Một chân làm nên cơ nghiệp

Ngày đăng: 07:00 25/05/2021 Lượt xem: 438
Một chân làm nên cơ nghiệp
                                                                                                  
         Chuyến lên vùng biên giới năm 1979, tình cờ tôi được gặp những người đồng hương đang làm nhiệm vụ, trong đó có một anh lính trẻ quê Chi Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ).
          Trong trận chiến đấu với quân bành trướng anh bị thương nặng phải cưa mất một chân, được đưa về tuyến sau điều trị, đó là: Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1955, lên đường nhập ngũ 1978, chia tay người vợ trẻ và đứa con trai chưa đầy một tuổi. Trong hoàn cảnh gia đình khi ấy vô cùng khó khăn, với tinh thần vì nước vì dân, không quên nhiệm vụ của một đoàn viên thanh niên nơi biên giới của Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh chiến đấu đánh trả quân xâm lược, giữ vững vùng biên cương hiểm trở, quyết chiến không tiếc máu xương.
          Trải qua hơn 4 năm quân ngũ, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, anh được xếp loại thương binh 3/4.
        Sau hơn 40 năm, tình cờ gặp anh trong hội nghị "Những gia đình nông dân làm kinh tế giỏi, CCB gương mẫu" của huyện Đoan Hùng tổ chức, được mọi người trong thôn xóm, khu dân cư hết lời khen ngợi anh thương binh vượt khó nơi đồi rừng xứ đất "bưởi quý" Đoan Hùng.
            Đến thăm gia đình CCB Nguyễn Văn Minh, chúng tôi được ngắm ngôi nhà tự tay đóng gạch rồi tự xây nên, nhà cấp bốn, 4 gian rộng rãi thoáng mát là công sức những tháng năm vật lộn nắng mưa, cặm cụi vừa đóng từng viên gạch, vừa thiết kế để nay có ngôi nhà khang trang, ai cũng phải trầm trồ thán phục, một đức tính kiên trì, ý trí vươn lên thoát nghèo làm nên cơ nghiệp “với một chân", từ công việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, cấy lúa trồng ngô, những khoản thu nhập từ VAC R chẳng những đủ cho chi dùng mà còn tích lũy sắm đủ tiện nghi loại đáng giá, giờ đây tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cùng vợ con tham gia lao động công việc gia đình. Anh đưa chúng tôi đến thăm mô hình VAC R, được nhìn những đàn lợn nái, lợn thịt rất to, những đàn gà hàng trăm con, đàn trâu bò hàng chục con... đang chờ chủ nhân cho ăn, cùng đàn gà nhẩy ổ, chó sủa, gà vịt kêu náo động một khu.
            Nghe anh Minh kể về sự chắt chiu, tôi liên tưởng đến những đàn ong mật đang nuôi, nghĩ đến sự cần mẫn gom nhặt hương hoa làm nên mật ngọt cho đời và những gì đã tích lũy qua "câu chuyện đêm khuya" của vợ chồng, 3 đứa con làm nên những thành quả ban đầu, giờ đây các con anh đã thành đạt, cháu đầu với tay nghề khoa học kỹ thuật đã làm chủ một cửa hàng điện tử điện lạnh, cháu thứ 2 đại học ở vùng xứ Phủ Đoan, và điều quan trọng hơn vợ chồng anh đã vun đắp, đầu tư gây dựng cơ ngơi cho các con, cháu nơi đây miền quê nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, làm ăn phát đạt, con cái thuận hòa. Sau hơn 40 năm gặp lại thương bình Nguyễn Văn Minh đơn vị F344 tham gia chiến đấu và xây dựng vùng biên giới nay có những mô hình kinh tế thật tuyệt vời, không ai nghĩ vợ chồng họ đã một thời khó khăn vất vả, cảnh đi một chân ở đồi rừng, lăn lộn kiếm sống hằng "làm nên cơ nghiệp" đang tỏa sáng truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong cuộc sống hôm nay và cả tình sâu nghĩa nặng của người lính năm xưa vươn lên từ chiến tranh, một quãng thời gian với biết bao kỷ niệm đẹp không bao giờ phải mờ./.

 
Hải Đường
(Phú Thọ)

tin tức liên quan