Nghị lực của đôi vợ chồng Thương binh 4/4

Ngày đăng: 02:26 30/05/2017 Lượt xem: 1.200

NGHỊ LỰC CỦA ĐÔI VỢ CHỒNG THƯƠNG BINH 1/4

                              

        Tôi biết chị từ ngày còn ở Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt,  lúc bấy giờ chị phục vụ trong đội văn nghệ của Bộ tư lệnh 559. Nếu chỉ có vậy, cũng chẳng có chuyện gì để nói. Mãi sau này khi tôi về công tác ở huyện, là Thường vụ, trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện mới gặp lại chị tại Đại hội biểu dương tấm gương gia đình hiếu học của huyện Yên Định năm 2004. Ngồi trên ghế chủ tịch đoàn, tôi không tin vào mắt mình khi chị lên báo cáo điển hình phải có người dìu vì bị cụt một chân, hỏng một mắt và mắt còn lại chỉ thấy lờ mờ. Sau báo cáo, chị ngâm bài thơ “ Đường vào” của nhà thơ Tố Hữu mà tôi đã từng nghe khi chị phục vụ tại Đại hội chiến sỹ thi đua năm 1967 của Đoàn 559. Cũng từ ngày đó, tôi hay đến thăm vợ chồng chị tại quê hoặc về tặng quà nhân dịp ngày tết, ngày thương binh liệt sỹ.

       Chị là Nguyễn Thị Khánh Vân, năm 1965 từ quê hương Yên Khánh, Ninh Bình chị đi Thanh niên xung phong, tham gia mở đường và đảm bảo giao thông trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.  Năm 1967 chuyển sang bộ đội về đội văn nghệ xung kích của Cục chính trị Đoàn 559. Gần bốn năm gắn bó với Trường Sơn trải qua bao gian lao, ác liệt của bom đạn Mỹ và thiên nhiên khắc nghiệt;  mùa khô năm năm 1968, trong lần đi phục vụ chiến dịch tại Binh trạm 31, chị bị thương do B52 rải thảm, nhiều đồng đội đã hy sinh, chị may mắn sống sót, nhưng bị thương nặng, nên  được chuyển từ đội phẩu thuật tiền phương về bệnh viện tuyến sau điều trị. Cuối năm 1968 được  chuyển về hậu phương  điều dưỡng tại trại thương binh nặng tỉnh Hà Bắc, với thương tật vĩnh viễn xếp loại 1/4. Tại đây chị gặp anh Lê Đình Phẩm cũng là thương binh 1/4 quê  Yên Định, Thanh Hóa là lính của sư đoàn 325 tham gia chiến đấu tại tại mặt trận Quảng Trị, năm 1968 bị thương cụt cả hai chân nên phải về hậu phương.  Tại Trại thương binh Hà Bắc, hai người thương yêu nhau rồi được đơn vị tổ chức lễ cưới vào năm 1973, sau khi  hiệp định Paris ký kết.

       Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà; khi đất nước chưa lành vết thương chiến tranh, lại xẩy ra chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, cộng vào là thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài 10 năm; trong lúc hai vợ chồng nuôi con nhỏ, đời sống vô cùng khó khăn. Để giảm “gánh nặng” cho đơn vị, hai vợ chồng  xin về quê để gần gũi gia đình chăm sóc con cái. Có lần chị kể với tôi, tuy hai vợ chồng thương tật nặng nhưng “ ông trời thương tình” nên đã cho anh chị 4 đứa con trai đều khôi ngô tuấn tú. Thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn, hai vợ chồng phải chăn nuôi lợn, gà, tăng gia, sản xuất để có thêm nguồn thu nuôi con ăn học. Vượt qua thương tật, khắc phục thiếu thốn, hai vợ chồng nuôi 4 con ăn học thành đạt, là tấm gương gia đình hiếu học điển hình của huyện.

       Năm 2004 chị tham gia Đại hội biểu dương gia đình hiếu học tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất; khi chị lên báo cáo, cả hội ai cũng xúc động và cảm phục tinh thần, nghị lực của đôi vợ chồng thương binh nặng đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách cả về kinh tế, tinh thần, thể xác để nuôi con ăn học. Cả 4 con của anh chị đều tốt nghiệp đại học và hiện nay có cuộc sống, gia đình ổn định: Anh đầu là sỹ quan quân đội, mang quân hàm Thiếu tá, đã chuyển ngành đang công tác tại trung tâm sát hạch thuộc Sở Giao thông Hà Nội. Anh thứ hai sỹ quan quân đội, quân hàm Thiếu tá, đang công tác tại Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh thứ ba  đang là cán bộ công chức tư pháp của xã Yên Thịnh. Anh thứ tư tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay đang công tác ở ngành dệt may. Gia đình chị được Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy công nhận “ Gia đình hiếu học” tiêu biểu vượt khó thành đạt.

      Nhớ lại năm 1991 khi cùng đoàn cán bộ huyện về trao nhà tình nghĩa cho anh chị, giữa lúc tình hình kinh tế, chính trị gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chị xúc động, nghẹn ngào trong nước mắt: cảm ơn Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đã làm nhà cho vợ chồng chị, nếu không có chính sách “ đền ơn đáp nghĩa” và nghĩa tình đồng đội, gia đình chị sẽ không có căn nhà như hôm nay.

       Từ đó đến nay đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới và giành nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Quê hương chị từ địa phương nghèo khó, nay đã và đang đi lên xây dựng nông thôn mới. Đường làng, thôn, xóm bê tông, rải nhựa, nhà tầng, trường học khang trang. Trong những ngày tháng 5 đầy ắp sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, tôi cùng Hội truyền thống Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh và Hội Khuyến học về thăm tặng quà gia đình nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ. Trong căn nhà xây kiên cố khang trang, ấm cúng chị cho biết: Ngôi nhà này làm từ năm 2009, do các cháu chung tay góp sức, cùng sự dành dụm, tiết kiệm của hai vợ chồng. Tôi cắt ngang lời chị: Đây chính là công lao của anh chị đã vượt khó nuôi dạy các con học hành thành đạt, có việc làm, thu nhập ổn đinh nên mới có thành quả hôm nay. Chị nắm chặt tay tôi cười và nói tiếp: Do “ căn nhà tình nghĩa” cấp 4 huyện làm năm 1991 đã xuống cấp, hơn nữa hàng năm các cháu ở xa về thăm bố mẹ nhà cửa chặt chội, nên đã báo cáo xin phép huyện, xã được phá dỡ căn nhà cũ để xây dựng mới. Hôm khánh thành, huyện đã về tặng quà và hỗ trợ 10 triệu đồng.

       Nhìn cơ ngơi khang trang, nội thất trang trí, bếp núc gọn gàng, sạch đẹp, cùng với vườn cây, ao cá tôi thầm cảm phục nghị lực và những việc làm “ kỳ diệu” của đôi vợ chồng thương binh nặng  đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ  thương binh “ tàn nhưng không phế” và chính đây cũng là hình ảnh đẹp của người cựu chiến binh, chiến sỹ Trường Sơn năm xưa thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức,  phong cách của Bác Hồ. Tôi trao đổi nhanh với chị về chủ trương xây dựng “ Gia đình học tập” thay thế chủ trương” Gia đình hiếu học” trước đây và mong anh chị tiếp tục là chỗ dựa vững chắc để con cháu noi theo học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.  

      Trước khi ra về, chị không quên tặng chúng tôi mấy câu thơ trong bài thơ “ Đường vào” của Tố Hữu: “ Đường vào khu Bốn, vào Thanh/ Không đi thì nhớ, không đành phải đi” và như chị nói, chính câu thơ đó đã đưa chị đến với người chồng yêu quý, tràn đầy nghị lực. Chia tay ra về, tôi vẫn không quên hình ảnh chị cao gầy, tóc bạc bước đi tập tễnh trên chiếc chân gỗ, đôi mắt đã mờ bên người chồng cụt hai chân đều ở độ tuổi bảy, tám mươi./.

                                                                                     

                                                           Bài và ảnh: Lê Trung Khiên

 

 

 

Ông Lê Trung Khiên CT Hội khuyến học, CT danh dự Hội TTTS huyện Yên Định (người ngồi ngoài cùng bên trái) cùng đoàn công tác và vợ chồng chị Vân, anh Phẩm.

 

 

 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Khánh Vân và anh Lê Đình Phẩm.

 

 

 

Đoàn công tác chụp ảnh với vợ chồng chị Vân và anh Phẩm trước sảnh nhà (ảnh trên và dưới)

 

 

 

 

 

                                            

tin tức liên quan