NGƯỜI NỮ CCB TRƯỜNG SƠN XÂY CẦU TẶNG DÂN
Một ngày giữa mùa mưa năm 2016, chị Lâm Thị Thanh Xuân về kiểm tra công tác Hội ở xã Vạn Lương, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nước lũ lên nhanh. Nước dâng mấp mé chiếc cầu khỉ bắc qua con suối để vào thôn Phước Đồng. Chị không thể mạo hiểm vượt qua để vào thôn. Sau khi tìm hiểu, chị được biết muốn vào Phước Đồng chỉ duy nhất có cây cầu khỉ này. Vì thế việc đi lại của thôn vào mùa mưa là vô cùng khó khăn…
Cây cầu khỉ bắc qua suối để vào Phước Đồng – căn cứ kháng chiến năm xưa của Ninh Hòa ám ảnh khôn nguôi nữ Chủ tịch Hội Trường Sơn Ninh Hòa Lâm Thị Thanh Xuân. Không thể để một vùng quê cách mạng lại phải sống biệt lập bên cạnh một đô thị văn minh được. “Làm thế nào để có kinh phí bắc một chiếc cầu bê tông cho Phước Đồng?” cứ thôi thúc chị. Chị chạy vạy mất gần một tháng trời để làm thủ tục xin phép lãnh đạo thôn, xã, cơ quan Thủy lợi và Xây dựng huyện… để xây cầu cho dân. Có giấy phép trong tay, chị mới về báo cáo xin phép các đồng chí lãnh đạo Hội Trường Sơn tỉnh Khánh Hòa cho thực hiện.
Anh Khiêm, Chủ tịch Hội TS Khánh Hòa rút ra 1,5 triệu đồng ủng hộ và động viên chị. Anh Lân, Phó Chủ tịch cũng ủng hộ 2 triệu đồng… Tiền tiết kiệm riêng của chị có 16 triệu đồng. Thế là kinh phí xây cầu đã có gần 20 triệu đồng khiến chị yên tâm phần nào.
Có một phần kinh phí và giấy phép xây cầu trong tay, chị mới phi xe về Phước Đồng làm công tác dân vận. Với suy nghĩ: Phải dựa vào sức dân để thực hiện giấc mơ xây cầu. 3 đêm liền chị họp với nhân dân Phước Đồng bàn chuyện làm cầu. Khi chị trình bày kế hoạch xây cây cầu bê tông thì nhận được sự đồng lòng nhất trí của tất cả bà con trong thôn. Nhưng ngặt một nỗi, bà con ở đây nghèo quá. Nhiều gia đình vẫn thiếu ăn thì lấy tiền đâu để đóng góp xây cầu. Đêm họp đầu tiên chị đưa ra ý kiến xin mỗi hộ dân góp một ngày công. 35 hộ sẽ có 35 công. Chị hứa lo cơm ăn, cà phê, tối nhậu cho anh em bỏ công làm cầu. Ý kiến của chị được bà con vỗ tay đồng tình. Đêm thứ hai chị “dấn” thêm một bước nữa là bàn chuyện vật tư. Chị nêu ý kiến xin mỗi hộ ủng hộ một bao đá to nhỏ gì cũng được và một bao cát. Thôn Phước Đồng sống gần suối nên hai thứ vật tư này không khó lắm với bà con. Bà con lại vỗ tay ủng hộ sáng kiến này của chị. Vậy là đã có 35 bao cát, 35 bao đá sỏi. Đêm thứ 3, chị xin bà con ủng hộ cây làm cọc đóng móng cầu, gỗ làm cốp pha và công thợ cưa ván đổ bê tông theo bản vẽ. Bà con đồng tình ủng hộ cây và gỗ tạp sẵn có trong nhiều gia đình trong thôn. Thế là xin được 4 công thợ và 10 cây sung cưa ván và vô số cây đóng cọc móng. Chị mừng quá.
Đau đầu nhất là xi măng và thép xây cầu. Tính ra kinh phí còn thiếu khoảng 50 triệu đồng nữa cho hai loại vật tư chủ yếu này. Chị đã về họp gia đình. Chị trình bày với chồng và các con về công việc xây dựng chiếc cầu bê tông tặng thôn Phước Đồng, xã Vạn Lương. Chị thuật lại việc mắt thấy tai nghe hoàn cảnh quá khó khăn của bà con ở đây. Chị bảo: Việc mẹ góp phần xây dựng chiếc cầu bê tông cho bà con là việc làm từ thiện tích đức cho các con, các cháu. Chồng chị – anh Phạm Văn Thuận một chiến sĩ lái xe phục vụ chiến trường Lào năm xưa nay bị tai biến, sức khỏe hạn chế ủng hộ ngay việc làm tình nghĩa của vợ. 4 con trai của chị cũng hoàn toàn ủng hộ mẹ. Các cháu vui vẻ chung tay ủng hộ kinh phí còn thiếu để mẹ xây cầu. Chị và các con thống nhất ngày khởi công xây cầu.
Từ khi khởi công, chị lăn lộn ở ngay công trường xây dựng cầu suốt gần một tháng trời. Ngày hai buổi chị đi chợ mua thức ăn rồi cùng với một số phụ nữ trong thôn cắt cử ra hỗ trợ nấu ăn cho bà con tham gia xây cầu. Do khéo quản lý và điều hành công việc xây cầu hợp lý, một cân xi măng, một cân sắt thép cũng không bị thất thoát. Với chi phí 70 triệu đồng chưa kể sự đóng góp công sức, gỗ, đá, sỏi, cây đóng cọc móng của bà con Phước Đồng, chiếc cầu bê tông dài 14 mét, rộng l,4 mét, có một trụ ở giữa cầu đã hình thành. Xe máy, xe cải tiến đi lại dễ dàng. Ngày khánh thành chiếc cầu trở thành một ngày hội đối với bà con thôn Phước Đồng. Có thể nói cả thôn gần như có mặt đông đủ mừng khánh thành chiếc cầu bê tông. Từ nay, Phước Đồng được nối liền với phần còn lại của xã Vạn Lương. Việc đi lại, vận chuyển, sản phẩm nông nghiệp của thôn thuận lợi, thông suốt. Chắc chắn Phước Đồng từ nay sẽ chấm dứt cảnh nông sản sản xuất ra mà không chở đi bán được như trước đây. Chiếc cầu bê tông được chị Thanh Xuân đặt cho một cái tên: Cầu Đá Hú – tên của Di tích kịch sử kháng chiến chiến khu xưa của huyện Vạn Ninh. Chị không ghi tên mình lên cầu mà chỉ ghi một cái tên khiên tốn: “Nữ Trường Sơn kính tặng”.
Chiếc cầu sừng sững, hiên ngang vươn qua con suối vào thôn Phước Đồng. Đã trải qua 2 mùa mưa lũ, cầu vẫn đứng vững chãi. Chiếc cầu là biểu tượng của tình đoàn kết chung tay góp sức của bà con Phước Đồng và sự nỗ lực của người cựu chiến binh Trường Sơn Lâm Thị Thanh Xuân. Hôm khánh thành cầu, báo Khánh Hòa đã về ghi hình, đưa tin trang trọng…
Bà con Phước Đồng và xã Vạn Ninh ít ai biết về hoàn cảnh của chị Lâm Thị Thành Xuân. Chị Xuân sinh năm 1954. 17 tuổi chị đã rời quê hương Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nhập ngũ và vào Trường Sơn. Chị là chiến sĩ của đại đội công trình 35, Trung đoàn 11, Sư đoàn ô tô chiến đấu 571 của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Sau giải phóng, chị được chọn về Hà Nội tham gia duyệt binh mừng Quốc khánh 2/9/1975. Cô trung sĩ Lâm Thị Thanh Xuân được chuyển ngành về công tác làm Bí thư Đoàn rồi Phó Bí thư Đảng ủy phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh. Tháng 12/1975 chị kết hôn với anh Phạm Quang Đàn, chiến sĩ đặc công Trung đoàn 36 ở mặt trận Quảng Nam Đà Nẵng. Anh quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh Đàn là thương binh nặng hạng I. Năm 1976, chị sinh con trai đầu lòng. 2 năm sau chị được điều vào Công ty Thương nghiệp huyện Ninh Hòa (sau này là Thị xã Ninh Hòa), tỉnh Khánh Hòa. Chị làm Cửa hàng trưởng Cửa hàng mậu dịch ăn uống Ninh Hòa.
Năm 1984, chồng chị, anh Phạm Quang Đàn qua đời vì vết thương tái phát từ viên đạn nằm trong đầu. Chồng mất, một nách 3 con khi chị mới 30 tuổi đầu. Đứa con gái thứ 3 của chị là cháu Phạm Thị Diễm Trang (sinh năm 1993) bị di chứng chất độc da cam từ bố mẹ. Cháu bị mắc bệnh bại não phải nằm một chỗ, không biết nói, biết cười. Biết bao khó khăn chùm lên đầu người mẹ trẻ mới 30 tuổi đầu. Chị ở vậy nuôi con đến năm 33 tuổi. Yêu mến và cảm phục nghị lực của người đồng đội trẻ, anh Phạm Văn Thuận (sinh năm 1952) một chiến sĩ lái xe Trường Sơn, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chưa vợ, đã đến với chị. Chị xây dựng gia đình với anh Phạm Văn Thuận khi đã ở tuổi 33 và có 3 người con riêng. Anh chị sinh thêm 2 con trai vào các năm 1988 và 1991.
Năm 1993, ngành thương nghiệp chuyển đổi nhiệm vụ, chị được nghỉ hưu. Nghỉ hưu, chị được lãnh đạo địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Da cam rồi Chủ tịch Hội Da cam thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Khi thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, chị được bầu làm Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn thị xã Ninh Hòa; Chủ tịch Hội Nữ Trường Sơn tỉnh Khánh Hòa. Chị còn là Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố 8, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa và là Ủy viên Thường vụ phụ trách thủ quỹ Hội Người cao tuổi của phường nơi sinh sống của gia đình chị hiện nay.
Sức khỏe giảm sút, anh Thuận đã phải về nghỉ mất sức chế độ một lần. Số phận nghiệt ngã lại đổ ập lên cuộc đời chị. Năm 2014, anh Phạm Văn Thuận bị đột quỵ, đi lại vô cùng khó khăn. Mọi lo toan cho gia đình một mình chị phải gánh vác. Thật không gì có thể so sánh về sự gian khổ, thử thách khắc nghiệt và nặng nề của cuộc đời dồn lên đôi vai của một người vợ, người mẹ như chị. Từ trong gian khó cùng cực ấy, chị Thanh Xuân vẫn vượt lên để nuôi dạy các con trưởng thành. Hiện 4 con trai của chị đều đã lập gia đình. Chị đã có 7 cháu nội. Cả 4 người con của chị đều là công nhân lái xe taxi, có thu nhập ổn định. Người con gái duy nhất của chị đã 36 tuổi nhưng cháu vẫn chưa biết nói cười, chỉ nằm một chỗ nhờ sự chăm sóc thương yêu của mẹ và gia đình.
Gánh nặng gia đình như thế, chị Lâm Thị Thanh Xuân vẫn đảm nhận ngần ấy nhiệm vụ và nhiệm vụ nào chị cũng hoàn thành xuất sắc. Gần 8 năm qua, chị đã cùng với Ban Chấp hành Hội Trường Sơn Ninh Hòa xây được 3 ngôi nhà tình nghĩa (2 ở Vạn Ninh, 1 ở Ninh Thủy - Ninh Hòa). Đồng chí Ba Dứa (ở Ninh Thủy) được tặng nhà tình nghĩa chỉ với 45 triệu đồng. Sau 3 đêm liền chị Xuân kiên trì vận động dòng họ và nhân dân ủng hộ được tổng cộng 320 triệu đồng để làm nhà. Chị Xuân còn vận động giúp chị Ba Dứa thêm được 4 tấn xi măng và một số đồ dùng cá nhân...
Ở Vạn Ninh chị Xuân vận động xây dựng được 2 nhà. Có nơi, đích thân chị không quản khó nhọc vác xi măng và vật tư đi bộ khoảng 1km để làm nhà cho đồng đội… Vì đồng đội, chị không từ nan bất cứ việc gì.
Trước khó khăn về giấy tờ của nhiều đồng đội, chị đã đi rất nhiều nơi, đến nhiều đơn vị để xác minh, làm thủ tục giúp đồng đội giải quyết chế độ nhiễm độc da cam. Chị đã lên Lạng Sơn, vào Mũi Né, Bình Thuận rồi ra Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng… xác minh cho nhiều đồng đội. Đồng chí Điệp, Lợi, Sáu, Hòa, Nghĩa, Tây, Đại, Bin và nhiều đồng đội khác đã được hưởng chế độ da cam nhờ vào sự nhiệt tình đầy trách nhiệm và tình yêu thương đồng đội của chị Lâm Thị Thanh Xuân. Nhiều đồng chí cảm động không nói nên lời, bởi trước đó họ không bao giờ nghĩ có thể giải quyết được chế độ chính sách vì bị mất hết giấy tờ. Thế mà nhờ chị Thanh Xuân, niềm vui bất ngờ đã đến với họ…
Chứng kiến việc làm của Chủ tịch Hội Nạn nhân Da cam và Chủ tịch Hội Trường Sơn thị xã Ninh Hòa Lâm Thị Thanh Xuân, nhiều đồng đội xúc động và cảm phục trước trách nhiệm và tình thương yêu đồng đội của chị - một người lính Trường Sơn năm xưa.
Nguồn năng lượng ấy trong chị thật dồi dào và thật quý.
Phạm Thành Long
0984108450 – thanhlong1949@gmail.com