Sáng mãi phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
"Là Bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ Điện Biên, trong thời bình hay thời chiến, dù ở bất cứ mặt trận nào, chúng tôi cũng luôn phấn đấu hết mình...", đó là lời tâm sự của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phùng Văn Khầu khi chúng tôi tới thăm gia đình ông tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Anh hùng trong chiến đấu
Đại tá Phùng Văn Khầu sinh năm 1929 trong một gia đình nghèo người dân tộc Nùng. Mẹ mất khi ông vừa chập chững bước những bước đi đầu đời, cậu bé mới lên 3 tuổi đã phải đi ở nhờ, làm thuê cho địa chủ. Đến cuối năm 1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, ông bỏ trốn khỏi nhà địa chủ, rời quê hương đến thị xã Cao Bằng tìm gặp bộ đội để làm cách mạng. Tại đây, ông được nhận nhiệm vụ về đơn vị pháo binh.
Những ngày đầu, do thể trạng gầy yếu không thể vác pháo, ông được biên chế làm anh nuôi. Làm công việc của anh nuôi nhưng hiềm một nỗi, ngày đó cậu bé Khầu chưa biết chữ. "Nhận nhiệm vụ xong tôi chỉ biết khóc. Mù chữ nên tôi không biết làm cách nào để chi tiêu cho đơn vị khỏi bị nhầm lẫn, thất thoát tiền...", Đại tá Phùng Văn Khầu tâm sự. Tuy nhiên, với sự thông minh sáng dạ, ông đã tự học để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Chàng thanh niên dân tộc Nùng ngày đầu vào bộ đội còn không đủ sức vác pháo, vậy mà từ năm 1949 đến 1954, chiến sĩ pháo binh Phùng Văn Khầu đã tham gia 7 chiến dịch lớn, đánh hàng chục trận. Chiến dịch nào, trận đánh nào anh bộ đội Khầu cũng tỏ ra dũng cảm, mưu trí, khênh pháo vận động giỏi, chuyển đạn, thao tác pháo nhanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
|
Anh hùng Phùng Văn Khầu (hàng sau ngoài cùng bên trái) và các anh hùng, thanh niên tiêu biểu được tuyên dương năm 1955. |
Ngày 14-3-1954, khi quân ta giành chiến thắng đợt 1 tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội Sơn pháo 755 của Phùng Văn Khầu nhận được lệnh tiến thẳng vào chiến dịch. Tại đây, khẩu đội của Phùng Văn Khẩu làm nhiệm vụ bắn phá đồi E1. Suốt 35 ngày đêm "rực lửa", ông vẫn ngoan cường bám trận địa, tích cực tiến công địch, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu ở các điểm cao 203, 207, 507 và đồi C. Dưới mưa bom bão đạn, những người đồng đội của ông lần lượt nằm xuống. Thậm chí, người đồng đội còn lại là khẩu đội phó kiêm pháo thủ Lý Văn Pao cũng bị trúng đạn, mất đi bàn chân trái. "Ngay tại thời điểm đó, tôi chỉ biết dồn hết tâm trí vào nóng pháo để bắn hạ từng mục tiêu địch. Đồng đội của tôi ngã xuống quá nhiều rồi. Phải chấm dứt trận đánh thì không ai bị thương nữa", Đại tá Phùng Văn Khầu rưng rưng chia sẻ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi bảo vệ biên giới phía Bắc, đã qua nhiều chiến trường ác liệt như: Điện Biên, Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968... người lính pháo binh đồi E1 năm ấy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân đội giao. Năm 1986, ông về hưu với quân hàm Đại tá.
Sáng mãi phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ
Trở về với cuộc sống đời thường hạnh phúc, giản dị bên con cháu và người vợ hết mực thương yêu, Đại tá Phùng Văn Khầu luôn được người dân địa phương ca ngợi “xứng danh anh hùng” với những chiến công giữa đời thường. Với bản lĩnh, kinh nghiệm của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ông không phút nào ngơi làm việc. Suốt hơn 10 năm giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Sơn Tây, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Không chỉ có thế, ông Khầu còn là tấm gương sáng trong công cuộc chống tham nhũng tại địa phương. Trên địa bàn Sơn Tây, bất cứ ai biết vụ tiêu cực nào, có khúc mắc gì đều đến tìm ông. Bà Hà Thị Cay (vợ của ông Khầu) tâm sự: "Nhiều đêm nhìn ông ấy trăn trở, miệt mài với đống hồ sơ, tôi còn lo hơn đạn bom thời chiến. Ông có tuổi rồi, sức khỏe yếu đi nhiều, khuyên ông nghỉ ngơi mà ông chỉ cười rồi nhắc lại những lời Bác Hồ căn dặn về phẩm giá của người cán bộ, đảng viên...". Với tinh thần loại bỏ những thói hư, tật xấu, Đại tá Phùng Văn Khầu đã đấu tranh làm sáng tỏ về một số vụ việc tiêu cực trên địa bàn ông sinh sống trả lại sự công bằng, quyền lợi cho người dân và ngăn chặn sự thất thoát tài sản của nhà nước.
|
Anh hùng Phùng Văn Khầu chia sẻ những câu chuyện với phóng viên. |
Nay đã ngoài 90, nhưng Đại tá Phùng Văn Khầu chưa bao giờ nghỉ buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, học tập nghị quyết. Đặc biệt, trong sinh hoạt chi bộ và các tổ chức ở địa phương, ông luôn chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến, giúp các đồng chí có khuyết điểm phấn đấu tiến bộ. Hay vào các dịp lễ, hình ảnh ông cụ tóc bạc cùng những chiếc huy chương gắn đỏ trên ngực đã trở nên quen thuộc đối với các thế hệ học sinh trên địa bàn. Thông qua những câu chuyện về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được ông kể lại đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần phấn đấu rèn luyện, cố gắng học tập của đông đảo đoàn viên, thanh niên.
Dù trong chiến tranh hay về với cuộc sống đời thường trong hòa bình, Anh hùng LLVTND Phùng Văn Khầu luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Những việc làm ý nghĩa của ông đã góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Bài, ảnh: PHÙNG TRANG
( C.H sưu tầm)