Gương sáng Trường Sơn: Trung tá Bác sỹ, Thày thuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh

Ngày đăng: 05:03 28/03/2020 Lượt xem: 1.402
GƯƠNG SÁNG TRƯỜNG SƠN:
TRUNG TÁ , BÁC SỸ, THÀY THUỐC ƯU TÚ TRẦN THỊ THỤC OANH

 
        Hôm nay chị Thục Oanh điện thoại cho chúng tôi thông báo là chị đã làm đơn đăng ký được tham gia hoạt động chống dịch covid - 19. Chị đã nhắn tin hai lần ủng hộ và sang tháng 4 sẽ trích một tháng lương ủng hộ. Năm 2019 khi Thanh Hoá bị lụt lớn, chị đã gọi điện cho Thiếu tướng Hoàng Kiền,  đăng ký vào tặng quà hỗ trợ hội viên Trường Sơn bị thiệt hại nặng. Do tổ chức đi vào khó khăn, chị đã đến văn phòng Hội Trường Sơn Việt Nam tặng số tiền 20 triệu đồng để Hội giúp đỡ chung các hội viên Trường Sơn Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn ( trong đó có Thanh Hoá).Thật trân trọng một tấm lòng và một nghĩa tình cao cả!!!
        Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu về Gương người tốt việc tốt:
        TRUNG TÁ, BÁC SỸ, THẦY THUỐC ƯU TÚ TRẦN THỊ THỤC OANH
        Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Thục Oanh sinh năm 1935 tại Tuyên Quang, nơi ở hiện nay: số 25, ngõ 462 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc - Ba Đình - Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ là người hoạt động cách mạng. Bố là ông Trần Ngọc Trí, nguyên quán tỉnh Hà Nam, hoạt động lên Tuyên Quang, lấy bà Hoàng Thị Cần, người gốc Tuyên Quang rồi sinh ra bà Trần Thị Thục Oanh. Khi mới 12 tuổi, đã chứng kiến tình cảnh đau thương trong gia đình. Năm 1947, bố hoạt động ở Chiến khu Khu 10 Việt Bắc, bị Pháp bắn chết. Cùng năm ấy, vì có người báo nhà này hoạt động cách mạng, bị Pháp đốt nhà cháy dữ dội, của cải cháy trụi, vườn tược tan hoang. Trước tình cảnh ấy, mẹ lâm bệnh, ốm chết. Hai chị em gái dựa vào nhau sống, chị cho ăn học. Đến năm 17 tuổi, được tổ chức của ta đưa đi làm hộ lý, học y tá ở Đoan Hùng, Phú Thọ.
         Tháng 11/1951, được nhập ngũ vào Viện 6 ở Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ, rồi đi phục vụ ở Tây Bắc, Hòa Bình. Năm 1953 - 1954, đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối năm 1964 đi học chuyên tu Quân y sĩ. Sau những năm làm hộ lý, y tá, y sĩ, rồi được điều đi chiến trường B đánh Mỹ. Lúc đó, do yêu cầu của chiến trường miền Nam, Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn triệu tập hơn 200 bác sĩ, y sĩ, trong đó nữ chỉ có y sĩ Trần Thị Thục Oanh. Cục trưởng giao nhiệm vụ xây dựng một bệnh viện tuyến cuối của chiến trường Tây Nguyên. Bác sĩ Lê Cao Đài được chỉ định làm Viện trưởng, các đồng chí khác là nòng cốt, mỗi người phụ trách một khoa. Khi hình thành Viện 211, Thục Oanh được bố trí công tác tại Viện. Chị đã chứng kiến cuộc sống chiến trường mùa mưa đầu tiên, bom đạn ác liệt, khí hậu khắc nghiệt, thiếu gạo và địch rải chất độc hóa học Dioxin, thiếu thuốc, bệnh sốt rét ác tính triền miên... Thương bệnh binh ở các hướng chuyển về, thương binh nặng đau đớn kêu rên từng giờ mà y bác sĩ, hộ lí phải nén lòng để phục vụ cứu chữa cho thương bệnh binh, nhiều đêm nằm rơi nước mắt, không ngủ được vì thương đồng đội bị thương, đau yếu, thiếu ăn... Bệnh viện lúc mới hình thành làm bằng lán và hầm chữ A, bệnh binh đa số bị sốt rét và bị thiếu dinh dưỡng, bị tiêu chảy mà chi phải dùng gio bếp rồi khoét thủng giường để bệnh nhân tự đi ngoài mà không cứu được.
         Tháng 5/1967 được bác sĩ Lê Cao Đài và ông Nguyễn Đức Phương giao nhiệm vụ về đơn vị mới K20. Ông Lê Cao Đài nói: Nhiệm vụ của đồng chí là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ K20, cô còn phải làm tròn phận sự mà “ông chủ” (ông Nguyễn Đức Phương) giao là kiểm nghiệm thuốc Tây của các thuyền buôn...
Về đơn vị mới, tại đơn vị này, chị được tổ chức phân công đóng vai em gái “ông chủ lớn” và được gọi là Đốc-tờ, là do nhân dân 2 bên ven sông của Lào và Cam-pu-chia đặt ra, vì bà chữa bệnh cho dân lúc đầu khó khăn mà gặp nhiều người dân ốm nặng họ mới đến, còn đa phần là chỉ cúng ma. Chuyện về em gái “ông chủ lớn” bây giờ kể nghe như hoạt động tình báo sống trong lòng địch...Tháng 4/1969, chi được trên cho ra Bắc học chuyên tu bác sĩ, sau đó học thêm chuyên khoa về công tác tại Quân y, Cục Xe máy Tổng cục Hậu cần (sau là Chủ nhiệm quân y Cục Xe máy Tổng cục Kĩ thuật). Công tác liên tục trong ngành y quân đội, luôn thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”. Là một người làm nghề y, đã lăn lộn từ hộ lí, y tá, y sĩ, rồi bác sĩ chuyên khoa 1, thầy thuốc ưu tú lúc nào cũng xác định hoàn thành nhiệm vụ trên giao.
          Năm 1989 nghỉ hưu. Hai mẹ con sống với nhau bằng đồng lương hưu thời bao cấp 62.319 đồng (Bà nhận một cháu gái làm con nuôi từ 1976). Hai mẹ con đã sống với nhau trong tình cảm của mẹ nuôi Trần Thị Thục Oanh. Nghỉ hưu, bà đi xin Bộ Y tế cấp giấy phép mở phòng mạch khám bệnh tư nhân. Tại phòng khám bệnh, bà đã làm từ thiện ngay từ phòng bệnh, mỗi người khám bà chỉ lấy 2.000đ, số có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em thì không lấy tiền. Từ đây, bà bắt đầu làm từ thiện, có bà ở Sơn Tây về Bệnh viện Bạch Mai chạy thận và một anh bị chấn thương sọ não, gia đình nghèo, bà ủng hộ mỗi người 500.000đ (năm 1998). Bà cũng đi khám bệnh cho người nghèo ở Ninh Bình: 120 người (năm 2010), Thạch Thất - Hà Tây: 120 người (năm 2011), ủng hộ bà Lan ở Đoan Hùng - Phú Thọ 2 triệu đồng, cô Muội 1 triệu đồng (2012), gia đình cô Hoa Soát 25 triệu. Năm 2013: Hỗ trợ 35 triệu đồng (trong đó cô Cúc ở xã Quyết Thắng 30 triệu làm nhà). Năm 2014: Hỗ trợ Lào Cai 37 triệu (trong đó 20 triệu làm nhà cô Lương Sài Lĩnh). Năm 2015: Hỗ trợ bà Nghiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh thận 50 triệu, ông Trịnh Xuân Chính bệnh hiểm nghèo 2 triệu, cháu Hạnh (Hà Nội) chữa bệnh 10 triệu, cháu Huy (Tuyên Quang) 30 triệu, xã Quyết Thắng - Sơn Dương - Tuyên Quang: 20 triệu. Năm 2016: 350 triệu (ở các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ 200 triệu; Hải Phòng, Đống Đa - HN 130 triệu chữa bỏng nặng...). Năm 2017: 119 triệu (1 nhà 55 triệu, chữa bệnh 23 triệu...). Năm 2018: 182.500đ (Hội Sư đoàn 470: 110 triệu, 1 nhà cho Nữ CSTS ở Hoài Đức Hà Nội 70 triệu, Hội Trường Sơn 470 Thái Nguyên 15 triệu...). Tổng số tiền ủng hộ từ thiện đến nay là hơn 1 tỉ đồng, tặng khắp các tỉnh từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Điều mà bà chưa bao giờ nói với ai, nay trải lòng cho 3 đồng chí (Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Đại tá Đậu Xuân Tường - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Sư đoàn 470 và Nguyễn Quốc Huy - Biên tập viên Trang tin Điện tử Trường Sơn và Bản tin Trường Sơn Việt Nam. Chuyện kể là: thời gian ở Pháp, bà nắm được thông tin: Bà Ngô Thị Th... gốc tỉnh P..., do hoàn cảnh lúc đó thời Pháp thuộc, chồng mất, có hai đứa con, con gái là L.T.S, sinh 1933, nay cư trú tại tỉnh P... và con trai là L.B.H. sinh năm 1934, nay sống tại tỉnh Y... (ông H mù lòa). Do chồng mất, bà lấy ông chồng lính Pháp, rồi theo chồng về Pháp năm 1954. Có mã số lương, tiền tiết kiệm nhưng bị một người Việt kiều biết được mã số nên chiếm đoạt số tiền của bà Th.Bà Oanh đã nhờ Luật sư Việt Nam và Luật sư Pháp làm thủ tục khởi kiện để đưa số tiền hợp pháp về cho hai con của bà Ngô Thị Th... là 83.000 EUR (2012: 12.000 EUR, 2018: 71.000 EUR). Điều vui là vụ kiện diễn ra từ năm 2012 - năm 2018 và kết thúc có hậu là năm 2018. Quá trình tham gia vụ kiện rất phức tạp nhưng được Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp giúp đỡ nên thành công. Khi lấy tiền về, hai con của bà Ngô Thị Th đến nhà bà Oanh nhận tiền và nhờ bà làm trung gian để chia số tiền trên, đổi ra tiền Việt Nam là 2 tỉ 117 triệu đồng. Bà S được hưởng 1/3 và ông H hưởng 2/3. Cả ba bên hoàn toàn nhất trí. Sau cuộc làm việc, hai con của bà Th đã có lời cảm ơn bà Thục Oanh và đưa số tiền hơn 50 triệu tặng bà Thục Oanh nhưng bà đã cảm ơn và không nhận số tiền này. Thế là làm một việc thiện giúp được 4 thế hệ (bà Th, con, cháu, chắt của bà Th). Chúng tôi cười, nghe kể chuyện như huyền thoại.
Chúng tôi hỏi bà Thục Oanh về chuyện riêng tư. Bà kể, năm 1965 trước khi đi B, có một bạn trai là thương binh Điện Biên. Khi điều trị vết thương thì quen nhau, chưa kịp có lời hò hẹn, mà lúc đó chuyện yêu nhau xấu hổ lắm, không nói nên lời. Thế rồi, anh ấy ở lại, lúc lên xe để tiễn chân thì đã muộn. Xe bắt đầu chuyển bánh ở cổng nhà xác 108, anh đỡ tay định bắt tay không kịp nên vứt cho bà một tờ giấy do anh viết sẵn từ nhà (có bài thơ kèm theo). Anh là người bị thương ở Điện Biên Phủ, khi bà Oanh chuyển công tác thì người nhà giở tờ báo cáo phó đăng là: Anh đã chết do vết thương cũ tái phát (chết 14/7/1967). Năm 1976, tôi nhận một cháu làm con nuôi nhưng đến năm 1991 cháu bị bệnh hiểm nghèo, từ trần (nói đến đây, bà như nghẹn lại) một lúc rồi kể tiếp... Cuộc sống cứ theo thời gian, năm 1995 lấy một ông Việt kiều (quê Thanh Hóa), lúc đó bà đã 60 tuổi, cả hai tuổi cao nên không có con, nay ông ấy cũng đã đi xa (về miền cực lạc). Tôi cũng có cháu trai (con chị) là Liệt sĩ ở Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ.
        Chuyện kể của bà Trần Thị Thục Oanh, một người con của gia đình có nhiều đời theo cách mạng, đã từng trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ trên nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, có cay đắng, ngọt bùi của người quân y chống Pháp, chống Mỹ, luôn vươn lên người chiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú, hoạt động cách mạng, hoạt động xã hội - từ thiện, là tấm gương sáng về tình yêu thương con người vô bờ bến, hội viên cao tuổi của Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470, đơn vị hai lần anh hùng. Ở hội viên, Bác sĩ Quân y Trần Thị Thục Oanh có công với nước, ý chí, phẩm chất cao đẹp, vì nước, vì dân. Bà rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam, Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn Việt Nam. Năm nay 86 tuổi Trung tá - Bác sĩ - Thầy thuốc ưu tú Thục Oanh vẫn hoạt động không ngừng vì nghĩa tình đồng đội, vì " Thầy thuốc như mẹ hiền ". Bà vẫn giữ mối quan hệ thân tình với gia đình " Ông chủ lớn Đức Phương " kể cả khi ông công tác, khi ông về hưu và khi ông mất cho đến nay. Thật là trân trọng một Nữ chiến sĩ Trường Sơn Việt Nam tiêu biểu.

       Nhóm tác giả: Đậu Xuân Tường, Hoàng Kiền và Nguyễn Quốc Huy- Hội Trường Sơn Việt Nam.
         
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ BÀ TRẦN THỊ THỤC OANH



Đồng chí Trần Thị Thục Oanh trước khi vào chiến trường ( 1967).



Trung tá Bác sỹ, Thày tuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí đồng đội tại hội nghị điển hình tiên tiến toàn quân.



Bằng lái xe của Bà Trần Thị Thục Oanh do Cộng hòa Pháp cấp.



Trung tá Bác sỹ, Thày tuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh trao tặng 70 triệu đồng làm nhà tình nghĩa cho Nữ CSTS huyện Hoài Đức Hà Nội.



Trung tá Bác sỹ, Thày tuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh - Đại biểu tiêu biểu dự Lễ kỷ niệm Ngày QTPN 8-3 của Hội Nữ CSTS Việt Nam  tại bảo tàng Trường Sơn - Yên Nghĩa - Hà Đông -Hà Nội.



Trung tá Bác sỹ, Thày tuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh ( chống gậy)  - Đại biểu tiêu biểu Ngành Chính trị dự  gặp mặt truyền thông và kỷ niệm Ngày QTPN 8-3 tại Bảo tàng Trường Sơn - Yên Nghĩa - Hà Nội.






Trung tá Bác sỹ, Thày tuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh trao tặng quà làm nhà tình nghĩa cho  đồng đội Triệu Văn Từ CSTS huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên.





Trung tá Bác sỹ, Thày tuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh ( thứ 3 từ trái qua phải) thăm phu nhân và gia đình Thủ trưởng cũ " Ông chủ lớn" Nguyễn  Đức Phương - Đại tá, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 470 - Bộ đội Trường Sơn.


Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng  AHLLVTND thay mặt Lãnh đạo Hội TSVN trao tặng Bằng khen cho Trung tá Trần Thị Thục Oanh và các đồng đội Sư đoàn 470 nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội TS.


 
tin tức liên quan