh và bố mẹ lo cho em quá! Không chịu nổi, quá nửa đêm, anh cuốc bộ đến đây. Vừa đi vừa dò tìm ở ven đường xem em có bị ngã ở đâu không… Ơn Trời, may quá, thì ra chỉ vì cái chìa khóa xe đạp… Thế là từ lúc ấy, hai vợ chồng chị mới được yên lòng ngủ một mạch đến tận 7giờ sáng.
Thức dậy, sau khi đánh răng, rửa mặt, việc làm đầu tiên của anh là vác chiếc xe đạp ra sân để…phá khóa. Nhưng anh chưa kịp động tới chiếc xe thì bà chị gái xuất hiện. Bà thản nhiên bảo: “Khóa xe đây, không phải phá khóa”. Lúc ấy, vợ chồng chị mới ngỡ ngàng hiểu ra: thì ra không phải khóa xe đạp mất mà bà chị tai quái đã giấu đi. Anh nổi khùng hét lên: “bà làm ăn bậy bạ thế à? Bà đã dày vò vợ tôi bao nhiêu lần rồi?”. Nóng giận đến mức anh giơ tay tiến tới định tát bà chị. Nhưng nhanh như cắt, bà chị đã giật lấy tóc cô em dâu, vật ngửa xuống đất rỗi dẫm chân day lên bụng chị. Bị bất ngờ, chị không kịp chống cự gì, chỉ theo bản năng và phản xạ rất nhanh của người mẹ, chị vòng tay ôm lấy bụng… Thật may… lần ấy, chị đã không bị xảy thai.
Bây giờ kể lại chuyện này, chị vẫn rơm rớm nước mắt. Chị bảo: con người ta, gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Cho đến tận bây giờ, vợ chồng chị vẫn hàng ngày chăm sóc, cưu mang bà chị chồng tai quái. Giờ trông bà lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác. Đứa con ghẻ lở ngày nào bà đặt lên giường cô dâu, chú rể bây giờ tội lắm. Cháu không bình thường, không chồng con, cuộc sống vất vưởng. hàng ngày, anh chị vẫn chăm chút lo ăn, lo mặc, lo cả những lúc ốm đau cho mẹ con chị ấy. Chị thấy thương nhiều hơn giận.
Năm 1973, chị sinh cậu con trai đầu lòng và năm 1974 sinh tiếp luôn cậu con trai thứ hai Hoàng Mạnh Tùng. Rồi năm 1976, anh chị có thêm cô con gái út Hoàng Thị Điệp. Cuộc sống thời ấy thiếu thốn trăm bề. Chị làm thủ kho được 4 năm thì ra bán hàng cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu. Người ta bảo làm trong ngành thương nghiệp thì sẽ giàu. Nhưng chị cho đến lúc về hưu cũng phải cùng chồng chạy đôn, chạy đáo lo cho ba đứa con ăn học. Tổ ấm của anh chị vẫn chỉ là mái nhà tranh tuềnh toàng. Vì quá khó khăn, sau này khi chồng chị theo con trai lớn vào Sài Gòn làm ăn, chị cùng hai con nhỏ ở lại quê nhà, có lúc chỉ còn lại một bò gạo mà ba mẹ con dè sẻn nấu cháu ăn được tới tận 3 ngày.
Khó khăn đến độ, cậu con trai đầu lòng của anh chị (đứa con ngày từ khi còn trong bụng mẹ đã gặp bão dông) vừa học xong trung học phổ thông ở trường chuyên Lương văn Tụy nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình, đã quyết chí vào Sài Gòn học đại học để… vừa học vừa làm và quyết lập nghiệp, đổi đời. Anh đã bắt đầu từ công việc bán báo, bán cà rem, bán bánh mì và bán cả…bắp cải. Rồi anh làm thuê cho ông Trường Sanh bán máy cày, máy xới ở phường 10, quận 10. làm thuê được 3 năm, ông chủ tốt bụng thấy anh ngoan ngoãn, trung thực, chăm chỉ lại sáng ý, nhanh nhẹn nên đã nhận anh làm con nuôi và tạo điều kiện cho anh mở một cửa hàng riêng, cũng bán máy cày, máy xới. Ông Trường Sanh cho anh lấy hàng, đến khi nào bán xong mới thanh toán tiền… Cứ thế, chàng trai sinh năm 1973 ấy đã lập nghiệp từ hai bàn tay trắng cùng ý chí, nghị lực phi thường. Dường như ý chí, nghị lực ấy của anh được tổng hòa từ sự kiên định của bố, sự dũng cảm, kiên cường của người mẹ đã từng và chiến đấu ở vùng trọng điểm ác liệt cảu Trường Sơn.
Cậu con trai thành đạt ấy của anh chị chính là doanh nhân Hoàng Mạnh Trường – một trong ba đại gia giàu có nhất tỉnh Ninh Bình. Hiện anh là Chủ tịch Tập đoàn xi măng The Vissai- một Tập đoàn kinh tế ngoài quốc doanh, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực với ngành nghề chính là sản xuất xi măng mang thương hiệu The Vissai với phương châm “Gắn kết sự phát triển bền vững” và đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.
Cho đến hôm nay, sau mấy chục năm theo con vào Sài Gòn bôn ba kiếm sống, anh chị lại trở về quê hương Ninh Bình và tiếp tục mê mải với hành trình làm từ thiện. Nữ TNXP – Nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa được gọi là “Lão Phật Gia” vì tấm lòng từ bi, thiện nguyện của chị. Chị đã cùng chồng con xây hàng chục nhà tình nghĩa cho các Cựu chiến binh và những người có cảnh ngộ đặc biệt khó khăn, nhất là người dân ở vùng lũ lụt. Với tư cách là Hội phó Hội cựu TNXP thành phố Ninh Bình, chị đã luôn quan tâm, chăm lo chu đáo cho các Cựu chiến binh, Cựu TNXP. Nhất là các dịp hội họp hoặc tết, lễ, chị lo kinh phí, lo xe chuyên chở cùng Hội trưởng tổ chức tặng quà cho các hội viên; tặng quà cho các gia đình, các trẻ em nghèo có hoàn cảnh éo le, khó khăn…
Gia đình chị còn đầu tư xây mới hai trường THPT Kim Sơn A, Kim Sơn B, tỉnh Ninh Bình và vừa kịp khánh thành trong năm học mới 2016 với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.
“Lão Phật Gia” có tấm lòng từ bi Dương Thị Thơm còn cùng chồng con đầu tư xây dựng rất nhiều Đền, Chùa ở các nơi như: xây đền Đức Thánh Cả ở Thành phố Ninh Bình (năm 2009 với kinh phí 2 tỷ mốt); tu sửa, xây mới chùa ở xã Ninh Áng, Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (năm 2013 với kinh phí gần 1 tỷ đồng) và đang xây các chùa Yên Khoái Hạ ở Yên Phú, Ninh Bình; chùa Đồng Đắc ở Kim Sơn với tổng kinh phí hàng tỷ đồng…
Tâm sáng ấy, tấm lòng thiện nguyện ấy của chị và gia đình đã tiếp sức cho bao cuộc đời nghèo khó. Tập đoàn của con trai anh chị đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và vẫn luôn mê mải trên hành trình từ thiện. Chúc cho chị mãi phát huy được phẩm chất cao đẹp của Nữ Chiến sĩ Trường Sơn, cùng gia đình luôn vui, khỏe, hạnh phúc và tràn đầy sinh lực để tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho quê hương, đất nước.
Nữ Chiến sỹ Trường Sơn Dương Thị Thơm cùng gia đình tặng hoa và quà cho tập thể và hội viên
Ban LL Nữ Chiến sỹ Trường Sơn TP Ninh Bình nhân ngày gặp mặt Truyền thống năm 2016