Doanh nhân nữ cựu chiến binh Trường Sơn nặng tình quê mẹ

Ngày đăng: 08:50 16/09/2018 Lượt xem: 795

DOANH NHÂN NỮ CỰU CHIẾN BINH  TRƯỜNG SƠN NẶNG TÌNH QUÊ MẸ
        

 

           Đồng hành với chúng tôi về thăm doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu thương mại có chủ tịch hội nữ Trường Sơn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chuẩn úy Nguyễn Thị Thập. Được cung cấp thông tin trước qua các đồng chí cùng đi trong đoàn nhưng tôi thực sự đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác. Chiều nay trời chớm thu áp thấp nhiệt đới rủ nhau đi vào phía đất liền nên biến Quỳnh Phương ồn ào động dông, bầu trời mưa ngâu dăng màu kín biển.

          Nhưng khi đoàn đến nơi đã thấy chị đội mưa chờ đón chúng tôi ngoài ngõ, bước vào cổng đập vào mắt là một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng được bố trí hài hòa, đẹp mắt những cụm tiểu cảnh hợp lý. Hoa phong lan được treo ngay ngắn trên hai chiếc dàn sắt rộng cỡ bằng hai cái sân, khắp các lối đi trong khuôn viên cây cảnh đang xanh tươi trổ hoa khiến ai cũng bất ngờ ngắm nghía. Đồng chí Trưởng đoàn - Chủ tịch hội truyền thống Trường Sơn Nghệ An chia sẻ: “Mình cũng chơi phong lan nhưng mùa hè quê ta nắng, gió Lào hả họng, ngày tưới hai lượt giữ cho cây sống được là đã tốt rồi, thế mà ở đây có hàng ngàn dàn mà dàn nào cũng xanh tốt, nhiều dỏ đã trổ hoa, giỏi thật, chắc có bí quyết”…

          Tranh thủ đi thăm khuôn viên tâm linh khu đất sát biển rộng ước chừng 2ha được lập ra nhiều điểm nghỉ dưỡng vui chơi hài hòa, sơn thủy hữu tình. Đặc biệt phía cổng chính sau bức bình phong là nhà thờ Vua Hùng với bức tượng được chạm khắc bằng đá thạch bích đen bóng loáng trông uy nghiêm.

          Tôi hỏi chị Mai, chị cho biết: Bức tượng Tổ Tiên người Việt mình em lập từ phong tục người Việt mình tổ chức dỗ Vua Hùng hàng năm. Em nghĩ người ta có tổ có tông, em phiêu dạt mãi rồi đi khắp nơi làm đủ nghề rồi, giờ có của ăn của để phải về quê để trả nợ quê thôi anh ơi! Báo hiếu nơi mình sinh ra, nơi mẹ cha nuôi mình khôn nậy.

Phía sau nhà thờ Vua Hùng là bàn thờ Thành Hoàng, bàn thờ gia tiên và nơi vọng thờ các anh hùng liệt sỹ. Chệch sang phía trái là phòng khách thoáng đãng có sân cỏ ghép gạch Block cho xe vào tận sảnh, hàng trăm cây cảnh, cây ăn quả các loại đã cho thu hoạch. Những người làm vườn chăm chỉ lượm trái cây rụng đã nhiều.

          Chuyện trò với chị trong căn phòng khách ấm cúng tôi lại bất ngờ lẽ thường mình là người phỏng vấn nhân vật chính, nhưng khi tôi vào đề lại “bị” chị phỏng vấn ngược. Thụ động ngạc nhiên trước duyên thầm của chị tôi đành ngồi ghi chép chuyện chị cung cấp, ấy thế mà cuộc đối thoại thành công ngoài dự kiến, thời gian làm việc hơn tiếng đồng hồ đã kín 5 trang A4 bằng những gạch đầu dòng với tư liệu sống động.

          Chị Nguyễn Thị Mai sinh 1957, học lực 7/10, quê quán Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhập ngũ 02/1973, đơn vị: F341 binh đoàn 11, Tổng cục xây dựng kinh tế đường sắt Bắc Nam. Rời quân ngũ chị không chuyển ngành xin việc mà về quê làm ăn. Vì xa quê đau đáu nhớ nhà, nhớ mẹ, gia cảnh cực kỳ khó khăn nhất là thời kỳ bao cấp và hậu bao cấp nên bố mẹ chị cùng các con xiêu cơ bạt quán ra tít tận làng về làng Thạc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa mưu sinh. Chưa ổn định nơi ăn chốn ở bố chị đột ngột qua đời, mẹ con bơ vơ không anh em chú bác, mất chỗ dựa lại dắt díu nhau về quê hương Quỳnh Phương khi chị tròn 8 tuổi.
          Là chị cả, ả đầu lại côi cút mất cha, chị nghĩ và tự đi tìm việc làm, chị ở độ làm công cho nhiều nhà trong xã, ai gọi gì làm nấy miễn có tiền đưa về cho mẹ. Lớn lên vài tuổi Mai tự bạch: - Mình phải là trụ cột gia đình thay cha để hương hồn ông thanh thản nơi chín suối. Nên chị mạnh mẽ nói là làm và làm từ suy nghĩ của chính mình đã làm là phải được nên mọi người thường đùa trêu gọi chị là “anh Mai”. Bởi thấy chị rất “cứng” trong cả việc làm và suy nghĩ.

          Nhà mẹ con ở bị gió biển quét suốt mùa, gió lào ràn rạt suốt hè đã dúm dó, chị tự mình ra bãi biển đãi sò, xúc cát về, trữ những đồng bạc thấm đẫm mồ hôi. Chị mua vôi bột (tại thời ấy ít có xi măng) chị đúc sò để xây nhà cho mẹ và các em ở. Tính chị hay thương người, mủi lòng trước những hoàn cảnh giống mình và phận đời, phận người trớ trêu. Thấy trái ngang là ra tay cứu giúp, chị nghĩ: “Nghèo không phải là tội lỗi”.

          Chị có cô bạn học ở trường trung cấp tài chính Hải Dương, khi tình yêu đã chín nhưng nghĩ nhà mình nghèo quá chẳng có cái giường mà nằm, nghĩ xấu hổ nên chị Xuân - bạn chị phải dứt tình với người mình yêu. Mai vừa kể vừa che đôi mắt lưng tròng khiến đoàn chúng tôi ngồi nghe ai nấy đều xúc động.

          Câu chuyện tình éo le đó cứ theo Mai, theo cái tuổi 17 vào quân ngũ. Bản tính cương trực, siêng năng Mai cứ thích khác người, nổi trội trước đám đông nhưng vì khiếm khuyết về nhan sắc nên nhiều khi mặc cảm, tự ti, hạn chế bản chất của chị. Chị kể câu chuyện vui để làm nhẹ buổi giao lưu, phỏng vấn:
          - Ngày mới nhập ngũ trong bộ quân phục mới tinh, bím tóc kết quả đào hai bên, chị trèo cành bứt dâu da rừng vô tình soi mình xuống dòng suối tĩnh lặng đầy ánh nắng chiều. Thấy mình miệng tuy méo (chị bị bệnh từ 7 tuổi) nhưng đẹp quá nếu soi nghiêng…Tự nhiên hứng lên, thấy tự tin yêu đời chị ngồi trên cây vô tư hát vang. Đồng đội tưởng chị bị echtari bèn lôi xuống chở chị đi viện. Câu chuyện làm chúng tôi cười chảy cả nước mắt, làm không khí thêm vui.

Ra quân chị về quê được sắp xếp làm kế toán cho HTX rồi lấy chồng khi 22 tuổi, vợ chồng có với nhau 4 mặt con.

          Nghỉ việc ở HTX chị trở lại nghề chạy chợ buôn cá biển ngày xưa của mình. Nhưng chị làm ăn lớn hơn, chị xuôi Nam ngược Bắc vào Phan Thiết, ra miền tây Thanh Hóa bỏ sỉ hàng cho các đầu mối kinh doanh hải sản. Cứ mỗi chuyến hàng như vậy chị chia sẻ: “Em xác định chuyến buôn nào cũng phải tích lũy ít vốn. Lời nhiều, véo một chỉ lời ít vài ba phân bỏ ống gửi mẹ cất giữ. Làm ăn khấm khá ngày quyết định mua nhà ở thành phố Phan Thiết để tiện việc kinh doanh, 2 mẹ con mở cái bao ruột tương tiết kiệm dốc ra đếm được 26 cây vàng.

          Nhưng vào vùng đất mới không dễ, chưa quen thổ nhưỡng, bạn hàng lèo lá phải đối phó với nhiều phong ba, bão táp cuộc đời chị lại quyết định hồi hương.
Mười một năm xa quê chạy chợ, bán buôn xuyên biên giới chị trải đời như một tay anh chị gồng mình chống chọi với gai góc thương trường để tồn tại. Năm 2000 đến năm 2003 chị chuyển dần cơ ngơi về quê sinh sống.

          Trong công cuộc làm ăn chị đi nhiều, tiếp xúc nhiều mô hình kinh doanh thấy ở vựa cá Phan Thiết, Nha Trang có nghề hấp cá, muối cá rất hay mà quê mình không có, cho thu nhập cao.

          Chị dựng lò lập lán, mua thiết bị hành nghề. Nguồn hải sản ở Quỳnh Lưu Nghệ An ăn rất ngọt, giàu hương vị đằm thắm nên sản phẩm làm ra bán chạy. Góp gió thành bão đến nay cơ ngơi của nữ giám đốc công ty TNHH Phương Mai chuyên kinh doanh sản xuất gia công các mặt hàng thủy sản ở khối Tân Đông, Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Đã là một cơ ngơi có tổng số vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng với một nhà máy ở Nghệ An, một ở sông Đốc, Cà Mau và đang dự kiến đặt ở một cơ sở nữa ở Quảng Bình.

          Mở văn phòng đại diện phân phối sản phẩm tại thủ đô Viên Chăn nước CHDCND Lào và các điểm khác mà thị trường mời gọi.

          Hiện tại lao động làm thường xuyên và thời vụ tại doanh nghiệp có trên 250 công nhân, lương bình quân 5-10 triệu đồng/tháng.

          Doanh nghiệp Phương Mai (tên xã chị và tên chị ghép lại) đã khẳng định thương hiệu của mình bằng tài nguyên thiên nhiên sẵn có của quê hương, bằng tài nghệ của người giám đốc tâm huyết với quê cha đất tổ, bằng mồ hôi nước mắt mặn chát gió Lào của con người Xứ Nghệ.

          Bằng những ghi nhận của Đảng, Nhà nước bởi tấm bằng khen của Thủ tướng chính phủ, của UBND tỉnh Nghệ An tặng nhiều lần, của trung ương hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và bằng khen của BCH TW hội Nông dân Việt Nam, cùng huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai trao tặng. Cùng hàng loạt giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hải sản của doanh nghiệp đã khẳng định điều đó.

          Thực lòng ấn tượng với tác phong làm việc của nữ giám đốc Nguyễn Thị Mai mà khi tiếp xúc công việc với chị cũng nhận thấy cái quyết đoán, cái bản lĩnh, cái cương nghị rất cựu chiến binh.

          Chia tay đồng đội Trường Sơn, chia tay cơn mưa chiều. Hoàng Mai hẹn ngày tái ngộ mà chân không muốn bước, có cái gì đó níu giữ, lưu luyến lạ.

          Người lính Trường Sơn ngày ấy - bây giờ, một kỷ niệm đẹp trong đời viết báo của tôi./.
 
Họ tên: Nguyễn Viết Lợi
Bút danh:  Hà Sơn Tuyền
Hội VHNT thành phố Vinh, Nghệ An
ĐC: Số 99, ngõ 6A, Đ. Nguyễn Cảnh Chân
P. Quang Trung, TP. Vinh, Nghệ An
ĐT:  01668 851502
 
tin tức liên quan