Nhiệm vụ biệt phái

Giờ đây đã bước sang tuổi thất thập, nhưng niềm vui sướng và tự hào khi có mặt trong thời khắc lịch sử của đất nước vẫn vẹn nguyên trong ánh mắt của chiến sĩ lái xe Trường Sơn Dương Quang Lựa. Ông nguyên là lái xe của Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tháng 3-1975, Sư đoàn 571 nhận được lệnh rút toàn bộ lực lượng từ nước bạn Lào về đóng quân tại Quảng Trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Các xe trong biên chế của đơn vị được đưa vào vị trí an toàn và thuận lợi nhất, lái xe cũng luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Một buổi chiều cuối tháng 4-1975, lái xe Dương Quang Lựa được Trung đội trưởng Thêm gọi lên giao nhiệm vụ đi tăng cường cho một đơn vị tăng thiết giáp. Ông kể: “Trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi, anh Thêm cho biết do yêu cầu của đơn vị tăng thiết giáp đề nghị tăng cường 1 xe, 1 lái, nên sau khi thống nhất trao đổi trong chỉ huy đại đội các anh đã chọn tôi đi làm nhiệm vụ biệt phái. Còn nhiệm vụ cụ thể là gì khi đến đơn vị mới sẽ nhận. Tôi linh cảm đây là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu giữ bí mật nên cả người giao và người nhận, cả người dẫn đường đều chưa được biết. Trước khi rời đơn vị, Đại đội trưởng Xướng còn kịp đưa cho tôi một mảnh giấy và dặn tôi nhét vào trong túi áo. Mặc dù hơi vội nhưng tôi vẫn kịp mở ra xem. Trong đó là mấy dòng viết vội: Họ tên: Dương Quang Lựa; quê quán: Mỹ An-Lục Ngạn-Hà Bắc; nhập ngũ tháng 4-1970; đơn vị: C5-D964-E512-F571-Đoàn 559. Đọc xong tôi sững người, lặng đi vài phút và chợt nghĩ đến điều chờ đợi mình phía trước... Song tôi cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, Tổ quốc đang cần có nề gì. Thế là tôi lên xe, nổ máy và theo chiếc xe Zeep dẫn đường.

Gặp người lái xe vận tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập
Ông Dương Quang Lựa (bên phải) trao đổi với phóng viên. Ảnh: Tuấn Tú

Đến vị trí tập kết của đơn vị xe tăng, tôi lùi xe vào vị trí an toàn, rồi mang theo khẩu AK đi theo hai đồng chí cán bộ vào căn hầm hình vuông không có mái che. Trong hầm có khoảng 10 người. Dù lúc này trong rừng cao su trời bắt đầu tối, nhưng tôi vẫn nhận ra có một người khoảng 50 tuổi. Thấy chúng tôi bước vào, người đó đứng lên và nói: “Tình hình thế nào?”.

Một trong hai đồng chí đi cùng tôi báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ, rồi chỉ sang phía tôi giới thiệu là lái xe tăng cường cho đơn vị. Ngay lúc đó tôi cũng nhận ra đây là người chỉ huy cao nhất của đơn vị tăng, nên lập tức chào theo điều lệnh và báo cáo có mặt. Chúng tôi ngồi trên những hòm đạn đã được kê sẵn, cả căn hầm ngồi im nghe ông giao nhiệm vụ: “Theo chỉ thị của trên, mũi thọc sâu của chúng ta đánh theo hướng chính diện. Chúng ta hình thành một mũi gồm 5 xe tăng và một xe vận tải chở các đồng chí đặc công. Mục tiêu là đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Còn nhiệm vụ là đánh lướt qua để mở đường cho các đơn vị phía sau tiêu diệt địch. Các đồng chí tùy thuộc vào nhiệm vụ của từng người, chuẩn bị lần cuối để chờ lệnh. Riêng đồng chí lái xe của đơn vị bạn, đồng chí hãy cố gắng để cùng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Sau đó tôi về lấy chiếc chiếu nilon trải xuống gầm xe để ngủ và không quên khẩu AK để sẵn bên mình. Lúc bấy giờ trên bầu trời sáng rực do bọn địch bắn pháo sáng liên tục. Khi tôi còn đang loay hoay chưa kịp nằm xuống thì có lệnh nhanh chóng chuẩn bị để xuất phát. Tôi được đưa cho một băng nửa đỏ nửa xanh-là màu cờ của Quân Giải phóng để đeo vào cánh tay trái; một lá cờ giải phóng để cắm vào đầu xe ô tô. Trong lúc đó các đồng chí đặc công cũng đã lên xe. Tôi được cho biết: Trên xe có tất cả 40 chiến sĩ đặc công. Nhiệm vụ của tôi là đưa họ bám theo xe tăng mà đi. Xe không được bật đèn, sẽ có người dùng đèn pin làm hiệu lúc đi hoặc dừng.

Gặp người lái xe vận tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập
Chiến sĩ lái xe Dương Quang Lựa và chiếc xe biển số CE1283 có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975.

Nghe xong, tôi nhanh chóng lên xe nổ máy và nâng hết kính chắn gió của xe lên để nhìn đường cho rõ. Trong buồng lái, cùng ngồi với tôi là hai người, tôi đoán họ là chỉ huy. Đúng giờ, đội hình xuất phát. Ba xe tăng đi trước, đến xe tôi và phía sau là hai xe tăng khóa đuôi.

Mũi tiến quân của chúng tôi ra khỏi bìa rừng khoảng 2km thì gặp một con đường đất. Giữa lúc này, tôi nghe thấy tiếng ô tô, tiếng xe tăng, tiếng đạn pháo vang lên. Bên phải, bên trái là những đường đạn bắn xối cả đan chéo vào nhau. Bỗng nhiên cả mũi dừng lại và được lệnh chiến đấu ngay lập tức. Tôi dừng xe, anh em đặc công trên thùng xe đồng loạt nhảy xuống dàn thành đội hình chiến đấu chống trả và tiêu diệt quân địch. Cùng lúc ấy, một viên đạn bắn trúng người chỉ huy ở xe tôi. Tôi vội xé cuộn băng cá nhân băng cho anh nhưng không kịp vì vết thương vào chỗ hiểm. Anh đã hy sinh. Tôi cõng anh về xe và cùng đồng đội đưa anh lên thùng xe. Chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu và truy kích địch. Mặc dù trong đêm tối, tôi vẫn nhìn thấy những tên địch ở hai bên bìa rừng qua ánh chớp của đạn pháo. Đối với tôi, một người lính lái xe Trường Sơn đã trải qua bao nhiêu mùa vận chuyển, vượt qua nhiều trọng điểm dưới làn bom của B52, đi dọc tuyến hành lang của đường dây 559 đưa hàng vào mặt trận, thế mà giờ đây tôi mới thực sự giáp mặt với kẻ thù. Hai bên chiến đấu khoảng 30 phút thì tiếng súng tạm thưa dần. Chúng tôi được lệnh tiếp tục hành quân, với nhiệm vụ đánh lướt các mục tiêu thứ yếu và nhanh chóng thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu càng sớm càng tốt”.

Chiến sĩ lái xe thành lính bộ binh

Trên đường đi, đội hình liên tục phải chiến đấu. Có lúc vừa đi vừa đánh địch phía trước và phía sau, với các ổ đề kháng của địch bố trí nằm sâu hai bên đường. Xe của ông Lựa cùng các chiến sĩ đặc công phải di chuyển và chiến đấu vô cùng vất vả. Theo lời kể của CCB Dương Quang Lựa, các chiến sĩ đặc công còn kê cả khẩu trung liên lên nóc cabin xe ô tô để tiêu diệt địch phía trước. Đến sáng 30-4, đội hình thọc sâu tới cầu Sài Gòn thì gặp phải ổ đề kháng mạnh của địch. CCB Dương Quang Lựa kể tiếp: “Cái nắng của Sài Gòn vào lúc gần trưa càng khiến chúng tôi thấm mệt. Quần áo ướt đẫm mồ hôi và máu. Lúc chiến đấu, chúng tôi chỉ biết lợi dụng ụ đất gần đó hoặc di chuyển quanh xe tăng để tránh đạn. Từ lúc nào với khẩu AK trong tay, tôi gần như đã trở thành người lính bộ binh thực sự. Đang chiến đấu thì mũi tiến công gần như hết đạn, chúng tôi phải chiến đấu cầm cự và bắn tiết kiệm đạn để chờ xe bọc thép đến tiếp đạn. Trong lúc đó, tôi bò lại xe của mình để kiểm tra các bộ phận chủ yếu và nổ máy cho xe tiến vào khoảng trống của hai xe tăng ở cuối đội hình để tránh đạn, sau đó tiếp tục cùng đồng đội tiêu diệt địch phía trên cầu.

Gặp người lái xe vận tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập
Cựu chiến binh Dương Quang Lựa  và vợ, cũng là chiến sĩ Trường Sơn tại nhà riêng.

Bất ngờ, có tiếng nổ ở ngay trước đầu xe tôi. Tôi vội chạy đến thì một pháo thủ xe tăng đã bị thương. Tôi rút cuộn băng cá nhân để băng vết thương cho anh. Song nhìn lại thì thấy một lốp trước của xe mình bị xẹp do mảnh đạn cối vừa rồi. Không còn cách nào khác, tôi nhanh chóng dùng kích để kích xe, tháo bánh sau để lắp vào bánh trước, cho xe chạy 5 bánh. Trong lúc tôi thao tác, các pháo thủ và mọi người vẫn tiếp tục chiến đấu, yểm trợ cho tôi. Mọi việc vừa xong thì xe bọc thép tiếp đạn cũng vừa tới. Chúng tôi sung sướng vui mừng, nhanh chóng nạp đạn và nổ súng áp đảo kẻ thù còn ngoan cố. Biết không thể kháng cự tiếp, quân địch tháo chạy. Chúng bỏ lại hai xe tăng đứng song song trên cầu làm vật cản, hòng chặn đường tiến quân của ta. Không chần chừ, hai xe tăng của ta xông lên, dùng dây cáp kéo một chiếc xe tăng của địch sang một bên mở đường tiến”.

Vậy là mũi tiến công vượt cầu Sài Gòn tiến thẳng vào trung tâm thành phố. Khi xe của Dương Quang Lựa lao qua cầu vào thành phố, đến Dinh Độc Lập cũng là lúc chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh. Xe của Dương Quang Lựa kịp đến đỗ ngay bên cạnh. Lúc này ngoảnh nhìn lực lượng trên xe của mình, Dương Quang Lựa thắt lòng khi thấy chỉ còn khoảng dưới 10 người. Như vậy, tính từ lúc xuất phát cho đến cầu Sài Gòn, những chiến sĩ đặc công đã lần lượt ngã xuống hơn 30 người.

Lái xe Dương Quang Lựa và những chiến sĩ đặc công còn lại tiến lên tầng 2 thì được thông báo, ta đã cắm được cờ rồi. Các lực lượng không lên nữa mà đứng chặn vòng ngoài không cho nhân dân vào. Họ nhanh chóng quay trở ra, nâng cánh cổng sắt mà chiếc xe tăng vừa húc đổ, lấy dây thép buộc lại rồi đứng gác ở đó không cho dân tràn vào.

Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, ông Dương Quang Lựa không khỏi xúc động: “Rất nhanh sau đó, xe tăng từ các hướng và các đơn vị lần lượt tới đỗ ngoài hàng rào bao vây xung quanh Dinh Độc Lập. Trong lúc đó, các đồng chí chỉ huy đang ở trên lầu làm việc với tổng thống Dương Văn Minh để chuẩn bị đưa sang đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Còn chúng tôi, người nào người nấy quần áo hòa lẫn cả mồ hôi và máu, khuôn mặt sạm nắng đứng quây quần, ôm lấy nhau bên trong sân Dinh Độc Lập. Mặc dù chẳng ai trong chúng tôi biết tên tuổi của nhau vì chúng tôi là những người lính đi đánh phối thuộc. Duy nhất trên cánh tay, chiếc băng hiệu nửa đỏ nửa xanh là màu cờ của Quân Giải phóng miền Nam cho thấy chúng tôi là đội quân thống nhất. Tấm băng ấy còn gắn mãi và lắng lại trong ký ức của những người lính có mặt trong giờ phút lịch sử cách đây 45 năm!”...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau ngày giải phóng chừng vài tháng, chiếc xe mang biển số CE1283 cùng một số vật dụng cá nhân khác như chiếc bạt có dính máu, khẩu súng AK… theo lệnh của cấp trên, được lái xe Dương Quang Lụa đưa đến bàn giao cho Ban tổ chức triển lãm mừng chiến thắng tại Giảng Võ (Hà Nội) rồi ông trở về đơn vị công tác. Sau này, trên cơ sở những tài liệu, hình ảnh lịch sử được lưu giữ, phiên bản chiếc xe đặc biệt này đã được phục chế thành công và đưa vào hệ thống trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hậu cần Quân đội. Chiếc xe đã trở thành hiện vật trực quan sinh động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Ông Lựa cho biết: “Từ ngày chiếc xe được trưng bày tại bảo tàng, năm nào cũng vậy, ít nhất một lần tôi cùng các con cháu đều đến tham quan. Thật sung sướng làm sao khi được tận mắt nhìn thấy phiên bản chiếc xe từng gắn bó với tôi vượt túi lửa Trường Sơn, có mặt trong thời khắc lịch sử của cả dân tộc nay trở thành một chứng nhân lịch sử. Vậy là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc”.

SONG THANH - HỒNG QUANG