Đại tá Hà Văn Sỹ - Tấm lòng của một Cựu chiến binh

Ngày đăng: 08:24 03/06/2020 Lượt xem: 1.307
Đại tá Hà Văn Sỹ - Tấm lòng của một Cựu chiến binh
(Nhóm tác giả: Dương Phương, Lê Công Thuận, Ngô Đức Hành)
 
         Như mạch nguồn trong trẻo chảy mãi, những chiến công trên đường Trường Sơn năm xưa và việc làm đầy ý nghĩa của Hà Văn Sỹ hôm nay đã thực sự truyền cảm hứng cho các lớp thế hệ trẻ. Hẳn đó cũng là cách để những câu chuyện dung dị mà có sức lan tỏa mạnh mẽ ấy còn mãi với thời gian, với năm tháng cuộc đời .
 
         Chỉ huy Tiểu đoàn vận tải ô tô 30 Bộ Tư lệnh Trường Sơn, ảnh chụp 8/1975. Hàng trước: Từ trái sang: Đậu Văn Duy - Chính trị viên phó Tiểu đoàn; Phạm Huy Chương – Tiểu đoàn phó; Hàng sau (từ trái sang)  Nguyễn Đức Trung – Tiểu đoàn phó; Hà Văn Sỹ - Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn;  Phạm Ngọc Thế -  Tiểu đoàn phó.  
           Người lính vận tải trên đường Trường Sơn huyền thoại: 
        Đại tá Hà Văn Sỹ sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Tùng Lộc, thuộc dòng họ có truyền thống văn hóa, khoa bảng, yêu nước và cách mạng. Năm 1962, ở độ tuổi 18 tràn đầy nhiệt huyết, Hà Văn Sỹ rời quê khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Ông bảo, cuộc đời ông vẻ vang nhất chính là được đứng trong đội ngũ trực tiếp chiến đấu giải phóng đất nước. Bởi vậy, dù khi được biên chế vào sư đoàn bộ binh 325 Bình Trị Thiên, năm 1964 tham gia đánh thắng trận đầu tại Quảng Bình, hay lúc đang học tại trường Sỹ quan Hậu cần, rồi tham gia trong Tiểu đoàn vận tải ô tô 90 (tháng 1/1966) mang biệt hiệu Mũi tên xanh - Tổng cục Hậu cần để chở pháo hỏa tiễn ĐKB, thuốc nổ Hexozen và đạn cối 120mm vào chiến trường miền Nam, ông đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… 
        Gần 10 năm làm cán bộ đơn vị ô tô vận tải trên tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh với cương vị cán bộ Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, vận chuyển đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho toàn lực lượng thuộc Đoàn 559 – Bộ tư lệnh Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh và tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang cho hầu hết các chiến dịch lớn, như: Mậu Thân năm 1968, đường 9 - Nam Lào năm 1971, chiến dịch xuân hè năm 1972 rồi chiến dịch mùa xuân năm 1975… Hà Văn Sỹ không thể nhớ hết những tình huống trên đường vận chuyển, những chuyến xe lấy đêm làm ngày… Trên khắp các nẻo đường Trường Sơn mà ông và đồng đội đi qua đều hướng tới đích chiến thắng. Năm tháng qua đi, mái tóc xanh ngày nào giờ cũng đã ngả màu nhưng con người ông thì vẫn trẻ trung, nồng ấm và đong đầy yêu thương khi nhớ về đồng đội, về một thời không thể nào quên. Bởi lẽ, ông may mắn trở về từ cuộc chiến, song còn biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống trước ngày toàn thắng.  
       Gặp ông, những người quen biết đều có cảm nhận, trong con người có vóc dáng “hơi thư sinh” và tầm thước ấy có một ý chí kiên cường, dũng cảm, mưu trí và bình tĩnh đến lạ thường, ông chưa bao giờ bị khuất phục bởi bất kỳ khó khăn nào trong các tình huống ác liệt, cam go gặp phải trong việc lãnh đạo đơn vị vận tải trên chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh vô cùng ác liệt đến mức tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra.

 
 Đoàn xe trên đường Trường Sơn (Ảnh minh họa)
          Những năm 1966 đến tháng 4 năm 1975  trên chiến trường Trường Sơn rất ác liệt, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn đánh phá nhằm thực hiện cuộc chiến tranh ngăn chặn hòng cắt đứt con đường huyết mạch của chúng ta chi viện cho chiến trường miền Nam và các chiến trường khác trên bán đảo Đông Dương. Với cương vị là Cán bộ chỉ huy, từ 1971 là Chính trị viên kiêm Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn ô tô vận tải (D30), công việc phức tạp, địa bàn hoạt động rộng, hiểm trở, đặc biệt là sự thử thách giữa cái sống và cái chết,  ông tổ chức học chính trị trong toàn Tiểu đoàn, quán triệt quan điểm đường lối chiến tranh của Đảng, nói rõ vai trò quyết định của tuyến 559, chi viện chiến lược đối với sự nghiệp Cách mạng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt sự gần gũi, thân tình, tình thương yêu và sự quan tâm của ông đối với cán bộ chiến sĩ trong đơn vi… Từ đó tinh thần chiến đấu của Bộ đội khác hẳn, quyết tâm cao, hiệu xuất vận tải đạt 90% trở lên. Trong chiến đấu ông luôn lấy công tác tư tưởng, tổ chức và biện pháp thực hiện là yếu tố đảm bảo, vì vậy tỉ lệ thương vong, tổn thất về người và phương tiện luôn ở mức tối thiểu so với đơn vị vận tải khác trong chiến trường.            
         Kết thúc chiến tranh ông được tặng thưởng 3 Huân chương chiến công các loại và 2 Huân chương Giải phóng hạng 3, một Huân chương khánh chiến chống Mỹ cứu nước cùng nhiều Huân, Huy chương, huy hiệu khác và ba lần được bầu là Chiến sĩ thi đua.

 
         Ban Thường vụ Đảng ủy và chỉ huy Cục xăng dầu do Đại tà Lưu Vĩnh Cường-  Cục trưởng; Đại tá Hà Văn Sỹ - Phó cục trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy; Đại tá Nguyễn Văn Thẩm UVTV, Phó Cục trưởng báo cáo Đại tưóng Võ Nguyên Giáp về công tác đảm bảo xăng dầu theo cơ chế thị trường thời kỳ đổi mới đất nước. trong ảnh từ trái sang Lưu Vĩnh Cường, Võ Nguyên Giáp, Hà Văn Sỹ, Nguyễn Văn Thẩm. (tháng 5/1993)
          Sau chiến tranh ông được Đảng, Nhà nước, quân đội cho đi học đào tạo và học nâng cao tại một số trường trong và ngoài quân đội và được giao nhiều trọng trách là cán bộ lãnh đạo Trung đoàn, cán bộ cơ quan chiến lược đến phó Cục trưởng về chính trị kiêm Bí Thư Đảng ủy Cục xăng đầu. Dù ở cương vị nào trong hoàn cảnh và điều kiện nào ông cũng đưa hết lực trí tuệ và đề cao trách nhiệm hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ. Ông sống chân thành, giản dị, kính trọng cấp trên, thương yêu giúp đỡ cấp dưới, hòa mình với tập thể. Ông có cuộc sống lành mạnh trong sáng và luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Cần, kiệm,liêm chính chí công vô tư. Chính vì vậy mà ông được cấp trên và cán bộ chiến sĩ đơn vị quý trọng yêu mến và tin tưởng...

 
         Đại tá Lưu Vĩnh Cường  – Cục  trưởng;  Đại tá Hà Văn Sỹ Phó cục tưởng về chính trị - Bí thư Đảng ủy Cục xăng dầu báo cáo  Tổng Bí thư Đỗ Mười (có sự tham dự của Trung tướng Trần Trác- Phó Chủ nhiệm Tổng cục về chính trị - Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hầu cần)về đổi mới phương thức đảm bảo xăng đàu cho quân đội trong thời kì mới và kết quả viết lịch sử ngành xăng dầu Quân đội (Tập 1: 1945- 1954) và mời Tổng Bí thư viết lời giới thiệu.(8/1993)
         Trong ảnh từ trái sang: Trung tướng Trần Trác, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tá Lưu Vĩnh Cường, Đại tá Hà Văn Sỹ
 
         Nặng lòng với quê h
ương 
         Ngoài hoạt động trên lĩnh vực quân sự nói đến Hà Văn Sỹ người ta còn biết đến ông là một người hoạt động và nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là văn hóa dòng họ. một số nhà chuyên môn nhận xét về ông: Đằng sau nụ cười hiền và hóm hỉnh ấy Hà Văn Sỹ còn là cả một kho tàng văn hóa phong phú…Bước vào địa hạt văn hóa từ năm 1987 bằng công trình nghiên cứu về các dòng họ Việt Nam, để rồi từ đấy, ông bắt đầu rẽ sang con đường khảo cứu đầy lặng lẽ, bền bỉ… 
      Có thể nói, ở cương vị công tác nào, dù là Cán bộ quân đội hoặc khi làm công tác văn hóa thì chất lửa và chất lính Trường Sơn vẫn luôn ngời sáng trong cựu binh Hà Văn Sỹ… Đi, đọc và suy ngẫm, Hà Văn Sỹ đã xuất bản được 7 cuốn sách với khối lượng tư liệu đồ sộ cùng sự khổ công lao động miệt mài. Điển hình như cuốn: “Cuộc tìm kiếm hài cốt Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập”, “Họ Hà - các nhà khoa bảng, các nhân vật lịch sử, văn bia”, “Nhân vật lịch sử họ Hà”, “Nhân vật lịch sử họ Hà Nghệ TĩnhBốn vị Danh thần, Danh nhân họ Hà Nghệ Tĩnh, Họ Hà ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.Tham gia làm 3 bộ phim Danh nhân đất Việt, 3 phim tư liệu lịch sử… 
      Từ năm 1992 đến nay, ông đã phối hợp với Sở Văn hóa - TT&DL cùng Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành làm hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho cụm đền thờ, bia Sùng chỉ, phần mộ Tiến sĩ Hà Tông Mục và 7 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh – thành phố, gồm: khu lăng mộ tướng quân Hà Mại, Lăng mộ tướng quân Hà Tông Chính, Khu lăng mộ Hoàng giáp Hà Công Trình, cụm di tích nhà thờ họ cùng phần mộ của hương cống Hà Huy Quang, công trình nhà thờ họ Lương ở xã Tùng Lộc và di tích chùa Minh Thịnh…
Đại tá Hà Văn Sỹ (phát biểu) là Chủ tịch Hội đồng hương Can Lộc tại Hà Nội
        Đặc biệt, ông còn là người góp phần vào cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Sau 8 năm vất vả tra tìm tư liệu lịch sử, nhân chứng với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh và Thành phố Hồ Chí Minh, mãi đến cuối năm 2009, ông mới đạt được tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời mình: góp một phần công sức để tìm kiếm và di dời hài cốt của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập về quê nhà.
         Không được đào tạo bài bản về quản lý văn hóa và di sản thế nên, phần lớn thời gian, ông đều tự học, tự tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Là Phó Chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký hội đồng họ Hà Việt Nam, gần 30 năm qua, ông luôn dành tâm sức và trí tuệ cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa của dòng họ Hà.  
       Bước chân của ông dường như đã in dấu hầu khắp các vùng miền của Tổ quốc. Đó là những năm tháng mà ông lăn lộn, trăn trở với di tích, với việc sưu tầm lịch sử trên con đường không lối mòn, lại lắm chông gai.  Ông bảo: Nghiên cứu, sưu tầm là công việc khó, đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết, bởi vậy, nếu chỉ có kiến thức, phương pháp luận thì chưa đủ mà còn cần cả niềm đam mê và sự nhẫn nại. Hà Văn Sỹ là vậy, giản dị, khiêm nhường. Trên lãnh địa văn hóa, ông chỉ tự nhận mình như con ong cần mẫn, lấy sự khổ công để bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, kinh nghiệm.  
        Không chỉ viết sách, nghiên cứu ông còn dành thời gian để truyền cảm hứng và tình yêu với lịch sử, văn hóa cho nhiều thế hệ. Hàng trăm đầu sách về văn hóa đã được ông quyên tặng cho các trường trên địa bàn Can Lộc, như là cách để ông tiếp lửa truyền thống cho các thầy cô giáo và các em học sinh…Nghỉ hưu ở thủ đô Hà Nội, vậy nhưng cứ đều đặn vài tháng một lần, người ta lại thấy ông có mặt ở quê để làm việc họ, để tỉ mẩn nghiên cứu, ghi chép, khảo cứu văn hóa…Ông cho rằng, nghiên cứu văn hóa trước hết phải bắt đầu từ văn hóa dòng họ. Bởi vậy, là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Hà ở Nghệ Tĩnh, hơn ai hết, ông luôn cố gắng tận dụng thời gian, trí tuệ và nguồn lực để tìm hiểu truyền thống hiếu học, lập thân, lập nghiệp của các bậc tiền nhân, từ đó làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng và cao hơn nữa, là để góp phần tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt. 
       Trong cuộc đời mình, Hà Văn Sỹ dường như rất ít khi bỏ lỡ bất cứ cơ hội để công hiến cho quê hương, đất nước. Cũng gần 30 năm qua ông tham gia hoạt động đồng hương huyện Can Lộc tại Hà Nội với vai trò ủy viên thường trực và 7 năm nay là Chủ tịch Hội đồng hương huyện tại Hà Nội, ông đã tích cực động viên con em quê hương hướng về quê nhà cội nguồn và đã đạt được một số thành quả nhất định. Ông cùng Hội đồng hương Can Lộc đã có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, chia sẻ, giúp đỡ một số gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Can Lộc,
        Là Thương binh hạng 3, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát, thế nhưng, đã 74 tuổi, dù chân có mỏi, song lòng vẫn sáng, trái tim vẫn tràn đầy nhiệt huyết với hành trình dọc miền di sản…Có lẽ, cuộc đời ông luôn gắn liền với những chuyến đi. Thời thanh niên sôi nổi là lãnh đạo chỉ huy đơn vị ô tô vận tải trên các cung đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Còn giờ đây, khi đã nghỉ hưu lại gắn đời mình với những chuyến sưu tầm, khảo cứu văn hóa.
        Như mạch nguồn trong trẻo chảy mãi, những chiến công trên đường Trường Sơn năm xưa và việc làm đầy ý nghĩa của Hà Văn Sỹ hôm nay đã thực sự truyền cảm hứng cho các lớp thế hệ trẻ. Hẳn đó cũng là cách để những câu chuyện dung dị mà có sức lan tỏa mạnh mẽ ấy còn mãi với thời gian, với năm tháng cuộc đời ./. 

tin tức liên quan