Tiếng trống thầy Phong
Thành thông lệ cứ vào 7 giờ 30 tối hằng ngày, sau khi nghe tiếng trống vang lên, các gia đình ở trong thôn 4 (trước kia là thôn 7 cũ) đều giục con cháu vào bàn học tập, họ gọi là tiếng trống thầy Phong. Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Hữu Phong, một hội viên Hội Cựu chiến binh - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Hương Ngải (Thạch Thất-Hà Nội), ông rất trách nhiệm và tâm đắc với phong trào học tập của quê hương.
Tháng 12 năm 1970, đang là giáo viên trường cấp II (bây giờ gọi là Trung học cơ sở) xã Hương Ngải, ông Phong xung phong lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc. Trong đội hình chiến đấu của đại đội 4 Tiểu đoàn 18 Trung đoàn 18 Sư đoàn 325b, ông cùng với đồng đội vượt dãy Trường Sơn tham gia nhiều trận chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ suốt 6 năm; đến tháng 7 năm 1976 ông được chuyển ngành về về tiếp tục dạy học ở trường cấp II Thạch Xá, Canh Nậu (Thạch Thất) cho đến năm 1991 ông được nghỉ hưu.Về hưu rồi nhưng ông vẫn hăng say, tích cực công tác ở địa phương, tiếp tục cống hiến cho quê hương, thôn xóm.
Trải qua nhiều vị trí công tác như Phó Chủ tịch UB MTTQ xã, phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức rồi Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, với bản chất người lính, ông rất nhiệt tình với công việc, ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, hằng năm đều được huyện và xã khen thưởng. Hương Ngải quê ông là miền quê hiếu học, xưa được mệnh danh là làng khoa bảng nổi tiếng xứ Đoài. Để phát huy truyền thống quê hương và xây dựng xã hội học tập trên quê hương, với chất lính, tình yêu nghề dạy học trong người ông, ngày đêm thôi thúc, nhiều đêm trăn trở, mình phải làm một việc gì để tiếp tục giúp đỡ việc học hành cho con cháu. Thế là ông đã bàn với đồng chí Vương Quốc Duyên- hội viên Hội CCB, Hội truyền thống Trường Sơn xã - Bí thư chi bộ một kế hoạch giúp đỡ các cháu trong thôn học tập tốt hơn, ông đã đến các gia đình trong thôn phổ biến phương pháp giúp các cháu tích cực học tập hơn bằng cách hằng ngày cứ vào đúng 7 giờ 30 tối ông và ông Duyên sẽ nổi một hồi trống báo hiệu cho các cháu học sinh ngồi vào bàn học tập, cha mẹ các cháu phối hợp bằng cách tắt TV và đôn đốc các cháu học bài. Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó khăn và phức tạp của công việc này, lúc đầu không phải gia đình nào cũng ủng hộ ngay, các cháu cũng chưa tự giác làm theo, có người còn dè bửu cho rằng ông rỗi hơi. Nhưng vừa kiên trì tuyên truyền, thuyết phục từng gia đình, từng cha mẹ rồi đến các cháu vừa bằng việc làm cụ thể, hàng tối, dù bận công việc đến đâu thì ông vẫn cùng với ông Duyên ra nhà Văn hóa thôn để đánh trống cho các cháu học buổi tối, dần dần mọi người nghe ra, một số gia đình thực hiện tốt đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng thôn dân cư, sau một thời gian thực hiện thì đến nay nhân dân đã đồng tình và đã trở thành nền nếp rồi, cứ đúng giờ các cháu lại tự giác ngồi vào bàn học bài.
Ngoài việc đôn đốc các cháu học buổi tối, với kiến thức sư phạm của mình, ông còn tranh thủ thời gian đến với một số cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn để hướng dẫn học tập, dạy bài cho các cháu. Thôn của ông cũng là thôn đầu tiên trong xã xây dựng được quỹ khuyến học với số tiền gần 20 triệu đồng, kết thúc các năm học thôn đều tổ chức khen thưởng cho các cháu thi đỗ vào các trường Đại học hoặc đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp học, trong đó có sự đóng góp tích cực của ông. Hỏi về suy nghĩ của ông đối với việc làm, ông cười, trả lời ngay:
- Mình đã từng là người lính mà, thấy được sự tiến bộ trong học tập của các cháu là vui rồi và mình tiếp tục làm cho tốt hơn.
Ở thôn của ông số lượng các cháu đạt học sinh giỏi ở mỗi cấp học, tỷ lệ thi đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng của các cháu trong thôn đều tăng so với năm trước, thực sự là điểm sáng về học tập của địa phương.Việc làm rất ý nghĩa của một hội viên Cựu chiến binh như ông Phong đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập được lãnh đạo địa phương và nhân dân trong thôn ghi nhận, đánh giá cao.
Trong ảnh: CCB Nguyễn Hữu Phong
Phí Mạnh Cần