CỰU CHIẾN BINH XÂY MỒ CHO ĐỒNG ĐỘI
Trận chiến đấu của Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Ngô Quyền tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa đầu tháng 4/1968 diễn ra vô cùng oanh liệt. Vừa qua, các cựu chiến binh (CCB) đã đóng góp đồng lương ít ỏi của mình cùng xây dựng nhà bia ở Mỹ Thành để tưởng niệm những người đồng đội đã cùng chiến đấu hy sinh.
Tháng 3/1968, được lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 11 rút về vùng núi Sơn Hòa, bổ sung lực lượng từ miền Bắc vào; quân số hơn 200 tay súng do Trần Minh Hộ, Tiểu đoàn trưởng và Phan Ly, Chính trị viên chỉ huy. Đêm 3/4, tại Sơn Hòa, tiểu đoàn làm lễ tuyên thệ: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thề chiến đấu anh dũng tiêu diệt địch, bảo vệ vùng giải phóng Phú Yên.
Trận chiến đấu oanh liệt
Suốt đêm 4/4, quyết tâm tìm diệt nhưng không gặp địch, gần sáng 5/4, Tiểu đoàn 11 tạm dừng, chuyển vào lâm thời phòng ngự tại thôn Mỹ Thành. Địch đánh hơi biết quân chủ lực của ta đang ở làng Mỹ Thành, chúng điều động Trung đoàn 47 ngụy, Trung đoàn 28 Sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên), Lữ đoàn dù 173 Mỹ đến bao vây và kêu gọi nhân dân rời khu vực chiến sự để chúng “tiêu diệt bọn giặc cộng sản”, kêu gọi “các bạn thanh niên miền Bắc hạ súng đầu hàng, để hưởng lượng khoan hồng chánh nghĩa quốc gia”.
Sau nhiều giờ kêu gọi không thành, chúng gọi pháo từ Hạm đội 7, núi Nhạn, gò Đá trút đạn xuống làng Mỹ Thành; dùng máy bay ném bom chà xát nhằm tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 11. Sau hơn hai giờ đánh phá, địch tiến công nhiều mũi, nhiều hướng, nhiều tầng lớp vào trận địa ta.
Tiểu đoàn 11 chỉ huy bộ đội bình tĩnh chờ địch vào đúng tầm bắn hiệu quả nổ súng diệt địch. Sau nhiều giờ quần lộn, mặc dù quân số địch áp đảo gấp ta đến 20 lần nhưng đã bị Tiểu đoàn 11 bẻ gãy mọi đợt tiến công. “Lúc 17 giờ ngày 5/4, ta vẫn giữ vững trận địa, ban chỉ huy tiểu đoàn còn đầy đủ; tuy nhiên, bộ đội hy sinh hơn một nửa, nhiều đồng chí bị thương, đạn các loại chỉ còn khoảng 1/3 cơ số nhưng tinh thần chiến đấu vẫn rất cao”, ông Vũ Tiến Vinh, hiện sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng kể lại.
Tiến công không thành, địch cho lui quân; gọi pháo, máy bay tiếp tục bắn phá, cày xới hủy diệt, từ cành cây, ngọn cỏ, bờ tre không ở đâu không có dấu vết đạn bom.Khoảng nửa đêm 5/4, Tiểu đoàn 11 tổ chức mở đường máu hai lần ra hai hướng nhưng bất thành, Tiểu đoàn trưởng hy sinh, Chính trị viên bị thương nặng.
Lúc 3 giờ sáng 6/4, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Quách Tá Ngọc một lần nữa chỉ huy mở đường máu ra hướng sông Ba nhưng vẫn không thành, đồng chí Quánh Tá Ngọc hy sinh. Lúc này, y tá Vũ Tiến Vinh bằng kinh nghiệm của mình đã hướng dẫn đồng đội rời trung tâm trận địa, ra rìa làng tránh bom đạn địch.
Rạng sáng 6/4, hơn 10 chiến sĩ được một cán bộ địa phương dẫn về chùa Tây Long, Mỹ Hòa (chùa Thầy Mười) giấu trong hầm bí mật, trong đó có ông Phạm Trung Mạo (quê Đồng Lạc, Nam Sách, Hải Dương, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh). Ông Lê Hồng Phiếm, người Hà Tĩnh, bị thương nằm trong vòng tay ông Mạo.
Trong cơn đau, ông Phiếm còn dặn: “Mạo ơi! Có chỉ vàng trong túi quần của anh, mày đem cất đi, mai sau chiến thắng bán mua bò mà khao anh em!”, ông Mạo đặt người anh em xuống nền hầm lòng nén bao căm thù, uất hận...
Sáng 6/4, địch vào làng Mỹ Thành sục sạo, chúng bắt được một cán bộ ta bị thương nặng và chiến sĩ Thoại. Địch tra khảo, chiến sĩ Thoại trả lời: “Tôi không quen đường mới bị thất lạc, cả tiểu đoàn đã rút về hậu cứ, ở đây không còn ai!”. Không khai thác được gì, bọn lính Nam Triều Tiên tức tối dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát vào bụng Thoại, lúc đó một số cán bộ, chiến sĩ của ta ẩn nấp gần đó nhìn thấy.
Khoảng 2 giờ sáng 7/4, Phạm Trung Mạo chỉ huy 10 chiến sĩ đang ẩn nấp ở chùa Tây Long quyết tâm tìm đường máu thoát vòng vây. Ông Mạo kể: “Là chiến sĩ liên - trinh nên mình nắm khá rõ địa hình, dẫn anh em ra sát bờ tre, gần chợ Phong Niên, sờ xích xe tăng giặc lạnh ngắt, nhìn rõ từng bao cát công sự địch. Mình hô xung phong! Tất cả đồng loạt ném lựu đạn, nổ súng, bắn cháy một xe M113, diệt nhiều tên địch. Kẹp AK, vọt tiến xé vòng vây, chúng tôi vừa bắn vừa chạy giữa đội hình địch, hết đạn tiếp tục chạy...”.
Bị bất ngờ, bọn địch ngỡ là bị đặc công ta tập kích, chúng bắn loạn xạ, 6 đồng chí của ta trúng đạn hy sinh, ông Mạo và bốn anh em chạy thoát ra bờ sông. Cũng trong thời điểm đó, Tiểu đội trưởng liên - trinh Nguyễn Văn Ngọc và xã đội phó người Phú Yên, quen thuộc địa hình dẫn được 11 anh em luồn lách bụi bờ, bơi qua sông Ba. Đêm 7/4, Vũ Tiến Vinh tập hợp số anh em còn sống sót lại lợi dụng đêm tối lần tìm về hậu cứ.Ngày 8 và 9/4, bọn giặc vào làng xóa dấu vết; chúng sai những tên chiêu hồi khiêng xác bộ đội ta dồn về gò Rừng và gò Điền, vùi xuống hố bom, đổ xăng thiêu rồi lấp đất. Chiều 9/4, lính Nam Triều Tiên dựng hai tấm bia tại hai gò đất, nơi vùi xác liệt sĩ Tiểu đoàn 11.
Sau trận này, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) được điều động vào Nam Bộ chiến đấu, Tiểu đoàn 11 hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Phạm Trung Mạo bị thương 5 lần, thương binh hạng 2/4, được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công, 8 năm liền (1966-1972) là chiến sĩ thi đua, 5 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…
Xây nhà bia cho đồng đội
Từ ngày về hưu, ông Mạo luôn hướng lòng về những đồng đội hy sinh, nhiều đêm ông mơ thấy họ. Ông đã nuôi ý tưởng xây dựng nhà bia ở Mỹ Thành để tưởng niệm những người đồng đội đã cùng chiến đấu hy sinh. Cuối năm 2017, được anh Nguyễn Đức Phương, quê Bến Tre, con CCB thời chống Mỹ ủng hộ 100 triệu đồng; anh Châu Thanh, CCB Tiểu đoàn 11, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, góp 30 triệu đồng, ông Mạo ra Phú Yên liên hệ với địa phương xin xây dựng nhà bia. Được sự đồng tình của các bên liên quan, mọi thủ tục nhanh chóng được hoàn thành, ngày 3/8/2018 công trình được khởi công.
Ngày 31/8/2018, trong buổi lễ khánh thành, ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã phát biểu: “Tôi rất xúc động khi về đây chứng kiến một công trình tâm linh được khánh thành. Xúc động nhất, đó là bằng tình cảm của những người lính, các CCB đã dành dụm, đóng góp đồng lương ít ỏi của mình cùng xây dựng một công trình có ý nghĩa đặc biệt.Tôi giao cho địa phương, các cấp, ngành liên quan sớm xác lập hồ sơ đề nghị công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia; để nơi đây trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh của địa phương. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương, tôi rất biết ơn tình cảm chân tình của những người lính, các CCB của Trung đoàn Ngô Quyền đã dành cho Phú Yên công trình tâm linh này”.
Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đình Kiền, CCB Trung đoàn Ngô Quyền, hiện sống ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Anh Mạo là một người tuyệt vời, trong chiến đấu dũng cảm, có nhiều thành tích; thời bình sống trong sáng, có tình thương đồng đội sâu sắc, kể cả người đã mất, người đang sống. Mặc dù gia đình không giàu có, thương tích đầy mình nhưng đã bỏ nhiều tiền của, công sức để lo phần tâm linh, tìm mộ, xây nhà bia và san sẻ vật chất cho đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ, không hề so đo, mưu lợi”.
Kinh phí để xây dựng cho công trình này là 370 triệu đồng, chưa tính các khoảng chi phí khác, trong đó ông Mạo đã đóng góp hơn 170 triệu đồng. Đến ngày 22/12/2018, có hơn 100 gia đình liệt sĩ đã gọi điện, tìm đến nhà ông Mạo, hết lòng cảm ơn ông và chính quyền nhân dân địa phương. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã khóc nấc, họ xúc động vì từ nay cha, chú, anh em họ đã có bia mộ rõ ràng. Trong số gần 200 liệt sĩ hy sinh ở Mỹ Thành, có 167 liệt sĩ có danh sách ghi lên bia, phần lớn là người miền Bắc./.
NGUYỄN BÁ THUYẾT
67 Nguyễn Văn Cừ, Phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên
ĐT: 0944258548