VỪA LÀ GIÁM ĐỐC VỪA LÀ KẾ TOÁN VỪA LÀ CÔNG NHÂN
Đó là cái chức danh mà chúng tôi gắn cho Cựu chiến binh Phạm Hùng Mạnh, hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Tp. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ngồi trong căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi của gia đình ông. Chúng tôi rất thán phục tinh thần lao động không mệt mỏi của ông đã có được cơ ngơi khang trang như hôm nay.
Ông Phạm Hùng Mạnh đang giới thiếu biện pháp nuôi ong mật mùa đông
Ông Phạm Hùng Mạnh sinh năm 1952, ở xóm Toàn Thắng xã Đồng Liên huyện Phú Bình, nay là Thành phố Thái Nguyên. Năm 1973 ông đi bộ đội chống Mỹ cứu nước, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đến năm 1985 ông về phục viên tại quê nhà. Ông là nạn nhân chất độc Da cam và được hưởng chế độ Da cam từ những năm đầu có chế độ cho đến nay. Nói về cuộc sống của ông trong những năm tháng đầu mới phục viên về quê hương ông kể với chúng tôi:
Mới về quê hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ông có 4 người con còn nhỏ. Các cháu đang trong tuổi ăn học, ông đã cùng với vợ ông là bà Phạm Thị Lợi đã tần tảo làm ruộng, trồng sắn lấy lương thực nuôi con nhưng vẫn không đủ ăn. Trước tình cảnh ấy, ông đã tạm mượn chiếc khuyên tai duy nhất là lễ vật ngày cưới của bà đem bán để mua một máy cole bơm nước. Từ đó cánh đồng do nhà ông canh tác mới có nước tưới và có thu nhập cao. Ông dùng máy này bơm nước giúp bà con trong xóm có nước để tham gia sản xuất lúa. Nên đời sống của bà con nông dân trong xóm cũng bớt khó khăn. Tuy nhiên ông vốn có ít kiến thức về cơ khí, vì ông là công nhân cơ khí trong đơn vị lái xe năm xưa, nên ông không quản khó khăn đi về các vùng đào đãi vàng ở Ma Nu (Bắc Kạn), Thần xa (Võ Nhai), Cao Bằng để sửa chữa máy bơm nước khai thác vàng cho các vùng để lấy tiến công trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên công việc ấy vất vả mà cuộc sống không ổn định. Vốn dĩ là cán bộ lái xe trong quân đội, ông về quê mua một xe công nông đầu ngang, suốt ngày vận chuyển hàng hóa phục vụ cho nhân dân trong vùng, tuy vậy cũng không có thu nhập được là bao.
Mãi sau này khi kinh tế thay đổi, kinh tế thị trường phát triển, ông Mạnh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất. Với diện tích đất đai hiện có của gia đình. Ông đã đầu tư sản xuất một mẫu lúa, mỗi năm thu nhập hàng tấn thóc nhưng cũng chỉ đủ ăn, còn tích lũy để làm giầu thì chưa có. Trên đất vườn hiện có ông đã cùng với gia đình quy hoạch trông hàng trăm cây vải, cây thanh long nhưng cũng chưa tạo nên sản phẩm hàng hóa nhiều. Hiện nay mỗi loại cây ăn quả, ông chỉ để lại khoảng 50 cây mỗi loại để cho các cháu trong gia đình cải thiện. Trong chăn nuôi gia đình ông đầu tư chăn hàng trăm con lợn, Nuôi nhiều bò. Đặc biệt để phát triển đã dạng kinh tế ông còn nuôi 50 thùng ong mỗi năm thu được khoảng 300 lít mật ong, hiện nay ông bán 150.000 đồng/ lít. Điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm ở ông là ông xây dựng một xưởng sản xuất gạch xi măng. Ông mua 2 ô tô vận chuyển gạch bản thân ông và con trai ông lái. Hàng ngày ông vận chuyển nguyên liệu về thuê công nhân đóng gạch và vận chuyển gạch đi bán. Bình quân mỗi năm xuất xưởng 50 vạn viên gạch. Bằng vốn kiến thức về cơ khí, ông đã mày mò và phát huy sáng kiến, ông chế tạo ra máy nén gạch, mỗi lần nén ép được 10 viên, máy tời nguyên liệu đổ vào máy trộn, giúp cho công nhân làm việc rất nhàn, không phải bưng bê trộn vật liệu mệt mỏi nữa. Ông trả cho 4 công nhân làm gạch cho ông 450.000 đồng/ ngày/ mỗi người. Với số lượng gạch ông sản xuất ra bán 20 triệu đồng/ một vạn viên, được nhân dân trong vùng dùng gạch của ông rất thuận lợi và có uy tín.
Khi chúng tôi hỏi về hạch toán kinh tế ông cười nói: Tôi vừa là giám đốc điều hành, vừa là kế toán trưởng, vừa là công nhân, vừa là lái xe đi giao hàng hóa. Nên trừ mọi chi phí mỗi năm gia đình tôi cũng có lãi và tích lũy được khoảng 200 triệu đồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Phạm Hùng Mạnh là chi hội trưởng Hội Truyền thống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh xã Đồng Liên. Ông đã giúp đỡ hàng chục Cựu chiến binh và nhân dân trong khu vực vật liệu, kinh phí làm nhà. Hỗ trợ con giống và kỹ thuật nuôi ong, nuôi bò, nuôi lợn và nhiều việc khác. Hôm chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Hùng Mạnh , Ông Nguyễn Chiến Thắng chủ tịch Hội CCB truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh TP Thái Nguyên cùng các đồng chí lãnh đạo Hội đến thăm động viên gia đình ông. Ai cũng công nhận gia đình ông là một gia đình từ nghèo khó vươn lên làm giầu bền vững. Rất đáng để cho các hội viên khác học tập.
Bài và ảnh: Lưu Sỹ Mùi
(Hội NNCĐ Da cam Thái Nguyên)