TRÊN HẾT VÌ NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Ghi chép của Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
CTV báo điện tử và bản tin TS của TW Hội
Tô Thị Chiên sinh ra bên giòng sông Mã thơ mộng (xã Định Hải, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Tháng 3 năm 1970, đơn vị chị vào Quảng Bình làm nhiệm vụ bốc vác thuộc Binh trạm 16 trên tuyến từ sông Gianh đến Nhật Lệ. Tháng 01 năm 1971, chị lại cùng đơn vị vào Quảng Trị, thuộc Binh trạm 41. Chị vẫn là lính kho, song gian khổ, ác liệt gấp nhiều lần. Chị và đơn vị trực tiếp phục vụ chiến dịch Đường 9 Nam Lào tháng 3/1971 và 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa Quảng Trị năm 1972, phục vụ chiến dịch chống địch lấn chiếm sau hiệp nghị Paris tháng 1/1973 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chị kể về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong một lần Hội Trường Sơn huyện về thăm chiến trường xưa tháng 3 năm 2019.
Xe vượt đèo Ngang, lần lượt đi qua các địa danh thân thuộc, chị nói với tôi: Gần 6 năm trên dải đất này là thời kỳ đẹp nhất của tuổi xuân người con gái. Ngoài bom đạn ác liệt, còn phải chịu đựng nắng nóng, gió Lào của miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị; ngày ra Bắc da tôi xanh tái, đen xạm chẳng ai muốn nhìn.
Thời tuổi xuân chắc nhiều chàng lính trẻ mê chị lắm? Tôi hỏi vui.
Chị cười, rồi trả lời hồn nhiên:
-Nhất là lính lái xe hay trêu đùa bọn em. Nhiều anh còn nói “nhanh quay vòng tăng chuyến để về kho gặp cô Chiên”.
Bây giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm” mà trông chị vẫn hằn sâu nét đẹp của thời con gái, tôi nghĩ thầm như vậy. Xe đến sông Bến Hải, chị cất giọng hát: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay…”. Mấy chị ngồi bên cùng hát theo. Bất chợt cảm xúc dâng trào trong tôi về một địa danh đã đi vào lịch sử trong cuộc đối đầu giữa ta và địch 18 năm trời…
Chuyến đi chỉ 3 ngày, nhưng chúng tôi đã đến nhiều địa chỉ đỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị. Hôm về thăm Đường 20, khi vào viếng các liệt sỹ hy sinh tại “Hang 8 cô”, chị hỏi tôi:
-Em nghe nói linh hồn các cô gái linh thiêng lắm, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng kêu từ trong hang vọng ra!
Là người được chứng kiến sự kiện bi hùng này vào tháng 11/1972, tôi không trả lời mà đọc 4 câu thơ viết gần 50 năm trước trong bài thơ “Những linh hồn trong trắng”: Chiều nay các em không về nữa/ Sau trận bom Mỹ trút xuống buổi chiều/Những phiến đá nghiệt oan lấp kín cửa/Văng vẳng hang sâu tiếng các em kêu”…
Tháng 7 năm 1975, chị ra Bắc an dưỡng với thương tật 31% và nhiễm chất độc da cam. Sau đó chị được chuyển ngành về công tác ở Ty Thương nghiệp Thanh Hóa. Nghe câu chuyện chị kể về những lần sinh đẻ, tôi không nén được xúc động: Lần đầu mổ đẻ, nhưng thai dị dạng, đứa con đầu lòng dứt ruột sinh ra nhưng không trọn vẹn, đã làm hai vợ chồng hẫng hụt thời gian dài. 3 lần sau sinh 2 trai, 1 gái, cháu trai đầu hiện nay là Phó công an xã, cháu trai thứ hai kinh doanh, cháu gái út giáo viên trường THPT Yên Định1. Mặc dù hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, nhưng hai vợ chồng cố gắng nuôi các cháu trưởng thành, đều có việc làm ổn định. Chồng là công an về nghỉ mất sức một lần, tuy sức khỏe không tốt, nhưng anh luôn động viên, tạo điều kiện để chị yên tâm làm việc. Từ ngày về hưu, chị tích cực tham gia công tác xã hội: Hai khóa là Ủy viên Thường vụ Hội Trường Sơn huyện, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn xã, Chủ tịch Hội chất độc da cam- điôxin xã, Trưởng ban Nữ chiến sỹ Trường Sơn huyện. Lúc nào chị cũng đau đáu phải làm gì để xứng đáng với truyền thống Trường Sơn anh hùng và không hổ thẹn với đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh. Nói là làm, đã làm phải nhiệt tình và hiệu quả, đó là phương châm làm việc của chị.
Ở tuổi gần 70, nhưng với chiếc xe máy, chị đi khắp các cơ sở Hội trong huyện để tìm hiểu những nữ chiến sỹ Trường Sơn sản xuất giỏi và những người hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị thăm hỏi, động viên tìm biện pháp giúp đỡ. Hôm về dự lễ trao tặng nhà tình nghĩa cho nữ chiến sỹ Trường Sơn Lưu Thị Hà ở xã Yên Trường, huyện Yên Định; nghe chị kể về quá trình vận động các nguồn tài trợ xây dựng căn nhà, tôi càng cảm phục tấm lòng “nghĩa tình đồng đội của chị”. Biết hoàn cảnh chị Hà sống đơn thân, bệnh tật, hai gian nhà tranh xiêu vẹo, dột nát lại bị sập đổ vào mùa mưa năm 2019, phải căng lều bạt trú thân. Chị đã đội mưa đến trực tiếp khảo sát, lập hồ sơ báo cáo Hội Trường Sơn tỉnh, đấu mối với MTTQ và Hội Chữ thập đỏ thẩm định, quyết định hỗ trợ chỉ trong vòng một tuần. Từ ngày khởi công xây dựng đến lúc hoàn thành chưa đến 2 tháng. Căn nhà 70m2 trị giá 135 triệu, trong đó: Hội Chữ thập đỏ và Hội Trường Sơn tỉnh 45 triệu, MTTQ và Hội Chữ thập đỏ huyện 20 triệu, MTTQ và Hội Chữ thập đỏ xã 5 triệu, dòng họ và bà con xóm làng, đồng đội 40 triệu; Hội Trường Sơn xã giúp 100 ngày công trị giá 20 triệu…Xúc động trước sự quan tâm và tình cảm của đồng đội, chị Hà nghẹn ngào cám ơn các tổ chức đã quan tâm giúp đỡ chị có căn nhà khang trang để được đón xuân Canh Tý và yên tâm sống những năm tháng cuối đời.
Ban liên lạc nữ chiến sỹ Trường Sơn huyện hàng năm tổ chức gặp mặt vào ngày Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3 với chủ đề “Hát và kể chuyện chúng ta nghe”; mọi người cùng nhau ôn lại những tháng năm hào hùng trên đường Trường Sơn huyền thoại; động viên nhau sống vui, sống khỏe, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia các hoạt đông văn hóa, thể thao; góp phần nhỏ vào xây dựng huyện Yên Định trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất từ chăn nuôi, làm vườn mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng như chị Lê Thị Lâm (xã Định Hòa), nhiều nữ chiến sỹ hoàn cảnh khó khăn được chị quan tâm tìm nguồn hỗ trợ như: Chị Trịnh Thị Tháu (xã Định Hải) được TW Hội Phụ nữ Việt Nam tặng số tiết kiệm 10 triệu đồng; chị Lưu Thị Hằng được TW Hội Phụ Nữ tặng quà trị giá 3 triệu. Chị đã vận động hàng chục suất quà, học bổng tặng các cháu học sinh có thân nhân là cựu chiến binh Trường Sơn trị giá từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng/suất. Vào dịp kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, chị vinh dự được dự gặp mặt nữ tiêu biểu toàn quốc tại Bảo tàng Phụ nữ ở Thủ đô Hà Nội và dự nhiều hội nghị điển hình tiên tiến của Hội Cựu chiến binh, Hội chất độc da cam .v...
Hơn 500 nữ chiến sỹ Trường Sơn trong huyện ai cũng quý mến chị về nghĩa cử cao đẹp, luôn suy nghĩ “ trên hết vì nghĩa tình đồng đội”./.
Bài và ảnh: Lê Trung Khiên
Chị Tô Thị Chiên (thứ 2 bên phải hàng ngồi) cùng đồng đội một lần thăm "Hang 8 cô" .
Chị Tô Thị Chiên (đứng thứ 4 hàng dưới bên phải) cùng đồng đội viếng nghĩa trang LS Trường Sơn.