Người "tặng nhà tình nghĩa" bằng sách!

Ngày đăng: 11:13 26/10/2018 Lượt xem: 3.678
  NGƯỜI “TẶNG NHÀ TÌNH NGHĨA” BẰNG SÁCH?
 
      Vào trường Sơn từ năm 1968, Nguyễn Thị Kim Quy là quân y sỹ bệnh xá Binh trạm 36, Sư đoàn 471 Trường Sơn. Chị bị thương ở chân trong một lần Bệnh xá Binh trạm 36 bị đánh phá. Chị phải chuyển ra Bắc điều trị. Sau đó chị được chuyển công tác sang ngành công an. Năm 2003, chị nghỉ hưu từ Công an Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, với quân hàm Trung tá.
      Năm 1995, Ban Liên lạc Sư đoàn 471 được thành lập, chị là Ủy viên Thường trực. Tháng 12 năm 2016, Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471, chị là Ủy viên Ban Thường vụ. Chị còn tham gia Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn trên cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ.
      Tháng 3 Năm 2012, Trang thông tin điện tử Trường Sơn được khai trương, chị là một trong những bạn đọc đầu tiên và rất tích cực. Không chỉ chăm chỉ đọc báo điện tử của Hội, chị Nguyễn Thị Kim Quy còn tích cực cộng tác với Trang thông tin và Bản tin Trường Sơn của Hội. Đồng chí Phạm Thành Long đã tận tình động viên khích lệ chị viết bài. Anh hướng dẫn và khuyến khích chị viết về những chuyện vui, buồn, những chuyện không quên ở chiến trường… Chị mạnh dạn viết và đã có bài viết đầu tiên được công bố trên Trang báo điện tử Trường Sơn. Chị viết những ký ức về những ngày công tác ở Đội điều trị Binh trạm 36; viết về cuộc hành quân vượt Trường Sơn gian khổ năm 1968; viết về những đồng đội – đồng nghiệp của chị ở quân y Binh trạm 36 ngày ấy và bây giờ; viết về lớp Y16 Phú Thọ ngày nào của chị; viết về những chuyến tri ân đồng đội; viết về lớp chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đầu tiên năm 1957 của chồng chị “ngày ấy – bây giờ” vân vân và vân vân… Được khích lệ, động viên, được “chỉ vẽ” tận tình chuyện viết lách, chất lượng những bài viết của chị ngày được nâng lên. “Bé Ngọc Việt” của chị là một truyện ký hay và cảm động. “Bé Ngọc Việt” đã được Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn chọn đăng trong cuốn sách văn học chọn lọc “Trường Sơn thuở ấy – bây giờ”.
      Nguyễn Thị Kim Quy đã trở thành cộng tác viên nhiệt tình và có trách nhiệm của Trang báo điện tử và Bản tin Trường Sơn của Hội. Hàng ngày, sau ăn sáng, đã thành một thói quen và nhu cầu không thể thiếu đối với chị là mở mạng để đọc báo điện tử của Hội. Ngày nào chị cũng mở đọc 4-5 lần để được  hết những cập nhật của Ban Biên tập tin tức, hoạt động của Hội. Chị đọc kỹ và tỷ mỉ. Nhiều lần chị điện cho đồng chí Thành Long, Tổng Biên tập khi phát hiện được những lỗi, những sai sót kỹ thuật trong một số bài viết, hoặc một bài viết được đưa hai lần... Mới đây nhất, chị đã phát hiện trong bài “Lê Văn Tám có thật hay không?” thiếu một từ trong từ “thủ tục”. Đồng chí Thành Long đã có lần nói vui: “Cám ơn bà Quy – người gác cửa nhiệt tình và tinh mắt cho Tổng Biên tập Trang báo điện tử Trường Sơn của Hội!”.
      Tổng Biên tập Phạm Thành Long đã quyết định đề nghị Chủ tịch Võ Sở ký cấp Thẻ Cộng viên Trang báo điện tử và Bản tin Trường Sơn cho Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy.
       Nhưng điều người viết muốn kể về chị “Rùa Vàng”, hay “Quy Voi” – hai cái tên mà đồng đội vẫn gọi vui về chị Nguyễn Thị Kim Quy khi ở Trường Sơn không phải là chuyện viết lách, chuyện chị được công nhận là Cộng tác viên của Trường Sơn. Mà chính là câu chuyện chị âm thầm tuyên truyền, quảng bá về Trường Sơn, về Hội trong thời gian qua. Thu nhập chính của hai vợ chồng chị - hai cựu chiến binh không nhiều. Nhưng thời gian qua, chị đã dùng tiền lương của mình mua tặng đồng đội hơn 3.000 bản tin Trường Sơn; mua hơn 400 cuốn sách “Nữ chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy – bây giờ” (Tập I và Tập II); mua hơn 200 cuốn “Lịch sử Sư đoàn 471 Anh hùng” và cuốn “Danh sách hội viên Sư đoàn 471 Anh hùng”; mua hơn 200 cuốn “Trường Sơn thuở ấy – bây giờ”; mua hơn 200 băng hình về Nữ chiến sĩ Trường Sơn… Bản tin và những cuốn sách ấy, chị tặng đồng đội, người thân, tặng cho Lãnh đạo và tủ sách của Công an Hà Nội, Ban Nghiên cứu và lưu trữ Công an Hà Nội, Công an Quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, tặng cho Đoàn Thanh niên và Phụ nữ Công an quận Hoàn Kiếm, Đoàn phường Hàng Buồm nơi chị sinh sống… Chị còn gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa, tặng bộ đội Biên phòng ở Lũng Cú, ở quần đảo Phú Quốc.vv… Hội diễn của Quận Hoàn Kiếm, Đoàn phường 
Hàng Buồm nơi chị sống đã xây dựng hình ảnh của chị được viết trong cuốn “Nữ chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy – bây giờ” chuyển thể thành một hoạt cảnh tham gia hội diễn và đoạt giải A. Không chỉ tuyên truyền trong hệ thống của Hội Trường Sơn, tại những cuộc họp mặt, những Lễ kỷ niệm mà chị được mời, chị đều tranh thủ tuyên truyền hình ảnh về Trường Sơn về Hội thông qua việc tặng các Bản tin, các cuốn sách của Hội. Mới đây nhất, ngày 16/10/2018, chị được mời về quê hương thứ hai của mình ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái dự Lễ đón nhận Di tích lịch sử, chị cũng tranh thủ tặng Bản tin Trường Sơn số 19 và 2 cuốn sách của Hội cho lãnh đạo và ngành văn hóa của địa phương. Đấy là chưa kể, chị còn tặng hàng trăm cuốn Lịch Trường Sơn.
      Tính ra, số tiền mà chị Nguyễn Thị Kim Quy mua Bản tin, mua sách của Hội tặng cho đồng đội và các đối tượng xã hội sấp sỉ 70 triệu đồng. Số tiền này gần tương đương với giá trị một ngôi nhà tình nghĩa.  
      Bởi thế, tôi đã nói vui rằng: Chị Nguyễn Thị Kim Quy – người đã “tặng nhà tình nghĩa Trường Sơn” bằng sách! “Ngôi nhà tình nghĩa bằng sách” của chị Nguyễn Thị Kim Quy khá đặc biệt vì nó có sức lan tỏa ít ai ngờ.
 
Phạm Khoa Lương
(Ảnh tư liệu do đồng chí Kim Quy cung cấp)




Tặng sách Thiếu tướng - Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung - nay là Chủ tịch UBND Hà Nội.



Tặng sách đồng đội Hà Ngọc Kiều, Đội trưởng Đội phẫu thuật Binh trạm 36, Sư đoàn 471.



Tặng sách đồng đội Nữ Trường Sơn Bắc Ninh.



Tặng sách Đại tá Trương Nghị, Chủ tịch CCB quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.



Tặng sách lãnh đạo Công an Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - đồng chí Thượng tá Nghiêm Minh Sơn, Phó quận trưởng.



Và tặng sách cho Đoàn Thanh niên và Phụ nữ Công an Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.



Tặng sách cho thầy giáo cũ ( thầy Hà Đạm) Trường Y sĩ Phú Thọ



Tặng sách đồng đội - Quân y sỹ Bắc Sơn - Binh trạm 38 Sư đoàn 471 hiện ở Hội TS Lào Cai




Thăm và tặng sách vợ chồng đồng đội Đặng Xuân Được, nguyên Đài trưởng thông tin 15W Sư đoàn 471 hiện ở Tổ 14B thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái, .





 
tin tức liên quan