Bà Nguyễn Thị Đáng – Gương sáng Trường Sơn

Ngày đăng: 08:31 03/07/2019 Lượt xem: 2.377
 Bà Nguyễn  Thị Đáng – Gương sáng Trường Sơn

          

 
     “Em rất ham hoạt động sản xuất kinh doanh. Nó ngấm vào máu em rồi”. Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Đáng - Ủy viên BCH Hội Trường Sơn xã Đại Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Khi tôi cùng Chủ tịch Hội Trường Sơn xã Đại Lai Nguyễn Đức Tuấn tới thăm bà nhân tháng tri ân đồng đội. Bên ấm trà, tôi hỏi ra mới biết bà Đáng sinh năm 1960, nhập ngũ 1978 về Trung đoàn 525 thuộc Tổng cục Hậu cần, đơn vị đóng quân trên địa bàn Quân khu 4. Cơn gió Lào với cát trắng miền Trung đã tôi luyện cho người lính Nguyễn Thị Đáng một ý chí sắt đá đó là: Trên đời này không có cái gì con người không làm được, miễn là có niềm tin và ý chí.
    Ra quân năm 1982 về quê nhà, đến năm 1983 bà xây dựng gia đình với chàng trai nghèo cùng quê Huề Đông xã Đại Lai. Nơi quê nghèo của thời bao cấp đi làm theo kẻng của HTX, một năm cấy hai vụ lúa trong đồng và trồng màu ở bãi ven sông Đuống, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nguồn thu chính trông vào ruộng 5% và sản xuất vụ đông, làm VAC. Đấy là kinh tế phụ, đủ ăn là khá nói chi tới giàu có. Hai vợ chồng và ba đứa con ngày một lớn khôn, chi tiêu cũng tăng dần. Hai vợ chồng bên nhau, tạo niềm tin và nội lực cho nhau, làm gì và làm thế nào để kinh tế khá lên. Ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp của HTX, bà Đáng đã  “xé rào” đi chạy chợ, lên ngược về xuôi, ai cần hàng gì thì đáp ứng. Những năm 80 của thế kỷ trước chưa có khái niệm kinh tế thị trường nhưng bà Đáng vẫn mạnh dạn kinh doanh thực phẩm thịt lợn và các hàng nông sản từ quê đi các nơi, đi cả ra ngoài tỉnh. Lúc đó còn rất khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, chưa được thông thương như bây giờ. Nếu không cẩn thận có chuyến oan gia mất trắng. Chính nhờ “xé rào” mà kinh tế gia đình bà cứ thế đi lên. Cho đến thời kỳ đổi mới, cuối thập niên 80, như chim sổ lồng, bà Đáng dồn vốn liếng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nuôi con ăn học đến tuổi trưởng thành, bà cho người con gái lớn đi xuất khẩu lao động, cho con một cái “cần câu” để con tự lập. Rồi cô con gái thứ hai cũng đi xuất khẩu lao động và cuối cùng là cậu út. Đến nay, ba người con của bà đều đã yên bề gia thất, có cuộc sống ổn định. Chị cả và chị hai kinh doanh ở Hà Nội. Còn cậu út hiện có hai cửa hàng kinh doanh điện thoại ở thành phố Bắc Ninh.
    Bà Đáng chia sẻ: “Nhiều người bảo em thế là quý rồi. Hai vợ chồng bây giờ cứ ngồi rỗi mà hưởng thôi, cần gì phải làm nữa cho vất vả ra”. Nhưng với bà Đáng lại khác. Sản xuất kinh doanh đã ngấm vào máu rồi, còn sức còn làm, còn tạo ra sản phẩm, không để vườn hoang ruộng hóa. Trong vòng xoay của kinh tế thị trường, lao động ở nông thôn chuyển ra thành phố và các khu công nghiệp, không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp nữa, tạo thuận lợi cho người ở quê tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn. Bà mạnh dạn dồn vốn liếng thầu lại ruộng của những người lên thành phố để làm trang trại. Hiện tại trang trại của bà có diện tích 2 mẫu lúa, 9 mẫu chuyên trồng chuối tây. Bà bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư và thuê mướn lao động trong làng, thường xuyên có từ 20-30 lao động, thu nhập của mỗi lao động 180 ngàn đồng ngày. Từ trang trại này, mỗi năm bà Đáng thu về 700 - 800 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư và trả công lao động thì hai vợ chồng bà vẫn còn tích lũy được một phần để dưỡng già.
Từ ngày vào Hội Trường Sơn, bà Đàng luôn được Hội bình xét là “Gương sáng Trường Sơn”, hay lam hay làm và tích cực hoạt động xã hội. Bà được mọi người tin yêu, đồng đội quý mến, được Chi hội CCB bầu làm Chi hội phó, được Ủy ban MTTQ xã bầu vào Ủy viên Mặt trận Tổ quốc. Đại hội MTTQ huyện Gia Bình nhiệm kỳ 2019-2024 đã bầu bà vào Ủy ban MTTQ huyện đại diện cho các gia đình văn hóa tiêu biểu.
     Tấm gương hội viên Trường Sơn Nguyễn Thị Đáng còn sức còn làm và làm giỏi đã truyền lửa cho các con thật đáng trân trọng và được mọi người học tập và làm theo./.
 
Lê Ba
Hội Luật gia huyện Gia Bình, Bắc Ninh.

 

tin tức liên quan