Lúc đó, ông đau xót nhẩm tính rằng cứ 100 chiếc ô tô, khi chạy vào được đến Trường Sơn, có lẽ sẽ chỉ còn khoảng 30-40 chiếc thôi, còn lại bị bom Mỹ đánh cháy hết. Với kinh nghiệm chiến trường, ông đã yêu cầu các đoàn vận tải khi vận chuyển thì vũ khí, đạn dược phải xếp vào giữa thùng xe, gạo chèn xung quanh để khi bị bom đánh cháy xe, đạn dược bên trong xe không bị kích nổ, bảo đảm an toàn cho người và vũ khí. Sau đó, ông yêu cầu tháo tất cả các gương chiếu hậu của toàn bộ đoàn xe ra (mỗi xe có hai gương chiếu hậu) và yêu cầu tất cả các xe vào chiến trường không được có bất kỳ vật nào phản quang để máy bay Mỹ không thể phát hiện. Ngay cả kính chắn gió của xe vận tải chạy trên Đường Trường Sơn thời đó cũng được yêu cầu tháo xuống, mà thay vào là những tấm cót ép và đó là một phần nguồn gốc xuất hiện những tiểu đội xe không kính; rồi tất cả đèn pha xe cũng được tháo hết, đi bằng đèn gầm...
|
Các nữ chiến sĩ lái xe Bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Sau này, anh Vũ Xuân Chi, con trai Trung tướng Vũ Xuân Chiêm kể rằng: Ngày đó, những chiếc gương ô tô rất to và đẹp bị tháo xuống, có người định xin một chiếc về làm kỷ niệm, nhưng ông nói: “Tất cả những chiếc gương đó sẽ được mang vào Trường Sơn để tặng cho bộ đội nữ, cho các chị thanh niên xung phong khi đoàn xe gặp dọc đường... Với bộ đội nữ trong chiến trường, chỉ một mảnh gương nhỏ thôi đã là vật dụng rất quý giá”. Sau này, được gặp lại một số nữ đồng chí bộ đội thông tin trong chiến trường Trường Sơn, các đồng chí kể lại rằng, những tổ bộ đội nữ thông tin trong tuyến lửa 559 đóng quân trên các chốt, ai cũng biết Chính ủy Vũ Xuân Chiêm và vô cùng biết ơn ông. Vì các nữ chiến sĩ thông tin thường xuyên phải nối máy từ chiến trường ra và luôn được nói chuyện với Chính ủy, được ông động viên tinh thần chiến đấu. Trong các chuyến hành quân qua các binh trạm thông tin, ông đều gửi nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cho bộ đội nữ, đặc biệt là bồ kết để gội đầu...
Ở Trung tướng Vũ Xuân Chiêm, có thể thấy một nhân cách cao quý, một tâm hồn lạc quan cách mạng. Thỉnh thoảng qua chơi, ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Trường Sơn, mắt nheo nheo, ông thủng thẳng kể: “Các cháu làm sao sướng bằng các bác trong chiến trường, khốc liệt là thế, thiếu thốn là thế, ngàn cân treo sợi tóc là thế, nhưng vẫn lãng mạn lắm, thơ phú, hò vè đủ cả... Bác làm công tác chính trị và cũng là người đưa Văn công Tổng cục Chính trị vào Trường Sơn. Tiếng hát át tiếng bom... Cháu biết ai phát ngôn câu đó không. Là bác đấy”. Rồi ông cười tủm tỉm hóm hỉnh. Sau này, tôi nghe các bác lão thành cách mạng và đặc biệt là những anh chị nghệ sĩ của Văn công Tổng cục Chính trị ngày đó kể lại, đều nói rằng câu nói “Tiếng hát át tiếng bom” là của Chính ủy Vũ Xuân Chiêm, vì ông là người đã thành lập và có công lớn với Văn công Trường Sơn.
Sau này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, người có nhiều năm gắn bó với Trung tướng Vũ Xuân Chiêm nói: “Tôi đã từng công tác với nhiều đồng chí, ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng ở đồng chí Chiêm có những nét đặc biệt quý của một chính ủy. Anh luôn chăm lo xây dựng đơn vị, thể hiện tinh thần đoàn kết chân thật trong Đảng ủy, Bộ tư lệnh; tiêu biểu cho tinh thần ủng hộ sự đổi mới, sáng tạo... Trong những năm tháng gian nguy ác liệt, anh vẫn lạc quan kiên định niềm tin tất thắng… Với Vũ Xuân Chiêm, tôi quý nhất một con người trung thực, thủy chung, giản dị, tiêu biểu nhân cách vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Đại tá LÊ MINH TÂN, Nguyên Phó cục trưởng Cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị