NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN NĂM XƯA

Ngày đăng: 10:40 30/03/2020 Lượt xem: 598
 NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN NĂM XƯA

                                                              Ghi chép của Đoàn Ngọc Minh
                                                                   Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

          Tôi tìm đến chung cư phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng. Lên mãi tầng 5 (căn hộ riêng của đồng chí Thắng) gặp ông Như Ngọc Thắng, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Cao Bằng.
          -Mời đồng chí vào nhà! Ông Thắng vồn vã mời.                                   
          Căn hộ của ông Như Ngọc Thắng rộng chừng 70m2. Hai buồng, một phòng khách, bếp và công trình phụ. Mặt sau căn hộ nhìn ra dòng sông Bằng Giang thơ mộng, mùa hè hẳn là rất mát mẻ. Biết tôi đến tìm hiểu về người Cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa – một người lính công binh, ông Như Ngọc Thắng trầm tư:
-Nhanh quá đã qua đi 43 năm kể từ lần đầu tiên tôi thực hiện nhiệm vụ phá bom Từ trường... Thực ra bản thân tôi cũng như bao người lính khác tuổi trẻ ai cũng háo hức khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ngày ấy, đang học lớp 10 tôi đã viết đơn xung phong nhập ngũ để được góp công sức vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi ấy tôi mới 17 tuổi. Lần đầu tiên xa quê hương ở thôn An Đông, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương tôi cũng không khỏi bỡ ngỡ pha lẫn hồi hộp. Liệu mình có theo kịp đồng đội không? Mình sẽ vào mặt trận nào?... Sau mấy tháng huấn luyện chung ở ngoài Bắc, sau đó tôi được cử đi học lớp rà phá bom mìn 06 tháng. Đơn vị tôi hành quân vào Trường Sơn. Tôi được biên chế về tổ rà phá bom Từ trường thuộc Binh trạm 16, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, từ tháng 10 năm 1970 cho đến tháng 01 năm 1973…
          -Đồng chí hẳn có rất nhiều kỉ niệm về một thời là lính công binh? Nhìn gương mặt hơi gày vẫn còn in lại nét đẹp thời thanh xuân của anh, tôi gợi câu chuyện.
          -Vâng. Rất nhiều kỉ niệm. Ông Thắng mỉm cười: -Những ngày đầu nhận nhiệm vụ phá bom Từ trường tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ, phấp phỏng lo lắng như: nhỡ đâu mình chưa hoàn thành nhiệm vụ mà bị dính bom hi sinh rồi thì sao? Hay lúc vào phá bom mà bị trục trặc gì đó thì làm thế nào? Trong khi bầu trời Quảng Bình ngày đêm các loại như máy bay F4, F105, B52 của Mỹ gầm rú quần đảo rồi nhào xuống cắt những loạt bom đen true. Ngoài khơi thì Hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên nã pháo vào. Các đoàn xe quân sự, bộ đội ta hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam phải tìm chỗ ẩn nấp an toàn để hạn chế thương vong tối đa. Còn những người lính công binh rà phá bom mìn chúng tôi thì vừa phân công người đứng ở vị trí quan sát đếm bom rơi chưa nổ, người thì chuẩn bị các dụng cụ kĩ thuật đợi lệnh đi phá bom để kịp thông tuyến. Thú thật tôi cũng có tâm trạng thắc thỏm rất khó nói… Hôm ấy ở ngầm Thác Cóc đoạn ngã tư Thạch Bàn đi xuống. Tôi nhớ đó là đêm 02/9/1972, đúng vào ngày Tết Độc lập của dân tộc ta. Tổ phá bom Từ trường gồm có: đồng chí Lý Sinh Hồi lái xe phóng từ, tôi và đồng chí Đào Văn Vị là hai thợ phá bom. Xe chúng tôi xuất phát từ thôn Đông Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình nơi đơn vị đóng quân và trực phá bom từ phà Long Đại đường 15, đường 10 và đường 16. Hôm ấy địch ném bom dữ dội xuống ngầm Thác Cóc. Trong đó có bom Từ trường nhằm khống chế và chặn đường hành quân của ta vào Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là bằng mọi giá phải phá bom để thông đường càng sớm càng tốt. Xe chúng tôi đến ngã tư Thạch Bàn thì thấy barie ngăn không cho xuống ngầm. Tôi trực tiếp gặp đồng chí Khánh trực ở trạm. Đồng chí đưa chúng tôi xuống căn hầm chữ A gần đó và thông báo: “hiện dưới ngầm Thác Cóc và trên bờ cả thảy còn 24 quả bom chưa nổ. Vì vậy từ chiều đến giờ đã gần nửa đêm vẫn chưa có xe nào đi qua được. Các đồng chí phải khẩn trương thông đường vì xe quân sự và bộ đội ùn ứ tại đây rất đông nên rất nguy hiểm do không  đủ hầm để tránh bom”. Đồng chí Khánh vừa nhìn từng người trong tổ phá bom vừa nói. 
     Lần đầu tiên làm nhiệm vụ phá bom lại nghe số bom chưa nổ khá nhiều tôi cũng sởn cả da gà. Anh Thắng đỏ mặt cười.
          -Đề nghị các đồng chí cho một y sĩ trực đề phòng có thương vong xảy ra. Thắng đưa ra ý kiến.
          -Được. Chúng tôi nhất trí. Đồng chí Khánh gật đầu.
          -Còn bây giờ tôi sẽ theo xe đi phá bom trước, đồng chí Đào Văn Vị ở lại. Nếu tôi có bị thương hay hi sinh thì đồng chí Vị sẽ tiếp tục thay tôi làm nhiệm vụ. Tôi bình thản nhìn Đào Văn Vị phân công.
          Trước khi ra khỏi hầm tôi nắm tay đồng chí Vị:
-Nếu tao có chết thì mày phá bằng thủ công như đã được học nhá!.
Đồng chí Vị nghẹn ngào:
-Đồng hương đi đi đừng gở miệng. Hãy thật cẩn thận nhá!.
Dưới ánh sáng của vành trăng hạ huyền ảo mờ, tôi ngước lên bầu trời đầy sao nhớ về miền quê yêu dấu. Giờ này hẳn là bố mẹ và các em đang yên giấc ngủ. Tôi và đồng chí Lý Sinh Hồi nhanh nhẹn trèo lên xe phá bom. Tôi vào buồng máy, đồng chí Hồi lái xe. Đêm nay sao yên tĩnh quá! Tiếng máy nổ AB4 ồn ã phá vỡ màn đêm tĩnh lặng hiếm hoi. Tâm trạng tôi bồn chồn chỉ cầu mong xe và máy được an toàn. Khi còn cách ngầm khoảng gần năm mươi mét, tôi kêu: “dừng xe lại đi Hồi...chuẩn bị phá bom”. Tôi nói to. Theo đài quan sát báo từ trước thì điểm này có 04 quả ở trên bờ, tôi tính toán đếm dòng điện chạy qua khung dây từ 1 đến 8 rồi ngắt. “Oàng!”. Bom nổ. Đất cát bay rào rào tung cả lên nóc xe.
-Tiếp tục đưa xe xuống ngầm đi Hồi!. Tôi đã bình tĩnh hơn trong công việc thao tác kĩ thuật một cách chính xác. “Oàng!...Oàng!”. Liên tiếp hai quả bom nổi. Chúng tôi sung sướng nghe những tiếng bom nổ tiếp theo rồi thận trọng cho xe qua ngầm tiếp tục rà phá bom cho đến hết ngầm sang bờ Nam. Bỗng tôi lặng người đi, tim thắt lại vì gặp rất nhiều thương binh đưa từ chiến trường Quảng Trị ra.
-Khẩn trương lên Hồi ơi... Tôi giục. Lần này đến khu vực giữa ngầm tôi cho tăng dòng điện mạnh hơn để phóng từ phá những quả bom nằm ở xa hơn. Những tiếng nổ “oàng!...oàng!” liên tiếp. Những cột nước trắng xóa tung lên cao. Sóng vỗ vào bờ oàm oạp. Kết quả thành công thật tốt đẹp. Tôi rà đi rà lại cho chắc chắn.
- Không còn quả nào nổ nữa. Hồi, đưa súng cho tớ! Tôi ra lệnh rồi tôi vui sướng bắn ba phát súng báo hiệu thông đoạn đường từ ngầm Thác Cóc về ngã tư Thạch Bàn. Nhìn những đường đạn đỏ lừ vạch đường cong lên nền trời đầy sao, đồng đội ai cũng mừng vui. Lúc này có lẽ đã sang canh ba rồi. Tôi nghe có tiếng gà gáy xa xa. Lúc này tôi mới thấy thấm mệt. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm pha lẫn tự hào. Chúng tôi nhận những cái bắt tay rất chặt, những lời chào tạm biệt của hàng quân oai hùng đi vào tuyến trong:
-Cảm ơn!...Chào nhé quê ơi...hẹn gặp lại! Hình ảnh ấy cứ lắng đọng mãi trong tôi cho đến tận bây giờ và tôi cũng không khỏi chạnh buồn. Trong số đoàn quân ra trận đêm ấy không biết ai đã trở về, ai phải nằm lại nơi chiến trường khốc liệt...
          Gần sang. Xe của tổ phá bom chúng tôi về đến ngã tư Thạch Bàn – nơi đồng chí Khánh trực. Tôi báo cáo tổ đã hoàn thành nhiệm vụ. Dưới ánh sáng lờ mờ, trước mặt tôi hiện ra một người lính cao lớn, đội mũ sắt. Đồng chí Khánh vội giới thiệu:
-Đây là thủ trưởng Đồng Sĩ Nguyên! Tôi vội dơ tay chào Thủ trưởng. Thủ trưởng Nguyên hỏi tên chúng tôi rồi bắt tay động viên và căn dặn:
-Các đồng chí làm tốt lắm! Tuy nhiên, các đồng chí phải gìn giữ thật cẩn thận chiếc xe này. Cả tuyến hiện chỉ có duy nhất chiếc xe này thôi đấy! Quý lắm! Tôi tuân lệnh và xin phép lên xe về đơn vị. Hôm sau, tập trung tại Hội trường, đơn vị tặng cho tổ phá bom chúng tôi (Thắng, Hồi, Vị) mỗi người một cuốn sổ tay. Tôi lật ra thấy ghi dòng chữ:
          Tặng đồng chí Như Ngọc Thắng
          Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phá bom Từ trường
          Đêm ngày 02 tháng 9 năm 1972 (có đóng dấu Binh trạm 16).

          Từ lần phá bom đầu tiên đó, chúng tôi còn tham gia những lần phá bom khác cho đến khi tôi chuyển đi nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 529, Sư đoàn 473 Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
          -Đồng chí ở Binh trạm 16 cho đến khi ra Bắc? Tôi hỏi.
          -Không. Sau khi giải phóng miền Nam, đơn vị tôi vào mặt trận Biên giới Tây Nam chiến đấu. Đến tháng 02/1979, chiến tranh Biên giới phía Bắc, Trung đoàn 529, Sư 311 của chúng tôi lại hành quân ra Bắc thuộc Quân đoàn 26 Quân khu I đóng tại huyện Thạch An, Cao Bằng. Sau khi chiến tranh Biên giới kết thúc tôi làm Trạm trưởng trạm sửa chữa xe máy thuộc Ban Kỹ thuật Trung đoàn 529, Sư đoàn 311 Quân đoàn 26 mang quân hàm Trung úy... Đến năm 1986 tôi xin chuyển ngành về Công ty Thương mại Tổng hợp tỉnh Cao Bằng và xây dựng gia đình. Vợ tôi là người huyện Thạch An. Chúng tôi có hai con trai. Hiện các cháu đều đã có công ăn việc làm. Cháu lớn đã có gia đình. Năm 2004, tôi nghỉ hưu về mở Doanh nghiệp Xây dựng Vận tải tư nhân Bảo Thắng. Nói tới đây, gương mặt ông Thắng thoáng buồn. Vợ chồng ông vì nhiều lí do nên đã chia tay nhau.
          -Cuộc đời của đồng chí cũng chinh chiến rất nhiều, vào Nam ra Bắc. Cũng may chiến tranh qua đi và đồng chí may mắn trở về. Tôi vui vẻ bắt tay ông.
          -Không đâu đồng chí ạ...Tôi bị nhiễm chất độc da cam tỷ lệ 61% đấy! Ông Thắng nén hơi thở dài.
          -Thế ạ! Các chế độ chính sách đồng chí vẫn được hưởng đầy đủ chứ? Tôi lại hỏi.
          -Có. Nói chung chúng tôi đều được quan tâm đầy đủ. Ông Thắng gật đầu.
          -Vậy lúc thành lập Doanh nghiệp chắc anh cũng phải đầu tư lớn lắm? Tôi thăm dò.
          -Vâng, cũng khá chật vật. Ki cóp cả đời cộng thêm vốn vay ngân hàng vào khoảng 3,5 tỷ đồng. Tôi đầu tư mua sáu ô tô tải, một xe năm chỗ ngồi và phải lo chi trả lương cho trên ba mươi công nhân mỗi tháng. Cũng may, công việc làm ăn hồi ấy suôn sẻ. Cuộc đời tôi như con ong thợ cứ mải miết làm ăn, kiếm sống bằng sức lực của mình. Đến năm 2010, do ảnh hưởng chất độc da cam tái phát, sức khỏe yếu đi nhiều nên tôi cũng nghỉ làm Doanh nghiệp và tham gia sáng lập Ban Liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tại Cao Bằng. Đến 2017, được đồng đội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Trường Sơn  tỉnh Cao Bằng cho đến nay.
Trong thời gian quân ngũ, Trung úy Như Ngọc Thắng đã được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng; 3 Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang...Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Chỉ tiếc rằng đến nay ông Như Ngọc Thắng vẫn chưa làm thủ tục đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công. Với những thành tích đã đạt được trong thời kỳ chiến tranh thì ông hoàn toàn xứng đáng được tặng thưởng cao quí đó.
Với cương vị Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Cao Bằng, ông luôn quan tâm đến các hội viên, đặc biệt là các hội viên già yếu là thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam. Ông Thắng đã lặn lội về các làng, bản xa xôi để trực tiếp nắm hoàn cảnh khó khăn của đồng đội. Trong những năm qua, Hội đã làm các thủ tục đề nghị Hội Trường Sơn Việt Nam hỗ trợ xây dựng được trên 40 căn nhà tình nghĩa.
Chia tay ông Như Ngọc Thắng, trong tôi dấy lên niềm xúc động và cảm phục người lính công binh Trường Sơn của một thời đạn bom. Nay ông vẫn giữ vững được bản chất Bộ đội Cụ Hồ tận tụy với công việc, hết lòng vì đồng đội.
 
         
 
         
 
 
 
 

tin tức liên quan