NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU NGỌN SÓNG
(Viết về anh Nguyễn Văn Tam, Phó Chủ tịch Hội TTTS tỉnh Nghệ An,
Kiêm Chủ tịch Hội TTTS huyện Hưng Nguyên )
Trước đây tôi chưa từng được biết nhiều về anh, chỉ sau lần Đại hội Hội TTTS- Đường Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An khóa II, nhiệm kỳ (2017-2022) thấy anh ngồi trên hàng ghế Chủ tịch đoàn, mặc bộ quân phục cấp tá, trên ngực lấp lánh huân huy chương, điều hành cuộc Đại hội cấp tỉnh có đông người tham dự rất bài bản, khoa học và nghiêm túc, gây được nhiều ấn tượng với mọi người. Sau này có điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu mới biết anh là Nguyễn Văn Tam.
Nếu viết chức danh cho thật rõ ràng, đầy đủ mà anh đã và đang tham gia sau ngày rời quân ngũ trở về phải mất gần nửa trang giấy. Chỉ riêng hoạt động cho Hội TTTS anh đang giữ trọng trách và kiêm nhiệm nhiều công việc: Phó chủ tịch thường trực hội TTTS tỉnh Nghệ An, kiêm chủ tịch hội TTTS huyện Hưng Nguyên; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hưng Nguyên, theo dõi và chỉ đạo Hội TTTS - Đường Hồ Chí Minh huyện Nam Đàn.
Anh sinh ra ở làng Yên Phú, xã Long Cù, tổng Phù Long (Nay là xóm 9A, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), một vùng quê có truyền thống cách mạng. Nơi đây đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng 9 năm 1930 đã nổi tiếng trống đầu tiên kêu gọi giai cấp công nông xuống đường, làm nên cuộc đấu tranh rung trời chuyển đất trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Sự kiện đó được mãi mãi ghi vào trang đầu của lịch sử cách mạng Đảng ta. Đây còn là quê hương của bao nhà yêu nước và cách mạng mạng như Nguyễn Trường Tộ, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái. Vùng quê anh bên bờ tả ngạn Sông Lam, có những bãi mía, nương ngô xanh mượt chạy dài tít tắp dưới triền đê, với những bến đò dọc đò ngang nối các miền quê đêm ngày ngân vang câu dân ca và điều hò ví dăm. Tuy vậy vùng quê thuần nông ấy, người dân cũng đã từng lam lũ, vất vả một nắng hai sương chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để gieo trồng những củ khoai, củ sắn và gánh chịu hy sinh mất mát trong bom đạn của những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Có lẽ được lớn lên trên mảnh đất tươi đẹp, giàu truyền thống, nhưng cũng đầy bão giông ấy, nên anh Nguyễn Văn Tam dẫu đã đi qua những năm tháng của chiến tranh, trải nghiệm trong bom đạn, đã bước sang tuổi 70 xưa nay hiếm, nhưng nhìn anh vẫn phong độ, khỏe mạnh, kiệm lời của người sỹ quan quân đội; nghiêm cẩn, chỉnh chu của người lính; ấp áp, chân chất tình đồng đội.
Năm 1968, anh Nguyễn Văn Tam làm phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Hưng Long, Hưng Nguyên. Năm đó, tại bến đò Sông Lam thuộc xóm 12 ở quê hương anh, cả dân làng đang tấp nập dùng thuyền đưa bộ đội hành quân vượt qua sông Lam vào Nam chiến đấu, máy bay Mỹ ập đến ném bom làm bị thương và giết hại hơn 50 người. Anh đã cùng với các đoàn viên và nhân dân lăn xả xuống bến đò để cứu và đưa tiếp bộ đôị qua sông trước sự gầm rú của máy bay và bom đạn quân thù. Sau sự kiện đó anh được dân làng và tập thể tôn vinh ca ngợi là một trong những người thanh niên mẫu mực, dũng cảm, một cán bộ Đoàn xuất sắc. Cấp trên còn đánh giá anh là người cán bộ Đoàn biết tổ chức, biết tập hợp sức mạnh tuổi trẻ, biết gây dựng phong trào, là thủ lĩnh của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Tuy vậy trong những năm tháng đó quê hương anh lại liên tục nhận được giấy báo tử từ chiến trường gửi về thông báo sự hy sinh của bao người thân, làm anh day dứt. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng căm thù giặc sâu sắc, anh đã viết đơn tình nguyện xin lên đường nhập ngũ chiến đấu. Thấy anh năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm, là cán bộ nguồn của địa phương, các đồng chí lãnh đạo không đồng tình vì quê hương anh lúc đó nằm trong tuyến đường huyết mạch vào Nam, như một chiến trường, đang rất cần anh. Nhưng với 3 lần viết quyết tâm thư, các đồng chí đành chấp nhận cho anh được nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc.
Ngày 21 tháng 4 năm 1968 anh khoác ba lô và mặc bộ quần áo lính lên đường nhập ngũ, huấn luyện cấp tốc mấy tháng, rồi bắt đầu hành quân vào chiến trường Miền Nam. Hơn một tháng hành quân đi bộ vào tới Mặt trận B5, anh được biên chế về Cục hậu cần Đoàn 559 thuộc bộ đội Trường Sơn, làm nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa vận chuyển lương thực, thực phẩm cung cấp cho mặt trận. Trong một chuyến vận chuyển gạo, đạn, thuốc men cho đơn vị bạn nằm sâu trong lòng địch, anh và đồng đội bị phục kích. Sau ba tiếng đồng hồ chiến đấu quyết liệt, anh bị thương được đồng đội đưa ra tuyến sau rồi chuyển về Bệnh viện 43-41 Quảng Bình điều trị. Vết thương chưa lành hẳn nhưng chiến dịch Nam Lào mở ra, anh được trở về đơn vị cũ Cục hậu cần Đoàn 559 đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị để phục vụ chiến đấu.
Đang vào mùa chiến dịch quyết liệt, kẻ thù tìm mọi cách để ngăn chặn sự tiếp tế của ta vào chiến trường, mặt trận phía Nam rất cần súng đạn và lương thực. Với trí thông minh, nhanh nhẹn, lòng dũng cảm, tài tổ chức và kinh nghiệm của người chiến sỹ hậu cần, anh cùng đơn vị vẫn cung cấp đủ thực phẩm, vũ khí cho các trận đánh. Năm 1970 anh Nguyễn Văn Tam vinh dự được kết nạp lớp Đảng viên Hồ Chí Minh đầu tiên ngay tại mặt trận và cấp trên quyết định phong quân hàm thượng sỹ- chức vụ trung đội phó cho anh. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được giao nhiệm vụ cao hơn, anh càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề, vinh quang hơn và quyết tâm phấn đấu để cống hiến nhiều hơn.
Thấy được năng lực điều hành và chỉ huy của anh, năm 1971 anh được đơn vị cử ra Bắc, đi đào tạo tại Học viện Lục quân 1 tại Sơn Tây. Gần đến ngày kết thúc khóa hoc, chiến trường Miền Nam bước vào thời điểm cam go, quyết liệt. Để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định điều động tất cả các trường sỹ quan của toàn quân vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 7 năm 1972 hành quân vào tới Quảng Trị, anh vinh dự được bổ sung cho Trung đoàn 27 rồi chuyển sang trung đoàn 48, thuộc sư đoàn 320B, trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu trong “81 ngày đêm” bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Chiến dịch vừa kết thúc, hiệp định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ và quân chư hầu phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, Học viên Lục quân 1 có lệnh hành quân ra Quảng Bình đón đồng chí Đại tướng - Tổng tư lệnh Quân Đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp và đồng chí Chủ tịch nước Cu Ba, PiĐenCatơrô vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị, sau đó lại phải cấp tốc chuyển ra sân bay Hòa Lạc tập luyện, chuẩn bị cho cuộc duyệt binh mừng chiến thắng ký hiệp định Pari. Hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, các anh và đồng đội được trở về Trường sỹ quan Lục quân 1 tiếp tục học tập thi tốt nghiệp, hoàn thành khóa học 33 (năm 1971-1974) trước đây đang dang dở. Khóa học ấy anh là học viên xuất sắc, được phong quân hàm Trung úy ngay tại trường.
Năm 1974 anh Nguyễn Văn Tam về nhận công tác tại Bộ tham mưu Quân đoàn 1. Chân ướt, chân ráo chưa ấm chổ, quân đoàn anh lại nhận lệnh hành quân lên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thật vinh dự trong chiến dịch ấy, anh lại được ngồi trên đoàn xe cơ giới của đoàn ô tô vận tải sư 571- Bộ tư lệnh Trường Sơn năm xưa anh từng phụ trách, hành tiến thần tốc vào giải phóng Sài Gòn. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, đơn vị anh trở về thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Anh công tác tại Bộ tham mưu, giữ chức Trưởng ban điều lệnh của Quân đoàn 1 trong suốt 19 năm trời. Trong thời gian ở Quân đoàn 1, năm 1977 anh được cử đi học tại học viện trung cao cấp tại Hà Nội và đi tu nghiệp tại PhôZe, Liên Xô (Cũ). Trở về nước, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, anh cùng cả quân đoàn lại hành quân lên huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn rồi chuyển về mặt trận Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên để bảo vệ từng tấc đất biên cương cho Tổ Quốc. Trong cuộc đời quân ngũ anh có ba lần có mặt trong các cuộc diễu binh hùng tráng tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Đó là cuộc diễu binh năm 1973 mừng thắng lợi Hội nghị Pa Ri; Cuộc diễu binh 30- 4- 1975 mừng thống nhất đất nước. Đặc biệt cuộc diễu binh ngày 2-9- 1985 kỷ niệm 40 năm thành lập Nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, anh được Bộ Tư lệnh A85giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành chương trình diễu binh hùng tráng.
Với thời gian gần 25 năm trong quân ngũ, đã tham gia nhiều chiến trường khốc liệt, tháng 12 năm 1992, anh được Bộ tư lệnh quân đoàn cho nghỉ chế độ hưu với cấp hàm Trung tá. Trở lại quê hương rủ khói bụi của chiến trường, gác chiếc ba lô và bộ quân phục của người lính vào tủ, anh dư định sẻ giành một khoảng thời gian nghỉ ngơi sau cuộc đời binh nghiệp, có chăng chỉ lao động chút đỉnh để tạo điều kiện nuôi các con ăn học và đỡ đần người vợ bao năm tảo tần xa cách. Nhưng chưa được bao lâu, các đồng chí trong Hội CCB xã vận động anh tham gia hoạt động Hội. Chỉ một thời gian ngắn sau Đại hội, anh được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Hội CCB, rồi giữ chức Chủ tịch Hội 14 năm liên tục và đại biểu HĐND xã Hưng Long 7 năm liền. Ở bất cứ đâu, nhiệm vụ gì, với tinh thần trách nhiệm của người lính, quên hết yêu cầu được nghỉ ngơi, anh cùng tập thể trong Ban Thường vụ lăn xả xuống cơ sở đi xây dựng các điển hình CCB tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Hội CCB xã Hưng Long do anh làm chủ tịch luôn luôn là lá cơ đầu của huyện Hưng Nguyên và đơn vị xuất sắc của tỉnh Nghệ An.
Năm 2012 Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn huyện Hưng Nguyên ra đời, đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội CCB xã Hưng Long, nhưng anh được Hội CCB giới thiệu lên làm trưởng Ban liên lạc TTTS huyện Hưng Nguyên, anh không một lời từ chối. Những ngày đầu của Ban liên lạc, mô hình hoạt động chưa có, nhiều hội viên chưa muốn tham gia vì chưa hiểu rõ nhiệm vụ của tổ chức Truyền thống Trường Sơn, sợ đóng góp các khoản quỹ, sợ mất thời gian họp hành; Một số đồng chí lãnh đạo ở các cấp, các ngành, các địa phương cơ sở bước đầu cũng chưa nhiệt tình ủng hộ. Anh đã bỏ thời gian, bỏ công việc gia đình, với chiếc xe máy cũ kỹ đi xuống 23 xã, thị trấn trong huyện. Ở đâu có bộ đội, có thanh niên xung phong, có dân công hỏa tuyến đã từng chiến đấu và tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn anh đều đến vận động thu hút mọi người gia nhập, tất cả vì mục tiêu: "Làm tốt nghĩa tình người chiến sỹ Trường Sơn".
Năm 2014 sau khi có quyết định Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho phép thành lập Hội TTTS- Đường Hồ Chí Minh trên quê hương Bác, tại Đại hội Hội TTTS huyện Hưng Nguyên lần thứ nhất nhiệm kỳ (2014-2019), anh được Đại hội tín nhiệm bầu làm chủ tịch Hội cấp huyện.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh Hội và sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các phòng ban ngành có liên quan, anh cùng tập thể Ban chấp hành Hội TTTS huyện đã đoàn kết, đồng thuận, khắc phục mọi khó khăn xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ trong tâm “Giữ gìn và phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng, làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội".
Hội TTTS là một tổ chức xã hội tự nguyện, phải tự túc, trang trải các nguồn kinh phí, để đảm bảo hoạt động tri ân đồng đội, trước hết anh và các đồng chí trong Ban thường vụ Hội đi vận động từng cán bộ, hội viên Trường Sơn tình nguyện đóng góp, dù ít, dù nhiều đều là chân quỹ của nghĩa tình đồng đội. Ngoài những quy định cụ thể, anh vận động hội viên nào có điều kiện đóng góp thêm, trường hợp hội viên có hoàn cảnh khó khăn thì miễn giảm. Con số kinh phí hàng năm của Hội cứ tăng dần lên. Năm 2013 vận động hội viên được 96.300.000đồng. Năm 2015 vận động được 338.000.000đồng. Ngoài ra anh và các đồng chí trong ban chấp hành còn đi xuống một số tổ chức, các đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương, vào tận các nhà chùa Cần Linh, Phúc Thành, Đức Hậu đóng trên địa bàn, gặp gỡ các sư sải để đồng hành cùng Hội. Riêng năm 2016 Hội TTTS Hưng Nguyên đã vận động hội viên tự nguyện đóng góp: 321.000.000đ; UBND Huyện, UBND các xã hỗ trợ: 50.000.000đ; các đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng đội: 120.000.000đ. Khi đã xây dựng được nguồn kinh phí, cứ vào dịp ngày Thương binh Liệt sỹ 27 tháng 7; Tết Nguyên đán, anh và các đồng chí trong ban thường vụ lại xuống tận các xã trong huyện tìm hiểu hoàn cảnh hội viên gặp khó khăn, tặng quà và hộ trợ cho các đồng đội Thương bệnh binh nặng, chất độc da cam, mẹ Việt Nam anh hùng. Món quà của các anh đem đến dù rất nhỏ nhưng phải vượt đường xa đến tận tay từng người, nhận món quà ấm áp tình đồng đội Trường Sơn nhiều đồng đội rưng rưng nước mắt .
Trong 5 năm qua anh đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho Hội Hưng Nguyên 150 triệu đồng làm nhà, 120 triệu đồng sửa chữa nhà; đi chữa bệnh hiểm nghèo 3 trường hợp; Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng tỉnh Nghệ An tại Cửa Lò ưu tiên cho 185 lượt hội viên đi điều dưỡng từ 10-15 ngày; Tổ chức cho hơn 350 lượt cán bộ, hội viên và mời 52 thân nhân gia đình Liệt sỹ đi thăm chiến Trường xưa, viếng đồng đội tại nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, di tích Thành Cổ Quảng Trị, 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau những chuyến đi đã để lại ấn tượng tốt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc cho thân nhân gia đình Liệt sỹ và hội viên Trường Sơn. Vào những ngày truyền thống và lễ lớn của đất nước anh và đồng đội còn tổ chức các cuộc găp mắt, đi tắm biển Cửa lò, du thuyền theo dòng sông Lam để ôn lại kỷ niệm sâu sắc của những tháng năm chiến đấu gian khổ trên tuyến đường Trường Sơn đạn lửa. Mỗi lần như vậy, dẫu mái đầu đã bạc, các đồng đội ôm lấy nhau, màu áo xanh của người linh cứ quyện lại bên nhau cất vang những bài ca đi cùng năm tháng.
Từ 575 hội viên của ngày đầu thành lập, hiện nay Hội TTTS Hưng Nguyên đã có 975 hội viên. Buổi đầu chỉ có 14 Ban liên lạc trên 23 xã thị trấn, nay đã thành lập được 12 hội và 11 ban liên lạc cấp xã. Hoạt động của các Hội và Ban liên lạc cơ sở rât nền nếp, chất lượng tốt. Tất cả các hội viên đều có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và mọi quy định của địa phương. Đặc biệt các hội viên đều tích cực tham gia các phong trào: "Học tập và rèn luyện theo tư tưởng đạo đức của Bác”; Phong trào thi đua yêu nước; Cựu chiến binh gương mẫu, chiến sỹ Trường Sơn làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo". Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên đã đóng góp hàng tỷ đồng, hiến hàng vạn mét vuông đất. 95% hội viên đều đạt gia đình văn hóa và thể thao. Hiện nay Hội TTTS Hưng Nguyên có 475 hội viên đương nhiệm và giữ các cương vị công tác tại các địa phương cấp xóm, xã, huyện. Trong 5 năm qua Hội đã được TW Hội Trường Sơn Việt Nam tặng 3 Bằng khen, UBND Tỉnh tặng 2 Bằng khen. Bản thân chủ tịch Hội Nguyễn Văn Tam đã được Trung ương Hội tặng 2 Bằng khen, UBND tỉnh Nghệ An tặng 2 Bằng khen, Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Hoạt động của Hội TTTS huyện Hưng Nguyên khá toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực, khẳng định được vai trò, vị thế của Hội. Đạt được những thành tích xuất sắc như vậy, đó là nhờ quyết tâm cao của tập thể Ban chấp hành Hội, đặc biệt là sự nhiệt tình tâm huyết của người đứng đầu; Nguồn lực vận động được đều sử dụng đúng mục đích công tâm, minh bạch, phù hợp với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo được sự đồng thuận của các Hội viên trong Hội. Bên cạnh đó là sự chia sẻ của các cơ quan, tổ chức, các nhà chùa, nhà hảo tâm, đặc biệt được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ huyện đánh giá cao, tạo mọi điều kiện giúp đỡ hộ trợ cả về kinh phí và văn phòng làm việc. Chỉ riêng về kinh phí để hoạt động chi thường xuyên hàng năm của Hội, UBND huyện đã hộ trợ 15 đến 20 triệu đồng; kinh phí Đại hội và các cuộc gặp măt truyền thống, sơ kết, tổng kết hàng năm trên 50 triệu đồng.
Tôi gặp và hỏi anh, hoạt động của Hội TTTS Hưng Nguyên khó khăn, vất vả như vậy nhưng với cách nào và kinh nghiệm gì để có những thành tích đó? Anh mỉm cười và khiêm tốn: "Điều trước hết là phải khảng định được vị thế và trách nhiệm của Hội Trường Sơn; Làm tốt tuyên truyền để các tổ chức cá nhân hiểu được Hội TT Trường Sơn với mục tiêu là để tri ân và giúp đỡ đồng đội. Phải thật sự tâm huyết, nhiệt tình của toàn Ban chấp hành, đặc biệt người đứng đầu; Phải xây dựng mối quan hệ gắn bó với Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức, các đơn vị, các doanh nghiệp, cá nhân từ thiện".
Với cách làm đó, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và phát triển, Ban thường vụ Hội TTTS huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong đó có vai trò của anh Nguyễn Văn Tam, đã từng bước phát triển và trưởng thành. Trên đà phấn khởi, tự hào và tin tưởng, hiện nay Ban thường vụ Hội đang quyết tâm phát huy truyền thống "Trường Sơn anh hùng" đi đầu gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ để xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân.
Một yếu tố rất lớn để anh Nguyễn Văn Tam làm được như vậy, đó là nhờ phía sau anh có bóng hình của người phụ nữ Nguyễn Thị Lan, người đã từng tham gia trong Hội đồng nhân dân xã, Ban chấp hành phụ nữ xã, cán bộ quản lý nhà trẻ xã Hưng Long. Chị là người con rất mực hiếu thảo, hàng ngày đã tận tụy chăm sóc mẹ già. Là một người vợ hiền dịu, thủy chung biết chờ đợi, biết yêu thương; đồng hành, lo lắng với công việc của chồng. Bên cạnh đó các con của anh chị đều ngoan ngoãn, trưởng thành: Cháu Nguyễn Hồng Sơn 30 năm tuổi quân là sỹ quan cấp tá đang bước theo con đường binh nghiệp của anh; Cháu Nguyễn Thị Thủy làm kế toán quỹ tín dụng ở 3 xã: Lĩnh, Long, Xá của huyện Hưng Nguyên; Cháu Nguyễn Trung Kiên là kiến trúc sư thuộc tập đoàn Sông Đà, hiện cháu đang có mặt trên các công trường xây dựng lớn của đất nước.
Những ngày sau này được làm việc và tiếp xúc với anh, tôi mới hiểu được vì sao trong Đại hội nhiệm kỳ vừa rồi anh điều hành tốt như vậy và khi bầu anh vào ban chấp hành của Hội TTTS cấp tỉnh đã có 300 cánh tay của 300 đại biểu, đại diện cho 2,6 vạn hội viên Trường Sơn đồng loạt, nhất trí giơ lên bầu anh Nguyễn Văn Tam vào Ban chấp hành của Hội TTTS tỉnh Nghệ An. Phải chăng ở anh toát lên tinh thần một người lính Trường Sơn, một sức hút về tình cảm, một sức mạnh về tinh thần đoàn kết, một sự nghiêm cẩn của người đã trải qua 70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, 25 năm tuổi quân, từng 19 năm làm Trưởng ban quân lệnh của một Quân đoàn. Tất cả ở anh là vì đồng đội và luôn đứng trước những ngọn sóng để chèo lái con thuyền tập thể ra với Đại dương./.
Bài : Xuân Bách - Hội TTTS tỉnh Nghệ An - ĐT 0912591362;
Ảnh: Quốc Huy BTV Trang điện tử và Bản tin Trường Sơn.