Những người lính Blu trắng ở Quân y viện 175
Ngày đăng:
10:49 19/10/2020
Lượt xem:
757
NHỮNG NGƯỜI LÍNH ÁO TRẮNG Ở QUÂN Y VIỆN 175
Ghi chép của Phạm Tiến Đặng.
Gần đây bệnh tiểu đường của tôi nặng lên, nên tôi ít viết cho tờ điện tử của Hội. Nhưng hôm nay khi mục sở thị những lời nói, việc làm của các bác sỹ, điều dưỡng viên Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc Phòng đã thôi thúc tôi không thể không cầm bút để viết về những dòng về những người lính mặc Blu trắng ấy !
Sáng Chủ nhật, tôi vào Bệnh viện thăm một người đồng đội ngày xưa bị thương ở chân. Nay vết thương của anh ngày nào ở chiến trường lại tái phát xưng tấy, đau nhức không chịu nổi. Anh mới vào nằm viện có ba ngày. Khi tôi tới thăm, nét mặt anh tươi rói hẳn lên, khác xa khi hai tháng trước chúng tôi gặp nhau. Gương mặt anh lúc nào cũng nhăn nhó, đau đớn đến cùng cực. Bởi vết thương ở chân anh dở chứng…
Chúng tôi cùng nhau hàn huyên nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Cái ngày...cơm nắm, ngủ hầm, vắt rừng, muỗi đốt...Nhắc và kể cho nhau nghe về những người đồng đội cùng Sư đoàn 471 ai mất, ai còn...Bất chợt tôi hỏi thẳng anh:
-Bộ bữa trước gặp nhau, nhìn cái mặt nhăn nhó, khó chịu như khỉ ăn ớt ấy của ông, khiến tôi nghĩ hình như mình đến thăm đồng đội không đúng lúc. Tôi chỉ muốn đứng dậy ra về. Thế mà hôm nay gặp nhau, ông lại cười nói rổn rảng quá vậy?
Anh bảo :
-Ông đâu có bị cái vết thương nó tái phát hành hạ khổ sở như tôi mà hiểu. Bữa đó tôi đau quá. Chả hiểu sao vết thương ngày xưa nó làm mủ trở lại. Chỉ vì khi đóng đinh, tôi sơ ý để chiếc búa rơi vào chỗ vết mổ. Tưởng xây sát nhẹ chỉ lấy cồn bôi qua. Ai dè ít bữa sau nó nhiễm trùng. Mấy đứa nhỏ đi mua thuốc kháng sinh cho tôi uống, tưởng khỏi. Ai dè nó cứ loang dần ra xưng tấy rồi làm mủ. Tuổi cổ lai hy của tụi mình giờ sức đề kháng quá yếu. Chẳng bù cái thời ở Trường Sơn sứt hẳn miếng da chân, da tay khỏi cần thuốc. Chỉ cần quyệt chút bùn bên đường đắp vào cũng khỏi.
Rồi anh ngừng lại, nói nhỏ:
-Ông thấy cái bản mặt tôi bữa nay tươi rói hả? Nói rồi, anh đưa mắt nhìn về phía bác sỹ đang thăm khám cho một bệnh nhân ở giường cuối dãy phòng, giải thích:
-Các bác sỹ, điều dưỡng viên ở đây tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng tay nghề thì rất giỏi. Hơn nữa về đạo đức nghề nghiệp thì khỏi cần bàn. Tôi và người thân cũng đã từng nằm ở một vài bệnh viện. Mình cho ít tiền bồi dưỡng là bác sỹ, điều dưỡng nhận liền. Có chỗ họ còn gợi ý bồi dưỡng thẳng thừng. Nhưng ở viện Quân y 175 này, thấy họ chăm sóc tận tình, chu đáo cho bệnh nhân như tình mẫu tử, người thân trong gia đình, tôi và một số bệnh nhân khác cũng đã từng đưa chút tiền để họ bồi dưỡng. Nhưng dù có nói, có đưa bằng cách nào họ cũng khéo léo từ chối, cảm ơn và nói với tụi tôi:
-Các chú, bác, anh, chị bị bệnh phải vào đây nằm là khổ sở lắm rồi. Hãy để tiền đó lại mua thêm đồ ăn, thuốc men bồi bổ cho nhanh lành bệnh về với gia đình là các cháu vui mừng lắm rồi!
Lời nói, việc làm, những ca trực, ca mổ thức trắng đêm của các thầy thuốc Quân y hôm nay so với những người thầy thuốc Quân y ngày xưa thật đáng trân quý và cảm động vô cùng. Nếu có khác, chỉ khác những ca mổ ngày xưa ở trong rừng, dưới căn hầm nửa chìm, nửa nổi và dụng cụ y khoa phẫu thuật... thời đó còn nhiều hạn chế mà thôi.
Nghe anh bạn tôi nói vậy, tôi liền bước đến bên giường bệnh mà vị bác sỹ đang thăm khám cho bệnh nhân. Bác sỹ vừa khám xong, đang hỏi han bệnh nhân ăn uống, ngủ, nghỉ được không?
Sau khi lắng nghe bệnh nhân chia xẻ, với giọng nhẹ nhàng bác sỹ ân cần trao đổi:
-Việc ăn, uống, tiêu hóa thế là tạm ổn. Anh nên ăn thêm trái cây để bổ xung thêm dưỡng chất Vitamin. Còn khó ngủ thì anh có thể nhắm mắt lại, thả hết mọi lo lắng suy tư và nhẩm đếm, cơn ngủ sẽ ập đến. Hoặc anh có thể bấm vào một số huyệt đạo này nó sẽ giúp anh dễ ngủ. Nói rồi vị bác sỹ làm mẫu chỉ dẫn cụ thể cho bệnh nhân bấm vào năm huyệt đạo trên mặt và trên đầu...
Tuy đã mục sở thị, nhưng trong đầu tôi chợt hiện về những tin tức thời sự mới đây được các cơ quan truyền thông đưa tin về một số vị "lương y" có học hàm, học vị, giữ những chức vụ trọng trách ở một vài bệnh viện lớn và ở cơ quan trong phòng chống dịch bệnh vừa qua nâng khống giá thiết bị y tế. Rồi chuyện đòi hỏi bệnh nhân phải có quà lót tay mỗi khi nhập viện vv...
Thế rồi… “ngứa nghề” của một cộng tác viên, tôi quyết định làm một chuyến "vi hành" qua khoa bệnh nhân là dân thường để tìm hiểu sự thật…
Qua mấy dãy phòng, tấm bảng đề: “Khoa chi dưới, phòng hậu phẫu 2. Lầu 4” đập vào mắt tôi.
Tôi đang định tìm cách tiếp cận bác sỹ Dũng khi anh vừa bước ra cửa phòng bệnh, thì đã thấy cô người nhà một bệnh nhân đứng ở hành lang chờ sẵn đưa cho anh chiếc phong bì. Mặc cho người phụ nữ đó năn nỉ anh thế nào, Dũng cũng khéo léo từ chối không nhận. Tôi đứng chờ cô điều dưỡng viên Đinh Thị Thanh Hiếu. Tiêm, rửa vết thương, cấp thuốc cho bệnh nhân xong bước ra. Tôi liền tiến tới, với vai là người nhà bà cụ già trên 80 tuổi. Vừa nói lời cảm ơn vừa đưa cô hai tờ 500 ngàn. Mặc cho tôi năn nỉ, nói khéo thế nào...Thanh Hiếu cũng dứt khoát không nhận. Cô chỉ xin nhận ở người bệnh và người nhà bệnh nhân:
Sự chia xẻ cảm thông bằng cách - gắng uống thuốc đúng giờ, ăn, ngủ nghỉ theo đúng hướng dẫn của bác sỹ là các cô vui rồi. Cô xin phép tôi để tới phòng bên tiếp tục làm tròn bổn phận - nơi các bệnh nhân đang chờ cô đến thay băng, cấp thuốc.
Tôi đứng lặng dõi theo bóng người phụ nữ quân y trong bộ y phục blu trắng khuất dần sau cánh cửa phòng bệnh.
Trong đầu tôi xốn xang tự hỏi: Tại sao có những con người lương cao, bổng lộc dồi dào, nhà lầu, xe hơi...mà lòng tham vơ vét của cải đất nước, tiền bạc nhân dân vẫn không ngừng lại? Trong khi đó còn nhiều người có mức thu nhập tằn tiện chỉ đủ trang trải, chi tiêu cho cuộc sống, họ vẫn vui vẻ, tự giác, chăm chỉ làm việc? Xã hội chúng ta còn biết bao những con người có tấm lòng sáng trong không vướng bụi đời!
Phải chăng có sự đối nghịch hoàn toàn trái ngược nhau giữa nhiều con người là kết quả của sự dậy dỗ trong gia đình, nhà trường, xã hội, và sự tu dưỡng, rèn luyện bản thân của mỗi con người…Vừa suy tư vừa bước đi, tôi đã về tới phòng anh bạn nằm điều trị...
Về lại phòng ông bạn. Tôi còn được biết thêm: Trong hai đợt dịch COVIT 19 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều ca nhiễm phải nhập viện điều trị, cách ly. Ngay đường phố lớn Nguyễn Kiệm, trước cổng chính và những phố nhỏ, đường hẻm bên hông, sau lưng Bệnh viện 175, con COVIT 19 quái ác vẫn luôn rình rập. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ là nó xâm nhập, tấn công ngay vào các khoa, phòng trong Viện. Nhưng có lẽ nhờ kinh nghiệm thời chiến tranh mà đội ngũ bác sỹ Quân y của chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm phòng chống và điều trị dịch bệnh của đội ngũ y, bác sỹ, nên khi đã bước chân vào qua cánh cổng Bệnh viện 175, bệnh nhân cũng như người nhà đều có chung cảm nhận đang ở một nơi yên ấm, thanh bình…
Ngoài tinh thần và trách nhiệm chăm sóc hết mình vì bệnh nhân ở bệnh viện, lãnh đạo bệnh Viện còn thành lập và cử các đoàn y, bác sỹ, điều dưỡng viên đi làm công tác thiện nguyện thăm khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các đơn vị đóng quân ở xa nơi biên cương, hải đảo và các cựu chiến binh, bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa nhiều vùng của Tổ quốc. Không những thế Bệnh viện còn lựa chọn một số bác sỹ, điều dưỡng viên giỏi tham gia Bệnh viện dã chiến của Quân y Việt Nam làm nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc tại một số nước châu Phi. Những chiến sĩ Blu trắng của Viện 175 đã để lại trong lòng quân và dân những nước sở tại cũng như bạn bè Quốc tế biết bao ấn tượng tốt đẹp về người chiến sỹ Quân y QĐND Việt Nam...
(Những hình ảnh Ghi nhanh tại Quân y viện 175, Bộ Quốc phòng)
Một điều dưỡng viên đang làm việc tại buồng bệnh.
Bác sĩ Dũng đang trong phòng khám bệnh.
Các nhân viên vệ sinh của Viện.
Người bệnh chờ khám bệnh.
tin tức liên quan