Người dành hơn nửa thế kỷ sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ tại nước ngoài
Người dành hơn nửa thế kỷ sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ tại nước ngoài
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Đó là ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Hơn 50 năm qua, ông miệt mài sưu tầm những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài với mong muốn gìn giữ để thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhắc nhớ và biết ơn vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Cơ duyên đáng nhớ
Được treo ở vị trí nổi bật và trang trọng trong căn phòng khách ấm cúng của vợ chồng ông Trần Ngọc Quyên và bà Lê Thị Thanh Nga tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các cháu thiếu nhi. Nghe kể, tôi mới biết, em bé mặc trang phục đồng bào dân tộc Thái trong bức ảnh chính là bà Lê Thị Thanh Nga. Đó là hình ảnh được lưu lại trong lần Bác Hồ đến thăm trường Käthe-Kollwitz-Heim, thị trấn Moritzburg, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957. “Lúc đó, đoàn thiếu nhi Việt Nam biểu diễn múa sạp đón Bác Hồ rồi mời Bác đi xem những khu vườn nhỏ mà chúng tôi tự tay chăm sóc. Đó là một ngày hội tưng bừng, đầy cảm xúc đối với các lưu học sinh Việt Nam lúc bấy giờ. Ai lúc ấy cũng muốn được gần Bác”, bà Nga hồi tưởng lại. Là lưu học sinh tại Đức, may mắn được gặp và chụp ảnh cùng Bác nhiều lần, nhưng không bao giờ bà Nga nghĩ mình có cơ hội lưu giữ được những tấm ảnh đó. Có lẽ cơ duyên gặp gỡ và kết hôn với chồng đã giúp bà tìm lại ký ức về thời niên thiếu, về những lần may mắn được gặp Bác Hồ.
|
Ông Trần Ngọc Quyên trao tư liệu về Bác Hồ tặng đại diện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. |
Chia sẻ về cơ duyên tìm thấy bức ảnh đó, ông Trần Ngọc Quyên cho biết: “Năm 2012, khi lang thang trong một thư viện ảnh ở Đức, vốn trong tâm niệm luôn muốn tìm hình ảnh về Bác, tôi tìm từ khóa “Chủ tịch Hồ Chí Minh” và thấy ảnh “Bác Hồ chụp cùng với lưu học sinh ở Đức” (1957), tôi nhận ra vợ mình hồi trẻ. Để chắc chắn hơn, tôi gửi tấm ảnh này cho bạn học cùng lớp của vợ và được xác nhận là đúng. Tấm ảnh được tìm thấy tại bảo tàng có dung lượng khá nhỏ, vì thế tôi đã đặt mua theo dung lượng mong muốn để đưa về Việt Nam”.
Đó là một trong số những kỷ vật quý mà ông Quyên tìm thấy trong khoảng thời gian hơn 50 năm ông sưu tầm hiện vật, tư liệu (văn bản, phim, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, tranh áp-phích và tem bưu chính...) về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nước ngoài. Mong muốn lưu giữ ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trỗi dậy trong ông Quyên, khi ông cùng các bạn du học sinh trường Đại học TU Dresden (Đức) thắp nén nhang thơm tưởng nhớ lúc Người qua đời năm 1969. Ông Quyên bồi hồi nhớ lại: “Ở Đức lúc đó, rất nhiều người Việt cũng như bạn bè quốc tế bày tỏ sự tiếc thương Bác Hồ. Ban Giám hiệu Trường Đại học TU Dresden, nơi chúng tôi theo học, đã đồng ý cho sinh viên Việt Nam lập ban thờ Bác. Ngày Bác mất, trên các sạp báo tại đây, hình ảnh và thông tin Chủ tịch Hồ Chí Minh tràn ngập trang nhất như sự tưởng niệm trang nghiêm mà nhân dân quốc tế dành tặng Người. Quá xúc động, tôi đã mua tất cả những tờ báo đó. Từ khi ấy, tôi bắt đầu đi tìm để sưu tầm những tư liệu về Người một cách bài bản”.
Bác Hồ trong trái tim nhân loại
Càng tìm hiểu tư liệu về Bác, ông Trần Ngọc Quyên càng cảm kích trước tấm lòng và tình cảm đoàn kết mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kính trọng và kính nể Bác Hồ được thể hiện rõ qua nhiều tư liệu ông Quyên sưu tầm. Ví dụ như tập tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức chuẩn bị đón Bác Hồ năm 1957, gồm hơn 300 đơn vị tài liệu có đủ các cấp duyệt và dự thảo cuộc gặp đó hơn 10 lần; hay năm 1960, một nhà báo Đức đã viết một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên “Hồ Chí Minh- một cuộc đời Việt Nam” được ông dịch ra tiếng Việt... minh chứng cho việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chinh phục được trái tim của người dân Berlin.
Cũng theo ông Quyên, Đức là đất nước duy nhất có Huy chương Hồ Chí Minh phát hành năm 1980 theo Quyết định của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1980). Ông cũng may mắn sưu tầm được 3 huy chương quý giá này. Ủy ban Đoàn kết của Cộng hòa Dân chủ Đức còn phát hành một số Huy hiệu Hồ Chí Minh hình tròn với kích cỡ và màu sắc khác nhau, nhưng đều có dòng chữ “Đoàn kết” in trên vành tròn bằng 3 thứ tiếng: Việt, Đức và Nga.
Ông Trần Ngọc Quyên cũng rất tự hào khi biết được ở Cộng hòa Dân chủ Đức có ít nhất 6 thành phố có Đường Hồ Chí Minh, 6 trường học được mang tên Bác.
|
Bác Hồ thăm CHLB Đức năm 1957. Trong ảnh, Bà Lê Thị Thanh Nga mặc trang phục dân tộc Thái. Ảnh: Tư liệu
|
Tiếp tục miệt mài sưu tầm tư liệu về Bác
Dành hơn nửa cuộc đời sưu tầm những tư liệu về Bác Hồ là một việc làm trân quý, nhưng còn ý nghĩa hơn khi ông chia sẻ và mang những tư liệu quý có được để tặng lại nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam, trong đó có Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết: “Những tài liệu mà bác Quyên sưu tầm trong rất nhiều năm và tặng lại trung tâm là những tài liệu rất quý, nhiều tài liệu gốc, các tài liệu đã được chứng thực. Khối tài liệu đó sẽ được sử dụng cho thế hệ sau, đặc biệt là trong quá trình trung tâm thực hiện một số công việc liên quan đến phát huy giá trị tài liệu như các cuộc trưng bày triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Dù tuổi đã cao, nhưng công cuộc sưu tầm và dành tặng hiện vật, tư liệu về Bác Hồ kính yêu của ông Quyên vẫn không dừng lại. Được sự ủng hộ của bạn bè trong nước và quốc tế, đặc biệt là người bạn đời của ông, đó là nguồn cổ vũ để ông tiếp tục hành trình đáng quý này. Đây cũng là niềm vui để vợ chồng ông sống trọn vẹn cuộc đời theo lý tưởng của Bác Hồ kính yêu.
( C. H sưu tầm)