Tướng Hoàng Anh Tuấn mà tôi biết - Ký của Phạm Thành Long
Ngày đăng:
08:45 29/04/2020
Lượt xem:
3.011
TƯỚNG HOÀNG ANH TUẤN MÀ TÔI BIẾT
Ký của Phạm Thành Long
Trường Sơn ngày ấy rộng lớn là thế, ác liệt là thế nhưng thật lạ. Nếu có sự kiện, có nhân vật gì đặc biệt là chỉ ít ngày sau gần như cả chiến trường đều biết. Sở dĩ có chuyện ấy là do hệ thống thông tin liên lạc của Trường Sơn không chiến trường nào có được. Điện thoại được nối tới tất cả các đại đội và tương đương trên toàn chiến trường Trường Sơn. Từ “Tổng hành dinh Trường Sơn” ngoài Quảng Trị, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên có thể nói chuyện với Trạm trưởng Trạm giao liên cuối cùng (T94) của Trường Sơn (giáp với chiến trường B2) hoặc một chốt giao thông của công binh Binh trạm 51 - Binh trạm cuối cùng của Trường Sơn một cách dễ dàng, bất kể lúc nào. Vì thế mà thông tin chính thống và cả thông tin “ngoài lề” đều được lính Trường Sơn “rỉ tai” truyền cho nhau một cách nhanh chóng.
Ngày ấy, tôi ở Tuyên huấn Sư đoàn 471 đóng mãi ở Nam Lào thế mà chẳng lạ gì chuyện họa sĩ Nguyễn Đức Dụ vẽ tranh ký họa nổi tiếng. Ngay cả chuyện anh có biệt danh là “Dụ toét”, bọn tôi đều biết cả. Hay chuyện anh Trần Võ cơ công của Phòng Tuyên huấn chả mấy khi gọi Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là Thủ trưởng. Thay vào đó anh Trần Võ chỉ xưng anh và em với Tư lệnh...vv và vv…
Thế nên ngày ở Trường Sơn, tiếng tăm về anh Hoàng Anh Tuấn đã nổi lắm rồi. Một chàng trai quê ở thị xã Sơn Tây đẹp trai, mới 26 tuổi đã là Chính trị viên tiểu đoàn ca nô nổi tiếng của Trường Sơn bảo đảm hậu cần trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; chuyện anh “cưa đổ” cô y sĩ “hoa khôi” của Cục Chính trị; chuyện anh mới 31 tuổi đã là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng một Trung đoàn công binh của Trường Sơn thì đương nhiên là tin giật gân, nóng hổi được lan truyền rất nhanh chóng rồi. Ngày ấy, bọn tôi đóng quân tận Sê Sụ - ngã ba biên giới mà còn biết rất nhanh “sự kiện” có một không hai ở Trường Sơn, thì các đơn vị ở phía ngoài khỏi phải nói rồi. Người ta còn đồn thổi anh là “con cưng” của cụ Nguyên?...
Nhiều người biết anh, hiểu anh thì không nghĩ thế. Con đường “quan lộ” của anh không hề nhận được sự nâng đỡ nào của cấp trên. Anh là một người lính chiến và có năng lực thật sự. Thực tế chiến trường ở Trường Sơn đã tôi luyện anh nhanh chóng trưởng thành dù tuổi đời rất trẻ. Ở Trường Sơn ngày ấy chả ai được ưu ái trong việc thăng cấp chức, quân hàm cả. Thế mà năm 1966, lúc chưa đầy 22 tuổi, anh đã là cán bộ đại đội (C1, D52, Binh trạm 32). Và anh cũng là cán bộ chủ chốt của Đại đội 1 có công xây dựng đơn vị trở thành đại đội ô tô đầu tiên của Trường Sơn được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (1/1/1967). Khi 24 tuổi anh đã là Chính trị viên phó tiểu đoàn…Ở Trường Sơn không có trường hợp thứ 2 được trao trọng trách như anh ở độ tuổi này. Anh đặc biệt là vì thế!
Tướng Hoàng Anh Tuấn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 10/8/2016 tại buổi tiếp và làm việc thân mật của Thủ tướng với Hội Trường Sơn Việt Nam.
Trường Sơn không hề ưu ái Hoàng Anh Tuấn. Chỉ có điều các đồng chí cán bộ chủ chốt của Tiểu đoàn 52, của Binh trạm 32, Binh trạm 14 và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã nhìn thấy năng lực thực sự ở anh để trao nhiệm vụ và thử thách, rèn luyện anh trong nhiều trọng trách mới. Và anh đã không làm họ thất vọng. Một thí dụ điển hình là: Ngày 2/5/1972, ta giải phóng hoàn toàn Quảng Trị. Ngày 28/6/1972, liên quân Mỹ ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 72A. Chúng tăng cường oanh kích hủy diệt Vĩnh Linh và các vùng bao quanh phía tây, tây tây bắc Đông Hà, Quảng Trị, dọc đường 9, Cồn Tiên, Dốc Miếu xuống Cửa Việt, Cửa Tùng… hòng chiếm lại Quảng Trị. Bảo đảm cho các lực lượng ở khu vực Quảng Trị, nhất là lực lượng bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị có đủ đạn dược, thuốc men, lương thực phẩm chiến đấu, bám trụ dưới mưa bom, bão đạn ngày càng khốc liệt là một việc khẩn cấp. Việc tiếp tế hậu cần bằng đường bộ đều bị Mỹ ngụy phong tỏa. Điều ấy làm đau đầu Bộ Tư lệnh TrườngSơn. Cuối cùng giải pháp nhanh chóng được đưa ra: Bộ đội Trường Sơn sẽ bảo đảm hậu cần bằng đường thủy. Tiểu đoàn cano 166 vận tải đường thủy của Bộ đội Trường Sơn được thành lập. Hoàng Anh Tuấn, đang làm phái viên của Cục Chính trị, Bộ đội Trường Sơn được “chọn mặt gửi vàng” làm Chính trị viên Tiểu đoàn 166. Từ một cán bộ chỉ huy tiểu đoàn ô tô, giờ lại được giao trọng trách chỉ huy một tiểu đoàn vận tải thủy trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và yêu cầu cấp thiết của chiến trường. Nhưng rồi với bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn của một cán bộ chỉ huy vận tải, Hoàng Anh Tuấn đã cùng với ban chỉ huy Tiểu đoàn 166 vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt của bom đạn, nhanh chóng tổ chức lực lượng, mưu trí, dũng cảm, có phương án vận tải thông minh, hợp lý… Hàng trăm chuyến cano của Tiểu đoàn 166 chở hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm suốt ngày đêm chi viện cho thị xã Quảng Trị và Thành Cổ, rồi chuyển thương bệnh binh từ Thành Cổ ra ngoài. Tiểu đoàn 166 đã bảo đảm hậu cần đầy đủ cho các lực lượng bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm của mùa hè 1972 dưới mưa bom của máy bay và pháo bầy bắn từ Hạm đội 7 ngoài khơi, thủy lôi dày đặc trên sông Thạch Hãn… Hoàng Anh Tuấn đã bị thương trong lúc trực tiếp chỉ huy chiến đấu vận chuyển trên dòng sông Thạch Hãn. Anh đã cùng Tiểu đoàn 166 thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao phó.
Năm 1974, trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng đường Trường Sơn cơ bản, 31 tuổi, Hoàng Anh Tuấn lại được giao nhiệm vụ Phó Chính ủy Trung đoàn công binh 515, rồi ngay sau đó là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất Trung đoàn. Trung đoàn 515 được giao nhiệm vụ tiếp nhận và sử dụng các thiết bị làm đường hiện đại mà Đảng và Nhà nước Cuba tặng Bộ đội Trường Sơn. Trung đoàn công binh 515 là đơn vị chủ lực của Sư đoàn công binh 473 xây dựng 78/100 km đường trải nhựa đầu tiên của Đường 14 - Đông Trường Sơn, góp phần phục vụ Chiến dịch Xuân 1975. Lần này Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn lại chọn đúng người, đúng việc để trao trọng trách. Phương thức chỉ huy và kỹ thuật ở E515 hoàn toàn khác với nhiệm vụ mà Hoàng Anh Tuấn vốn “quen thuộc” được đảm nhận trước đây. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh đã phải vượt qua biết bao thử thách, khó khăn. Với ý trí quyết tâm, với sự năng động, thông minh và ham học hỏi của một cán bộ trẻ, anh đã thành công và trưởng thành nhanh chóng trong môi trường mới.
Tướng Hoàng Anh Tuấn với Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tháng 1.2019. Ảnh chụp khi đoàn đại biểu Hội TSVN đến chúc Tết Trung tướng.
Có lẽ ngay từ những ngày đầu ngập ngũ (20/2/1961) và sau khi hoàn thành khóa lái xe cấp tốc, Hoàng Anh Tuấn đã may mắn được kèm cặp bởi người anh Trầm Minh Khâm (lái chính). Anh Khâm sinh năm 1930, quê Hội An, Quảng Nam. Anh nhập ngũ năm 1953, tập kết ra Bắc năm 1954. Anh Trần Minh Khâm là một người ít nói, cần cù, chịu khó, tỷ mỉ và đặc biệt bình tĩnh. Chiếc xe Gát 63 mang số hiệu BA3519 của hai anh em lúc nào cũng bóng lộn. Từ lái phụ lên lái chính rồi làm Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội phó kỹ thuật…Hoàng Anh Tuấn đều được làm việc “dưới trướng” của Trần Minh Khâm. Những phẩm chất tốt đẹp của Trần Minh Khâm (anh là Anh hùng lái xe đầu tiên của Trường Sơn, ngày 1/1/1967) đã ảnh hưởng rất nhiều đến phẩm chất và tính cách của Hoàng Anh Tuấn. Sau này, anh đã chân tình tâm sự: “…Cho đến bây giờ khi hồi tưởng lại chặng đường binh nghiệp của mình, tôi vẫn luôn nghĩ những gì tôi có được, phần nào cũng suất phát từ “đường đi nước bước” mà anh Trần Minh Khâm, chú Bang Hậu, anh Lữu, anh Tưởng…dẫn dắt tôi từ ngày đó…”. Còn tôi, tôi nghĩ: Ở đời có biết bao người được sống và làm việc “dưới trướng” những cán bộ có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Nhưng không phải ai cũng học được những phẩm chất tốt đẹp ấy của họ. Với Hoàng Anh Tuấn, anh đã học được và “học xuất sắc” những phẩm chất quý ấy từ những cán bộ chỉ huy của mình. Đặc biệt là phẩm chất tỷ mỉ trong công việc, bình tĩnh, sắc sảo xử lý tình huống trong mọi hoàn cảnh, chân tình trong ứng xử với đồng chí đồng đội… Chính những phẩm chất ấy đã giúp Hoàng Anh Tuấn vượt qua nhiều thử thách nặng nề và anh đã trưởng thành nhanh chóng. Một trong những phẩm chất hiếm có ở Hoàng Anh Tuấn mà không nhiều cán bộ chính trị có được, đó là anh có trí nhớ tuyệt vời. Ở Trường Sơn, Hoàng Anh Tuấn đã không ít lần vuốt mắt cho đồng đội. Anh không chỉ nhớ đầy đủ họ tên từng đồng đội, mà anh còn nhớ cả thôn, xóm, xã, huyện… của họ. Có người ở với anh thời gian không nhiều, nhưng anh vẫn có thể kể vanh vách đặc điểm con người và những kỷ niệm về họ. Các trọng điểm Lùm Bùm, Cố Mạc, Tà Khống, Văng Mu, Cua chữ A, đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê và nhiều trọng điểm ác liệt khác trên Đường 20 - Quyết Thắng, khu vực Bản Đông… Hoàng Anh Tuấn đều thuộc nằm lòng địa hình và những sự kiện, những câu chuyện xảy ra mà anh và đồng đội là người trong cuộc. Đọc cuốn hồi ký dày gần 400 trang của anh tôi vô cùng kinh ngạc về trí nhớ của anh. Hàng trăm tên người, tên đất và các sự kiện… như một cuốn băng video được anh “tua’ lại, hiển hiện, sống động trong hồi ức của anh. Có lẽ nhờ trí nhớ tuyệt vời ấy mà anh đã làm công tác chính trị thành công và được anh em, đồng chí, đồng đội quý mến, gần gũi. Đấy là một thế mạnh của anh - một cán bộ chính trị trẻ.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại Hội nghị BCH Hội TSVN lần thứ 3 nhiệm kỳ II
Tướng Hoàng Anh Tuấn có 46,9 năm quân ngũ. Trừ 5 năm đầu làm chiến sĩ, rồi Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội phó kỹ thuật. 41,9 năm còn lại anh là cán bộ chính trị từ cấp đại đội cho đến cấp chiến lược. Trong chiến tranh, anh có 14,3 năm chiến đấu và công tác trên chiến trường Trường Sơn. Bom đạn ác liệt, đối mặt với biết bao thủ đoạn hiểm độc của kẻ thù, khó khăn thiếu thốn và vô vàn cạm bẫy từ đại ngàn Trường Sơn đã “nhào nặn” nên một Hoàng Anh Tuấn có bản lĩnh kiên cường, một cán bộ chính trị giàu kinh nghiệm. Những vốn quý từ thực tiễn chiến đấu trên Trường Sơn ấy, lại được quân đội đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đã giúp Hoàng Anh Tuấn trở thành một cán bộ chính trị giỏi, có bản lĩnh vững vàng. 10 năm 6 tháng trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng ủy và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật về Chính trị cho tới khi nghỉ hưu, Tướng Hoàng Anh Tuấn đã cùng tập thể Ban Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật nhanh chóng xây dựng Tổng cục Kỹ thuật ổn định và phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ tái lập Tổng cục. Đặc biệt là việc xây dựng nền tảng cơ bản cho hệ thống quy định, quy chế chuyên ngành phù hợp đối với các đơn vị kỹ thuật của Tổng cục và toàn quân. Anh đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, quan tâm đến đời sống, các điều kiện và hoàn cảnh của đội ngũ cán bộ… Anh được anh em quý mến và đánh giá cao…
Biết tiếng tăm anh Hoàng Anh Tuấn từ ngày ở Trường Sơn. Những năm của thập kỷ 90, tôi và anh thỉnh thoảng có gặp nhau trong những lần họp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Nhưng phải đến năm 2007 thì tôi mới có dịp làm việc trực tiếp với anh khi tôi tham gia là Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Còn anh là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc. Cuối tháng 3 năm 2011, tôi và anh Hoàng Anh Tuấn có gần 7 ngày được sống bên nhau trong chuyến đi thăm chiến trường xưa, trở lại thăm đất nước Lào. Thời gian ấy đủ cho tôi thêm hiểu hơn phẩm chất, tính cách của một cán bộ trẻ của Trường Sơn năm nào mà tôi rất ngưỡng mộ nhưng mới chỉ được nghe người khác kể về anh. Từ tháng 5/2011, anh em chúng tôi thường xuyên làm việc với nhau ở Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Giống như nhiều cán bộ lãnh đạo của Hội, có thể nói Trường Sơn đã lặn vào trong máu thịt, trong hơi thở của anh. Anh đã và đang sống, làm việc tất cả vì Trường Sơn, cho Trường Sơn. Trong làm việc và trong cuộc sống, anh Hoàng Anh Tuấn không phải là tuýp người sôi nổi hăng hái thích kiểu bề nổi. Anh đầm tính và chân tình khiến người khác dễ gần. Ẩn chứa trong sự bình tĩnh và sự chân tình ấy của anh là sự sắc sảo và chịu nghĩ để tìm phương pháp tiếp cận vấn đề một cách tốt nhất, nhanh mà hiệu quả nhất. Đồng chí, đồng đội không bao giờ thấy anh cáu giận hoặc thể hiện sự không hài lòng ra mặt với ai bao giờ. Đấy là phẩm chất cần và quý ở một cán bộ chính trị. Anh em chúng tôi - những người gần gũi với anh vẫn rỉ tai nhau: Chị Cử vợ anh - “hoa khôi” của Cục Chính trị Trường Sơn ngày nào thì tính cách mạnh mẽ và quyết đoán. Còn anh thì ngược lại: Trầm tĩnh, sắc sảo nhưng nhẹ nhàng, ít biểu hiện qua lời nói…Tính cách “lửa” và “nước” của vợ chồng anh tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng hoàn toàn ngược lại. Họ biết chia sẻ và có nghệ thuật trong “giữ lửa tình yêu”. Vì thế anh chị có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc mà nhiều người mơ ước.
Ở Hội Trường Sơn Việt Nam, anh Hoàng Anh Tuấn là Phó Chủ tịch Thường trực Hội. Anh lại trực tiếp phụ trách mảng tuyên truyền - thi đua - văn học nghệ thuật. Vì thế gần 10 năm qua, hai anh em chúng tôi thường xuyên làm việc trao đổi công việc của Hội với nhau. Tôi vô cùng ấn tượng về sự gần gũi, chân tình, tình cảm của anh. Anh là vị tướng, còn tôi chỉ là một trung úy. Nhưng gọi điện thoại trao đổi công việc với tôi chả bao giờ thấy anh biểu hiện của cấp trên với cấp dưới. Câu đầu tiên mà tôi nhận được khi nghe điện thoại của anh là câu “Chú à!” chân tình và gần gũi. Nhưng chuyện ấy cũng chỉ là “râu ria” thôi. Điều mà tôi cảm phục thật sự ở anh là sự chịu nghĩ. Có nhiều việc tôi khá bất ngờ khi nghe ý kiến, quan điểm và những đề xuất của anh.
Ngay từ khi còn là Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, chính anh là người khởi xướng việc thành lập Ban Liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn; sau này, anh cũng là người nêu chủ trương tổ chức ra “Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn – quân tình nguyện Việt Lào” của Hội. Và anh cũng là người “đặt tên” cho nó. Từ thuở Ban Liên lạc toàn quốc cho đến cả nhiệm kỳ I của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, khi Hội chưa quyết định thành lập Ban Kinh tế của Hội, kinh phí hoạt động là vấn đề vô cùng nan giải. Với tâm huyết, với mối quan hệ bạn bè rộng rãi khi còn đang làm việc của mình, anh Hoàng Anh Tuấn là “chủ công” và hiệu quả trong việc kiếm tìm, vận động kinh phí cho Hội…
Hội Trường Sơn Việt Nam có 9 vị tướng tham gia Ban Chấp hành Hội. Tướng Trần Danh Bích và Tướng Nguyễn Bá Tòng đã sớm đi gặp Chính ủy Đặng Tính và Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên rồi. Hiện nay còn 7 vị tướng đang hoạt động cho Hội. Nhưng người từng chủ trì nhiều năm một trong những cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng thì duy nhất có Tướng Hoàng Anh Tuấn. Tôi cảm nhận rất rõ về tầm nhìn “chiến lược” của anh trong hoạt động của Hội. Đó không chỉ là kinh nghiệm mà còn ở năng lực, trình độ của anh. Việc anh quan tâm đề xuất xúc tiến mối quan hệ của Hội Trường Sơn Việt Nam với Lào, với Cuba đã thể hiện “tầm nhìn chiến lược” của anh…
Sau Đại hội nhiệm kỳ II của Hội (tháng 9/2016), cuối tháng 10 năm 2016, anh
gặp tôi và nêu ý kiến:
-Mình thấy anh em Trường Sơn nhiều người viết lách tốt lắm. Chú xem ta làm cách nào để tập hợp được đội ngũ này không?
-Bọn em đang đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cộng tác viên của Trang thông tin và Bản tin Trường Sơn đấy anh. Tôi bộc bạch.
-Nhưng đấy là số anh em có khả năng về báo chí. Nhiều anh em có khả năng về nhiếp ảnh, hội họa, văn nghệ… Liệu ta có nên thành lập Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn để tập hợp tất cả đội ngũ này được không? Anh hỏi.
Thú thật là tôi khá bất ngờ về ý tưởng của anh. Thành lập Hội văn học nghệ thuật Trường Sơn thì tôi chưa nghĩ tới.
-Ý kiến của anh rất hay. Em sẽ suy nghĩ thêm và viết Đề án trình bày với anh về ý tưởng độc đáo này. Tôi cười. Anh Tuấn cũng cười rất tươi và bắt chặt tay tôi.
-Thế là “ý tưởng lớn” gặp nhau rồi! Chú viết nhé. Nhưng nếu được, chú dự thảo luôn cả Điều lệ nữa. Theo mình thì khoảng cuối Quý I năm 2017 tổ chức Đại hội được thì tốt.
Tôi băn khoăn:
-Nhưng liệu Hội có đủ kinh phí để tổ chức Đại hội được không anh?
-Trong đề án chú dự kiến luôn cả chuyện kinh phí nữa nhé. Không sợ đâu. Nếu trên dưới khoảng 100 triệu đồng thì anh em mình tự lo được, không cần đến kinh phí của Hội đâu.
Lần này thì tôi chủ động bắt tay anh sau khi nghe sự khẳng định ấy từ anh.
Đề án thành lập Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn mà anh Hoàng Anh Tuấn và tôi trình bày đã nhận được sự hoan nghênh và đồng tình tuyệt đối của Thường trực Ban Thường vụ. Và, với mối quan hệ của mình, anh Hoàng Anh Tuấn đã “gọi” được tài trợ 2/3 số tiền hơn 120 triệu đồng cho Đại hội thành lập Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn. Và ngày 22/3/2017, Đại hội thành lập Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn đã thành công ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Sự phát triển tốt đẹp của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn gần 4 năm qua đã khẳng định quyết định đúng đắn và sáng tạo của Thường trực Ban Thường vụ. Mà người khởi xướng, người đỡ đầu mát tay của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn là Tướng Hoàng Anh Tuấn.
-“Tôi thấy Hội Văn học nghệ thuật” chỉ gắn với 63 địa danh của tỉnh thành phố thôi. Tôi chưa thấy có Hội Văn học nghệ thuật nào được gắn với một tên đơn vị quân đội như Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn của các đồng chí. Tính từ năm 2007 đến nay, các đồng chí đã xuất bản được 153 ấn phẩm các loại trong điều kiện như các đồng chí nói là “tay không bắt giặc”, thì đó là con số kinh ngạc, thật đáng ngưỡng mộ…”.
Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hải Phòng Đinh Thường đã phát biểu như thế khi đến dự Trại viết Đồ Sơn của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn, ngày 6/10/2019. Nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội cũng rất ngạc nhiên và khâm phục trước hoạt động ấn tượng từ Trại viết Đồ Sơn mà Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn tổ chức…
Chuẩn bị cho những hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, đầu năm 2019, anh Hoàng Anh Tuấn trao đổi với tôi:
-Chú xem liệu Hội ta có tổ chức được hoạt động văn hóa nghệ thuật nào lớn được không? Tôi băn khoăn:
-Nếu tổ chức Hội diễn thì liệu ta có kinh phí không anh?
-Hội đang huy động kinh phí cho hoạt động kỷ niệm 60 năm thì đã căng lắm rồi. Kinh phí cho hội diễn thì không có đâu. Nhưng nếu ta tổ chức hình thức Liên hoan ca múa nhạc cho từng khu vực thì chú thấy có được không? Anh nêu ý kiến thăm dò tôi.
-Em thấy hình thức này thì có vẻ hợp lý. Nhưng liệu những đơn vị đăng cai thì họ có kinh phí không ạ? Và liệu những đơn vị được chỉ định họ có nhận lời đăng cai không kia chứ? Tôi băn khoăn hỏi lại anh.
-Nếu về hình thức tổ chức mà chú thấy được thì những điều chú băn khoăn cứ để anh lo. Mà này, ta chỉ tổ chức ở 5 khu vực thôi nhé. Khu vực các Hội TS Tây Bắc, Khu vực Đông bắc, Khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Khu vực Bắc Miền Trung và Khu vực Miền Đông Nam Bộ. Tôi sẽ trực tiếp thuyết phục và làm việc với Hội TS các khu vực này. Chú xây dựng đề cương chi tiết tổ chức Liên hoan ca múa nhạc nhé. Chú nhớ mời nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ tham gia làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đấy.
Nghe ý kiến của anh, tôi thấy nhiều việc cốt yếu đã có lời giải.
-Vâng, anh. Nếu ta tổ chức thành công Liên hoan này thì sẽ ghi được dấu ấn đẹp về Hội Trường Sơn các địa phương anh ạ.
Anh bắt tay tôi:
-Mình cũng tin là thế. Ta cố gắng nhé! Anh động viên tôi.
Và như chúng ta đã biết, Liên hoan ca múa nhạc Trường Sơn 6 khu vực (từ 10/4 đến 12/5/2019) đã được tổ chức thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn đẹp tại các khu vực. Tại sao Liên hoan lại có 6 Khu vực? Trong khi làm việc với Hội TS thành phố Hà Nội, anh Hoàng Anh Tuấn đã “khích tướng” và động viên để Hà Nội nhận tổ chức Liên hoan riêng cho các đơn vị thành viên của Hội Trường Sơn Hà Nội và các đơn vị truyền thống trực thuộc Trung ương Hội. Kinh phí mà Hội hỗ trợ cho mỗi khu vực chỉ có 5 triệu đồng, nhưng hiệu quả thì thật ấn tượng. Anh Hoàng Anh Tuấn - người “sáng lập và tổng chỉ huy” một Liên hoan ca múa nhạc - thực chất là Hội diễn Văn nghệ Trường Sơn tại 6 khu vực với 40 đơn vị nghệ thuật tham gia mà kinh phí chỉ phải bỏ ra ngần ấy thật quá rẻ, còn hiệu quả thì thật lớn. Đúng là trong cái khó lại ló ra cái khôn! Cái “khôn” “ló ra” của anh Hoàng Anh Tuấn không ngẫu nhiên. Nó chính là kết quả của kinh nghiệm và tư duy năng động, năng lực tổ chức hiệu quả của một cán bộ giàu kinh nghiệm, có tầm nhìn và đầy nhiệt huyết như anh.
Tôi chỉ nêu ra hai việc thôi để chứng minh rằng, nếu ngày xưa ở Trường Sơn, ai đó cho rằng anh Hoàng Anh Tuấn gặp may lại gặp được cấp trên ưu ái thì họ nhầm. Anh là một cán bộ sắc sảo, có năng lực thật sự. Ở anh Hoàng Anh Tuấn còn có một phẩm chất đáng quý khác. Đó là sự khiêm nhường. Ai cũng nhận ra điều ấy ở anh. Khiêm nhường không có nghĩa là sự nhúm nhường giả tạo. Khiêm nhường là sự tôn trọng một cách có nguyên tắc. Ứng xử trong công việc của Hội, trong quan hệ cá nhân anh đều giữ được sự chừng mực cần thiết. Đặc biệt là sự tôn trọng đối với người lớn tuổi hơn mình dù cấp bậc, chức vị người ấy thua kém mình. Tôi là một người thẳng thắn. Nhiều lúc chứng kiến sự ứng xử của anh Hoàng Anh Tuấn tôi thấy mình cần phải tự điều chỉnh...
Còn rất nhiều ấn tượng tốt đẹp của tôi về Tướng Hoàng Anh Tuấn. Nhưng, chỉ với chừng ấy chuyện mà tôi vừa kể cũng đủ để tôi và nhiều đồng chí, đồng đội ấn tượng và cảm phục về anh - một cán bộ, một vị tướng trưởng thành từ Trường Sơn huyền thoại.
PTL
tin tức liên quan